Thiếu tướng Đặng Nam Điền, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969,
Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tặng hoa chúc mừng các nghệ sỹ
Tối 18/10/2012, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ thuộc các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng được gặp lại các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch Quân đội biểu diễn phục vụ tại Hội trường củaTư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù chưa tới giờ biểu diễn, nhưng hội trường hơn 400 chỗ ngồi đã không còn một chỗ trống, bởi ngay từ những hôm trước, qua thông báo của cơ quan Chính trị về nội dung đêm diễn, cán bộ, công nhân viên và nhất là các chiến sỹ trẻ đều rất mong mỏi được gặp các nghệ sỹ nổi tiếng mà có người mới chỉ được biết qua truyền hình. Đại tá Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là một trong các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của đơn vị nhằm phục vụ cán bộ, công nhân viên trong dịp tu bổ định kỳ Công trình Lăng năm 2012 và kỷ niệm 20 năm hợp tác trực tiếp với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva (1992 -2012) trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”
Đại tá, NSƯT Minh Hằng, Giám đốc Nhà hát Kịch Quân đội cho biết thêm: “Vở kịch nói “Cái chết chẳng dễ dàng gì” của tác giả Xuân Đức đã từng đoạt giải thưởng của Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam và giải cao tại Cuộc vận động viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sỹ (năm 1994). Và trong Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua tổ chức tại Huế, Nhà hát Kịch Quân đội tái dựng vở kịch “Cái chết chẳng dễ dàng gì” do NSND Xuân Huyền - đạo diễn. Vở diễn đã đạt giải Bạc trong Liên hoan này, và hôm nay các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch Quân đội rất vinh dự được biểu diễn phục vụ các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đúng 19h30, sau lời giới thiệu ngắn gọn của đại diện Nhà hát kịch Quân đội về vở diễn “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, rèm sân khấu được kéo lên. Dưới ánh đèn sân khấu, khán giả được gặp hình ảnh Bác Hồ đang ngồi làm việc ở Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Trên bàn làm việc của Bác có nhiều chồng báo và thư, lúc này Người đang chăm chú đọc một bức thư, rồi một tay cầm thư, Người quay sang tấm bản đồ lớn, ngón tay lần tìm một địa chỉ... Cứ như vậy, khán giả bị cuốn hút theo câu chuyện mà các nghệ sỹ trên sân khấu đang hóa thân vào từng nhân vật….
Kịch bản của vở diễn tái hiện những hy sinh gian khổ song cũng đầy hào hùng của quân và dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nếu như đâu đó tồn tại những kẻ cơ hội, chạy trốn, đớn hèn như Trần Oanh - Phó Bí thư Huyện ủy (Nghệ sỹ Huệ Đàn đóng) và Cảnh Tài - Ban Thi đua huyện (NSUT Minh Tuấn đóng) thì vẫn còn đây những con người đau đáu vì cuộc chiến, nóng lòng được ra trận nhưng lại bị “bỏ rơi” như nhân vật huyện đội trưởng Hoàng Hữu Ngạn (NSND Quốc Trị vào vai) hay chiến sỹ Kỳ (Tiến Quang đóng) và niềm tin sắt son vào đồng chí, đồng đội của chị Quế (NSƯT Ngọc Thư đóng). Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, người lính không chỉ chiến đấu với quân thù mà còn đấu tranh với cái ác, cái xấu để bảo vệ sự trong sạch, khẳng định nhân cách của người chiến sỹ đang ngày đêm chiến đấu ngoài mặt trận. Khán giả đặc biệt ấn tượng với vai diễn của NSƯT Tiến Mộc đã thể hiện xuất sắc hình tượng Bác Hồ trên sân khấu.
Gần 2 giờ đồng hồ trôi qua, khán giả được trải qua những cung bậc thăng trầm của cảm xúc: Đó là vẻ đẹp giản dị cùng tấm lòng nhân ái cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; tình yêu thương đồng chí đồng đội, niềm tin sâu sắc vào Đảng, vào Bác Hồ; đề cao giá trị nhân văn, xây dựng hình tượng người chiến sỹ anh hùng trong chiến tranh, phê phán cái xấu cái thấp hèn, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước và phê phán những căn bệnh trầm kha: Bệnh thành tích, chủ nghĩa cơ hội; là cái ác, cái xấu xa trong mỗi con người cứ luôn tồn tại, rình rập dù trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào.
Vở diễn đã khép lại, ánh đèn sân khấu đã tắt, nhưng những dư âm và tinh thần của câu chuyện qua vở diễn thì vẫn còn sôi nổi trong mỗi khán giả. Binh nhất Ngô Cao Điệp Anh, chiến sỹ của đơn vị cho biết: “Chúng tôi ở địa phương ít có cơ hội được thưởng thức nghệ thuật trực tiếp như hôm nay mà chỉ được xem, được nghe trên ti vi, trên đài mà thôi. Hôm nay được trực tiếp gặp gỡ giao lưu cùng các nghệ sỹ nổi tiếng như anh Tiến Quang, anh Quốc Trị hay chị Thu Quế, được tận mắt xem các nghệ sỹ biểu diễn chúng tôi rất ấn tượng. Và câu chuyện cũng để lại cho chúng tôi rất nhiều bài học sâu sắc, trong đó có bài học về tình thương yêu đồng chí, đồng đội. Đây thực sự là món quà tinh thần rất quý báu đối với chúng tôi”.
Để tổ chức được chương trình như hôm nay, đội ngũ các diễn viên, các kỹ thuật viên và anh em phục vụ của Nhà hát Kịch Quân đội đã có nhiều cố gắng. Bởi thiết kế mỹ thuật, đạo cụ, âm thanh ánh sáng thường dùng cho các sân khấu chuyên nghiệp, còn ở đơn vị, tuy đã có nhiều cố gắng nhưng sân khấu nhỏ, thiết bị âm thanh, ánh sáng chưa đủ so với yêu cầu của vở diễn. Tuy vậy, với tinh thần của những người nghệ sỹ, chiến sỹ nên các diễn viên, kỹ thuật viên đã khắc phục mọi khó khăn, biểu diễn hết mình để đem lại những giá trị tinh thần tốt đẹp trong mỗi cán bộ, chiến sỹ đơn vị. Và trong suốt quá trình biểu diễn, sau mỗi câu chuyện cảm động, sự diễn xuất thăng hoa của các nghệ sỹ là những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả dành cho các nghệ sỹ.
Kết thúc đêm biểu diễn, Thiếu tướng Đặng Nam Điền, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên sân khấu dành tặng bó hoa tươi thắm cho các nghệ sỹ của Nhà hát Kịch Quân đội và bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Nhà hát đã quan tâm và tạo điều kiện để cán bộ, công nhân viên chiến sỹ của đơn vị được thưởng thức một chương trình đặc sắc, ý nghĩa.
Duy Hưng