Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất Việt Nam đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho dân tộc. Nhắc đến Người là nhắc đến một con người vĩ đại, giữa bộn bề công việc, trong sâu thẳm lòng mình, Bác vẫn luôn dành cho quê hương những tình cảm đặc biệt, quê hương luôn luôn là “nghĩa nặng, tình sâu”. Quê hương Nghệ An cũng luôn dành cho Người những tình cảm đặc biệt trân trọng và sâu nặng nhất.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là Công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử - văn hóa sâu sắc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước và bầu bạn quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong gần 40 năm qua kể từ ngày khánh thành đến nay, Công trình Lăng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ to lớn của các địa phương, cơ quan, đoàn thể, các cá nhân dâng tặng cây hoa, cây cảnh và các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của quê hương kính dâng lên Bác, trong đó có Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, thể hiện tư tưởng: Cả nước luôn bên Người và góp phần xây dựng, tôn tạo cảnh quan, kiến trúc Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hành trình tìm kiếm đá quý trang trí khu vực Lăng
Đoàn khảo sát bên khối đá tìm được ở Quỳ Hợp, Nghệ An
Được sự giới thiệu và đề xuất của Hội Đá cảnh gỗ lũa, tranh tượng dân gian Hà Nội, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An tặng ba khối đá Corindon là loại đá quý của quê hương Nghệ An để trang trí tại Lăng Bác. Nhận thấy đây là một đề nghị phù hợp với nguyện vọng và khả năng của địa phương, Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Lăng Tổ chức khảo sát, lựa chọn loại đá quý. Đây là việc làm thể hiện tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đảng bộ và nhân dân xứ Nghệ.
Ngày 19/4/2011, đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do đồng chí Vũ Văn Bình - Phó Trưởng ban dẫn đầu cùng một số hội viên Hội đá cảnh gỗ lũa và tranh tượng dân gian thành phố Hà Nội vào Nghệ An, phối hợp với Phòng Tài nguyên khoáng sản tỉnh Nghệ An khảo sát đá. Đoàn đã tiến hành khảo sát nhiều nơi, nhiều chủng loại đá có nguồn gốc khác nhau. Núi cao, suối sâu, người đi tìm đá, nhưng có lẽ đá tìm người, trời đã không phụ người có tâm khi Đoàn khảo sát tìm được ba khối đá quý Corindon nặng gần 50 tấn như mong muốn tại núi Pu-Cooc ở bản Cô, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Đá Corindon có tên khoa học là Nazơdac, có thể gọi là “Đại Lam Ngọc”, loại đá được thiên nhiên tạo thành qua hàng triệu triệu năm, tích tụ trong lòng đất, có độ cứng và độ bền cao. Loại đá này trường tồn mãi mãi với thời gian, không bị ăn mòn bởi nước, axít, không bị ô xy hóa, không chứa nguyên tố phóng xạ, có màu lam ngọc đỏ (chứa saphia) và màu phớt tím (chứa ruby), có khả năng thấu quang và chiết quang, chứa nhiều khoáng vật quý. Trải qua hàng triệu triệu năm hình thành tích lũy nhiều năng lượng trong vũ trụ, vì vậy, trong phong thủy, “Đại Lam Ngọc” có thể được xem là “thần dược thạch mỹ”, đem lại sinh khí tốt, thiện tâm, tăng cường sinh lực, mang lại may mắn cho con người.
Khai thác và chế tác đá quý
Các khối đá trong quá trình chế tác
Được sự nhất trí của Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, ngày 19/7/2011, Công ty Cổ phần đá và khoáng sản Phủ Quỳ cùng với Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng KHCN&MT - Ban Quản lý Lăng, được sự hỗ trợ của Trung đoàn 375 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã tiếp nhận và vận chuyển ba khối đá quý do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An tặng về Hà Nội bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xưởng chế tác đá Tiến Hải - đơn vị đã có nhân duyên và vinh dự chế tác thành công pho tượng Phật ngọc lớn nhất Việt Nam - được lựa chọn để chế tác ba khối đá quý trên.
Tiết trời nắng nóng gay gắt của những ngày hè tháng 8, tháng 9 cũng không làm các nghệ nhân nản chí. Qua gần 3 tháng liền thực hiện, với sự làm việc nhiệt tình, tỉ mỉ, cẩn trọng của các nghệ nhân, ba khối đá quý nặng hơn 50 tấn đã được chế tác thành công, bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch. Ngày 20/10/2012, ba khối đá Corindon đã được đưa về trang trí tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các vị trí: Khu vực sau Lăng (vườn số 1, vườn số 8) và Nhà khách quốc tế an toàn tuyệt đối.
Đặt đá tại vườn số 8
Xe nâng chuyển đặt đá tại Nhà khách quốc tế
Tới lễ tiếp nhận
Sáng ngày 4/11/2012, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra lễ tiếp nhận ba khối đá quý do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An kính tặng phục vụ trang trí tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tới dự có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương - Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; các đồng chí chỉ huy các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ huy các Phòng, Đoàn, các Ban trực thuộc; các đồng chí đại diện cho Hội Đá quý, đơn vị tài trợ và chế tác đá quý. Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Hồ Đức Phúc, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và Khu Di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
Tại buổi lễ, đồng chí Phan Đình Trạc - Bí thư Tỉnh ủy xúc động phát biểu: “Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ kính yêu, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vinh dự được chọn kính tặng linh vật đá, đặt ở khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng và các đại biểu chụp ảnh bên khối đá quý
Tìm kiếm đá quý để trang trí và nâng cao linh khí nơi Người yên nghỉ, góp phần giữ yên giấc ngủ của Người, làm cho Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hội tụ linh khí tốt lành là việc làm hết sức ý nghĩa, song không hề đơn giản. Với những người chơi đá, đam mê đá sẽ hiểu rất rõ nhân duyên giữa người với đá. Có những lúc người tìm đá, nhưng có lẽ như đá cũng tự tìm người. Quá trình tìm kiếm đá quý trang trí ở Lăng lần này cũng có mối nhân duyên như vậy. Nước ta rất giàu tài nguyên khoáng sản. Song để tìm được khối đá quý đúng như mong muốn quả không phải là điều dễ dàng. Nghĩa tình quê hương sâu nặng, tấm lòng con người thành kính đã bắc cầu cho mối nhân duyên giữa đá và người tìm đá, để cuối cùng tìm được ba khối đá quý của quê hương Nghệ An trang trí ở Lăng Bác, góp phần cùng với các sản phẩm đặc sắc của các vùng miền trong cả nước quần tụ bên Lăng, thể hiện tư tưởng “cả nước luôn bên Người”.
Thu Hiền