Hướng tới kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 02/9 (02/9/1945 - 02/9/2018); kỷ niệm 43 năm Ngày truyền thống đơn vị (29/8/1975 - 29/8/2018), vừa qua, Công đoàn Văn phòng - Chính trị, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức tham quan, học tập tại Khu Di tích lịch sử Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang và Khu Di tích ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Cong doan Vp tham quan 4
Đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Huống, Phó Chủ nhiệm Chính trị
viết lưu niệm tại Khu Di tích ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Đoàn gồm 38 thành viên do đồng chí Đại tá Nguyễn Thanh Huống, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn.

Cong doan Vp tham quan 3
Đoàn dâng hương tưởng niệm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Khu Di tích ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Địa điểm tham quan đầu tiên của Đoàn là Khu Di tích Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là Thủ đô giải phóng, Thủ đô kháng chiến, trung tâm của cách mạng cả nước. Nhiều địa danh như Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang đã đi vào lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Tại Tuyên Quang, nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ được triệu tập. Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (họp tại Kim Bình, Chiêm Hóa từ ngày 11 đến ngày 19/02/1951) là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước. Đại hội đã bổ sung, hoàn chỉnh đường lối kháng chiến, kiến quốc, đề ra nhiệm vụ xây dựng Đảng Lao động Việt Nam vững mạnh, quyết định những chủ trương, biện pháp đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt của dân tộc ta đến thắng lợi.

Lán Nà Nưa

Cong doan v p lan na nua
Đoàn nghe giới thiệu về di tích Lán Nà Nưa

Lán Nà Nưa (còn gọi là lán Nà Lừa) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500 mét về phía Đông. Địa điểm dựng lán đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra, đó là “gần nguồn nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, ẩn mình dưới những tán cây rậm rạp, cột làm bằng thân cây chôn xuống đất, rui mè bằng tre nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian nhỏ, gian bên trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian bên ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại căn lán nhỏ đơn sơ này, Bác Hồ đã soạn thảo nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ngày 04/6/1945, tại lán Nà Nưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.

Lán Cảnh vệ

Để bảo đảm an toàn cho Bác, các đồng chí cảnh vệ đã dựng một căn lán nhỏ cách lán Nà Nưa khoảng 20 mét về phía Đông án ngữ con đường mòn từ làng Tân Lập vào và từ Thái Nguyên sang; đồng thời đặt nhiều trạm gác bí mật xung quanh khu vực Bác ở và làm việc.

Lực lượng cảnh vệ bảo vệ Bác và các cơ quan Trung ương tại Tân Trào được biên chế thành các tiểu đội, đóng ở làng Tân Lập. Trong đó, Tiểu đội cận vệ đặc biệt gồm 8 người với nhiệm vụ kiểm soát tình hình an ninh trong khu vực, theo dõi người lạ mặt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho Bác và Trung ương Đảng, đưa đón, dẫn đường cho các đại biểu về dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội Tân Trào.

Trong thời gian ở và làm việc tại lán Cảnh vệ, vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, các đồng chí cảnh vệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.

Đình Tân Trào

Tiếp theo chuyến hành trình trở về nguồn, theo dấu chân Bác, Đoàn đến Đình Tân Trào, điểm dừng chân cuối cùng tại tỉnh Tuyên Quang, là nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn để họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945.

Đây là một ngôi đình thờ Thành Hoàng và các vị thần sông, thần núi của làng Tân Lập. Đình được dựng vào năm Quý Hợi (1923) theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ. Dưới mái đình này, ngày 16/8/945, các đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp Quốc dân Đại hội. Tại đây, các đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17/8/1945, thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây. Quốc dân Đại hội Tân Trào được coi như Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai trong lịch sử nước ta, nơi hội tụ sự đoàn kết, trí tuệ của toàn dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước. Từ mái đình này, lời kêu gọi cứu quốc được phát đi tới hơn 20 triệu đồng bào cùng đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đưa đất nước sang một kỷ nguyên mới - “Kỷ nguyên độc lập, tự do”.

Rời Đình Tân Trào, tạm biệt vùng đất Tuyên Quang với những con người mến khách, Đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình đến mảnh đất Thái Nguyên, trở về với Khu tưởng niệm Bác Hồ tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên.

ATK Định Hóa, Thái Nguyên

Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, huyện Định Hóa cùng với các huyện Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên) và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn (Tuyên Quang) trở thành An toàn khu (ATK) của Trung ương, trong căn cứ địa Việt Bắc, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lập đại bản doanh lãnh đạo kháng chiến, Bác cùng bộ phận bảo vệ, giúp việc sống với bà con dân tộc Tày, Nùng ở xóm Nà Lọm, Tỉn Keo và bà con dân tộc Dao bản Khuôn Tát… Đồng bào các dân tộc 24 xã, thị trấn ATK Định Hóa đã chở che, bảo vệ an toàn tuyệt mật cho Bác cùng các đồng chí Trung ương Đảng.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh đèo De, tựa vào dãy núi Hồng, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, được khánh thành vào dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2005).

Trong Nhà tưởng niệm trưng bày nhiều bức ảnh tư liệu, hiện vật giới thiệu về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo thời kỳ ở Tân Trào trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thời kỳ Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trở lại chiến khu Việt Bắc đặt đại bản doanh tại ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khu Di tích Khuôn Tát trên đồi Nà Đình, thuộc trung tâm quần thể di tích ATK Định Hoá

Ngày 06/12/1953, tại Tỉn Keo (xã Phú Đình), ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, lập chiến công “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, kết thúc chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Bản Khuôn Tát thuộc xã Phú Đình, ATK Định Hoá, còn được gọi là Khuổi Tát, Khuôn Đát, tiếng Tày có nghĩa là thung lũng có thác nước chảy, gắn với địa danh suối Khuôn Tát bắt nguồn từ Chợ Đồn chảy qua Khuôn Tát xuống cánh đồng Tỉn Keo, Nà Lọm… Hồi đầu kháng chiến (1947 - 1948), ở Khuôn Tát chỉ có vài ba nóc nhà thưa thớt của đồng bào Dao. Rừng rậm, núi non trùng điệp, xen đồi nhỏ với những thửa ruộng bậc thang. Bên kia Đèo De núi Hồng là lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Ngày 20/11/1947, Bác ở làm việc tại đồi Nà Đình (28/11/1947), sống cùng với dân bản Khuôn Tát, từ đó đến ngày 25/5/1948, Bác di chuyển chỗ ở và làm việc nhiều nơi trong ATK Định Hóa, lên huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), sang huyện Sơn Dương, sau lại về Khuôn Tát. Nhà sàn của Bác trên đồi Nà Đình lợp cọ, cột gỗ, vách bằng nứa, có sàn, cửa sổ thông thoáng. Dưới lán Bác ở hơn chục mét là nhà của bộ phận bảo vệ giúp việc, có sân, bàn ăn làm bằng vầu có 4 chân cắm xuống đất. Trong những năm tháng Bác ở đây, đồng bào Tày, Nùng, Dao xã Lục Giã cùng bà con nhân dân bản Khuôn Tát đã đùm bọc, chở che bảo vệ Bác.

Từ Đèo De đi khoảng nửa cây số, xe ô tô đưa Đoàn đến Khu Di tích Khuôn Tát thuộc địa phận xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình. Nơi Đoàn đặt chân xuống đầu tiên là một bãi đất rộng nằm dưới chân cây đa cổ thụ có cả trăm tuổi sum suê cành, lá tỏa bóng mát. Bên cạnh cây có tấm biển di tích mô tả cây đa có tên rất gẫn gũi "Cây đa Khuôn Tát" - cây đa Bác Hồ. Bởi trước đây dưới bóng cây này, hàng ngày Bác vẫn thường ra đây tập võ Thái cực quyền và cùng các đồng chí bảo vệ, giúp việc chơi bóng chuyền rèn luyện sức khỏe. Đi qua cây đa, cả đoàn chúng tôi lội ngang qua dòng suối Khuôn Tát hiền hòa, dịu mát chảy vắt ngang qua con đường vào căn lán của Bác. Dòng suối này là nơi ngày ngày Bác ra đây tắm giặt và câu cá. Trước mắt là một phong cảnh hữu tình làm say mê lòng người với con đường uốn lượn quanh co qua những cánh đồng lúa thơm mát dưới chân những đồi chè. Con đường dài khoảng 150 mét dẫn Đoàn đến với căn lán Khuôn Tát nơi Bác đã ở và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1947 - 1954. Căn lán với diện tích chỉ trải vừa hai chiếc chiếu, lán Bác ở đơn sơ như lán của cư dân bản địa đi làm nương rẫy. 

Những ngày ở căn lán này, Bác đã viết rất nhiều tài liệu nhằm củng cố chính quyền, củng cố hậu phương, động viên quân và dân ta quyết tâm kháng chiến. Nơi đây, Bác Hồ và Quốc hội đã tổ chức lễ phong quân hàm cấp tướng cho 10 cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng.

Cách lán Khuôn Tát không xa là một căn hầm nhỏ nhưng tương đối chắc chắn và thoáng mát, tiện lợi. Đó là căn hầm Khuôn Tát, nơi để Bác cùng các đồng chí của mình tránh bom, tránh đạn và máy bay trinh thám của địch...

Rời hầm Khuôn Tát cũng vào lúc giữa trưa, Đoàn kết thúc chương trình tham quan các Khu Di tích căn cứ cách mạng với lòng đầy tự hào về một giai đoạn cách mạng hào hùng của dân tộc, về những con người thân thiện, mến khách, sâu nặng nghĩa tình.

Từ chuyến tham quan học tập tại Khu Di tích lịch sử Tân Trào, Tuyên Quang và Khu Di tích ATK Định Hóa, Thái Nguyên, các thành viên trong Đoàn đã có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn về con người và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng qua hoạt động thực tiễn này, mỗi công đoàn viên như được tiếp thêm lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, thêm quyết tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị Khóa XII. Đặc biệt là các cán bộ, đoàn viên làm công tác đón tiếp tuyên truyền tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những trải nghiệm thực tế, học tập phương pháp, tích lũy kiến thức, đúc rút kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng công tác đón tiếp tuyên truyền, phục vụ tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

                                                                    Hải Yến - Huy Công

Bài viết khác: