BH voi ban nghe si

Bác Hồ với Nghệ sĩ diễn viên Đoàn Tổng cục Chính trị

          Trong tiết trời thu Hà Nội, tháng 9 lịch sử với bao hồi ức hào hùng của dân tộc. Những ngày này tất thảy những người con đất Việt lại bâng khuâng nhớ về Bác Hồ với một tấm lòng thành kính. Nhớ về Người là nhớ về những tháng năm Người gắn bó với dân tộc Việt Nam đi qua những năm tháng gian khó nhất của chiến tranh. Và hơn hết là tấm lòng yêu nước, thương dân của Người không núi cao nào có thể đo được, không biển sâu nào có thể thấu hết. Một nhân cách sáng ngời mang tên Hồ Chí Minh đã đi vào biết bao nhiêu áng thi ca nhạc họa để đời đời con cháu Việt Nam nhớ mãi tên Người - Hồ Chí Minh.

          Được công tác tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn ai hết tôi tự hào vì được cống hiện một phần nhỏ bé của mình trong công việc giữ yên giấc ngủ ngàn thu của Bác. Ngày ngày được làm việc ở Lăng, tôi được tiếp xúc với biết bao câu chuyện hay, những câu nói ý nghĩa về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện, tọa đàm xung quanh những câu chuyện đẹp về nhân cách sống cao cả của Bác Hồ. Và tất cả những cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ đang công tác tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nêu cao tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

          Ngày ngày, từng những dòng người nối dài như vô tận vào Lăng viếng Bác, gương mặt của ai cũng đầy háo hức, ngóng mong, họ đến để nhận ở đó một niềm tin, một phẩm giá trong sáng của người chiến sỹ cách mạng lỗi lạc. Được chứng kiến những điều đó, bỗng dưng tôi lại nhớ đến những câu chuyện kể về Người, về tình yêu của Người dành cho những khúc hát dân ca. Người sinh ra và lớn lên ở quê hương xứ Nghệ, nơi có những câu hò, điệu ví mượt mà đằm thắm đi vào lòng người. Phải chăng những câu hò điệu ví đó đã nuôi dưỡng tâm hồn của Người từ một người thanh niên với hoài bão lớn lao cho đến một anh hùng giải phóng dân tộc. Vậy nên cũng không khó để hiểu tại sao Bác lại dành một tình cảm đặc biệt cho những câu hát dân ca.

          Vào buổi sáng ngày 02/9/1969, đây là buổi sáng cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác. Bởi sau 9 giờ sáng hôm ấy Người thực sự bước vào “cuộc trường chinh nhẹ cánh bay”, để lại cho nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới một niềm đau thương, mất mát không thể nào diễn tả nổi bằng mọi ngôn từ. 

          Không gian của câu truyện cũng chỉ thu nhỏ trong căn nhà A67. Căn phòng này cách ngôi Nhà sàn của Bác chỉ vài chục bước chân. Trước đó, theo lời đề nghị của bác sỹ, để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc sức khoẻ của Người, ngày 18/8/1969, các đồng chí trong Bộ Chính trị và những đồng chí phục vụ Bác đã chuyển Bác xuống ở căn phòng này. 

          Sau gần 20 ngày chống chọi với bệnh tật, Bác đã yếu lắm. Nhưng hễ tỉnh lại là ngay lập tức, Người hỏi thăm tình hình chiến đấu ở miền Nam, tình hình lũ lụt ở miền Bắc. Người còn dặn các đồng chí trong Bộ Chính trị phải làm sao tổ chức ngày Lễ Quốc khánh thật long trọng để nhân dân vui, phải bắn pháo hoa cho nhân dân phấn khởi. Trong những giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, đối diện với quy luật nghiệt ngã của sự tồn vong Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước mà “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Nằm trên giường bệnh, sáng 02/9, lúc này Người đã rất mệt, mong muốn cuối cùng của Người là được gặp và thăm đồng bào miền Nam không thực hiện được, hơi thở của người mỗi lúc một yếu dần. Các đồng chí trong Bộ Chính trị và các bác sỹ không ai nỡ rời xa Người dù chỉ là một phút. Lần đầu tiên tỉnh lại sau cơn đau, Người nhìn xung quanh rồi hỏi: “Trong các chú có ai biết hò Huế không”? 

          Mọi người lúng túng nhìn nhau, quả là một tình huống không ai chuẩn bị trước. Thường ngày, Người vẫn thường nói “miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”, thêm vào đó Huế vốn là mảnh đất gắn bó cùng Người suốt một thời gian dài tuổi thơ. Giờ đây, trong những phút cuối cùng, có lẽ Người mong muốn mang hình ảnh miền Nam yêu thương, hình ảnh núi Ngự, sông Hương với những kỷ niệm buồn đau theo mình vào cõi vĩnh hằng. Nỗi niềm ấy của người dường như ai cũng thấu hiểu, nhưng tìm nghệ sỹ hò Huế lúc này thật khó. 

          Lần thứ hai tỉnh lại, Người lại hỏi. Lúc này giọng người đã yếu hơn nhiều: “Trong các chú, ai có thể hát cho Bác nghe một làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh được không”? 

          Thêm một lần nữa sự im lặng và bối rối bao trùm căn phòng. Câu ví dặm, câu hát dân ca xứ Nghệ đã bao bọc và nuôi dưỡng tâm hồn Người từ thủa lọt lòng. Người lớn lên và đi ra thế giới từ chiếc nôi văn hoá quê hương mặn mòi tình nghĩa ấy. Trước giây phút sắp biệt ly, Người khao khát được nghe, được sống trong hơi ấm quê hương. 

          Lần thứ ba tỉnh lại, Người ngỏ ý muốn nghe một khúc dân ca quan họ Bắc Ninh, lần này thật may mắn khi cô y tá bé nhỏ Ngô Thị Oanh tiến lại gần Bác: “Thưa Bác, cháu xin hát cho Bác nghe ạ”. Với chất giọng trong trẻo của người con gái Vĩnh Phúc, chị cất lời hát “Người ở đừng về”... Căn phòng nhỏ chìm trong tiếng hát. Tiếng hát hay tiếng lòng! Không ai phân biệt được. Chỉ biết rằng lời quan họ sâu lắng, tha thiết quá. “Người ơi, người ở đừng về. Mà người ơi, người ở đừng về” đã nói hộ lòng người. Cô y tá càng hát càng ngẹn ngào, những người xung quanh không ai cầm được nước mắt. Và cái giờ không ai mong đợi đấy cũng đã đến, 9 giờ 47 phút ngày 02/9/1969, trái tim vĩ đại của Bác Hồ đã ngừng đập, để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào cả nước. Sinh ra và lớn lên từ trong câu hát dân ca, từ điệu ví dặm ầu ơ ngọt ngào đằm thắm của mẹ, cuối cùng Người thanh thản nhẹ nhàng bước vào cõi vĩnh hằng bằng âm hưởng tiếng hát dân ca.

          Qua câu truyện giản dị mà sâu sắc như biết bao câu truyện kể về Người, từ những tình tiết của câu truyện ta nhận thấy ở Người một tình yêu lớn bao la và đặc biệt. Người không chỉ yêu cuộc sống, yêu con người, không những chẳng làm đau một chiếc lá trên cành, thích sống hoà đồng với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá mà Người còn yêu biết mấy những khúc hát dân ca. Người thèm nghe một câu hò Huế, một làn điệu ví dặm hay một khúc quan họ đâu phải chỉ là nghe hát mà chính là để mang cả hình ảnh quê hương xứ sở, hình ảnh miền Nam yêu thương vào cõi vĩnh hằng. Cả cuộc đời người sống cho nhân dân, cho dân tộc, không gợn chút riêng tư, hành trang mà Người mang theo về thế giới người hiền chỉ là ước nguyện bình dị: Mang theo âm hưởng câu hát dân ca vào cõi vĩnh hằng. Người đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc, thấm thía rằng muốn yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những câu hát dân ca. Bởi khúc dân ca là linh hồn, là nơi lắng đọng tình yêu, tinh hoa, bản sắc văn hoá dân tộc, nó là nguồn sữa tinh thần bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn con người. Trước lúc đi xa Người muốn thế hệ sau hãy yêu những câu hát dân ca, hãy trân trọng và giữ gìn nền văn hoá của dân tộc.

          Từ những câu chuyện rất đời kể về Người, tôi lại càng mến yêu hơn một nhân cách lớn như Hồ Chí Minh. Chính điều này đã tiếp thêm động lực để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi vì đó hơn là một công việc, đó còn là một tình yêu vô bờ bến đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tất cả cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tích Hồ Chí Minh đang hoàn thiện bản thân mình từng ngày để xứng đáng với công việc thiêng liêng, cao cả là giữ yên giấc ngủ của Người./.

Trần Thị Ngân

Bài viết khác: