Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
Trong suốt cuộc đời mình, tiết kiệm là một trong những yêu cầu về đạo đức, lối sống, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất mực coi trọng. Bác luôn nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa của tiết kiệm trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn của nước ta. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã biết tới câu chuyện Bác Hồ viết Di chúc trên mặt sau của bản tin Thông tấn xã, dùng chiếc phong bì hai lần. Rồi thật xúc động khi chúng ta biết về điều căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Bác: “Sau khi tôi đã qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Bác dặn là: “Không được làm việc gì trái ý dân, phải lo hết sức mình cho cái ăn, cái mặc, cái ở, học hành của dân để dân được hưởng quyền tự do, dân chủ”…
Lãng phí là kẽ hở dẫn đến tham nhũng
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 128 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng kỷ niệm hơn nửa thế kỷ Bác viết Di chúc, tính từ ngày (15/5/1965) Người khởi thảo Di chúc lần đầu tiên, lúc 75 tuổi.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người cũng từng nói, “lãng phí là không thương dân. Tham ô, tham nhũng là có tội với dân, với nước”. Tư tưởng đạo đức của Bác Hồ nổi bật nhất ở những chuẩn mực cao quý “cần, kiệm, liêm, chính”. Trong đó, chữ Kiệm - tiết kiệm là một trong những phẩm chất rất quan trọng trong đạo đức và đời sống đạo đức của Người. Ở đó thấm nhuần cả tư tưởng và đạo đức, trở thành phong cách, văn hóa và lối sống Hồ Chí Minh.
Bác đã từng nói: “Mỗi đồng tiền bát gạo mà chúng ta tiêu dùng là mồ hôi nước mắt của dân. Thương dân thì phải tiết kiệm. Lãng phí là không thương dân, tham ô, tham nhũng là có tội với dân với nước”. Điều này luôn luôn là một lời cảnh báo cho chúng ta, như là một lời thúc giục chúng ta phải xuất phát từ dân, vì cuộc sống của nhân dân mà biết cách ứng xử hàng ngày với dân, sao cho thấm nhuần sâu sắc và thể hiện chân thực nhất lời dạy của Bác: Gần dân, tin dân, trọng dân, thương dân để vì dân, nhất là trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Trong cuốn hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc”, ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) có nêu một chi tiết rất cảm động là: “Ngày 10/5/1969, từ 9h30 đến 10h30, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt Thông tấn xã Việt Nam ra ngày 03/5/1969”. Bác cũng đã chỉ rõ: “Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm trong tiêu dùng hàng ngày như thế mà chúng ta làm lợi cho dân rất nhiều”. Nói vậy để thấy rằng Bác luôn chú trọng tới việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khi đất nước ta còn bộn bề khó khăn, lời dặn của Bác càng nổi bật tính thời sự.
Lãng phí là một kẽ hở dẫn đến tham nhũng. Trong tư tưởng của Bác, tiết kiệm là quốc sách và nó thể hiện một lối sống văn minh, hiện đại. Bác đã cặn dặn và giải thích rõ cho chúng ta là: “Các chú phải nhớ, tiết kiệm không phải là keo kiệt, bủn xỉn. Tiết kiệm là tiêu dùng hợp lý, việc đáng tiêu vì ích quốc lợi dân thì một vạn cũng không tiếc, việc không đáng tiêu thì một xu cũng nhất định không chi”. Không chỉ vì chúng ta nghèo mà cần phải tiết kiệm, ngay cả khi đã giàu có, những nước giàu, những nhà sản xuất kinh doanh thành đạt họ cũng rất có ý thức tiết kiệm.
Từ một chi tiết trong hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ về việc Bác chữa Di chúc lần cuối cùng trên mặt sau tờ giấy bản tin của Thông tấn xã Việt Nam, ta thấy lãnh tụ của một quốc gia mà thực hành tiết kiệm như vậy thì đó là một tấm gương đạo đức sáng ngời để chúng ta noi theo và làm theo.
Trong việc học tập và làm theo Bác, Đảng đã nhấn mạnh: “Học tập phải gắn với làm theo”. Phải thực hiện bằng được chỉ dẫn của Bác: “Lời nói đi đôi với việc làm”, “đã nói thì phải làm”.
Trong thực tế, chúng ta vẫn thấy một số biểu hiện không nhất quán giữa nói và làm, đó là do nhận thức còn non kém, là đạo đức chưa được tu dưỡng một cách nghiêm túc đến nơi đến chốn và chưa thể hiện đúng tinh thần học tập Bác. Điều này cũng còn do yếu kém trong lãnh đạo và quản lý. Bác từng căn dặn: Quần chúng chỉ yêu mến những người có đạo đức, những người tận tụy, trung thực, hết lòng vì dân. Chúng ta còn thiếu những cơ chế, chế tài cụ thể để thi hành xử lý những trường hợp yếu kém về trách nhiệm, về đạo đức. Vậy chúng ta phải đẩy mạnh việc học và hành theo chữ Kiệm của Bác một cách thiết thực, chống phù phiếm lãng phí, gắn liền với thường xuyên tự tu dưỡng, tự rèn luyện đủ cả bốn đức cần, kiệm, liêm, chính để thành người hoàn toàn. Thiếu một đức thì không thành người.
Vì sao Bác lại nhấn mạnh nội dung tiết kiệm? Bởi tiết kiệm chính là đạo đức, là phẩm chất của mỗi con người trong thời đại mới. Học tập Bác phải xuất phát từ yêu cầu rèn luyện sự tự giác và lối sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, tiết kiệm của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các nhà lãnh đạo và quản lý phải nêu gương cho mọi người noi theo.
Tiết kiệm là một tư tưởng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đất nước. Tiết kiệm ở đây là tiết kiệm nhân tài vật lực, tiết kiệm cả tiền của vật chất, tiết kiệm cả sức người sức của, tiết kiệm cả thời gian nữa.
Không được làm việc gì trái ý dân
Thực tế cho thấy ở nước ta vẫn còn tình trạng lãng phí của công. Việt Nam đã đổi mới được hơn 30 năm. Chúng ta cũng đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội cuối thế kỷ 20 nhưng cho đến nay nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cuộc sống của người dân nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cho nên tiết kiệm càng trở thành một vấn đề hệ trọng, phải được quán triệt trong tư tưởng và hành động của từng tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước cho đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, từng người dân. Việc lãng phí của công là có tội đối với dân, với nước, là trái với ý nguyện của Bác Hồ. Chúng ta hãy tập trung nguồn lực vào việc phục vụ quốc kế dân sinh, nhất là lo an sinh xã hội cho người nghèo.
Khi Bác còn sống, nhân dân, lãnh đạo nhiều Bộ ngành, tỉnh thành đã đề nghị và mong muốn Bác cho phép dựng tượng, vẽ tranh về Người. Nhưng tất cả những đề xuất ấy đều không được Bác Hồ đồng ý. Ngay khi Bác đã ở cương vị Chủ tịch Nước, sau chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/1954, miền Bắc bắt đầu có hòa bình, song chúng ta đang phải chiến đấu gian khổ cho miền Nam được giải phóng, lúc đó chúng ta có ý định xây dựng nhà tiếp khách quốc tế, rồi xây trụ sở làm việc của Trung ương, nhà ở của Bác cho đàng hoàng, to đẹp hơn. Bác trả lời rằng: "Cách mạng lấy sức mạnh ở trong lòng dân chứ không phải ở ngôi nhà to hay nhỏ. Bác ở như thế này là đầy đủ lắm rồi. Còn biết bao nhiêu việc khác đáng làm hơn".
Ngay cả chuyện sinh hoạt hàng ngày của Bác, từ cái ăn, cái mặc, đồ dùng, vật dụng của Bác, là lãnh tụ mà cuộc sống sinh hoạt hàng ngày không khác gì một người dân bình thường. Bác thấu hiểu tình cảnh nghèo khổ của dân nên Bác coi tiết kiệm như một triết lý sống, như một sự thực hành đạo đức trong suốt cuộc đời của Bác.
Vào thăm khu nhà ở của Bác lúc cuối đời, ta có ngờ đâu trên bàn làm việc của vị Chủ tịch Nước có một chiếc ống bơ sữa bò đã sử dụng để Bác cắm bút bi, bút chì làm việc hàng ngày. Rồi bộ quần áo nâu giản dị, đôi dép cao su, chiếc khăn mặt... ngay cả chiếc áo đã sờn Bác cũng không cho thay, Bác bảo vẫn mặc được, đừng bỏ đi kẻo phí phạm tiền của của nhân dân. Bây giờ mỗi người chúng ta phải học Bác một cách thiết thực, làm đúng như những chỉ dẫn và thực hành của Người.
Mọi việc làm lớn nhỏ phải xuất phát từ dân, vì dân. Bác có một châm ngôn rất thâm thuý là “Dĩ công vi thượng”. Tức là đặt việc công, việc dân, việc nước lên trên hết. Bác dặn là không được làm việc gì trái ý dân. Bác dặn là phải lo hết sức mình cho cái ăn, cái mặc, cái ở, học hành cho dân để dân được hưởng quyền tự do dân chủ. Bác còn nói là: “Việc gì có lợi cho dân thì phải quyết làm cho bằng được. Việc gì có hại cho dân, dù chỉ là cái hại nhỏ cũng phải hết sức tránh”.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay giữa các nước, chúng ta còn đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu, lạc hậu thì vẫn xảy ra tình trạng lợi ích nhóm và lãng phí, nó đang tạo ra nhiều kẽ hở cho tham nhũng. Lợi ích nhóm gắn với những hành động bất minh, bất chính trong việc làm giàu cùa một số phần tử thoái hóa biến chất nhưng lại có quyền lực trong đời sống chính trị gắn với những “đại gia”, làm ăn phi pháp. Điều này gây ra tổn thất vật chất và tinh thần cho người dân, gây tổn hại đến uy tín và thanh danh của Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Đảng ta đã tỏ rõ quyết tâm chống bằng được lợi ích nhóm bất minh, bất chính, thể hiện rõ nhất trong Hội nghị Trung ương lần thứ 11, Khóa XI, khi bàn về phương hướng nhân sự của Khóa XII, Đảng ta đã nhấn mạnh kiên quyết không để lọt vào Trung ương những người làm giàu nhanh bất thường, nhiều nhà, nhiều đất hoặc những người lợi dụng chức quyền mưu đồ lợi ích cá nhân.
Chúng ta tin vào quyết tâm chính trị đó của Đảng và sức mạnh ủng hộ của nhân dân đấu tranh chống tiêu cực. Và, Đại hội XII của Đảng, đã nêu cao tinh thần đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới. Đảng nêu cao trách nhiệm với Dân, với Nước, nêu cao quyết tâm chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đặc biệt nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức để xứng đáng với lòng tin của dân.
Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XI và Nghị quyết trung ương 4, Khóa XII đều tập trung vào vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy lùi quốc nạn tham nhũng là một nỗ lực và trách nhiệm của chúng ta.
Về mặt văn bản, luật hóa tư tưởng, quan điểm của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chúng ta đã cố gắng làm tốt, thế nhưng trên thực tiễn, chăm lo cho con người, cũng đã có ý kiến cho rằng, chúng ta chưa thực sự đầu tư hiệu quả. Việc chăm lo đầu tư cho con người theo yêu cầu chống lãng phí, thực hành tiết kiệm cần phải thấy rằng, một trong những điểm nghẽn của phát triển hiện nay chính là chất lượng nguồn nhân lực thấp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng, ông đã có lần phát biểu là “trong đội ngũ công chức của chúng ta nếu tạm không sử dụng 30% công chức thì bộ máy Nhà nước cũng không sao cả”.
Điều này cho thấy chất lượng công chức của chúng ta còn thấp, lại để xảy ra lãng phí nhân lực và còn nhiều yếu kém trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm tiền của vật chất mà còn là tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhân lực, nhất là tiết kiệm vốn người, nguồn vốn quan trọng bậc nhất của vốn xã hội.
Lãng phí thời gian, nhất là lãng phí nhân tài, là lãng phí lớn nhất tạo ra rào cản đối với phát triển, làm gay gắt thêm nguy cơ tụt hậu, lạc hậu của nước ta so với thế giới. Cho nên chúng ta phải quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, đặc biệt là tiết kiệm sức người, sức của để chăm lo cho dân, chăm lo bồi dưỡng sức dân, tiết kiệm sức dân, phát triển sức dân. Tất cả chỉ đều xoay quanh một chữ DÂN mà thôi.
Sinh thời, Bác Hồ căn dặn, muốn làm tốt việc tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Đảng ta là một Đảng cầm quyền với đội ngũ hơn 4,5 triệu đảng viên, với hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Không ai không kỳ vọng Đảng tiếp tục đổi mới đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn để cho đời sống của nhân dân và vị thế của đất nước được nâng lên. Đó cũng là trách nhiệm của Đảng ta. Nếu tất cả cán bộ, đảng viên thực hành tiết kiệm được như lời Bác Hồ căn dặn thì sẽ đem lại nguồn lợi lớn cho dân tộc, cho đất nước và đấy sẽ là cơ sở chắc chắn để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng của mình. Không nên quên rằng, vào lúc này, sự hài lòng của người dân phải là tiêu chí quan trọng nhất để đo lường hiệu quả của bộ máy, nhất là các cơ quan công quyền, đo lường chất lượng công tác của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là thi hành công vụ của đội ngũ công chức.
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, nhất là trước những thách thức của phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực, toàn bộ tiền của để chăm lo cho dân sinh, lo mở thêm trường học cho các cháu, mở thêm bệnh viện cho người nghèo, lo chăm sóc cho những người nghèo, thiếu ăn thiếu mặc, đền ơn đáp nghĩa những người có công với nước. Chúng ta dựng tượng đài cho Bác trong chính trái tim của chúng ta, trong tình thương mênh mông của Bác đặt vào chúng ta chứ không cần những hành động phô trương lãng phí, hình thức, xa lạ với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xa lạ với lòng dân, ý dân./.
GS,TS. Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương