Hệ thống Trợ năng

Thứ tư, 15/01/2025

Trong không khí những ngày Xuân Mậu Tuất 2018, chúng tôi có dịp trở về Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội) để dâng hưởng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm quan Khu Di tích. Từ Hà Nội, theo Đại lộ Thăng Long, qua Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, hiện lên phía xa là đỉnh núi Ba Vì cao vút, in đậm trên nền trời. Phía đó, giáp với sông Đà hùng vĩ là Khu Di tích K9, nơi mà hơn 60 năm về trước (1957), Bác Hồ đã đặt chân đến và trực tiếp chọn làm căn cứ của Trung ương. Hơn 60 năm đã trôi qua, nơi đây vẫn lưu giữ dấu chân của Người…

Đến với Khu Di tích K9 Đá Chông những ngày đầu Xuân này, chúng tôi được hòa vào một không gian vô cùng yên tĩnh. Một màu xanh ngút ngát của cây, của hoa cỏ trải dài trên suốt chặng đường vào Khu Di tích, tiếng chim hót từ những hàng cây hai ven đường líu lo. Con đường dẫn vào Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh uốn lượn theo bờ hồ nước trong vắt, tạo ra một không gian rộng mở, khoáng đạt và thật hữu tình. Đi hết con đường ven theo bờ hồ nước, chúng tôi đến với những di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng như sau khi Người đi xa.

bong hinh bac 1
Ngôi Nhà sàn, nơi Bác Hồ đã từng làm việc và đón tiếp khách tại Khu Di tích K9.

Ngôi Nhà sàn của Bác nằm ở vị trí cao, thoáng nhìn ra sông Đà. Ngôi nhà được thiết kế phỏng theo kiểu nhà sàn gồm 2 tầng - ngôi nhà quen thuộc của Bác nằm trong Phủ Chủ tịch. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác: Sau khi Cục Doanh trại hoàn thành việc thiết kế, Bác đã tham gia ý kiến chỉnh sửa thiết kế ngôi nhà cụ thể, tỷ mỷ: Tầng 1 không làm cửa đóng, then cài mà thiết kế cánh cửa đẩy ra, vào cơ động trên ray, tạo thông thoáng, bệ cửa dùng làm ghế ngồi khi số lượng người dự họp đông, hoặc lúc nghỉ giải lao; cầu thang, hành lang phải rộng; cửa sổ không có chấn song để nhìn ra bức tranh thiên nhiên xung quanh; có hầm tránh máy bay… Phòng lớn được bố trí làm phòng họp chính của Trung ương. Tại căn phòng này, Bác đã cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và tiếp 2 đoàn khách quốc tế. Năm 1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Khu Di tích K9 đã bồi hồi xúc động chỉ chiếc ghế lớn kê ở đầu bàn là chiếc ghế Bác đã từng ngồi chủ trì Hội nghị, phía bên trái Bác ngồi là các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng; bên phải Bác ngồi là các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác. Sau đó Đại tướng đã ngồi vào chiếc ghế trước đây ông ngồi dự họp và ghi dòng chữ vào sổ lưu niệm “… ngồi nhìn ra sông Đà, nhớ Bác vô cùng”.

Tầng hai của ngôi nhà có 4 phòng: Hai phòng khách, phòng họp và phòng Bác nghỉ. Phòng Bác nghỉ được bố trí những đồ dùng giản dị quen thuộc: Chiếc đệm cỏ của đồng bào Sơn La tặng Bác, chiếc đèn ngủ là quà tặng khi Bác sang Trung Quốc… Bác vẫn nói với anh em phục vụ: Những thứ tốt, đồ dùng khá hơn nên dành cho khách, Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu khách, tôn trọng bạn bè. Trong phòng này khi Bác lên làm việc và nghỉ, trên bàn làm việc thường có một bình hoa huệ - thứ hoa mà Bác rất thích.

bong hinh bac 2
Sảnh lớn của Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi các tổ chức, đoàn thể sinh hoạt chính trị và báo công với Bác.

Xung quanh ngôi Nhà sàn là một vườn cây quanh năm xanh tốt. Sinh thời, Bác vốn rất yêu thiên nhiên, vì vậy khi xây dựng các công trình ở khu vực này, Bác đã trao đổi với các đồng chí trong Văn phòng Trung ương Đảng: Một mặt phải bảo vệ nghiêm ngặt môi trường sinh thái, tuyệt đối không được chặt phá cây bừa bãi; mặt khác phải tạo được những mảnh vườn nhỏ để trồng cây, tăng gia, vừa lao động rèn luyện sức khoẻ, vừa có sản phẩm trực tiếp phục vụ bữa ăn hàng ngày. Đầu hồi ngôi nhà, Bác cho cải tạo thành 2 vườn nhỏ. Một bên vườn trồng quế, một bên trồng cây ăn quả. Phía trước ngôi nhà, Bác cho trồng một vườn gồm rất nhiều loại hoa như: Hoa ngâu, nhài, địa lan… mùa nào hương hoa ấy cứ ngát thơm như khu vườn của Bác trong Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội.

Phía trước ngôi nhà có một hòn non bộ, nước chảy róc rách bốn mùa. Nhưng ít ai biết, hòn non bộ này cũng chính là Bác đã trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo để thi công. Đó là một mỏm đá tự nhiên nằm chính giữa trước ngôi nhà 2 tầng. Khi xây dựng ngôi nhà, Bác yêu cầu xây quây lại thành hòn non bộ trang trí cho ngôi nhà, vườn cây và cả khu vực. Những người thợ xây dựng lúc bấy giờ đã kể lại: Lúc đầu chiếc bể xây bao quanh hòn non bộ không phù hợp, Bác đã nhắc khéo: Các chú mặc quần áo chật có chịu được không? Sau đó những người thợ xây dựng đã nới rộng chiếc bể to ra tương xứng với chiều cao của hòn non bộ. Khi đưa nước, thả cá, thả rùa vào, hòn non bộ trở thành một "tiểu cảnh" rất đẹp. Những lần Bác tiếp khách tại đây, Người đều giới thiệu và chụp ảnh với các vị khách bên hòn non bộ này.

Những con đường sỏi, những bậc đá trên đường dẫn xuống sông vẫn được lưu giữ như thuở ban đầu. Con đường chạy từ chân đồi lên ngôi nhà 2 tầng, từng bậc và chiếu nghỉ được trải bằng sỏi cuội. Hai bên đường trồng hàng râm bụt gợi nhớ đến hàng rào quanh nhà Bác ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Con đường này được làm cùng với ngôi nhà 2 tầng, khi thi công anh em đề nghị lát gạch hoặc láng bê tông cho phẳng, cho sạch, tạo thuận lợi mỗi khi đi lên xuống. Nhưng Bác yêu cầu đổ sỏi cuội cho mát. Ngắm nhìn Bác mỗi lần leo dốc rèn luyện thân thể, anh em tự đặt tên cho con đường là: “Đường rèn luyện sức khỏe”. Theo ông Đỗ Văn Năm - nguyên chiến sĩ bảo vệ Bác từ ngày đầu năm 1960 kể lại: Vào buổi sáng mồng một Tết Canh Tý (1960), các chiến sỹ bảo vệ, anh em công nhân người miền Nam và Cụ Tô, Cụ Cẩm (người địa phương) nhìn thấy Bác xuống cuối dốc, phía sông Đà để chúc Tết. Gặp Bác, mọi người rất cảm động, lại được Bác chúc Tết, chia kẹo cho mọi người thật là gần gũi.

Ngay phía dưới ngôi nhà sàn là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những công trình trọng điểm được xây dựng để đồng bào và khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm Người tại Khu Di tích. Qua đồng chí hướng dẫn viên, chúng tôi được biết Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành vào ngày 02 tháng 9 năm 2015. Tại sân chính của Nhà tưởng niệm, nhiều hoạt động sinh hoạt chính trị của các đoàn thể, cơ quan, đơn vị đã được tổ chức trang trọng tại đây. Trong giây phút thiêng liêng đứng trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả như được trở về với cội nguồn dân tộc, luôn cảm thấy thanh thản lạ thường. Ánh mắt bao dung, đôn hậu và tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác đã tiếp thêm sức mạnh to lớn, để mỗi cá nhân tự hứa với lòng mình sẽ thực hiện tốt hơn những lời Bác dạy. Tất cả như thấy bóng hình Bác đang hiện hữu nơi đây, trong sắc Xuân của Khu Di tích K9 để chứng kiến niềm vui của cả dân tộc trước một mùa Xuân mới, Xuân Mậu Tuất 2018./.

Trần Duy Hưng

Bài viết khác: