Đoàn đại biểu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng
Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đoàn cơ sở Trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Bộ Công an
báo công dâng Bác
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội được biết đến là một địa danh lịch sử - văn hóa gắn liền với thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống cho đến khi đã đi xa. Sau khi nước nhà thống nhất, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển về Công trình Lăng - “ngôi nhà vĩnh cửu” của Người, Đá Chông trở thành Khu căn cứ dự phòng cho nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.
Đầu năm 1995 thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII); Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu tổ chức đón tiếp các cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương vào tham quan Khu Di tích K9. Tháng 4 năm 2010, Bộ Chính trị thông qua Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Theo đó, Khu Di tích K9 được giữ gìn, tôn tạo trở thành một di tích có giá trị lớn về lịch sử - văn hóa; nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ người dân Việt Nam.
Để làm tốt nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền tại Khu Di tích K9, Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đăc biệt quan tâm đến xây dựng quy chế, quy trình tham quan, sinh hoạt chính trị, soạn thảo Đề cương đón tiếp tuyên truyền, hoàn thiện hồ sơ khoa học về nhân chứng, sự kiện và hiện vật tại Khu Di tích; lập kế hoạch và là cơ quan chủ quản tập huấn đón tiếp tuyên truyền, cung cấp kinh phí, vật tư, nhân lực, đảm bảo hậu cần; xem xét, tiếp nhận và làm thủ tục tiếp đón các đoàn khách theo phân cấp đúng quy định; chuẩn bị các nội dung ki-osk điện tử phục vụ việc mở rộng tham quan; tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất…góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền tại Khu Di tích K9. Qua thực tiễn nhận thấy, nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền tại Khu Di tích K9 ngày càng phát triển từng bước đáp ứng nhu cầu, tình cảm của đông đảo tầng lớp nhân dân Việt Nam. Chủ trương mở rộng tham quan Khu Di tích, quy trình tham quan được triển khai thực hiện nghiêm; các thủ tục hành chính ngày càng đơn giản hóa. Đội ngũ hướng dẫn viên đồng đều, ngày càng chuyên nghiệp.
Trong 20 năm (1995 - 2015), Khu Di tích K9 đã đón tiếp hơn 40 ngàn đoàn khách, với hơn 1 triệu lượt người, gồm: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, các địa phương và nhiều đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị, nhà trường đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu vực và tổ chức các hình thức sinh hoạt chính trị ngày càng phong phú. Đặc biệt, sau khi Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành đi vào hoạt động 02/9/2015 và triển khai mở rộng tham quan Khu Di tích 19/5/2016, số lượng khách tham quan tăng đột biến lên đến 10.931 đoàn năm 2016 tương đương 298.898 lượt người với 87 đoàn sinh hoạt chính trị.
Nhiều lá thư, bài báo, tư liệu cảm ơn, và nhiều tác phẩm văn, thơ được sáng tác; các hình ảnh, video đã được các đoàn trân trọng lưu giữ, chia sẻ. Nhiều tập thể, cá nhân đã tham gia đóng góp ý kiến, trao tặng hiện vật, cây trồng và phối hợp cùng với đơn vị hàng năm tổ chức "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác" góp phần bảo quản, tôn tạo cảnh quan, môi trường Khu Di tích K9 ngày càng xanh - sạch - đẹp. Mối quan hệ gắn bó giữa Ban Quản lý Lăng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương trong cả nước và các bộ, ngành được giữ vững và phát huy. Những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về Khu Di tích K9 đã vượt qua khoảng cách về địa lý, phạm vi quốc gia, lãnh thổ đến với kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.
Bên cạnh những thành công có được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Do điều kiện chiến tranh, công tác lưu trữ hồ sơ các hiện vật gốc, cây trồng lưu niệm có thời kỳ chưa được chú trọng đúng mức. Một số nội dung trong đề cương và các tài liệu chuyên khảo chưa thống nhất. Quy trình tham quan còn nhiều điểm giao cắt. Lực lượng, cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát huy ý nghĩa chính trị của Khu Di tích còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác đón tiếp tuyên truyền. Một số cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền đã tuyển dụng trước đây cần đào tạo lại, bồi dưỡng thêm một số kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ chế, chính sách đặc thù có điểm chưa phù hợp chưa thu hút được nhiều cán bộ giỏi, có trình độ chuyên sâu, đúng chuyên ngành về đơn vị công tác. Một số cán bộ khi có đủ kinh nghiệm lại luân chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ y tế tại chỗ, an ninh, nghi lễ và đón tiếp tuyên truyền có mặt chưa đồng bộ; chất lượng, số lượng, chủng loại văn hóa phẩm còn hạn chế; chất lượng các loại hình dịch vụ ăn nghỉ, vui chơi giải trí chưa cao, chưa phong phú. Tình trạng phục vụ đón khách ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ bù thường xuyên diễn ra do lịch trình tham quan thường kéo dài hơn ít nhất 45 phút so với giờ chốt kết thúc đăng ký tham quan và việc linh động về thời gian cho các đoàn đặc biệt… Bởi những hạn chế chủ quan và khách quan khác nhau trên, trong một vài thời điểm nhất định, công tác đón tiếp tuyên truyền vẫn bị coi là thiếu chuyên nghiệp.
Trong những năm tới, đồng bào, chiến sĩ, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể trong cả nước, bạn bè quốc tế tiếp tục hướng về và dành những tình cảm đặc biệt cho Khu Di tích K9. Đáp ứng niềm mong mỏi đó, để nâng cao chất lượng đón tiếp tuyên truyền phục vụ yêu cầu mở rộng tham quan Khu Di tích cần thực hiện những giải pháp sau:
Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành ở Trung ương, các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bầu bạn quốc tế đối với mọi hoạt động tại Khu Di tích K9. Thường xuyên bám sát, xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Quốc phòng về các định hướng chiến lược và những vấn đề lớn. Trên cơ sở kế hoạch dài hạn và ngắn hạn, hàng năm, đơn vị chủ động đề nghị các cơ quan Trung ương và Quân đội quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phục vụ các nhiệm vụ tại Khu di tích. Phối hợp với các cấp, các ngành, các lực lượng, các cơ quan thông tấn báo chí, cộng tác viên, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức quần chúng ở Trung ương và địa phương trong quản lý chặt chẽ trang mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, công tác đảm bảo an ninh, phòng chống cháy rừng, bảo tồn, tôn tạo, mở rộng phạm vi địa bàn đón tiếp, tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị của Khu di tích. Duy trì nề nếp chế độ giao ban, thông tin, thông báo tình hình khu vực và bổ sung, hoàn chỉnh quy chế quy định phối hợp hiệp đồng các lực lượng có liên quan.
Hai là, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực hoạt động của các lực lượng có liên quan gắn với việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt là giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực công tác; tâm huyết, tận tụy, gắn bó với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị của công trình Lăng và Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên cần nhận thức sâu sắc về niềm vinh dự tự hào gắn với trách nhiệm được Đảng, Nhà nước, Quân đội tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt; nắm đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung công việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy ý nghĩa lịch sử – văn hoá của Khu di tích; đấu tranh chống các biểu hiện tư tưởng lệch lạc, đơn giản, chủ quan trong công tác đón tiếp, tuyên truyền… Có tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phối hợp với các lực lượng kịp thời phát hiện, nhận rõ và làm thất bại mọi ý đồ đen tối của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt là chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi dụng các hoạt động mê tín dị đoan hòng vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân, chia rẽ Đảng với dân, chia rẽ quân đội với nhân dân.
Khuyến khích, động viên mỗi cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ tích cực, chủ động tự học tập, rèn luyện thực hiện phương châm: Lấy bồi dưỡng tại đơn vị là chính, thông qua thực tiễn, thông qua công việc hàng ngày để tự bồi dưỡng lẫn nhau, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ bồi dưỡng nhân viên, chiến sĩ; động viên những người đi trước truyền thụ kinh nghiệm để dìu dắt các thế hệ tiếp theo. Tích cực giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện về thời gian, bố trí lực lượng hợp lý để mọi người có điều kiện được học tập. Tổ chức mời các chuyên gia hoặc lựa chọn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có phẩm chất, triển vọng gửi đi đào tạo chuyên ngành.
Nghiên cứu đề xuất báo cáo kiện toàn tổ chức lực lượng tại Khu di tích hợp lý theo hướng tinh, gọn, mạnh, đúng tiêu chuẩn trình độ, đúng chuyên ngành, chất lượng cao. Rà soát, chuẩn hóa, tuyển chọn và tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ, các ngoại ngữ trọng điểm như Anh, Pháp, Trung, Nga cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp, nòng cốt làm nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền hướng đến phổ biến cho toàn đơn vị. Chú trọng công tác lựa chọn con người, xây dựng đội ngũ kế cận khi có cán bộ nghỉ hưu hoặc luân chuyển công tác. Xây dựng tổ chức biên chế thống nhất một loại hình thuộc quân đội để dễ quản lý. Duy trì chính sách đãi ngộ đồng lương, nhà ở, chính sách hậu phương gia đình đặc thù phù hợp đảm bảo môi trường, điều kiện, phương tiện làm việc đầy đủ, thuận lợi như nhau để mọi người cống hiến và phát huy. Đề xuất tăng số lượng nhân viên vệ sinh, tăng gia sản xuất chuyên trách để hướng dẫn viên tập trung đón khách, trang bị chuyên môn đầy đủ, kịp thời.
Ba là, tập trung cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức công tác đón tiếp, tuyên truyền. Các nội dung tuyên truyền cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện, thể hiện rõ định hướng tư tưởng phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới: tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị Quyết Trung ương 5 (Khóa XII); nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhiệm vụ giữ gìn, tôn tạo, phát huy ý nghĩa Khu Di tích K9 thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”; giá trị lịch sử - văn hóa của Khu Di tích K9 gắn với văn hóa, đất nước, con người Việt Nam; chủ trương, đường lối chính sách đối ngoại, đối nội của Đảng, Nhà nước ta; tình cảm và những đóng góp về vật chất, tinh thần của nhân dân cả nước, bầu bạn quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh; tình cảm và những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế; nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác; tấm gương tiêu biểu người tốt, việc tốt trong thực hiện nhiệm vụ.
Đồng thời thống nhất nội dung trong triển khai đến từng lực lượng tham gia đón tiếp tuyên truyền. Nội dung nào còn băn khoăn cần được thẩm định lại. Để phục vụ nhiệm vụ thời gian tới cần biên soạn nội dung đề cương giới thiệu bằng nhiều thứ tiếng, phù hợp với nhu cầu, nhiệm vụ của từng đối tượng; kết hợp giữa ngôn ngữ nói với bản đồ, sa bàn, các hiện vật thực tế và nên bố cục theo quy trình tham quan. Ngoài đề cương tuyên truyền chung, nên mở rộng các nội dung như: sưu tầm những chuyện kể về sự quan tâm của Bác Hồ và những lần Bác lên thăm Khu Di tích; những tình cảm của nhân dân địa phương tham gia xây dựng, bảo vệ, giữ gìn Khu Di tích; những câu chuyện vượt khó khăn vất vả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 trong những năm tháng chiến tranh; tình cảm của chuyên gia Liên Xô với Việt Nam, với Bác Hồ và với cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam.
Thực hiện nghiêm quy chế đón tiếp khách hiện hành. Bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, cải tiến hoàn thiện quy định, quy chế đảm bảo an ninh, đón tiếp tuyên truyền nghiêm cách, trang trọng. Các quy định, quy chế nên tỉ mỉ, chuyên môn hóa và phân giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân, chuẩn hóa theo từng đầu việc. Đổi mới hình thức tiếp nhận, tiếp tục cải tiến quy trình tham quan tránh giao cắt tối đa. Xây dựng cơ chế đón tiếp khách ngoài giờ hành chính hoặc tính toán lại thời gian cho phép qua cổng vào tham quan hợp lý. Phối hợp với các khu du lịch, trung tâm điều dưỡng người có công, các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước tạo mô hình kết hợp tham quan học tập và du lịch nghỉ dưỡng, hỗ trợ về thông tin, phương tiện, chỗ ăn nghỉ, thời gian, kinh phí tạo điều kiện thuận lợi chăm sóc tốt các đối tượng chính sách.
Tổ chức tuyên truyền rộng rãi các nội dung trên với các lực lượng trong, ngoài đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân các tổ chức Đảng, đoàn thể, trường học ở địa phương. Hình thức tuyên truyền có thể kết hợp giữa tuyên truyền bằng thuyết minh và trực quan sinh động với những hiện vật, cây trồng, cảnh quan, môi trường thực tế. Kết hợp tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là trang tin điện tử trên hệ thống Internet của Ban Quản lý Lăng, ấn phẩm, tài liệu văn hóa bằng nhiều ngôn ngữ về K9 với hệ thống loa truyền thanh công cộng, ki-ốt điện tử, các hoạt động tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt truyền thống, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt chính trị, tham quan tại Khu Di tích và địa phương lân cận, các cơ quan, đơn vị bạn.
Bốn là, công tác bảo tồn, tôn tạo, lưu trữ thông tin, hiện vật phải được quản lý chặt chẽ, khoa học, nguyên vẹn. Tiếp tục theo dõi, ghi chép, lưu trữ thông tin, hình ảnh, video toàn cảnh, từng đoàn khách, cán bộ hướng dẫn, hiện vật và các sự kiện diễn ra hàng ngày. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học, gắn biển mã số hóa, phân loại các đồ vật, cây lưu niệm để có cơ sở bảo tồn, tôn tạo, chăm sóc, phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu lâu dài và làm căn cứ khi bàn giao các thế hệ. Định kỳ tổ chức gặp mặt nhân chứng lịch sử, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trực tiếp gắn bó với Khu Di tích để ôn lại truyền thống, cung cấp thêm tư liệu và trao đổi các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo, đón tiếp, tuyên truyền tại Khu Di tích. Công tác bảo tồn, tôn tạo cần bảo lưu quan điểm bảo tồn, tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên toàn bộ môi trường, cảnh quan, không gian thiêng liêng vốn có của Khu Di tích. Tích cực nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các Khu Di tích điểm, dựa trên các thế mạnh sẵn có để xây dựng Khu Di tích K9 là điểm sáng về văn hóa giao tiếp và cảnh quan môi trường.
Hiện nay, Khu Di tích đang được đầu tư với quy mô lớn, đồng bộ, toàn diện về mọi mặt. Hệ thống đường giao thông trong Khu di tích, bãi đỗ xe, các trang thiết bị: sơ đồ; biển báo chỉ dẫn đường, nơi tra cứu thông tin, hệ thống camera an ninh, hệ thống loa điều hành đã tương đối đầy đủ và sẽ được khai thác tối đa hiệu quả khi đưa vào sử dụng. Trong thời gian tới cơ quan Văn phòng sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục từng bước nghiên cứu, đầu tư về các trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong đón tiếp tuyên truyền, quản lý, điều hành, tăng cuowngf hệ thống an ninh: Thiết lập hệ thống phần mềm đăng ký tham quan, thanh toán trực tuyến, kiểm tra an ninh, ký gửi hành lý, theo dõi tình hình khách có tính bảo mật cao như tại Lăng để tiết kiệm thời gian, chi phí, sức lao động, tạo điều kiện thận lợi tối đa cho nhân dân, đảm bảo an toàn Khu Di tích, chăm sóc sức khỏe, sơ cứu, tìm khách lạc đoàn khi cần thiết. Điều chỉnh lượng khách đăng ký tham quan, hạn chế hoặc nghiên cứu lại quy định tổ chức sinh hoạt chính trị những ngày cao điểm tránh quá tải tại khu vực Nhà tưởng niệm. Xây dựng hệ thống phần mềm lưu trữ hồ sơ dữ liệu khách tham quan bên cạnh hình thức lưu trữ thủ công như hiện nay phục vụ việc quản lý, tham mưu đề xuất. Nghiên cứu loại cây trồng có độ che phủ phù hợp và loại đá lát nền giảm hấp thụ nhiệt tại khu vực. Có thể bố trí các màn hình trình chiếu khổ lớn tại khu vực chờ ngoài bãi xe và dọc đường ven hồ, thêm phòng chiếu phim tư liệu để đáp ứng nhu cầu khách tham quan nói chung và khách quốc tế ngày càng đông. Tạo thêm nhiều thảm cỏ và bố trí nhiều ghế đá tạo khu vực nghỉ chờ cho du khách. Đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện trả lời, giải đáp nhu cầu tìm hiểu về Khu Di tích Đá Chông như điện thoại, fax, hộp thư điện tử…
Mở rộng, cải tiến, quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả, chât lượng các dịch vụ phục vụ khách tham quan, đặc biệt là chất lượng bữa ăn, bãi đỗ xe, dịch vụ y tế, quay phim chụp ảnh, căng tin, quầy lưu niệm, phương tiện giao thông công cộng, khu vui chơi nghỉ dưỡng, kinh doanh các sản phẩm từ tăng gia sản xuất của bộ đội…. Lấy phương châm phục vụ là chính, không chèo kéo, văn minh, lịch sự và an toàn.
Nâng cao ý thức khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn đóng góp vật chất, tinh thần tự nguyện của nhân dân.
Năm là tổ chức tốt, hiệu quả, chất lượng phong trào thi đua, hội thi, hội thao trên các mặt công tác. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, định kỳ, hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác để kịp thời bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ đồng thời nhắc nhở, động viên các cá nhân, tập thể yếu hơn, phê bình, kỷ luật nếu phát hiện vi phạm. Gắn kết quả thi đua với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sĩ.
Như vậy, nâng cao chất lượng đón tiếp tuyên truyền đáp ứng yêu cầu mở rộng tham quan Khu Di tích K9 là kết quả của việc thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng tất cả các giải pháp trên, có những nội dung công việc cần tiến hành làm ngay, có những nội dung cần được tiến hành từng bước theo lộ trình nhất định và nhiều khó khăn còn ở phía trước. Song, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cùng nhân dân trong cả nước, bạn bè quốc tế, Khu Di tích K9 chắc chắn sẽ ngày càng phát triển xứng tầm lịch sử là Khu Di tích quốc gia về Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Đại tá Lê Hồng Sơn