Đã 49 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng bạn bè quốc tế. Người ra đi để lại muôn vàn tình yêu thương cho cả dân tộc.

BH voi trung thu 2
Các cháu thiếu nhi Thủ đô với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, năm 1955

Trong bản Di chúc thiêng liêng bất hủ, Người đã căn dặn và trao gửi vào thế hệ mai sau với tất cả tình yêu thương và trách nhiệm của mình. Và, Người không quên nhắc đến thế hệ thiếu niên, nhi đồng bằng những tình cảm đặc biệt: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Sinh thời Bác từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Hình ảnh Bác Hồ bón cơm cho em nhỏ, hình ảnh Người vui Tết Trung thu với các em thiếu niên, nhi đồng thật gần gũi, giản dị mà chan chứa yêu thương! Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người còn thể hiện qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi thiếu niên nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, ngày khai trường,

Đặc biệt, những bức thư của Bác vào dịp Tết Trung thu đã trở tài sản vô giá đối với thế hệ măng non nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Bài thơ đầu tiên Bác gửi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng vào là năm 1941. Sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhân dịp Tết Trung thu năm đó, Người viết bài thơ kêu gọi thiếu nhi vào ngày 21/9/1941, Bác đã thương yêu các cháu và ví:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan.

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng.

Học hành, giáo dục đã thông

Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa.

Những lời thơ viết cho thiếu nhi mà cũng là cho tất cả mọi người. Trẻ em là lớp măng non, là búp trên cành đáng lẽ phải được nâng niu, chăm sóc nhưng chẳng may vận nước gian nan khiến các cháu chịu nhiều thiết thòi, cực khổ. Từ đó, Bác chỉ ra nguyên nhân của nông nỗi ấy là vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn. Người gợi mở, dẫn dắt để mở rộng nhận thức rồi đi đến vận động, giác ngộ các cháu:

Vậy nên trẻ em nước ta

Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh

Người lớn cứu nước đã đành

Trẻ em cũng góp phần mình một tay.

Cũng từ những câu thơ vừa thể hiện tình cảm thương yêu vừa có tác dụng vận động cách mạng đó đã tạo nên những phong trào thi đua yêu nước gắn với tên tuổi của các chiến sỹ nhí như Kim Đồng, Vừ A Dính… góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.

Trong bức thư gửi trẻ em Việt Nam nhân ngày Tết Trung thu độc lập đầu tiên của đất nước, ngày 15/9/1945, Bác đã bày tỏ tình cảm của mình đối với thiếu nhi bằng lời lẽ rất giản dị, thắm đượm tình thương yêu. Trong thư Người viết: “Đây là Tết Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Lời của Bác thật thân tình, hồn nhiên, phấn chấn: "Các cháu yêu quý. Hôm nay là Tết Trung thu… Cái cảnh trăng tròn, gió mát, hồ lặng, trời xanh của Trung thu làm cho các cháu vui cười hớn hở. Bác cũng vui cười hớn hở với các cháu. Đố các cháu biết vì sao? Một là vì Bác rất yêu mến các cháu, hai là vì Tết Trung thu năm ngoái nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là một bầy nô lệ, năm nay các cháu đã trở thành những chủ nhân của nước độc lập”. Đến vui với các cháu Tết Trung thu năm ấy Bác căn dặn: “Các cháu phải ngoan, ở nhà phải nghe lời cha mẹ, đi học phải siêng năng, đối với thầy bạn phải yêu kính. Các cháu phải thương yêu nước ta. Mong các cháu mai sau thành những người dân xứng đáng với nước độc lập, tự do”(1).

Bức thư đã thể hiện được sự quan tâm, thương yêu hết mực của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đối với trẻ thơ - chủ nhân tương lai của đất nước. Bên cạnh tình yêu thương bao la còn là những lời chỉ bảo, dặn dò từng li từng tí đối với thiếu nhi: “Các em phải ngoan, ở nhà phải vâng lời bố mẹ, đi học phải siêng năng...”. Người động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cố gắng vươn lên trong cuộc sống mới, cuộc sống của người dân một nước độc lập, tự do: “Thanh, thiếu nhi cần thực hành đời sống mới. Phải cương quyết, không sợ khó, không sợ khổ, phải siêng học, siêng làm”. Đây là sự căn dặn ân cần và niềm mong mỏi các em học tập, vui chơi, rèn luyện thành những người vừa có tài, vừa có đức, vừa có sức khỏe để trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng xã hội.

BH voi trung thu2
Bác Hồ cùng các cháu thiếu nhi Hà Nội và
quốc tế vui Tết Trung thu, tại vườn hoa Phủ Chủ tịch

Vào dịp Tết Trung thu độc lập đầu tiên này, Bác viết bức thư thứ hai gửi đến mọi người hai thông điệp mà Người từng theo đuổi suốt cả cuộc đời hoạt động của mình, đó là “Trẻ em Việt Nam sung sướng” và “Việt Nam độc lập muôn năm”. Tối hôm đó, các em thiếu nhi đã có mặt trước Bắc Bộ phủ. Bác Hồ xuất hiện tươi cười, thân thiết. Tiếng hoan hô như sấm dậy. Tiếng trống rộn ràng. Sư tử lại nhảy múa. Tất cả sung sướng hò reo. Chúc mừng Bác Hồ kính yêu. Bác Hồ giơ cao hai tay tỏ ý cám ơn các em rồi Bác lần lượt bước đến bắt tay từng em đứng ở hàng đầu. Cặp mắt của Bác ánh lên một niềm vui đặc biệt. Trong lúc ở phía ngoài, các đoàn “xe tăng”, các “binh sĩ” của Hai Bà Trưng, của Đinh Bộ Lĩnh, các đội sư tử với rất nhiều em đeo mặt nạ hò reo. Bằng giọng xứ Nghệ có pha lẫn giọng các miền của đất nước, Bác thân thiết trò chuyện với các cháu: “Các cháu! Đây là lời Bác Hồ nói chuyện…”. Cuối cùng Bác nói: Trước khi các cháu phá cỗ, ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu: “Trẻ em Việt Nam sung sướng!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”. “Trẻ em Việt Nam sung sướng!”. Giờ đây, khẩu hiệu đó của Bác vẫn đang là mục tiêu phấn đấu của các thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau.

Nhân dịp Tết Trung thu năm 1948, sau hai cái Tết Trung thu kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mặc dù giặc Tây độc ác, chúng quyết không thể ngăn trở trăng thu vừa đẹp, vừa tròn; mặc dù giặc Tây hung tàn, chúng quyết không thể ngăn trở các cháu vui tươi và hăng hái; mặc dù giặc Tây bạo ngược, chúng quyết không thể ngăn trở chúng ta kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công”. Lời khẳng định đó của Bác về sau đã trở thành hiện thực.

Sau cuộc tấn công lên chiến khu Việt Bắc bị tổn thất nặng nề, thực dân Pháp vẫn co cụm lại tại thị xã Bắc Kạn và một số điểm ở biên giới. Công cuộc kháng chiến của nhân dân ta còn nhiều khó khăn gian khổ. Tết Trung thu năm ấy từ vùng rừng núi Phú Đình của ATK Định Hoá, Bác Hồ đã gửi thư cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Với lời lẽ rắn rỏi và đanh thép, Bác đã mang đến cho các cháu cùng mọi người ý chí và niềm tin sắt đá vào công cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Theo lời Bác dạy, các cháu thiếu nhi cả nước đã hăng hái thi đua học tập và tham gia kháng chiến và lập được nhiều thành tích và tiến bộ. Tết Trung thu 1949, cũng từ ATK Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ có thư gửi các cháu thiếu niên nhi đồng cả nước, Bác kịp thời động viên khen ngợi: “Các cháu tiến bộ hơn năm ngoái” về mặt “thi đua học hành” và cả về mặt “tham gia kháng chiến”.  

BH voi trung thu3
Bác Hồ đến thăm và chia kẹo cho các cháu nhi đồng
ở Trường mầm non Thị xã Thanh Hóa

Có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng được đọc câu thơ: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương”. Đây là những câu thơ Bác viết tại lán Tỉn Keo giữa núi rừng Phú Đình, Định Hoá, dịp Trung thu năm 1951. Trong điều kiện chiến tranh bí mật, gian khổ như vậy nhưng Bác vẫn nhớ tới các cháu thiếu niên, nhi đồng và Bác xúc động làm thơ để gửi tới các cháu. Với hai từ “nhớ thương”, Bác muốn thể hiện tấm lòng luôn nhớ và nghĩ đến các cháu một cách da diết, khôn nguôi. Ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã bao lần ngắm “cảnh khuya” ngắm vầng trăng soi “lồng lộng” và tuy bận “bàn bạc việc quân” và phải “lo nỗi nước nhà” nhưng bác vẫn da diết “nhớ thương nhi đồng”.

Tết Trung thu năm 1953, Tết Trung thu cuối cùng Bác Hồ ở ATK Định Hoá, Tết Trung thu năm đó Bác rất vui và phấn chấn. Trước hết, Bác khen ngợi sự khôn lớn trưởng thành của các cháu qua 9 năm trường kỳ kháng chiến và Người rất vui và báo cho các cháu cùng toàn dân về cuộc kháng chiến đã gần đến thắng lợi hoàn toàn: Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần/ Khắp nới Nam, Bắc, Tây, Đông/ Đưa tin thắng lợi cờ hồng tung bay/ Các cháu vui thay! Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn.

Trung thu năm 1960, Bác đã viết: “Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng”, đây là bức thư Trung thu cuối cùng của Bác. Mặc dù Người đã 70 tuổi song lời lẽ vẫn hết sức vui tươi, dí dỏm rằng theo truyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trăng có chú Cuội chăn trâu: Chú Cuội ngồi ở trong trăng/ Để trâu ăn lúa nhăn răng mà cười”. Cuối thư Bác viết: “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi, các em sinh trưởng trong chế độ XHCN. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về nhiều mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”.

Thư và thơ Trung thu của Bác thể hiện muôn vàn tình thân yêu đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trước khi về với cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng Người còn căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”. Lời căn dặn của Bác có giá trị sâu sắc trong sự nghiệp “trồng người” của toàn Đảng, toàn dân ta, không chỉ đúng với hôm nay mà còn có giá trị cho mai sau.

Cảm động và ghi nhận tình cảm bao la, vĩ đại của Bác, Tiến sĩ Sử học, nhà báo E.V Cô-bê-lép đã viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi. Người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người đã gọi trìu mến là các cháu”.

Và, qua dòng chảy thời gian, như một lẽ tự nhiên, cứ đến Tết Trung thu, đêm rằm Trung Thu hàng năm, tiếng trống ếch luôn rộn ràng đường phố, xóm thôn, những chiếc đèn ông sao lung linh ánh nến, những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên, những lời ca cất lên trong trẻo: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng thiếu niên nhi đồng”. Bác đã đi xa, Tết Trung thu không còn nhận thư và thơ của Bác, song các thế hệ thiếu niên nhi đồng vẫn luôn luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”./.

Tâm Trang

Bài viết khác: