Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người nấu bếp, người quét rác, cũng như thầy giáo, kĩ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”(1). Và trong một lần nói chuyện với đại biểu nhân dân thành phố Hải Phòng (30-5-1957), Người nhấn mạnh: “Dù làm công việc quét rác hay moi cống cũng đều là công việc vẻ vang. Có nhận thức thế mới đúng. Thế là bất kỳ công việc nào có ích nước lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều vẻ vang. Không có việc nào sang, công việc nào hèn…
Công nhân Đội Vệ sinh môi trường thực hiện nhiệm vụ tại tuyến phố Ông Ích Khiêm
Ngày nay, Lăng Bác có cảnh quang sạch đẹp, đang thu hút nhiều du khách tìm đến. Để góp phần tạo nên sức hút đó không thể không kể đến công lao đóng góp của những công nhân Đội vệ sinh môi trường thuộc Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình. Hơn 30 nghìn người! Đó là con số kỷ lục về lượng du khách về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào một buổi sáng... Nhưng phía sau dòng người vô tận ấy là biết bao công việc miệt mài của những công nhân vệ sinh môi trường. Khi có số lượng khách đông như thế, từ công tác trang trí đảm bảo cảnh quan cho đến vệ sinh môi trường có nhiều khó khăn... Nhưng chính tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ lại là động lực, là niềm vui thôi thúc mỗi công nhân Đội Vệ sinh môi trường phục vụ tốt hơn.
Với những công nhân vệ sinh môi trường ở Lăng Bác dù cho ngày nắng hay khi trời mưa, ban ngày hay khi đêm tối, họ vẫn miệt mài làm việc, thầm lặng thực hiện công việc giữ sạch đường phố khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Công việc của họ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất ý nghĩa: Bảo đảm vệ sinh và thu gom rác để các tuyến phố khu vực Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình ngày càng sạch đẹp, văn minh hơn.
Công việc hàng ngày của những công nhân Đội Vệ sinh môi trường bắt đầu từ 03 giờ sáng và phải hoàn thành trước 06 giờ sáng để kịp nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng và chuẩn bị cho một ngày mới Lăng Bác mở cửa đón đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, tham quan khu vực. Hầu như họ đều làm việc ngoài trời, ngày đông thì lạnh cóng, ngày hè thì nóng hầm hập. Lặng thầm với công việc của mình, họ thức khuya dậy sớm, không quản nhọc nhằn, chẳng nề hà bụi bặm để dọn dẹp, gìn giữ cho môi trường khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình được sạch sẽ.
Những dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5, Ngày Quốc khánh 02-9 là dịp cao điểm… khách rất đông. Bởi những ngày đó, người dân khắp nơi đổ về Thủ đô Hà Nội vào Lăng viếng Bác, tham quan khu vực, rác cũng vì thế mà nhiều hơn. Nỗi vất vả của những công nhân vệ sinh môi trường vì thế càng tăng thêm. Dù công việc dọn rác vào ngày lễ, Tết vất vả và mệt mỏi hơn thường ngày rất nhiều nhưng những người công nhân này vẫn không hề than vãn hay kêu ca phàn nàn. Đối với họ, việc có thể góp sức để cho ngày lễ, Tết được trọn vẹn hơn dường như cũng là một niềm hạnh phúc.
Công việc vệ sinh môi trường ngày thường đã vất vả nhưng vào những ngày mưa bão còn vất vả, cực nhọc hơn bội phần. Gặp những hôm trời mưa, nhiều rác, cả Đội phải làm liên tục với áp lực lớn. Mưa to làm cho rác thải bị ùn ứ, một số nơi bị ngập lụt, anh chị em trong Đội luôn ở tâm thế sẵn sàng, làm việc không kể ngày đêm chỉ mong khu vực sớm trở lại xanh - sạch - đẹp. Nhiều lúc vừa xong, một cơn gió đi qua thổi bay lá rụng, lại phải quay lại quét tiếp.
Công nhân Đội Vệ sinh môi trường thực hiện nhiệm vụ tại tuyến phố Bắc Sơn
Vệ sinh môi trường (hay thường gọi là lao công) thuộc loại nghề nặng nhọc mang tính công ích. Những công nhân làm nghề này đã phải vượt bao khó khăn, họ gắn bó với nghề vì nhận thức ý nghĩa công việc mình mang lại. Đội hiện nay có 56 công nhân, chia ra làm 6 tổ, đảm nhiệm quản lý duy trì vệ sinh môi trường toàn bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu đón tiếp nhân dân và các tuyến phố đi bộ. Đa phần công nhân của Đội là nữ chiếm 70%, độ tuổi từ 22 – 45, nhiều chị đã có thâm niên từ 15 đến 20 năm. Là phụ nữ nên những ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật là rất quan trọng với gia đình, nhưng ở đây các chị đều phải đi làm. Bên cạnh đó, không ít chị em hoàn cảnh khó khăn, nhiều chị em còn phải ở nhà thuê, mức lương của một công nhân vệ sinh môi trường ít ỏi, không đủ để trang trải cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Điều đáng quan tâm đối với những công nhân vệ sinh là suốt ngày phải đối mặt với rác, chất thải. Cho dù, có trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết nhưng vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe do làm việc trong môi trường độc hại.
Lăng Bác là một trong những địa điểm thăm viếng của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, đặc biệt với các người dân ở các tỉnh, thành mỗi khi họ về thăm Thủ đô Hà Nội. Khi cuộc sống càng hiện đại với dân số ngày một gia tăng, tất yếu lượng rác thải cũng sẽ ngày càng nhiều. Một thực trạng hiện nay là ý thức bảo vệ môi trường khu vực của một số người dân, du khách còn thấp. Nhiều người cho rằng, việc quét dọn, thu gom rác, làm sạch đường phố là trách nhiệm, công việc của Đội vệ sinh môi trường. Việc vứt bỏ rác nhổ bã kẹo cao su ra đường phố, vỉa hè vẫn xảy ra khá phổ biến.
Dù khó khăn vất vả là vậy, nhưng những công nhân vệ sinh môi trường ở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình mà chúng tôi gặp đều làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm. Họ dành sự chuyên tâm tuyệt đối cho công việc của mình, đúng với lời dạy của Bác Hồ “…bất kỳ công việc nào có ích nước lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều vẻ vang. Không có việc nào sang, công việc nào hèn”. Đành rằng ai cũng phải tham gia vào một nghề nào đó theo sự phân công của xã hội để cùng nhau lao động dựng xây đất nước, xây dựng cơ quan, đơn vị bằng công sức của mình, nhưng có lẽ công nhân vệ sinh môi trường là những người đang tham gia vào nghề nặng nhọc và vất vả nhất trong các nghề vất vả. Họ làm việc thầm lặng và ý nghĩa biết bao, sự hy sinh thầm lặng khiến những người lao động ấy trở nên đẹp đẽ hơn. Ngày ngày, dòng người nối nhau đi trên Quảng trường Ba Đình thành kính vào Lăng viếng Bác, trong niềm xúc động được một lần nhìn thấy Bác, mọi người còn thêm cả niềm vui vì Quảng trường Ba Đình vẫn giữ được không khí trong lành, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng ban Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình, cho biết: “Đến khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình là đến với môi trường văn hóa, đến nơi tôn nghiêm của đất nước. Chúng ta có thể cảm nhận được không khí trang nghiêm ở đây và cả sự tôn kính của nhân dân đối với Người khi vào Lăng viếng Bác. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ Ban luôn chú trọng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động và các máy móc, trang thiết bị được đầu tư; thường xuyên làm tốt công tác điều hành, giám sát, kiểm tra, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; phối hợp với các đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời tập trung đề xuất với trên đầu tư trang bị về công nghệ, cơ giới hóa công tác thu gom rác và vệ sinh môi trường để hình ảnh những người làm công tác vệ sinh môi trường ở Lăng Bác ngày càng đẹp và thân thiện hơn trong lòng nhân dân và du khách đến với Thủ đô vào Lăng viếng Bác”.
Để tạo điều kiện cho người dân thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo bộ mặt cảnh quan Lăng Bác ngày càng khang trang, hiện đại. Nhiều công trình được xây dựng như: Cải tạo nâng cấp lát đá tuyến phố đi bộ, cải tạo nâng cấp nhiều vườn hoa, hệ thống chiếu sáng trang trí; bố trí thêm thùng rác, biển bảng chỉ dẫn, nhà vệ sinh lưu động phục vụ nhân dân tại điểm tập kết phương tiện, đón trả khách, trong khu vực; đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong công tác duy trì chăm sóc vườn hoa, cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ... góp phần hoàn thiện hạ tầng, làm đẹp cảnh quan kiến trúc và bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực Lăng. Để những ai đến Lăng Bác đều nhận thấy đường phố sáng hơn, sạch hơn, đó chính là thành quả của những con người lao động âm thầm, lặng lẽ. Vì vậy, mọi người đều hiểu và thông cảm với công việc nặng nhọc của những công nhân vệ sinh, qua đó sẽ nâng cao ý thức giữ gìn môi trường xung quanh và xây dựng văn minh đô thị trong khu vực.
Suốt 42 năm qua, nhân dân trong nước và khách quốc tế về Lăng viếng Người mỗi ngày nhiều hơn, điều đó đã khẳng định tình cảm thiêng liêng của mỗi người đối với Bác Hồ kính yêu, nhưng cũng chính vì thế nỗi vất vả của những người công nhân vệ sinh môi trường ở Lăng Bác chưa bao giờ dừng lại mà càng tăng thêm bội phần. Thật tuyệt vời khi ta biết được những con người ấy đã vượt lên khó khăn và luôn có trách nhiệm cao với công việc vì một môi trường trong sạch chung cho cả cộng đồng. Để rồi, du khách đến viếng Bác, tham quan khu vực được đi trên những con phố, tuyến đường sạch đẹp với tâm trạng vui tươi, phấn khởi đón ngày mới ngập tràn màu xanh./.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 67.
Nguyễn Minh Đức