Thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” hay “Cách mạng công nghiệp 4.0” xuất hiện lần đầu tiên năm 2011 tại Hội chợ công nghiệp Hannover (Đức).

Hành trình của 4 cuộc cách mạng trong công nghiệp trên thế giới diễn ra như sau: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được bắt đầu ở nước Anh vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, mở đầu với việc sử dụng động cơ đốt trong, sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra từ cuối thế kỷ 19 nhờ ứng dụng điện năng, dây chuyền lắp ráp để sản xuất hàng loạt. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 diễn ra từ những năm 1970 với việc sử dụng điện tử và công nghệ thông tin, sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet. Cuộc Cách mạng công nghiệp thứ 4 được hình thành từ cuộc cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa kỹ thuật số, vật lý và sinh học. Đây được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, dữ liệu lớn (BD)… để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.

cong nghiep 40
Lịch sử 4 cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với đặc điểm là tận dụng một cách triệt để sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ; tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và Internet đồng thời cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao. Mặt khác có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển.

Nhằm chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam, ngày 04/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg “Về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thưa 4”, với các biện pháp chính như sau: Tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới; rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, đề xuất xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; có cơ chế tài chính thúc đẩy, đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng cường hội nhập quốc tế về thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả…

hoi nghi khoa hoc cong nghe 1
GS, TS. Đinh Văn Phong trình bày chuyên đề tại Hội nghị

Để hiểu rõ về Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hành trình nắm bắt và hiện thực hóa Cuộc cách mạng này tại Việt Nam hiện nay, từ đó giúp đội ngũ cán bộ trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có những định hướng, nắm bắt xu thế phát triển và ứng dụng vào lĩnh vực, nhiệm vụ của từng tập thể và cá nhân đang đảm nhiệm, sáng ngày 21/3/2018, được sự chỉ đạo của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Hội nghị giới thiệu thông tin khoa học công nghệ. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị. Báo cáo viên là GS,TS. Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

hoi nghi khoa hoc cong nghe 2
Toàn cảnh Hội nghị

hoi nghi khoa hoc cong nghe 3
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Nội dung thông tin rất sâu rộng và bổ ích, báo cáo viên đã trình rõ khái niệm, các lĩnh vực mà cuộc Cách mạng 4.0 tác động; các chiến lược, chính sách và thành tựu mà các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực đã thực hiện và đạt được. Những cơ hội, thách thức và giải pháp đáp ứng của Việt Nam trước mắt và những năm tiếp theo đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

hoi nghi khoa hoc cong nghe 4
Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng tặng quà lưu niệm cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Kết luận Hội nghị, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Ban sẽ chỉ đạo các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng trên từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể lập kế hoạch tiếp cận, phát huy năng lực, chuẩn bị nguồn nhân lực tốt, đáp ứng yêu cầu thuộc các lĩnh vực mà cuộc Cách mạng lần thứ 4 mang lại; đồng thời mong muốn trong thời gian tới giữa Ban Quản lý Lăng và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục có những phối hợp, hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết tốt những vấn đề về khoa học và công nghệ trong nhiệm vụ mà Ban Quản lý Lăng đang thực hiện./.

Nguyễn Mạnh Tuyến

Bài viết khác: