Vừa qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần năm 2018. Hội thi năm nay đã thu hút sự tham gia của các cơ quan, đơn vị với nhiều sản phẩm thuộc 3 nhóm nội dung: Nhóm sáng kiến, nhóm cải tiến và nhóm chế thử thực nghiệm. Thông qua Hội thi lần này nhằm thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị hậu cần (MH, TTBHC) tại các đơn vị trong toàn Bộ Tư lệnh. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã đánh giá và ghi nhận, mỗi sáng kiến là một đóng góp nhỏ, nhưng đã mang lại hiệu quả lớn trong thực hiện công tác hậu cần của đơn vị.
Đại tá Lưu Xuân Tú, Chủ nhiệm Hậu cần,
Trưởng ban Tổ chức Hội thi phát biểu khai mạc
Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn
Được tham gia Hội thi và trực tiếp nghe các tác giả thuyết minh về sản phẩm của mình, chúng tôi thực sự bất ngờ trước sự sáng tạo của các thí sinh có sản phẩm tham dự. Từ những sáng kiến phục vụ cho công tác huấn luyện đến các sản phẩm cải tiến sản xuất, lao động ngành Hậu cần, mỗi sản phẩm một vẻ khác nhau nhưng điểm chung là đã hướng tới việc nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của ngành. Trong Hội thi cũng có những mô hình cải tiến, đem lại lợi ích thiết thực. Điển hình là sản phẩm: “Thiết kế hệ thống tự động tưới nước của máy làm giá đỗ”, do nhóm tác giả Đội Điện, Đoàn 195 thực hiện.
Hiện nay, rất nhiều các đơn vị đang sử dụng máy làm giá đỗ để cung cấp nguồn thực phẩm sạch, nhiều chất dinh dưỡng, bảo đảm bữa ăn hàng ngày cho bộ đội. Tuy nhiên, qua vận hành nhận thấy các thiết bị này vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp tưới nước, tăng đội ẩm cho giá đỗ bằng phương pháp thủ công, chưa thích hợp với hệ thống tự động tưới nước, mất nhiều thời gian và công sức của người sử dụng. Do vậy, nhóm tác giả đã nghiên cứu và thiết kế hệ thống tưới nước tự động cho hệ thống máy làm giá đỗ. Từ thực tiễn của quy trình làm giá đỗ, nhóm tác giả nhận thấy quá trình ngâm ủ đỗ và chăm sóc đỗ khi ủ là công đoạn tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng của thành phẩm, cho nên đã nghiên cứu để tiến hành công đoạn này hoàn toàn tự động.
Đại úy Nguyễn Văn Lợi, Đoàn 195 thuyết trình sản phẩm
“Thiết kế hệ thống tự động tưới nước của máy làm giá đỗ”- Sản phẩm đạt giả A của Hội thi
Sản phẩm được thiết kế theo dạng module, gồm các bộ phận chính: Thân sản phẩm là thùng hình hộp chữ nhật vững chắc, bên trên là đường ống tưới nước, bên dưới có bánh xe, van thoát nước. Ổ cắm hẹn giờ KW-S11E dùng để cài đặt thời gian tưới nước tự động theo ý định sử dụng. Van điện từ UNID 220VAC dùng để đóng mở van theo chương trình cài đặt. Người sử dụng chỉ cần thực hiện các khâu ban đầu, khi cho đỗ vào thùng và cài đặt thì lúc này quá trình ngâm, ủ đỗ hoàn toàn tự động, sau 3-4 ngày sẽ thu hoạch. Đây là một sản phẩm có thể được áp dụng trong các đơn vị của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sản phẩm “Khuôn tạo lỗ trên nền cấp hiệu, phù hiệu” của Đại úy Nguyễn Đức Cao, Trưởng ban Ban Hậu cần, Đoàn 595 đã thu hút được sự chú ý của hội thi. Xuất phát từ thực tế, hàng năm số lượng chiến sỹ mới nhập ngũ vào đơn vị đông, số lượng quân hàm của trên cấp thường là các sản phẩm riêng lẻ, nên cán bộ, chiến sỹ phải tiến hành lắp bằng tay theo phương pháp dùng vật nhọn để dùi lỗ, sau đó gắn hình binh chủng, sao lên nền phù hiệu và cấp hiệu nên mất rất nhiều thời gian, sản phẩm không được đẹp, không thống nhất. Từ đó, Đại úy Nguyễn Đức Cao đã dành thời gian nghiên cứu và chế thử thành công khuôn tạo lỗ trên cầu vai, quân hàm. Sản phẩm dễ chế tạo, dễ sử dụng, tính linh hoạt cao, thời gian gắn một bộ quân hàm so với làm thủ công giảm 10 lần, sản phẩm làm ra đẹp, thống nhất, thiết thực cho công tác xây dựng chính quy. Theo tác giả thì sản phẩm này có thể sản xuất hàng loạt và được sử dụng rộng rãi trong đơn vị.
Chúng tôi khá ấn tượng với sản phẩm “Mô hình nửa người phục vụ huấn luyện quân y” của Thiếu tá, Bác sĩ Phạm Hữu Phong. Trong huấn luyện quân y tuyến đơn vị thì nội dung huấn luyện “5 kỹ thuật cấp cứu cơ bản và chuyển thương hỏa tuyến” là nội dung có ý nghĩa vô cùng quan trọng, huấn luyện cho bộ đội các kỹ thuật cấp cứu cơ bản, phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu. Để thực hiện nội dung này, hiện tại các giáo viên thường sử dụng 01 người làm đội mẫu và tiến hành các kỹ thuật băng bó, cứu thương trực tiếp trên người làm mẫu. Điểm hạn chế của phương pháp này là khi mô tả những vết thương ở vị trí khó, bộ đội sẽ không quan sát được, người làm mẫu trong thời gian dài sẽ cảm thấy mệt mỏi.
Xuất phát từ thực tế trên, Thiếu tá, Bác sĩ Phạm Hữu Phong, Trợ lý Quân y, Ban Hậu cần, Đoàn 285 đã nghiên cứu và chế thử thành công sản phẩm “Mô hình nửa người phục vụ huấn luyện quân y”. Sản phẩm được làm bằng phương pháp thủ công, có trọng lượng vừa phải, có khả năng thay đổi chiều cao dễ dàng. Theo đó, mô hình được làm bằng thạch cao trên khuôn âm bản bằng xốp khối EPS dựng trên đế xoay, được gia công bằng các vật liệu gỗ, sắt, nhựa, bê tông. Theo tác giả thì đây là sản phẩm có giá thành thấp, nguyên liệu chủ yếu là tận dụng nhưng lại có nhiều ưu điểm, đó là bề mặt của sản phẩm có độ ma sát tương đối tốt, không bị trơn trượt, tuột băng khi thực hành băng bó, cố định, cầm máu. Khi thực hành trên mô hình này thì dễ dàng bố trí các mô hình vết thương linh hoạt theo từng tình huống huấn luyện bằng phương pháp dán hoặc vẽ hình vết thương lên bề mặt mô hình, tiện cho chiến sĩ quan sát, nhận biết. Khi huấn luyện, giáo viên dùng que chỉ vào các vết thương tình huống và có thể mô tả thêm để bộ đội nắm được yêu cầu của kỹ thuật băng bó, đồng thời yêu cầu chiến sỹ trực tiếp thực hành trên mô hình, giáo viên hướng dẫn những điểm khó, chỉnh lại những điểm chưa đúng trong thực hành. Việc sử dụng mô hình trong huấn luyện sẽ góp phần tạo trực quan sinh động, xây dựng môi trường chính quy, nghiêm túc, chuyên nghiệp trong quá trình huấn luyện.
Cần nhân rộng và ứng dụng những sản phẩm vào thực tế của đơn vị
Kết thúc Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình trang thiết bị hậu cần năm 2018, trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lưu Xuân Tú, Chủ nhiệm Hậu cần, Trưởng ban Ban Tổ chức Hội thi phấn khởi chia sẻ: "Các sản phẩm tham gia dự thi lần này đều được Ban Tổ chức đánh giá cao, điều đó phản ánh sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã phát huy được trí tuệ, công sức của tất cả lực lượng, thành phần ở các cơ quan, đơn vị tham gia. Các sản phẩm tham gia hội thi cơ bản có sự đầu tư nghiên cứu đa dạng, gia công sản xuất bảo đảm tính gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ sử dụng, giá thành hạ, độ bền cao, khá thiết thực đối với công tác bảo đảm hậu cần và huấn luyện về hậu cần tại đơn vị. Thông qua đây, tiếp tục động viên, khích lệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, đề xuất và ứng dụng những sáng kiến, cải tiến mới, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đại tá Lưu Xuân Tú, Chủ nhiệm Hậu cần, Trưởng ban Tổ chức Hội thi
trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong Hội thi
Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức đã trao 01 giải A, 02 giải B và 03 giải C cho các sản phẩm có tính ứng dụng cao, hiệu quả thiết thực. Từ kết quả của Hội thi lần này, cơ quan Hậu cần sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục đầu tư, củng cố, hoàn thiện sản phẩm, nhân rộng mô hình sáng kiến được tuyển chọn và công nhận để sản xuất và ứng dụng trong thực tế, phục vụ cho công tác huấn luyện và công tác bảo đảm hậu cần của đơn vị thời gian tới.
Trần Duy Hưng, Ngọc Hà