“Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa
Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình”
Lời bài hát “Ngày Tết quê em” của cố nhạc sĩ Từ Huy vang lên vui tươi, rộn ràng trên khắp các con phố. Bầu trời như bừng sáng hơn sau những ngày đông rét buốt, ngàn hoa khoe sắc, đường phố rực rỡ cờ hoa, lòng người xốn xang chào đón Xuân về. Cây cối đang đơm chồi nảy lộc, những mầm non không ngừng vươn lên, trên khắp mọi miền quê tấp nập người dân đi lại mua sắm để đón Tết cổ truyền. Vui Tết đến, đón Xuân về, trong niềm vui đoàn tụ, mỗi người con Việt Nam lại nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vô hạn. Cả cuộc đời của Người là một cuộc hành trình không mệt mỏi, đã bao mùa Xuân Người xa quê hương, đón Tết nơi xứ người vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Từ thuở thiếu thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị áp bức bóc lột đến cùng cực của đồng bào mình. Khi vào Huế, tận mắt nhìn thấy tội ác của thực dân Pháp và thái độ ươn hèn của bọn phong kiến Nam triều, thêm vào đó là những bài học thất bại của các nhà yêu nước tiền bối và đương thời, tất cả đã thôi thúc người thanh niên yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Ngày 05/6/1911, Người rời Tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Thực tế lịch sử của hơn một thế kỷ qua đã khẳng định đó là ngày có tính quyết định đối với lịch sử cách mạng Việt Nam thông qua người con ưu tú của dân tộc, đã có quyết định đúng đắn, có tầm nhìn sáng suốt, như sau này Bác trả lời nhà báo Mỹ Analuistơrông về quyết định của mình: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(1). Trong 30 năm bôn ba ở hải ngoại, dù phải trải qua muôn vàn gian khổ, Bác vẫn luôn giữ vững niềm tin, giữ vững “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc”, đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2).
Cái Tết đầu tiên xa quê hương, Bác đón giao thừa tại nước Mỹ.Mùa Xuân đầu tiên xa Tổ quốc, Bác vẫn tranh thủ vừa đi làm công, vừa học tập và đi thăm nơi sinh sống của người da đen và nhiều nơi khác ở thành phố New York. Trên đất Mỹ, Người đã nhận thấy sự tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thấu hiểu những nỗi thống khổ của người nghèo không có việc làm, không thể có được một cuộc sống theo đúng nghĩa của nó. Người cũng đã nhận ra được những vấn đề liên quan đến giai cấp và bộc lộ sự cảm thông đối với những số phận thống khổ trong xã hội, những người bị bóc lột. Mùa Xuân năm 1914, Bác đón giao thừa tại Thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Tại đây, Người đã làm rất nhiều việc, từ cào tuyết cho tới rửa bát, phụ bếp để tồn tại và tìm hiểu về bản chất của chủ nghĩa tư bản.
Mùa Xuân năm 1918, Bác Hồ đón Tết tại Thủ đô Paris của nước Pháp. Mùa Xuân năm 1923 trên đất Pháp, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người khai bút viết bài cổ động mua báo Le Paria (Người cùng khổ). Mùa Xuân ấy, lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm kiểm nghiệm cuộc sống, Người viết: “Cho đến nay, chủ nghĩa tư bản chỉ là những vách tường dày ngăn cách những người lao động trên thế giới hiểu nhau và thương yêu nhau”. Trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp, Bác làm thợ ảnh và trọ tại ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris. Căn phòng trọ rất thiếu thốn tiện nghi, không có lò sưởi nên mùa đông rất lạnh. Bởi vậy, cũng giống như những người nghèo ở Pháp khi đó, mỗi buổi sáng mùa đông trước khi đi làm, Bác để một viên gạch vào lò bếp của bà chủ nhà, chiều về lấy viên gạch ra, bọc vào trong những tờ báo cũ rồi lót xuống nệm cho đỡ rét. Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng tâm trí, hoài bão của Người không bao giờ nguội lạnh nhiệt tình hoạt động cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước. Trong căn phòng trọ lạnh lẽo đó lại che chở, chứa đựng một con người với trái tim luôn nung nấu ý chí và lòng quyết tâm tìm đường cứu nước, giúp đồng bào mình thoát khỏi kiếp lầm than.
Mùa Xuân năm 1924, Bác Hồ đón tết ở Liên Xô, quê hương của Lê-nin vĩ đại, quê hương của mùa Xuân mới. Bác rất mong gặp Lê-nin, nhưng Lê-nin đã qua đời. Tết năm ấy, Bác Hồ tay chân lạnh cóng, áo không đủ ấm, xúc động, lặng lẽ tiễn biệt Lê-nin. Đây là mùa Xuân đầu tiên Bác Hồ ở Liên Xô.Tại đây, Người tích cực hoạt động, học tập để hướng tới con đường giải phóng dân tộc và góp phần phát triển tư tưởng độc lập tự do cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Mùa Xuân năm 1925, Bác Hồ đón giao thừa ở Quảng Châu, Trung Quốc, mở lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1925-1927, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người đã chuẩn bị công tác lý luận, công tác tuyên truyền, công tác tổ chức và bồi dưỡng cán bộ, tạo cơ sở cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo điều kiện cho việc trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người đã tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xây dựng mối tình hữu nghị sâu đậm với nhân dân Trung Quốc trong phong trào đấu tranh cách mạng. Đồng thời, Người đã liên lạc và kết nối được một số nhà hoạt động cách mạng đến từ các quốc gia, dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới, cùng thành lập đoàn thể cách mạng, tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Giai đoạn hoạt động cách mạng của Bác ở Quảng Châu từ năm 1924-1927 không chỉ có tác động trực tiếp đến phong trào cách mạng của Việt Nam mà còn góp phần quan trọng trong phong trào cách mạng Trung Quốc cũng như Quốc tế Cộng sản.
Mùa Xuân năm 1930 là một mùa Xuân lịch sử của Bác Hồ và cũng là mùa Xuân lịch sử của cách mạng Việt Nam. Vào mùa Xuân đó, với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Người đã triệu tập hội nghị đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để bàn việc thống nhất thành một đảng. Từ ngày 6-1 đến đầu tháng 2-1930, Hội nghị họp tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập ra một đảng duy nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng vũ trang bằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, liên hệ mật thiết với quần chúng công nông, người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân ta. Kể từ ngày rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (1911), ước mơ thiêng liêng của Bác đã trở thành hiện thực “từ nay đã có Đảng lãnh đạo, cách mạng sẽ thành công”.
Bác Hồ về nước Xuân Tân Tỵ năm 1941.Ảnh tư liệu
Sau 30 năm xa Tổ quốc tìm đường cứu nước, vào ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Hành trang theo Bác trở về vẻn vẹn chỉ có một chiếc va ly xách tay bằng mây, trong đựng hai bộ quần áo đã cũ và tập tài liệu “Con đường giải phóng” tập hợp những bài giảng trong lớp huấn luyện ở Nậm Quang (Quảng Tây, Trung Quốc) do Bác phụ trách vừa mới kết thúc trước Tết mấy hôm.Bước qua cột mốc biên giới, Bác bồi hồi, rưng rưng cúi xuống vốc nắm đất Tổ quốc lên hôn. Hình ảnh này đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện trong bài “Theo chân Bác”: “Bác đã về đây, Tổ quốc ơi! Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người/ Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/ Mà đến bây giờ mới tới nơi!”.
Trong 30 năm xa Tổ quốc, cũng là 30 cái Tết ở xứ người, bao gian khổ khó khăn và hiểm nguy đến với Bác, nhưng Bác luôn hướng về Tổ quốc, luôn ở bên cạnh đồng bào, tranh thủ mọi cơ hội và vận dụng mọi khả năng, tìm mọi hình thức để dìu dắt phong trào cách mạng trong nước và cổ vũ các tầng lớp nhân dân đứng lên đấu tranh. Mùa Xuân Tân Tỵ năm 1941 đã trở thành một mùa Xuân đặc biệt, kết thúc chặng đường dài 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài của Người, về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Mỗi mùa Xuân trôi qua, phong trào cách mạng của dân tộc ta lại từng bước lớn mạnh, giành được nhiều chiến thắng vẻ vang, đặc biệt đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đó cũng là cơ sở để toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, và hơn 20 năm sau đó đi tới một Mùa Xuân đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những năm sau đó, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, dù công việc vô cùng bận rộn song Người luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để đến thăm hỏi, chúc Tết đồng bào, đồng chí. Bác đến với mọi người trong ngày Tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất, không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang hèn.
Bác Hồ chúc Tết năm 1965. Ảnh tư liệu
Xuân Mậu Tuất 2018, lại thêm một mùa Xuân nữa đồng bào cả nước không còn được nghe Bác Hồ kính yêu đọc thơ chúc Tết vào thời khắc giao mùa giữa năm cũ và năm mới nữa. Song bóng hình Người cùng tình yêu thương bao la của Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước, vẫn mãi trường tồn trong lòng dân tộc, trong trái tim những người con đất Việt thân yêu. Chào đón một mùa Xuân mới, mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, chúng ta lại càng nhớ ơn Bác Hồ kính yêu, càng có thêm sức mạnh, động lực, niềm tin để vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, quyết tâm “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác hằng mong muốn./.
Hoàng Thị Thu Hiền
(1) Trần Viết Hoàn: Đạo đức Bác Hồ - tấm gương soi sáng cho muôn đời, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội , 2012, tr. 23.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr. 161.