anh bia 2
Ảnh bìa cuốn “Lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Dân tộc Việt Nam, non sông Việt Nam, nhân dân Việt Nam luôn tự hào có một vị lãnh tụ vĩ đại, nhà quân sự lỗi lạc, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. 79 mùa Xuân của Người dành trọn cho non sông, đất nước Việt Nam, khắc tạc dáng hình một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập. Dẫu Người đã đi xa nhưng những hình ảnh thân thương, gần gũi mà bình dị, thân thuộc của Người vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Và có một đài sen tỏa hương vĩnh cửu giữa lòng Thủ đô - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - hằng ngày, hằng giờ vẫn đón biết bao thế hệ người dân Việt Nam đến thăm Người với một lòng thành kính biết ơn vô hạn.

Đã 43 năm trôi qua, kể từ ngày mở cửa Lăng đầu tiên (29/08/1975), và từ đó đã trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhắc tới Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Hồ Chí Minh là nhắc tới những người cán bộ, chiến sỹ luôn dốc hết sức lực, toàn tâm, toàn ý thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đặc biệt “giữ yên giấc ngủ của Người”. Nhìn lại 43 năm lịch sử đầy tự hào của những người chiến sỹ bộ đội bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ta lại tìm tới những trang sách trong cuốn “Lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” để hồi tưởng lại những năm tháng đầu tiên xây dựng Lăng Bác cũng như chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những trang sách, những dòng tư liệu, những hình ảnh trong cuốn “Lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” là những dấu ấn chân thực nhất để mỗi người chúng ta hiểu hơn về công việc thiêng liêng đầy tự hào của những chiến sỹ bộ đội làm nhiệm vụ tại Lăng Bác.

Cuốn sách “Lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” ghi lại quá trình xây dựng và trưởng thành của đơn vị, góp phần giáo dục, động viên, cổ vũ các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ tích cực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với 323 trang và 3 chương, cuốn sách lần lượt ghi lại những giai đoạn từ ngày đầu giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác cho đến khi vượt qua bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi giai đoạn lại là một quá trình nỗ lực, phấn đấu hết mình của cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng và nhân dân giao phó. Sự trưởng thành qua từng giai đoạn của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng là minh chứng cho bản lĩnh, nghị lực của những người chiến sỹ luôn một lòng hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.  

Cầm trên tay cuốn sách “Lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”, lật mở từng trang sách, lắng mình đọc từng câu, từng chữ ta mới thấu hiểu được công việc của những người chiến sỹ. Chương một với tựa đề “Bác đi vào cõi vĩnh hằng. Tổ Y tế đặc biệt, Đoàn 69 trong những năm đầu giữ gìn bảo vệ thi hài Bác (1969 - 1975)”, được viết với những sự kiện đặc biệt của dân tộc trong giai đoạn 1969 - 1975. Và đây cũng là những năm đầu, Đoàn 69 tiền thân của Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác. Có thể nói đây là giai đoạn gặp nhiều khó khăn, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang trong thời kỳ khốc liệt. Trong lúc ấy, sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969 là một mất mát to lớn của dân tộc ta. Đáp ứng nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng được Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao cho nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác. Đoàn 69 đã ra đời và vinh dự được nhận nhiệm vụ chính trị đặc biệt này.

Đọc những trang viết đầy chân thực ta mới cảm nhận được hết những khó khăn trong giai đoạn đầu mà Đoàn 69 nhận nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để bảo đảm tuyệt đối an toàn thi hài Bác, Bộ đội Bảo vệ Lăng đã 6 lần di chuyển thi hài Bác đến những nơi sơ tán an toàn hơn. 6 lần di chuyển là biết bao thử thách, vất vả trong điều kiện vật chất kỹ thuật của chúng ta còn thiếu thốn. Dẫu vậy, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69 vẫn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ với tinh thần kiên cường, chủ động, sáng tạo. Và sau những năm tháng xây dựng Lăng từ ngày 02/9/1973 cho đến ngày 29/8/1975 - ngày tổ chức lễ khánh thành Lăng, ngày tổ chức lễ viếng Bác đầu tiên ấy đã trở thành ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp tục với chương hai có tựa đề “Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập. Vừa xây dựng trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc biệt (1975 - 1991)”, người đọc sẽ thấy được sự trưởng thành rõ rệt của cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh trong thực hiện nhiệm vụ được giao phó.

Giai đoạn 1975 - 1991 có nhiều thay đổi trong nhiệm vụ bảo vệ Lăng, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là bảo đảm tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu vực Lăng và các công trình liên quan. Bên cạnh đó, phải bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực. Nhiệm vụ này ngày càng khó khăn và phức tạp hơn khi phạm vi được mở rộng, hàng ngày tiếp đón hàng vạn khách trong nước và nước ngoài đến viếng Bác. Sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong toàn Bộ Tư lệnh từ khi được thành lập đã chứng tỏ được khả năng của mình trong nhiều hoàn cảnh đặc biệt, luôn coi việc giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Bác là mục tiêu cao nhất, mục tiêu số một, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động của đơn vị. Đến giai đoạn này cũng chứng kiến những thành tích nổi bật của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ. Và không thành tích nào đáng quý hơn đó là sự trân trọng, sự tin tưởng của nhân dân dành cho cán bộ, chiến sỹ bảo vệ Lăng, giúp mọi người thêm vững tâm, một lòng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chương 3 có tựa đề “Vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt trong giai đoạn mới (1991 - 2000)”, cũng chính là lời khẳng định sự phát triển vững chắc của Bộ Tư lệnh trong thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của mình, đặc biệt là trong giai đoạn mới 1991 - 2000. Đây là giai đoạn chứng kiến nhiều biến động thay đổi lớn của tình hình thế giới cũng như trong nước. Những thay đổi này có ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh. Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc phục, vượt qua những khó khăn để vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Trong tình hình mới, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Có thể nói “Lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” là một cuốn sách ghi lại sự trưởng thành từ những ngày đầu khó khăn cho đến ngày hôm nay của cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từng trang sách đã ghi lại những truyền thống vẻ vang của Bộ Tư lệnh, từ đó trở thành những bài học, niềm tự hào cho các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ tiếp tục cống hiến cho nhiệm vụ chính trị đặc biệt, để Lăng Bác là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước và phát huy các phẩm chất tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam.

43 năm kể từ ngày tổ chức lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (29/8/1975 - 29/8/2018), bước vào một giai đoạn đổi mới và phát triển về mọi mặt như hiện nay, cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyện tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt, để Lăng Bác - đài hoa vĩnh cửu trường tồn cùng dân tộc Việt Nam.

Phương Ngân

Bài viết khác: