Thứ bảy, 04/01/2025

           Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước cũng như sau này khi trở về Việt Nam trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng đến khi giành được chính quyền về tay nhân dân, trở thành lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù ở đâu, trên cương vị nào, mỗi nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân đến, lựa chọn để ở, hoạt động cách mạng đều là những nơi có những dấu ấn sâu sắc về giá trị chính trị, văn hóa, quân sự to lớn. Đặc biệt, đối với quê hương Cao Bằng, địa đầu của Tổ quốc, nơi sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã về và lựa chọn làm sở chỉ huy đầu não của Trung ương Đảng, căn cứ địa cách mạng của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Người nói: “Chúng ta trở về Tổ quốc, việc trước tiên là phải có chỗ đứng chân. Lúc đầu là một điểm nhỏ, sau đó mở rộng thành điểm to, rồi thành căn cứ địa, chỗ đứng chân phải vững chắc, vững chắc nhất là lòng dân”.

can cu dia cach mang
Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Nguồn internet

          Với tư duy chiến lược thiên tài, Người đã tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện các yếu tố địa hình, địa thế quân sự, điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa, lịch sử, chính trị, dân cư, tình hình địch, giai cấp phong kiến tay sai. Tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, năm 1948, tổng kết kinh nghiệm chiến lược cách mạng, Người nói: “Ở trong xã hội muốn thành công phải có ba điều kiện là: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là thế nào? Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí, nhân hòa là quan trọng hơn hết”, từ đó, Người nhận thấy ở đây, Pắc Bó, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có đầy đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết, quan trọng của một căn cứ cách mạng, của một đầu não chỉ huy chiến lược.

          Thứ nhất: Địa hình, địa thế chiến lược quân sự.

          Cao Bằng là một tỉnh biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, phía Bắc và Đông Bắc tiếp giáp với địa cấp thị(1) Bách Sắc và Sùng Tả của Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, của Trung Quốc. Ở đây có hệ thống giao thông thủy, bộ tương đối thuận tiện thông thương giữa Việt Nam và Trung Quốc; là cái nôi cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, với cuộc khởi nghĩa tiêu biểu Bách Sắc, một cuộc khởi nghĩa cộng sản do Đặng Tiểu Bình, sau này là Tổng Bí thư, nhà lãnh đạo nổi tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, nơi tập trung hoạt động của các nhà cách mạng yêu nước Việt Nam. Phía Tây tiếp giáp tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, phát triển sang vùng Tây Bắc; phía Nam tiếp giáp tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, phát triển xuống vùng Đồng bằng Bắc bộ, với đặc điểm địa hình cơ bản là cao nguyên đá vôi, xen lẫn núi đất tạo thành một vùng núi non trùng điệp, hiểm trở. Hệ thống sông suối đa dạng, phong phú với những dòng sông lớn: Sông Gâm ở phía Tây, sông Bằng vùng trung tâm, ngoài ra còn có các con sông nhỏ khác như: Sông Quây Sơn, Bắc Vọng, Nho Quế, sông Năng, sông Neo, sông Hiến.v.v… tạo cho Cao Bằng một thế chiến lược quân sự, rất thuận lợi cho một căn cứ cách mạng, đầu não chỉ huy Trung ương, với địa thế hiểm trở, cơ động cả đường bộ, đường thủy vừa bí mật, vừa bất ngờ, vừa có thế đánh, thế giữ, thế phát triển tiến công, thế rút lui an toàn cả trong nội địa và sang Trung Quốc khi cần thiết. Từ nơi đây, Trung ương có thể chỉ đạo xây dựng lực lượng, tuyên truyền phát triển phong trào cách mạng đi các vùng miền trong cả nước, vừa có thể quan hệ liên lạc, nhận sự chỉ đạo, giúp đỡ của phong trào Cộng sản quốc tế và các nước xã hội chủ nghĩa rất thuận tiện.

          Thứ hai: Điều kiện về lịch sử chính trị, văn hóa, xã hội.

          Cao Bằng là tỉnh biên giới phía Đông Bắc của Việt Nam, là địa đầu của Tổ quốc có địa hình, địa thế hiểm trở, thời tiết khí hậu, thiên tai khắc nghiệt. Trải qua quá trình hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng là một cái nôi của sự đoàn kết, cố kết cộng đồng các dân tộc tạo sức mạnh vượt qua và khắc phục sự khắc nhiệt của thời tiết, khí hậu thiên tai, đặc biệt là đã tạo nên tinh thần đoàn kết đấu tranh chống lại sự xâm lăng của ngoại bang, sự thống trị hà khắc của chế độ phong kiến tay sai, một truyền thống yêu nước, giữ nước quật cường của dân tộc, nhất là từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930) dẫn dắt, lãnh đạo phong trào cách mạng, tinh thần truyền thống yêu nước Việt Nam, thấm nhuần lời dạy của Bác trong Đường Kách mệnh năm 1927, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”, quê hương Cao Bằng cũng là nơi tiêu biểu trong truyền thống đi theo sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 20 tháng 6 năm 1931, Chi bộ Đảng Cộng sản huyện Hà Quảng được thành lập do đồng chí Hoàng Tô làm Bí thư. Tháng 5 năm 1935 thành lập Châu ủy Hà Quảng, năm 1938 Châu ủy Hà Quảng quyết định thành lập chi bộ đảng vùng Biên Khu, hay vùng biên giới Lục Khu (6 xã biên giới); năm 1938 - 1939, Tỉnh ủy Cao Bằng cũng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng ở vùng Lục Khu, Pắc Bó, nòng cốt là các chiến sĩ yêu nước cách mạng tiền bối, đã tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân các dân tộc giác ngộ cách mạng, tham gia vào các đoàn thể cách mạng như Hội đánh Tây, Hội phòng phỉ. Thông qua đó, nhân dân các dân tộc từng bước được giác ngộ, có ý thức cách mạng, xác định rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mình, tự giác tham gia đấu tranh cách mạng, bảo vệ tổ chức, bảo vệ các lãnh tụ của Đảng, bảo vệ cơ sở, căn cứ cách mạng. Đây chính là nền tảng, gốc rễ quan trọng quyết định bảo đảm cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng một cách vững chắc, lâu bền, đúng với tư tưởng mà Người đã xác định: “Lấy dân làm gốc, gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Người rất tâm đắc với tư tưởng nói về sức dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Năm 1942, Người đã khẳng định: “Đánh giặc là phải có căn cứ địa… không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân. Toàn dân đoàn kết, cả miền xuôi, miền núi đoàn kết, thì ta nhất định thắng”. Từ quan điểm tư tưởng cách mạng khoa học đó, gắn với tình hình thực tế về chính trị, xã hội của Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng là một quyết định khoa học, khách quan.

          Thứ ba: Điều kiện về kinh tế - xã hội của khu vực.

          Đó là điều kiện thiết yếu, không thể thiếu cho một căn cứ cách mạng cả trước mắt và lâu dài, là nơi có khả năng cung cấp nguồn lực vật chất hậu cần tại chỗ cho căn cứ cách mạng, trong thư gửi Nông gia Việt Nam năm 1945, Người viết: “Vì cứu quốc các chiến sỹ đấu tranh ngoài mặt trận. Vì kiến quốc nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sỹ ra sức giữ gìn nước non. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sỹ. Hai bên công việc khác nhau, nhưng thực tế là hợp tác, cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là Anh hùng”. Về điều kiện này, tuy Cao Bằng là tỉnh biên giới có địa hình rừng núi hiểm trở, có nhiều khó khăn, nhưng lại là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, xen kẽ là những thung lũng, cánh đồng bằng phẳng. Với truyền thống siêng năng, cần cù lao động của nhân dân các dân tộc Cao Bằng, nơi đây sẽ có khả năng phát triển chăn nuôi, trồng cây nông nghiệp, thậm trí cả chế tạo, sản xuất vũ khí thô sơ, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho nhân dân, cho căn cứ cách mạng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam thời kỳ đó và cả trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này đã chứng minh cho điều đó. Chúng ta đã phát triển lao động sản xuất, bảo đảm cơ bản nguồn lương thực, thực phẩm, bảo đảm nguồn lực con người, vũ khí trang bị tại chỗ, không những phục vụ cho nhu cầu hàng ngày mà còn có tích lũy để bảo đảm cho các tình huống đánh địch, đối phó với địch trong một thời gian nhất định, khi chúng tiến hành càn quét, bao vây cô lập chúng ta, nhưng chúng ta vẫn bảo đảm cho việc trường kỳ chiến đấu dài ngày, như sau này đánh giá tổng kết, Người đã viết: “Muốn trị lửa phải dùng nước, địch muốn tốc chiến, tốc thắng, ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”, đã tạo cho địch sự bất ngờ, lúng túng về khả năng quân sự, bảo đảm kinh tế, hậu cần,… của ta.

          Thư tư: Tình hình bố trí lực lượng, tổ chức hệ thống tay sai cai trị của thực dân Pháp trong khu vực.

          Đây là yếu tố quan trọng không thể thiếu, từ kinh nghiệm truyền thống dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc, ông cha chúng ta thường nói: Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Nắm rõ tình hình địch, từ vũ khí trang bị, hậu cần kỹ thuật, thực lực quân số, tình hình tư tưởng binh lính, thế bố trí của địch, tình hình giai cấp phong kiến tay sai thống trị,… giúp chúng ta chủ động đánh giá tình hình mạnh, yếu của địch, của các thế lực phong kiến tay sai phản động, tình hình mọi mặt của ta, từ đó chủ động xây dựng phương án chuẩn bị mọi mặt, từ phương tiện, trang bị, nhân lực, thế bố trí, cách tiến công, phòng thủ, truy kích địch, tình hình công tác tuyên truyền binh, địch vận, vận động giác ngộ lực lượng phong kiến tay sai,… Từ tình hình thực tế tại Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy Cao Bằng là tỉnh biên giới, rừng núi hiểm trở, địch nhận định có mặt còn chủ quan, coi sự phát triển mọi mặt về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội ở nơi đây chậm so với các địa phương khác, do đó ít quan tâm chú ý củng cố hệ thống chính quyền tay sai cai trị, lực lượng địch đồn trú cai trị ở đây cũng mỏng yếu hơn so với các tỉnh lân cận, nhất là so với khu vực đồng bằng và các đô thị khác. Đây là điểm huyệt yếu chí tử của địch, tạo bí mật, bất ngờ trong sự phát triển của lực lượng cách mạng Việt Nam, của một căn cứ địa chiến lược cách mạng, so với các địa phương khác đây cũng là một điều kiện có nhiều thuân lợi cho việc lựa chọn xây dựng một căn cứ địa chiến lược cách mạng Việt Nam của Cao Bằng.

          Như vậy, với tư duy chiến lược quân sự thiên tài, từ sự phân tích nhận định đánh giá tổng thể, khách quan, khoa học và toàn diện tình hình các điều kiện, yếu tố trên, Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng, Sở chỉ huy chiến lược trung tâm đầu não của cách mạng Việt Nam. Từ căn cứ địa này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp đứng đầu là Hồ Chí Minh, phong trào cách mạng và yêu nước đã phát triển sâu rộng trong khu vực và lan rộng ra cả nước, mà trước mắt là vùng “Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà”, là trung tâm quan hệ, liên lạc với Quốc tế cộng sản và các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, làm nòng cốt cho cả nước xây dựng lực lượng chuẩn bị đầy đủ mọi yếu tố điều kiện vùng lên đấu tranh cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân, giành độc lập dân tộc, thành lập Nhà nước công nông Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, thực hiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954.

          Thực tế lịch sử Việt Nam đã minh chứng, khẳng định cho quyết định lựa chọn thiên tài, đúng đắn, khách quan, khoa học của Hồ Chí Minh. Từ ngày 05 tháng 6 năm 1911, khi Người bước chân ra đi tìm đường cứu nước đến ngày 28 tháng 01 năm 1941, sau 30 năm buôn ba Hồ Chí Minh trở về nước, nơi đặt chân đầu tiên là cột mốc 108 (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Người đã chọn chính nơi đây làm căn cứ địa cách mạng, là trung tâm đầu não chỉ huy chiến lược của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Hồ Chí Minh, mọi công tác chuẩn bị, nhất là công tác đào tạo cán bộ cốt cán được thực hiện nghiêm túc chặt chẽ. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ đạo của Người, dưới sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã ra đời, với 34 thành viên cốt cán cùng vũ khí trang bị thô sơ hiện có, với trận đánh bất ngờ đầu tiên và chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã khiến cho địch vừa bất ngờ, vừa dao động, hoang mang, choáng váng và sau này khi phát hiện ra lực lượng của ta, địch đã tổ chức tiến công cản phá xong đều thất bại. Đây là sự minh chứng cho sức mạnh ban đầu của sức mạnh và ý chí cách mạng, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho phong trào cách mạng, cho tinh thần chiến đấu quật cường của quần chúng nhân dân trong cả nước, khích lệ khắp nơi tích cực chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, tuyên truyền, vận động cách mạng, xây dựng, củng cố lực lượng, vũ khí trang bị tạo và đón thời cơ vùng lên đấu tranh khởi nghĩa vũ trang, đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.    

          Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này, cũng với tư duy thiên tài đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc năm 1949, Người đã viết: “Việt Bắc trước kia là căn cứ của cách mệnh, đã nổi tiếng khắp cả nước, khắp thế giới. Thì ngày nay, Việt Bắc phải thành căn cứ của kháng chiến, để giữ lấy cái địa vị và cái danh giá vẻ vang của mình”, Như vậy Việt Bắc trong đó có Cao Bằng vẫn là địa bàn chiến lược quan trọng, nơi Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, dày công nghiên cứu chỉ đạo, tập trung lực lượng, mở Chiến dịch Biên giới 1950, đánh những đòn hiểm yếu vào Đông Khê. Sáng ngày 16 tháng 9 năm 1950, Chiến dịch bắt đầu, chỉ hai ngày sau, ngày 18/9/1950 ta đã làm chủ hoàn toàn Đông Khê, làm cho địch rơi vào thế bị động, lúng túng, Thất Khê bị uy hiếp, thị Cao Bằng bị cô lập, Đường 4 bị lung lay; ngày 03/10/1950 buộc địch rút khỏi thị Cao Bằng, điều một cánh quân đánh Thái Nguyên nhằm thu hút phân tán lực lượng ta, điều một cánh quân từ Thất Khê đánh chợ Đông Khê nhằm giải nguy cho quân rút chạy khỏi Cao Bằng, nhận định đúng đắn tình hình địch, ta bố trí lực lượng mai phục đánh quân tiếp viện của địch, làm sụp đổ hoàn toàn kế hoạch rút quân của địch. Ngày 22/10/1950, địch rút quân hoàn toàn khỏi Đường số 4, ngày 23/10/1950, Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Ta đã mở toang được cánh cửa biên giới, con đường giúp cho cách mạng Việt Nam nối lại quan hệ với quốc tế cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa, giúp quân đội trưởng thành, làm thay đổi cục diện chiến lược, giành thế chủ động, đẩy thực dân Pháp vào thế bị động, lúng túng đối phó, tạo bước chuyển căn bản về chiến lược cho cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta, đi đến thắng lợi cuối cùng bằng chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954; đây cũng là một chiến lệ kinh điển trong lịch sử quân sự Việt Nam, về cách “đánh điểm, diệt viện”.

          Như vậy, trong giai đoạn quan trọng của cách mạng Việt Nam, đấu tranh cách mạng giành chính quyền năm 1945, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1945 đến năm 1954, với việc lựa chọn Cao Bằng, cụ thể là Pắc Bó là căn cứ địa cách mạng, trung tâm đầu não chiến lược của Trung ương; đồng thời khẳng định địa thế chiến lược toàn diện của Cao Bằng, khẳng định tài tư duy chiến lược toàn diện nói chung, tư duy chiến lược quân sự nói riêng của Hồ Chí Minh và Đảng ta là cơ sở khoa học, khách quan đem lại thắng lợi, thành công quyết định cho cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Cao Bằng cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử là cái nôi quê hương cách mạng, là căn cứ địa, trung tâm đầu não chiến lược của Trung ương trong cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945 và cuộc kháng chiến chống pháp 1945 - 1954. Ngày nay, Cao Bằng tiếp tục được đầu tư phát triển, xứng đáng với truyền thống và tầm vóc chiến lược của mình./.

          (1) Địa cấp thị nghĩa là thành phố cấp địa khu, cũng có khi được gọi là thành phố trực thuộc tỉnh.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm

 Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: