Hồ Chí Minh, Người không chỉ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, khai sinh ra nước Việt Nam độc lập, mà Người còn sáng lập, đặt nền móng và khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925) và Báo Nhân Dân (11/3/1951). 93 năm xây dựng và trưởng thành của báo chí cách mạng Việt Nam và 67 năm Báo Nhân Dân một chặng đường đồng hành cùng Nhân Dân đi lên cùng sự phát triển của đất nước.
Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16/4/1959), Bác Hồ nói: “Bác là một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Trong khoảng hơn 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký, gần 200 bút danh trên các tờ báo. Chỉ riêng đối với Báo Nhân Dân Bác đã viết hơn 1.205 bài, với khoảng 30 bút danh khác nhau. Những bài Bác viết chủ yếu đề cập đến lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội… Qua những bài viết của Bác, độc giả có thể thấy được những vấn đề như: Đường lối cách mạng Việt Nam, xây dựng Đảng, đấu tranh thống nhất đất nước, tình hình trong nước và quốc tế, những thành tựu xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, an ninh, quốc phòng và đối ngoại... và cả những điều hết sức giản dị trong đời sống xã hội như: Tết trồng cây, những gương người tốt, việc tốt, những cách làm hay, những việc đáng khen, đáng chê, thực hiện nếp sống mới, trong thực hành cần kiệm liêm chính…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh: TL
Nổi bật trong những bài viết của Bác là các bài đăng trên Báo Nhân Dân, đặc biệt khi Báo Nhân Dân ra số đầu tiên vào ngày 11/3/1951 tại chiến khu Việt Bắc. Trên trang nhất của số báo này in trang trọng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, bài của Tổng Bí thư Trường Chinh với tiêu đề ''Hồ Chủ tịch người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta'' và bài ''Bàn về cách mạng Việt Nam''. Trong đó Bác có bài “Phong trào mua công trái" (bút danh C.B.) với 350 từ, bằng câu mở đầu là “Phong trào mua công trái lại là một dịp để chứng tỏ lòng nồng nàn yêu nước của đồng bào ta”. “Mong rằng các tỉnh nhớ gửi dần dần kết quả việc bán công trái để đăng lên Báo Nhân Dân". Cho đến trước khi Bác qua đời vào ngày 02/9/1969, Bác viết bài cuối cùng với tựa đề “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, ký tên T.L, khoảng 450 từ đăng trên Báo Nhân Dân số 5526 ngày 01/6/1969 cho mục “Người tốt, việc tốt”. Bài viết này, Bác đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải hết sức quan tâm công tác nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ vì “thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà”.
Trong thời gian từ 1951 đến ngày 31/12/1954 là giai đoạn cam go nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, Bác bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác vẫn dành thời gian để viết khoảng 359 bài báo. Chỉ riêng trên báo Nhân Dân thời gian này, mỗi năm Bác viết khoảng trên dưới 100 bài báo. Đặc biệt, có những bài viết như: “Chiếc cầu bằng người” được in trên báo Nhân Dân ngày 22/11/1951; “Ai phá đạo” báo Nhân Dân ngày 15/02/1953; “Nhất thế giới”, ngày 12/12/1954; “Tên các đường phố”, ngày 30/12/1954. Bác có nhiều bút danh như: V.K, A.G, T.L, L.T, K.C, Ph.k.A, K.U, C.K, CH, KCPP, Trần Lực, Tuyết Lan, Trần Lam, Luật sư Th.Lam, Lê Thanh Long, Thu Giang, Thanh Lan, Nguyễn Kim, Lê Nông, La Lập, Nói thật, Chiến đấu, Việt Hồng, Chiến sĩ,.. (trong đó có 706 bút danh C.B), riêng trong mục ''Nói và nghe'' đã đăng 236 bài của Bác Hồ với bút danh CB.
Trên Báo Nhân Dân số 197, ngày 24/6/1954, trong dịp kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác viết bài “Cần phải xem báo Đảng”, vì theo Bác: “Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta”. Người phê bình những cán bộ, đảng viên không xem báo Đảng “khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc”. Bác phê bình một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức được một việc bình thường, một việc làm hàng ngày đó là phải đọc báo Đảng. Người chỉ rõ những cán bộ “hoặc vì văn hóa thấp, ngại đọc, lấy lệ là công việc quá bận mà lơ là, sẵn có báo cũng chỉ đọc qua loa, không có thì thôi không tìm đọc”. Bác nói: “Tuy bận nhiều việc, nhưng hằng ngày, Bác và các đồng chí ở Trung ương vẫn dành thì giờ đọc sách, báo”. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn. Người đã mở đầu và góp phần quan trọng hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam. Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói được điều lớn bằng chữ nhỏ”. Xuất phát từ những quan điểm của Bác, các thế hệ những người làm báo, cũng như bạn đọc Báo Nhân Dân trong những năm qua, luôn học tập và làm theo Bác.
Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ phóng viên Báo Nhân Dân năm 1957. Ảnh | TƯ LIỆU
Sinh thời Bác Hồ không nhận mình là nhà báo, mà chỉ là “người có duyên nợ với báo chí”. Có thể khẳng định rằng, Bác Hồ là nhà báo tài ba, uyên bác. Bác sử dụng ngòi bút tinh tế của mình như một vũ khí sắc bén, trở thành “đòn xoay chế độ”, thay đổi vận mệnh đất nước. Bác cho rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ”. Từ những quan điểm đó, báo chí nước ta nói chung và Báo Nhân Dân nói riêng đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác về báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ ngày lập nước đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về đẩy mạnh công tác xuất bản và phát hành báo chí, coi báo chí là công cụ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Những người làm báo Việt Nam nói chung và Báo Nhân Dân nói riêng đã và đang thực hiện tốt lời dạy của Người. Với chặng đường 67 năm phát triển của Báo Nhân Dân, nơi đây là cái nôi của những người làm Báo Đảng, đã trở thành diễn đàn, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cả nước. Từ năm 1997 đến nay, nhờ nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Báo Nhân Dân đã xuất bản thêm ấn phẩm như: Nhân Dân hằng tháng, Nhân Dân điện tử (từ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nga). Ngày 17/7/2013 thành lập tờ báo hình - Kênh Truyền hình Nhân Dân, phát sóng từ ngày 01/9/2015. Báo Nhân Dân chính thức trở thành một trong những tờ Báo Đảng lớn và uy tín nhất nước hiện nay, trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện, với các loại hình báo giấy, báo mạng điện tử và báo hình.
67 năm qua, 10 ấn phẩm, 750 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên, Báo Nhân Dân đã đang là đơn vị đi đầu trong làng báo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Những người làm Báo Nhân Dân phát huy truyền thống vẻ vang của tờ báo Đảng, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính hấp dẫn, tính thuyết phục, tính tương tác… Báo Nhân Dân thật vinh dự và tự hào được Bác Hồ nhiều lần về thăm, biểu dương những đóng góp to lớn của tờ báo Đảng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống đó, các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng luôn dành sự quan tâm đến cơ quan Báo Đảng, coi Báo Nhân Dân luôn là “ngọn cờ tư tưởng”, là “Người anh cả”, là đơn vị tiên phong trong làng báo chí cách mạng Việt Nam. Nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất, ngày 05/3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi đến thăm và làm việc tại Báo Nhân Dân. Thủ tướng đánh giá cao Báo Nhân Dân, Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn Báo Nhân dân cụ thể hóa thêm phương châm 10 chữ mà Chính phủ nêu ra trong năm 2018 (kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả). Thủ tướng khẳng định, tất cả cán bộ, đảng viên luôn đọc báo Nhân Dân, coi đó là thông tin chính thống, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm và làm việc với báo Nhân Dân. Ảnh: Báo Nhân Dân
Trải qua 67 năm (1951 - 2018), Báo Nhân Dân hoạt động không ngừng nghỉ. Báo Nhân Dân đã tham gia trang bị về hệ tư tưởng, chính trị cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành cuộc chiến lâu dài giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, báo Nhân dân đã làm tròn nhiệm vụ của mình đối với sự nghiệp vĩ đại của đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao những thành tích của báo Nhân dân - người phát ngôn trung thực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là ngọn cờ chính trị, tư tưởng trên mặt trận báo chí của Đảng. Nhìn lại hơn 6 thập kỷ qua, lớp lớp thế hệ người làm Báo Nhân Dân vẫn đang tiếp tục cuộc hành trình làm báo vinh quang, xứng đáng là cơ quan, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, cùng dân tộc ta vững tin và bước trên con đường hội nhập và phát triển./.
Hoàng Anh Tuấn