Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 -27/02/2018), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương “Cô đỡ thôn bản tiêu biểu năm 2018” để động viên các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sáng ngày 28/02/2018, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ báo công với Bác biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đây cũng là một đóa hoa thơm của ngành Y tế dâng Bác nhân kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống của Ngành.

bo y te bao cong 2
Toàn cảnh Lễ báo công của Đoàn

          Đến dự buổi Lễ báo công có 150 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế; các đồng chí đại diện Văn phòng Bộ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em; Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Báo Gia đình và Xã hội, Báo Sức khỏe và Đời sống; các đồng chí là lãnh đạo các đơn vị, địa phương có đóng góp nhiều cho mạng lưới cô đỡ thôn bản (trong đó có 67 cô đỡ thôn bản đại diện cho 2611 cô đỡ là vùng dân tộc thiểu số) và các cán bộ của ngành Y tế thay mặt cho hàng trăm nghìn tấm gương có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đã tề tựu về đây, bày tỏ lòng thành kính sâu sắc. Đoàn do Giáo sư, Anh hùng lao động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến làm Trưởng đoàn.

          Trước khi diễn ra Lễ báo công, tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thân mật đón tiếp các đại biểu. Đồng chí bày tỏ vui mừng với những thành tích tiêu biểu mà Bộ Y tế đã đạt được trong thời gian vừa qua. Tại buổi tiếp, đồng chí đã giới thiệu khái quát về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới và gắn Huy hiệu Bác Hồ - phần thưởng cao quý mà lúc sinh thời Bác thường trao tặng những gương “Người tốt, việc tốt” cho các đại biểu.

bo y te bao cong 1

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tiếp

Hơn 25 năm trước ở Việt Nam, tử vong mẹ chung trên toàn quốc cao gấp 4 lần thời điểm hiện tại. Tử vong mẹ tại các vùng sâu, vùng xa, thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Để tiếp cận được với bà mẹ, trẻ em của đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa cần phải có những nhân viên được đào tạo kỹ năng chuyên môn là người dân tộc sinh sống ngay tại địa phương, có cùng ngôn ngữ, phong tục tập quán với đồng bào. Trong hoàn cảnh đó, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn bản dân tộc thiểu số. Họ là những người phụ nữ được lựa chọn từ chính cộng đồng bản địa vùng dân tộc thiểu số để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn, bản. Gần ba mươi năm qua, những đóng góp âm thầm của đội ngũ cô đỡ thôn bản đã đóng góp một phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Cô đỡ thôn bản như là điểm tựa vững chắc với các bà mẹ vùng sâu, vùng xa, là cánh tay “nối dài” không thể thiếu của ngành Y tế.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, toàn ngành Y tế đã nỗ lực triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như đời sống song cán bộ, nhân viên toàn ngành Y tế đã làm việc tận tình, hết lòng vì người bệnh, cứu sống nhiều sinh mạng, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho từng gia đình. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Những thành tựu trên có phần đóng góp không nhỏ của các cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số ngày đêm vượt khó để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại thôn, bản vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước anh linh của Người, thay mặt Đoàn, đồng chí Giáo sư, Anh hùng lao động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã kính cẩn báo cáo với Bác: Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Người, tư tưởng của Người, tấm gương đạo đức giản dị, trong sáng mà vĩ đại của Người chúng cháu luôn ghi nhớ và quyết tâm đoàn kết phấn đấu thực hiện theo lời dạy của Người. Sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng cũng luôn được ngành Y tế quan tâm với mục tiêu cao nhất là giảm sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, bệnh tật, tử vong bà mẹ và trẻ em giữa các vùng miền và nhóm dân tộc. Đối với những vùng đồng bào dân tộc khó khăn, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đây là một giải pháp hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính, giúp cho phụ nữ người dân tộc thiểu số tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh, kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng... Các cô đỡ thôn bản đang hoạt động tại các khu vực miền núi trong cả nước chính là những cánh tay “nối dài” của ngành Y tế tới đồng bào dân tộc, đưa chủ trương, chính sách của Đảng về với đồng bào.

bo y te bao cong 3
Đoàn kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ttrước anh linh của Bác kính yêu, Đoàn đã đã hứa với Bác: Sẽ luôn đoàn kết và nỗ lực hơn nữa vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngành Y tế quyết tâm lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!  

Bùi Hoa

Bài viết khác: