"Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" là đạo lý truyền thống ngàn đời của dân tộc ta. Thấm nhuần đạo lý tốt đẹp đó và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ đối với đất nước, Trung đoàn 375 đã tổ chức “Hành trình tri ân” đến thăm và dâng hương một số di tích lịch sử của tỉnh Quảng Trị. Chương trình đặc biệt này là sự kết nối các mốc son oai hùng của dân tộc, nhằm ôn lại những năm tháng hào hùng của các thế hệ cha anh, giúp các cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 375 hiểu được hòa bình hôm nay đã được đánh đổi bằng cả tuổi trẻ của biết bao thế hệ đi trước.
Đoàn dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng trị
Quảng Trị là địa danh không chỉ trong nước mà cả cộng đồng quốc tế đều biết đến bởi sự chia cắt đau thương, sự chịu đựng đạn bom ác liệt và ý chí kiên cường bất khuất của những con người nơi đây. Nhưng có lẽ ác liệt, gian khổ và hào hùng nhất chính là Thành cổ Quảng Trị. Cuộc chiến tại Thành cổ Quảng Trị đi vào lịch sử như những trang bi tráng nhất, 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” với những ký ức không thể nào quên. Sự dữ dội, quyết liệt của trận “quyết chiến chiến lược” này đã trở thành kinh điển khắc khoải, đau nhói: “Chỉ trong 81 ngày đêm, từ 28/6/1972 - 16/9/1972, nơi đây đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo” (Báo Quân đội nhân dân ra ngày 09/8/1972). Tại chiến trường vô cùng ác liệt này, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa vào lòng đất. Xương máu của các anh thẫm đẫm trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn, trở thành phù sa bến bãi, thành cỏ cây, thành tiếng gió rì rào:
"Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm".
(Trích thơ "Lời người bên sông" - Lê Bá Dương)
Bước chân trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng, chúng tôi như sống lại mùa hè năm 1972, tại Thành Cổ - mảnh đất thiêng liêng đã hứng chịu hàng trăm ngàn tấn bom đạn của giặc Mỹ, ngày cũng như đêm, trời và đất đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được. Nhưng giữa những gam màu xám xịt đen tối của chiến tranh, giữa sự khốc liệt của mưa bom lửa đạn, giữa ranh giới sống chết mong manh, các chiến sỹ vẫn luôn rạng ngời tươi tắn, ý chí mạnh hơn sắt thép và lòng quả cảm tuyệt vời đã không thể bị khuất phục. Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, các chiến sĩ đã chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại. Tinh thần chiến đấu và sự ngoan cường của những người lính tuổi đời chỉ mới đôi mươi đã viết nên khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp một phần xương máu của mình vào công cuộc giải phóng đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm kể từ “mùa hè đỏ lửa” khốc liệt năm 1972 ấy. Thị xã Quảng Trị đã được xây dựng lại từ đổ nát của chiến tranh. Thành cổ Quảng Trị được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, trở thành điểm viếng thăm của hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế. Vết tích thành cổ thời Nguyễn giờ chỉ còn sót một đoạn tường gạch phủ dấu thời gian phía bên tay phải cổng chính Thành cổ. Trong khuôn viên Thành cổ được trồng nhiều cây xanh, trên các thảm cỏ trưng bày nhiều tượng đài ca ngợi sự hy sinh oanh liệt của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Trên những tảng đá được mài, khắc những câu thơ mà tôi chắc ai đọc cũng rưng rưng nước mắt:
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”
(Cựu chiến binh Thành cổ - Phạm Đình Lân)
Trung tâm của Thành cổ Quảng Trị là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ được xây dựng mô phỏng là ngôi mộ tập thể. Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng. Trên tầng lưỡng nghi gồm hai nửa âm và dương, tượng trưng giữa trời và đất, giữa ngày và đêm, giữa người sống và người chết. Ngay nửa phần âm là một cây hương cao 8,1 m được ví như “Đèn thiên mệnh” để chuyển tải linh hồn các liệt sỹ về cõi vĩnh hằng. Giữa “Đèn thiên mệnh” có hình tượng “bát cơm quả trứng” theo quan niệm, phong tục của người Á Đông. Một điều đáng chú ý là con số “81 ngày đêm” được thể hiện ở nhiều chi tiết của Đài tưởng niệm như: Có tổng cộng 81 bậc đi lên Đài, cây hương cao 8,1 m, xung quanh tầng lưỡng nghi có 81 bức phù điêu là 81 tờ lịch ghi rõ từng ngày của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, theo chiều ngược kim đồng hồ, bắt đầu là ngày 28-6-1972, cuối cùng là ngày 16-9-1972.
Một công trình nổi bật khác tại Thành cổ Quảng Trị đó là Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, nằm ở bên phải, cách không xa Đài tưởng niệm. Những hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng không nhiều nhưng đủ để khách viếng thăm hình dung được sự khốc liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nổi bật giữa gian trưng bày là bức ảnh đen trắng chụp Thành cổ trong 81 ngày đêm tan hoang bởi đạn bom. Tuy nhiên, hiện vật nổi tiếng nhất trong Bảo tàng phải kể đến là 2 bức thư: Một của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh và một của liệt sỹ Lê Binh Chủng.
Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ tư, khóa 13 khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết ngày 11/9/1972, trước khi anh hy sinh 3 tháng 20 ngày: “Toàn thể gia đình kính thương... Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”... Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ... Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...”. Bức thư cuối cùng anh không kịp gửi bởi anh cùng những đồng đội cuối cùng trong tiểu đội đã anh dũng hy sinh. Đặc biệt, bức thư có đoạn viết cho người vợ mới cưới: “... Ngày thống nhất, em hãy vào miền Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng...”. Không ai có thể ngờ rằng, đó là manh mối để tìm thấy anh sau ngày giải phóng. Năm 2002, theo hướng dẫn của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, bà Đặng Thị Xơ - vợ liệt sỹ Huỳnh đã tìm thấy hài cốt của chồng theo đúng những gì anh đã miêu tả trong thư.
Bức thư thứ hai của liệt sỹ, Trung úy Lê Binh Chủng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Quảng Trị. Trung úy Lê Binh Chủng quê ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tiểu đoàn 3, mật danh “Tam Đảo” của liệt sỹ Chủng ngày ấy nổi tiếng với lời thề quyết tử thiêng liêng: “K3 Tam Đảo còn, Thành cổ Quảng Trị còn”. Trong dịp hành quân vào miền Nam chiến đấu, dừng lại ở tỉnh Quảng Bình, anh Chủng đã gặp và yêu mến cô nữ dân quân Phạm Thị Biển Khơi. Hai người đã báo cáo tổ chức nhưng chưa kịp làm lễ cưới thì anh Chủng nhận nhiệm vụ vào chốt giữ Thành cổ Quảng Trị. Năm 2002, trong khi thi công phục chế Thành cổ, đội xây dựng đã tìm thấy một căn hầm bê tông, trong hầm có 5 hài cốt liệt sỹ, trong đó có một bộ hài cốt có xắc - cốt quàng trên người, bên trong còn nguyên 2 bức thư của chị Phạm Thị Biển Khơi gửi chồng. Một lá thư chị gửi đề ngày 20/4/1972 thông báo họ đã có con trai. Lá thư cuối cùng chị gửi cho chồng ngày 15/5/1972, chị viết: “Cầm bút biên thư cho anh trong chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng đầy sung sướng. Tự hào thay trong những người chiến thắng đó có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ... Em bận lắm, vừa thu hoạch mùa vừa huấn luyện để sẵn sàng đối phó với địch. Cho em và con gửi lời thăm sức khỏe tới các anh trong đơn vị. Em và con gửi anh cái hôn trìu mến! Biển Khơi”. Cả hai bức thư đều chan chứa tình yêu thương của người vợ quê nhà gửi chồng ngoài mặt trận và niềm tin vào ngày đất nước thống nhất. Ngày nay, cả hai bức thư và những kỷ vật của liệt sỹ Lê Binh Chủng đều được trưng bày một cách trang trọng trong Bảo tàng di tích Thành cổ Quảng Trị như dấu chứng cảm động của một thời hy sinh mất mát nhưng rất đỗi hào hùng.
Khép lại trang lịch sử hào hùng của dân tộc, Thành cổ ngày nay vẫn sừng sững, uy nghi đúng như tinh thần đấu tranh kiên cường của các chiến sỹ năm xưa ấy. Đến nơi đây, cả không gian hiện lên với vẻ trầm mặc, vừa bi tráng vừa bao phủ nét u buồn. Mặc dù bị bom đạn phá hủy, song Thành cổ Quảng Trị vẫn là một trong số rất ít thành cổ Việt Nam còn giữ được cấu trúc thành lũy rõ ràng với hệ thống tường thành, cổng thành, hào nước. Trong Thành cổ bây giờ được phủ một màu xanh mướt của cỏ cùng hàng dừa cao vút. Khuôn viên Thành cổ có tháp chuông lớn được đặt tại quảng trường nối liền Thành cổ với bờ sông Thạch Hãn. Nơi đây thường xuyên vang lên những hồi chuông ngân dài với ý nghĩa cầu mong linh hồn các liệt sỹ đã hy sinh được siêu thoát.
Với những tấm lòng hướng về nguồn cội cùng sự biết ơn vô hạn, đoàn chúng tôi không ai không khỏi bồi hồi, xúc động thắp những nén hương thành kính để tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn và sự tôn kính đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho nền độc lập dân tộc. Máu đào và sự hy sinh của các anh đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta được độc lập, tự do, thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của các anh sẽ sống mãi với non sông Việt Nam. Chúng tôi - cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 375 nguyện hứa với lòng mình sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh./.
Đại tá Doãn Văn Hòa