Sáng ngày 04/10/2018, tại Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội), Đoàn Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức Lễ báo công dâng Bác. Tham dự buổi Lễ báo công có đồng chí Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Chấp hành Hội cùng toàn thể các hội viên.

Hoi nhac sy 2018
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích K9.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập theo Nghị định số 750, 751 của Bộ Nội vụ vào ngày 30/12/1957. Tiền thân của Hội là Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, nằm trong Hội Văn Nghệ Việt Nam (thành lập từ tháng 7/1948) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ngày đầu thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam chỉ có hơn 50 nhạc sĩ - nghệ sĩ từ chiến khu về và trong lòng Hà Nội đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra con đường sáng tạo của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam với những tên tuổi như: Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Phúc, Tạ Phước, Lương Ngọc Trác... Đến nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có tổng cộng 1.500 hội viên, trong đó có nhiều người đã ra đi mà tác phẩm vẫn để lại cho đời, nhiều người đang sung sức trong sáng tạo vì tương lai của nền âm nhạc nước nhà.

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Đỗ Hồng Quân đã báo cáo với Bác những thành tích mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam đạt được trong những năm qua. Các nhạc sĩ đã ôn lại lịch sử của Hội Nhạc sĩ Việt Nam qua các chặng đường, từ Chủ tịch khóa đầu tiên là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cho đến hiện tại là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Tiêu biểu cho sự phát triển của Hội Nhạc sĩ Việt Nam là những thành tích xuất sắc mà Hội đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, Nghệ sĩ Nhân dân - Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú - Nhà giáo Ưu tú.

Tiếp nối sự nghiệp sáng tạo của thế hệ nhạc sĩ đàn anh đi trước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động mang tính sáng tạo. Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn phối hợp, tham gia có hiệu quả vào những hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, âm nhạc dân tộc, truyền thống, các cuộc thi tài năng trẻ, các cuộc hội diễn liên hoan nghệ thuật do các bộ, ban, ngành, đoàn thể tổ chức. Trong những nhiệm kỳ gần đây, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức các Liên hoan Âm nhạc khu vực, vùng miền trong cả nước, tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Một sự kiện nổi bật là việc tổ chức thành công Festival Âm nhạc mới Á - Âu vào các năm 2014, 2016. Qua 2 lần tổ chức, vị thế âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam đã được nâng lên tầm cao mới, có điều kiện hội nhập với âm nhạc khu vực và quốc tế.

Bước tiếp những chặng đường vẻ vang 60 năm qua, giới âm nhạc Việt Nam tiếp tục xây dựng một nền âm nhạc tiên tiến, chuyên nghiệp, phấn đấu có những tác phẩm đỉnh cao thuộc các thể loại nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng, hợp xướng, chú trọng tới lĩnh vực ca khúc, thế mạnh truyền thống của nền âm nhạc nước nhà, khuyến khích nhạc sĩ trẻ tìm tòi, sáng tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của giới trẻ, hội nhập với thị trường âm nhạc thế giới.Một dấu son trên chặng đường 60 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam là việc Đảng và Nhà nước cho phép lấy ngày 03/9 hàng năm làm ngày Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ năm 2010.

Nhìn lại chặng đường 60 qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tự hào là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, xứng đáng với lòng tin của Đảng, của nhân dân. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã có đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để lại một di sản âm nhạc đồ sộ, vô cùng giá trị góp vào kho tàng văn hoá của nước nhà.

Sau buổi Lễ, Đoàn đã tham quan Khu Di tích, nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các di tích và khoảng thời gian Bác Hồ ở tại Khu Di tích./.

Nguyễn Ngọc Quý

Bài viết khác: