Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, là tâm nguyện của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ban Quản lý Lăng vinh dự được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho thực hiện nhiệm vụ này.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tổng kết 20 năm hợp tác giữa Ban Quản lý Lăng và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trên thế giới và trong nước, hệ thống trang thiết bị công nghệ kỹ thuật, y sinh của đơn vị từng bước được đầu tư, đổi mới, nâng cấp. Ngoài việc quản lý, khai thác sử dụng thường xuyên, còn phải nghiên cứu các giải pháp nhằm hoàn thiện, hợp lý hoá các quy trình, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, an ninh sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ môi trường.
Vì vậy, Đảng ủy Đoàn 969, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thông qua nghiên cứu khoa học để xây dựng đội ngũ, phát triển năng lực khoa học, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, từng bước vươn lên làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ “giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng Ban Quản lý Lăng
báo cáo trước Hội đồng khoa học cấp nhà nước về giữ gìn lâu dài và bảo
vệ an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trên cơ sở các định hướng nghiên cứu chung đó, Ban Quản lý Lăng xác định nhiều giải pháp để triển khai thực hiện; đặc biệt từ năm 2003, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức trở thành đầu mối kế hoạch của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2008 là đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là điều kiện thuận lợ cho việc nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ khoa học - công nghệ nói chung và nghiên cứu khoa học nói riêng tại đơn vị.
Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, sự chỉ đạo trực tiếp về mặt nghiệp vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan, nhiều đề tài nghiên cứu do các cán bộ khoa học của Ban Quản lý Lăng đề xuất đã được xét duyệt và từng bước triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực: Y tế, kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật quân sự... Tính đến nay, cán bộ của Ban Quản lý Lăng đã và đang thực hiện 61 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài độc lập cấp Nhà nước; 26 đề tài cấp Bộ và 32 đề tài cấp cơ sở. Các đề tài nghiên cứu khoa học sau khi được nghiệm thu đã từng bước được triển khai áp dụng vào thực tiễn hoạt động của đơn vị đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Một số đề tài đã đề cập và giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như:
Đối với nhiệm vụ y tế: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy trình phân tích, đánh giá kiểm soát, nâng cao chất lượng dung dịch bảo quản thi hài; nghiên cứu các yếu tố, tác nhân có ảnh hưởng đến thi hài như vi sinh vật, nhiệt độ, độ ẩm…, đồng thời nghiên cứu ứng dụng những phương pháp, kỹ thuật mới trong bảo quản thi hài; khai thác, sử dụng trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác y tế.
Cán bộ Viện 69 trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu
Đối với nhiệm vụ Kỹ thuật: Kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu đánh giá kết quả 10 năm đổi mới thiết bị công nghệ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” năm 2005 là cơ sở cho những bước đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật công trình Lăng. Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các công trình thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” đang được triển khai, bước đầu đạt được hiệu quả tốt, thể hiện sự quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số đề tài nghiên cứu được triển khai ứng dụng các công nghệ mới vào thực hiện nhiệm vụ chính trị nhằm đảm bảo thông số nhiệt, ẩm phục vụ bảo quản thi hài và phục vụ thăm viếng.
Để xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, Ban Quản lý Lăng đã chủ động triển khai các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn và nghệ thuật quân sự. Các đề tài này tập trung vào một số lĩnh vực như: Nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo phát huy tác dụng Khu Di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đề xuất những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở Đảng bộ Đoàn 969; đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và nâng cao bản lĩnh chính trị tư tưởng, kiên định ý chí chiến đấu của Bộ đội bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghiên cứu hoàn thiện công tác lưu trữ tài liệu của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với việc phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, Ban Quản lý Lăng còn đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva và các cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước như Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Viện Khoa học Việt Nam…Với sự hợp tác nhiều mặt, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva đã phối hợp với đội ngũ cán bộ khoa học của đơn vị xây dựng được những cơ sở và đề ra được phương pháp đảm bảo giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong điều kiện tổ chức thăm viếng thường xuyên tại Lăng.
Sự gia tăng số lượng và chất lượng của các đề tài nghiên cứu đã chứng tỏ sự cố gắng, trưởng thành của đội ngũ cán bộ trong Ban Quản lý Lăng, tạo cơ sở để xây dựng các tài liệu huấn luyện, sách tham khảo, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị và đào tạo đội ngũ cán bộ. Những kết quả nghiên cứu đã khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng uỷ, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng về triển khai nghiên cứu khoa học.
Có thể khẳng định, trong những năm qua công tác nghiên cứu khoa học của Ban Quản lý Lăng đã đạt được những thành tựu to lớn, không chỉ trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn góp phần nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn góp phần hoàn thành toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời từng bước mở ra một ngành khoa học mới phục vụ thiết thực cho yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Từ thực tiễn tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học của Ban Quản lý Lăng trong những năm qua, bài học được đúc rút là luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và các Bộ, ngành; đồng thời phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, tranh thủ và khai thác triệt để sự hợp tác ở trong nước và quốc tế; tích cực triển khai các đề tài, dự án, hội thảo khoa học có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn cao, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, tăng cường vị thế và uy tín của Ban Quản lý Lăng.
Trong thời gian tới, với sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ và các Bộ, ngành, Ban Quản lý Lăng tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới” sẽ mở ra cho công tác nghiên cứu khoa học tại đơn vị nhiều hướng mới. Đây là một cơ hội thuận lợi để đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học cả cơ bản và ứng dụng trên tất cả các lĩnh vực y tế, kỹ thuật, xã hội nhân văn và quân sự.
Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo và hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các bộ, ban ngành và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Mátxcơva, cùng tinh thần chủ động, tích cực, phát huy truyền thống tự lực, tự cường của đội ngũ cán bộ khoa học, Ban Quản lý Lăng sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với vị trí và trách nhiệm chính trị lớn lao mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó./.
Nguyễn Văn Tuyến