Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 24/02/2025

Hơn 10 năm gắn bó với công việc ở vị trí Trợ lý Ban Đối ngoại, Thiếu tá Phạm Quang Lân luôn được các đồng nghiệp đánh giá là người cán bộ nhiệt tình, say mê, trách nhiệm với công việc, thân ái, hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp.

nguoi tro ly doi ngoai 1
Đồng chí Thiếu tá Phạm Quang Lân (ngồi thứ 2 bên trái) phiên dịch cho Đoàn Lãnh đạo
của Ban Quản lý Lăng làm việc cùng chuyên gia Nga tại Matxcơva.

Sau 2 tháng anh đi công tác tại Liên bang Nga, tôi mới gặp trực tiếp được anh. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ chuyện những ngày đầu tiên anh nhận nhiệm vụ về công tác tại đơn vị.

Anh sinh ngày 19/02/1979, ở xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Tháng 7 năm 2005, tốt nghiệp Trường Học viện Khoa học Quân sự, anh được phân công về làm trợ lý Ban Đối ngoại, Cơ quan Văn phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Khi mới về đơn vị, tôi thấy rất vinh dự, tự hào được về làm việc lại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, được gần ngay bên Bác Hồ kính yêu. Là người mới ra trường, mới chỉ là Thiếu úy, còn rất trẻ, kinh nghiệm ít nhưng tôi có cơ hội được vinh dự làm việc trực tiếp với các Viện sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ của Liên bang Nga; được tham gia các buổi làm việc của Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng với các đoàn chuyên gia của Liên bang Nga. Khi đó, bản thân tôi luôn cảm thấy đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn, đòi hỏi bản thân cần phải không ngừng nỗ lực, cố gắng để xứng đáng với vị trí mình đang đảm nhận”.

nguoi tro ly doi ngoai 2
Đồng chí Thiếu tá Phạm Quang Lân (ngoài cùng, hàng đầu, bên tay phải) phục vụ
Lễ ký kết văn bản kết thúc tu bổ năm 2017.

Với những cố gắng trong công tác và học tập, tháng 9 năm 2008, anh được đi học cao học tại Trường Đại học Tổng hợp Belarus (tại nước Cộng hòa Belarus). Sau 2 năm học tập, anh về nước và tiếp tục gắn bó với Ban Đối ngoại.

Câu chuyện của tôi với anh kéo dài về những kỷ niệm trong thời gian anh gắn bó với công việc biên dịch, phiên dịch tiếng Nga. Tôi bảo đã nghe mọi người nhận xét nhiều rằng tiếng Nga là ngôn ngữ khó nhất trên thế giới. Nhưng anh chỉ cười và nói: “Ngôn ngữ nào cũng có đặc điểm riêng, tiếng mẹ đẻ của mình nhiều khi còn khó hiểu mà”.

“Biên dịch và phiên dịch là một nhiệm vụ rất khó khăn, người làm cần sự tập trung lắng nghe và tư duy ngôn ngữ rất cao. Vì ngay bản thân người đọc khi đọc một tài liệu không đúng chuyên ngành của mình thì chuyện hiểu thôi đã rất khó khăn rồi. Nhất là với đặc thù nhiệm vụ của cơ quan, tài liệu về lĩnh vực y tế có nhiều từ ngữ chuyên ngành rất khó. Vì vậy, trong khi dịch nếu không biết hay không hiểu từ khóa thì sẽ dịch hỏng cả một câu hoặc dịch nghĩa của câu bị ngô nghê. Có những dịp số lượng văn bản dịch lớn, tôi cùng các đồng nghiệp trong Ban phải chuẩn bị trước, đọc trước, tìm hiểu những từ, những đoạn còn khúc mắc để cùng nhau thảo luận, chuẩn bị cho những vấn đề có thể phát sinh” - Anh chia sẻ.

Điều tôi ấn tượng trong câu chuyện là anh đặc biệt nhấn mạnh sự chủ động trong công việc. Anh bảo sự chủ động khi phiên dịch là khó nhất nhưng anh và mọi người trong Ban luôn cố gắng để làm tốt nhất có thể. Bởi khi phiên dịch mình phụ thuộc vào chuyên gia, nhiều khi ngôn ngữ nói có thể phát sinh những vấn đề mình không ngờ tới. Khi đó có nghĩa là mình bị rơi vào thế bị động. Vì vậy, phiên dịch cần phải chủ động hơn trong ngôn ngừ, trong kiến thức chuyên ngành lĩnh vực mình đang được phân công. Để làm được điều này mỗi người chỉ có cách là phải tự học tập, trao dồi để nâng cao kiến thức chuyên môn. Có lẽ vì vậy, gắn bó với công việc nhiều năm nhưng mỗi ngày anh không ngừng cố gắng học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm hoàn thiện kỹ năng biên dịch, phiên dịch.

nguoi tro ly doi ngoai 3
Đồng chí Thiếu tá Phạm Quang Lân (ngoài cùng, hàng đầu, bên tay trái) hướng dẫn, đón tiếp Đoàn Đại sứ Liên bang Nga, chuyên gia Liên bang Nga trong Lễ nghiệm thu Dự án VN01.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, với vị trí trợ lý của Ban Đối ngoại, anh cùng các đồng nghiệp trong Ban cũng cần làm tốt công tác đối ngoại. Ban cần trở thành cầu nối giữa mình và Bạn, có những tiếp xúc trực tiếp với Bạn để tham mưu với Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh trong việc xây dựng, củng cố mỗi quan hệ, nắm bắt và khai thác các nội dung hợp tác để vận dụng vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian công tác, anh kể với tôi kỷ niệm về ngày 30/9/2017. Hôm đó, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh mời và tiếp 7 đại sứ, phu nhân cùng cán bộ chủ chốt của 7 Đại sứ quán lên tham quan, trao đổi công việc tại Khu Di tích K9. Chánh Văn phòng giao cho Ban Đối ngoại tổ chức, thực hiện. Đây là lần đầu tiên anh đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm việc quan trọng như vậy. Bởi khi đó, Trưởng ban Đối ngoại đang đi công tác tại Liên bang Nga, mọi công việc ở nhà giao lại cho anh cùng mọi người trong Ban. Rất nhiều công việc cần chuẩn bị như xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc, phối hợp với các cơ quan khác để phục vụ tốt việc ăn, đi lại, an ninh, an toàn cho chuyên gia… Nhiệm vụ quan trọng nên thời gian đấy với anh rất căng thẳng. Nhưng được sự chỉ đạo thường xuyên của Chỉ huy phòng, trực tiếp là Chánh Văn phòng và sự giúp đỡ của các phòng, ban trong cơ quan nên nhiệm vụ đã hoàn thành tốt. Sau buổi tiếp, các Đại sứ đều rất cảm động và ấn tượng trước sự tiếp đón trọng thị, chu đáo, tình cảm của Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng.

Trong câu chuyện với tôi, anh nhắc nhiều đến những chuyến công tác xa nhà. Kết hôn năm 2011 với chị Phạm Thị Nguyệt Thu, hiện nay anh chị có một cô con gái nhỏ 6 tuổi. Chị Thu đang là chuyên viên của Ngân hàng SHB. Anh bảo: Chắc ai cũng như anh thôi. Đi xa sẽ nhớ nhà, nhớ vợ, nhất là cô con gái nhỏ, hàng ngày vẫn gọi bố ơi rồi chuyện gì cũng ríu rít với bố. Nhất là khi anh đi công tác mỗi ngày con gái đều gọi điện rồi hỏi câu: “Bao giờ bố về?”. Nhưng nhớ nhà anh càng hiểu mình càng cần phải trách nhiệm, nhiệt tình, cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc được cơ quan giao. Với anh, gia đình chính là động lực rất lớn để anh nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn.

Những ngày xa nhà nhiều khi kéo dài cả mấy tháng, vợ chồng ở riêng nên công việc gia đình hai vợ chồng luôn chia sẻ với nhau. Nhiều khi đi xa, nghĩ ở nhà có hai mẹ con, vợ anh làm ngân hàng cũng bận bịu, hết giờ làm lại vội vàng về lo toan việc nhà, việc con… nên mỗi khi về nhà, anh đều cố gắng tranh thủ giúp vợ làm việc nhà, chăm con - Anh chia sẻ.

Nói về Thiếu tá Phạm Quang Lân, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng nhận xét: Thiếu tá Phạm Quang Lân là người cán bộ tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, khi cơ quan có những sự kiện quan trọng, đồng chí đã luôn tận tâm, tỉ mỉ, không ngại khó khăn, luôn hoàn thành tốt công việc được giao.

Với sự nỗ lực trong nhiều năm qua, anh đã vinh dự nhận nhiều khen thưởng như Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 đến năm 2015; 3 năm liền là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở (2013, 2014, 2015) và nhiều Giấy khen khác. Gần đây, anh được nhận Giấy khen của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt tu bổ định kỳ và quý III năm 2018. Những khen thưởng này chính là sự khích lệ, động viên rất lớn đối với những người cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ chuyên môn như anh.

Câu chuyện với anh kéo dài khoảng hơn 2 tiếng, dù thời gian không dài nhưng tôi hiểu rằng: Với anh, việc cơ quan, việc gia đình, anh đều cố gắng làm vẹn toàn. Công việc bận rộn nhưng như anh bảo: Mọi thứ đều có thể sắp xếp và quan trọng là mình cần cố gắng để làm tốt mọi việc. Với nhiệm vụ ở cơ quan, anh đã và đang nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt, xứng đáng là người chiến sỹ bên Lăng Bác, góp phần nhỏ vào nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Khánh An

Bài viết khác: