Ngày 20/10/2012, gần 40 hội viên của Công đoàn cơ sở và Hội Phụ nữ cơ sở Văn phòng - Chính trị đã hành hương về Đền Hùng làm lễ dâng hương và tham quan Khu Di tích, nơi thờ các vị Vua Hùng có công dựng nước. Đoàn tham quan đã dâng hương ở Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, tham quan Bảo tàng Hùng Vương và dâng hương tại Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Đoàn tham quan được ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, bà Lưu Thị Minh Toàn, Truởng phòng Bảo tàng - Di tích tiếp đón thân mật.

a1 den hung

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân

              Qua những lời giới thiệu, tái hiện lại những truyền thuyết lịch sử xưa của bà Lưu Thị Minh Toàn, Truởng phòng Bảo tàng - Di tích, chúng tôi đã phần nào hiểu hơn về truyền thuyết Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân, sinh ra bọc trăm trứng, trăm trứng ấy nở thành trăm người con trai. Năm mươi người con theo mẹ về núi, năm chục người con theo cha xuống biển, chia nhau thống trị những xứ đó, đó là thủy tổ của người Bách Việt. Người con trưởng trong số những người con theo mẹ lên đất Phong Châu (nay là Phú Thọ) được tôn làm Vua lấy hiệu là Hùng Vương lập ra nước Văn Lang. Vua Hùng chia đất nước ra làm mười năm bộ, đặt tướng văn, võ, gọi là Lạc hầu, Lạc tướng. Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mỵ Nương. Ngôi Vua đời đời gọi chung một là Hùng Vương. Lạc Long Quân là người mở mang cõi Lĩnh Nam, đem lại sự yên ổn cho dân. Vua Hùng là người dựng nước, truyền nối được mười tám đời. Do sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên dân tộc Việt Nam vẫn truyền kể mình là dòng giống Tiên Rồng.

2
Chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ

Tiếp theo cuộc hành trình, chúng tôi đuợc đến tham quan Bảo tàng Hùng Vương. Có thể nói, nơi đây lưu giữ rất nhiều hiện vật lịch sử, là “trường học” cho các thế hệ sau về truyền thống dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm oanh liệt của dân tộc. Sự phát triển của khoa học lịch sử những năm gần đây với những di vật tìm được đã khẳng định: Thời đại Hùng Vương là một thời đại có thật trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

3
Tham quan tại Bảo tàng Hùng Vương

Với rất nhiều hiện vật gốc và nhiều hiện vật khác có giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng được trưng bày tại Bảo tàng đã khắc hoạ mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa Hùng Vương, văn minh sông Hồng với sự phát triển của dân tộc Việt Nam và lịch sử dựng nước của các Vua Hùng. Tại Bảo tàng, 5 mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành con người và dân tộc Việt Nam đã được tái hiện trực quan:

- Đất nước, con người một thời nguyên thuỷ;

- Bắt đầu dựng nước;

- Sự nghiệp xây dựng nước Văn Lang của các Vua Hùng;

- Khu Di tích Đền Hùng và việc thờ cúng Vua Hùng trên đất cổ Phong Châu;

- Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của các chế độ trước đến Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng ngày nay với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Sau khi tham quan Bảo tàng Hùng Vương, Đoàn bắt đầu cuộc hành trình tham quan các khu Đền. Để lên được Đền Hùng, trước tiên phải qua cổng đền và đến khu Đền Hạ. Bên cạnh Đền Hạ là chùa Thiên Quang Thiền Tự. Trước cửa chùa có cây thiên tuế hàng trăm năm tuổi. Qua Đền Hạ đến Đền Trung, nơi Vua Hùng thứ 6 đã nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo vì đã làm ra bánh chưng, bánh dày - một loại bánh được kết hợp từ tinh hoa của đất trời đến mồ hôi, công sức của người nông dân.

4
Bà Lưu Thị Minh Toàn, Truởng phòng Bảo tàng - Di tích, Khu Di tích lịch sử
Đền Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn trước cổng lên Đền thờ các vị Vua Hùng

 

 Ngoài các Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Khu Di tích còn có Đền Giếng thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) đã có công dạy nhân dân trồng lúa nước, trị thủy. Tại nơi đây, vào năm 1954, khi đến thăm Đền Giếng tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã có buổi gặp cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 sắp làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Nguời nói về công lao các Vua Hùng dựng nước và giữ nước, về tầm quan trọng của Thủ đô, Bác nhắc nhở bộ đội phải kính trọng dân, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, kỷ luật quân đội cách mạng. Bác căn dặn bộ đội phải thường xuyên học tập, rèn luyện, giữ nghiêm kỷ luật. Bác nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” - một câu nói đã trở thành bất hủ, in đậm trong trái tim khối óc mọi thế hệ Việt Nam.

5
Thành viên trong Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên 
Bia khắc câu nói bất hủ của Bác Hồ tại Đền Giếng

 

            Cao nhất là Đền Thượng được đặt trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với tên tự “Kính Thiên lĩnh điện” (Điện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh), thờ 18 vị Vua Hùng. Đây là nơi hàng năm Vua Hùng tiến hành nghi lễ tế trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt cho muôn dân no ấm. Ngày 10/3 hàng năm, Đền Thượng còn là nơi diễn ra nghi thức long trọng trong ngày Giỗ Tổ. Tại nơi đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm lễ dâng hương, đọc diễn văn tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng. Phía đông Đền Thượng là Lăng Vua Hùng, dân gian gọi là Mộ Tổ. Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái, phía trên 3 mặt đều đề: Hùng Vương Lăng. Trong Lăng là Mộ nhà Vua với dòng chữ khắc trên bia đá: Biểu chính. Nghĩa là Lăng chính.

 “Uống nước nhớ nguồn” là một đạo lý, truyền thống quý báu của dân tộc ta từ xưa đến nay, có thể nói, những chuyến đi hướng về cội nguồn thực sự rất bổ ích và đã để lại trong mỗi chúng tôi những ấn tượng sâu sắc. Ông cha ta có câu “Chim có tổ, người có tông”, trong giờ phút thiêng liêng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, trước anh linh các Vua Hùng, với nén hương thơm và tấm lòng thành kính, mỗi thành viên trong Đoàn nghiêm trang hướng về cội nguồn tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên - những người đã đặt nền móng đầu tiên cho đất Việt hôm nay và cũng không quên cầu mong những điều tốt đẹp nhất. Đây cũng là dịp để mỗi người dân và Đoàn khách tham quan đuợc gửi lời cảm ơn chân thành tới Đảng bộ, nhân dân tỉnh Phú Thọ, trực tiếp là cán bộ, nhân viên Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã thực hiện tốt nhiệm vụ trông coi, giữ gìn Lăng miếu Tổ tiên, xây dựng Di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm là Di tích quốc gia đặc biệt, là Trung tâm văn hóa - lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Về thăm đất Tổ, Đền Hùng là một niềm tự hào và thiêng liêng khó tả. Trước không gian hùng vĩ, “sơn chầu thủy tụ”, mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy mình thật nhỏ bé. Để lại sau lưng những guồng quay cuộc sống với những bộn bề lo toan, trở về với cội nguồn, với hồn thiêng sông núi vang vọng nghìn năm, mỗi người con dân đất Việt đều cảm thấy tâm hồn thật thanh thản, nhẹ nhàng. Tự hào về những trang sử đầu tiên của dân tộc khắc ghi truyền thống vẻ vang mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của các vị Vua Hùng, thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức trước anh linh các bậc tiền nhân, lớp lớp các thế hệ con cháu Lạc Hồng nguyện tiếp bước cha, anh, đoàn kết nhất trí một lòng đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã chọn, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Huyền Trang - Ngọc Hà

 

 

 

Bài viết khác: