Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên Quảng trường Ba Đình, trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước. Đây là công trình kiến trúc mang tầm vóc thời đại, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Toàn cảnh xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, việc xây dựng Lăng đã trở thành niềm mong mỏi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đồng bào và chiến sĩ cả nước đều mong muốn có một nơi an nghỉ vĩnh hằng của Bác để thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau có điều kiện tới viếng Người và nguyện đi tiếp theo con đường mà Đảng, Bác đã lựa chọn. Bầu bạn khắp nơi mỗi khi tới Việt Nam cũng có dịp được vào Lăng chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của phong trào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Trong phiên họp sáng ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người...”. Bộ Chính trị còn quyết định: “Xúc tiến ký Hiệp định với Liên Xô về việc Liên Xô giúp ta giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người”.
Từ ngày 09 đến ngày 23 tháng 1 năm 1970, Chính phủ Liên Xô đã cử một đoàn cán bộ sang Việt Nam bàn bạc về thiết kế Lăng Bác. Đoàn gồm 7 đồng chí do đồng chí Ka-du-kốp, đại diện Ủy ban liên lạc kinh tế với nước ngoài thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô làm Trưởng đoàn. Thành viên là đại diện của Viện Nghiên cứu thiết kế Cục tổ chức xây dựng Mát-xcơ-va, Viện Kỹ thuật vệ sinh, Viện Kỹ thuật chế tạo máy lạnh, v.v... Tại buổi làm việc, Đoàn ta đã thông báo cho bạn quyết định của Bộ Chính trị Đảng ta về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Các chuyên gia Liên Xô thông báo quyết định của Chính phủ Liên Xô giúp đỡ về mặt kỹ thuật trong việc thiết kế, xây dựng và trang bị cho Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía bạn còn cho biết Hiệp định giữa hai Chính phủ về việc Liên Xô giúp Việt Nam trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được ký kết tại Mát-xcơ-va như đã thỏa thuận giữa hai nước.
Ngài K.V.Vnukov - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Bang Nga tại Việt Nam trao tài liệu
về việc trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam những năm 1970 -1971 trong việc xây dựng
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong quá trình hội đàm, các chuyên gia Liên Xô đã tìm hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ những bản phác họa và các mô hình Lăng, từng vấn đề trong bản dự thảo “nhiệm vụ thiết kế” do phía Việt Nam chuẩn bị. Những kinh nghiệm thực tiễn phong phú qua những lần nhân dân Liên Xô xây dựng và tôn tạo Lăng Lê-nin được các đồng chí chuyên gia chân tình trao đổi với cán bộ của ta, làm cơ sở để hoàn chỉnh bản thiết kế Lăng Bác.
Chỉ trong một thời gian ngắn, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã soạn thảo xong bản dự thảo “nhiệm vụ thiết kế” Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 19 tháng 10 năm 1970, bản dự thảo “nhiệm vụ thiết kế” đã được thông qua tại phiên họp Bộ Chính trị, đánh dấu một cột mốc lịch sử đầu tiên của thời kỳ chuẩn bị thiết kế Lăng.
Ngày 09 tháng 02 năm 1971, tại Mát-xcơ-va “Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết về việc Liên Xô giúp đỡ kỹ thuật cho Việt Nam trong việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người” đã được đại diện hai Chính phủ là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Nô-vi-cốp ký kết.
Thực hiện Hiệp định ký kết giữa hai Chính phủ, các chuyên gia Liên Xô đã trải qua một quá trình lao động công phu, bền bỉ, đầy trách nhiệm để cho ra đời “Bản thiết kế sơ bộ và bản thiết kế kỹ thuật Công trình Lăng”. Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã dành cho công việc này những trí tuệ tài năng, tinh túy của đất nước mình, đã cử các cán bộ đầu ngành, những chuyên gia đầy tài năng, như đồng chí I-xa-cô-vích Ga-rôn – một kiến trúc sư nổi tiếng đã từng nhận giải thưởng Quốc gia – phụ trách kiến trúc sư trưởng đồ án. Hoặc như Tổng Công ty xây dựng thuộc Xô-viết Mát-xcơ-va phụ trách tổ chức thi công phần xây dựng và sẽ cử chuyên gia xây lắp sang giúp đỡ ta. Hay như một viện chuyên ngành có uy tín đảm nhận phần thiết kế hệ thống chữa cháy, ngành du hành vũ trụ thiết kế và chế tạo thiết bị đặc biệt quan tài kính, v.v...
Tuổi trẻ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giao lưu với các chuyên gia Nga nhân dịp kỷ niệm 92 năm Cách mạng Tháng Mười Nga.
Ngày 31 tháng 12 năm 1971, được Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đồng ý, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã ký quyết định phê chuẩn bản “thiết kế kỹ thuật Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Như vậy, sau hai năm chuẩn bị, trí tuệ của lãnh đạo, tinh thần lao động nghiêm túc và hăng say của tập thể các nhà khoa học – kỹ thuật Việt Nam - Liên Xô cộng với sự đóng góp ý kiến sâu sắc của đông đảo quần chúng, một văn bản kỹ thuật cơ bản của Lăng Bác đã được cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta xác nhận có hiệu lực. Nó mang tính định hướng cho mọi công việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.
Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Pa ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, công tác xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Chính phủ Việt Nam triển khai. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định lấy ngày 02 tháng 9 năm 1973 là ngày khởi công. Ngày 02 tháng 9 năm 1975 là ngày hoàn thành đưa công trình vào hoạt động.
Những ngày trên công trường xây dựng Lăng Bác là những ngày nhộn nhịp và sôi động nhất, khí thế thi đua được thể hiện trên từng gương mặt của công nhân, kỹ sư và các chuyên gia Liên Xô. Nhân dân Liên Xô thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản của Lê-nin vĩ đại, vượt lên mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân ta thực hiện nguyện vọng thiêng liêng: Xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công việc xây dựng Lăng không phải lúc nào cũng thuận tiện, có những lúc công việc bị gián đoạn bởi các nguyên nhân: Thời tiết xấu, thiếu các nguyên vật liệu, trang thiết bị, đặc biệt là những thiết bị quý hiếm mà ta không sản xuất được, v.v... Những lúc ta gặp khó khăn, lại sáng ngời lên sự giúp đỡ vô giá của các bạn Liên Xô. Các bạn Liên Xô coi những trắc trở trong quá trình xây Lăng Bác như mọi trắc trở trong những công việc trọng đại của chính mình.
Sau hai năm khẩn trương thi công, Công trình Lăng Bác đã hoàn thành. Ngày 29 tháng 8 năm 1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Trong lời khai mạc, đồng chí Trường Chinh đã thay mặt Đảng, Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đối với Việt Nam trong việc xây dựng Lăng và biểu dương tinh thần quốc tế vô sản của các chuyên gia Liên Xô đã cùng với nhân dân Việt Nam hoàn thành xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước thời hạn quy định.
Đồng chí Xô-lô-men-xép, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang dự Lễ khánh thành Lăng cũng đã đọc diễn văn ca ngợi tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người và khẳng định: “Toàn thể loài người tiến bộ đều tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng triệu người ở tất cả các nước và khắp năm châu đánh giá cao về Người, vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam bách chiến, bách thắng...”.
Ngày 04 tháng 10 năm 1975, để tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, Chính phủ ta đã tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam cho ba đồng chí chuyên gia tiêu biểu nhất trong xây dựng Lăng Bác. Đó là các đồng chí Đê-bốp, Viện sĩ y học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Lăng Lê-nin; I-xa-cô-vich Ga-rôn, Kiến trúc sư trưởng Công trình Lăng và đồng chí Mét-vê-đê ép, Tổng công trình sư Công trình Lăng. Cùng với đó, Đảng, Chính phủ Việt Nam cũng đã tặng thưởng nhiều tập thể và cá nhân khác của đoàn chuyên gia Huân chương Lao động và Huân chương Hữu nghị...
Gần 50 năm đã trôi qua từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa (2/9/1969) và 42 năm Công trình Lăng chính thức mở cửa (29/8/1975), đã có hàng chục triệu lượt đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần về Lăng viếng Bác, đứng trước Công trình Lăng, trong tâm trạng của mỗi người lại dâng lên niềm xúc động đặc biệt. Sự bề thế, trang nghiêm và vĩnh cửu của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thỏa mãn được ý nguyện của nhân dân và bạn bè quốc tế đối với công lao và sự nghiệp vĩ đại của Bác. Trong đó có sự giúp đỡ rất lớn của Đảng, Chính phủ Liên Xô, thể hiện tình cảm rất đặc biệt của nhân dân Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay) đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là minh chứng đầy thuyết phục cho tình hữu nghị không gì lay chuyển được và sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của hai nước Việt – Nga nhất là trong việc xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới./.
Trần Duy Hưng
* Tư liệu tham khảo:
- Lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB QĐND- Hà Nội, 2003
- Giữ yên giấc ngủ của Người – NXB QĐND – Hà Nội, 2005 (tái bản lần thứ năm).