Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Cứ mỗi dịp tháng Năm về, hòa trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm sự kiện đặc biệt - Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), mỗi người dân Việt Nam lại trào dâng cảm xúc nhớ Bác Hồ khôn nguôi - vị lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Thang 4 1

Lăng Bác nơi hội tụ niềm tin của cả nước

Miền Nam luôn trong trái tim Bác

Sinh thời, Bác luôn dành những tình cảm đặc biệt sâu nặng cho đồng bào miền Nam. Người khẳng định: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”1. Vì thế nên, Bác luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”2.

Thương miền Nam “đi trước, về sau”, Bác luôn quan tâm, theo dõi, động viên từng bước tiến triển của cách mạng miền Nam, với niềm trăn trở “một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng: Với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”. Bác đau nỗi đau chung của đồng bào miền Nam, của cả dân tộc khi nước nhà chưa hoàn toàn được thống nhất: “Ở miền Nam … mỗi người, mỗi gia đình, đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”3.

Năm 1952, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Nam bộ kháng chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dù ở xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam bộ. Tôi theo dõi từng giờ, từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sỹ và cán bộ ta”4.

Nói về tấm lòng nhớ thương miền Nam của Bác, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng chia sẻ: “Trong lòng Bác, đồng bào miền Nam luôn chiếm một vị trí đặc biệt. Những lúc vui mừng nhất của Bác là lúc nhận được tin chiến thắng ở miền Nam. Và nghĩ đến những đau khổ của đồng bào miền Nam là Bác bùi ngùi thương xót vô cùng. Bác luôn luôn ghi nhớ những chiến công của các chiến sỹ miền Nam. Lúc tiếp khách nước ngoài Bác thường đem những chiến công đó kể với khách và niềm sung sướng làm nét mặt Bác tươi tắn hẳn lên. Lúc đọc những lời kêu gọi như thư chúc Tết, Bác biết rất rõ đồng bào và chiến sỹ miền Nam càng lắng nghe Bác với tất cả tâm hồn của mình, hình như Bác đang nói với mình”5.

Thang 4 2
Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam. Ảnh tư liệu

Trong vườn Bác tại Khu Phủ Chủ tịch có rất nhiều loài cây được Bác yêu quý, thường xuyên chăm sóc, trong đó phải kể đến cây vú sữa và hai cây dừa do chính đồng bào miền Nam gửi tặng Bác. Bác trồng hai loài cây này ở bên cạnh Nhà sàn của Bác để hàng ngày Bác được nhìn ngắm, chăm sóc, giúp nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ miền Nam.

Với Bác, “hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim”. Mỗi khi có các đoàn đại biểu của miền Nam ra Bắc, dù đi công tác, đi họp, học tập hay chữa bệnh, Bác đều cố gắng sắp xếp thời gian để gặp gỡ, thăm hỏi. Ngay cả khi sức khỏe đã giảm sút, nhưng "bao giờ cũng vậy, gặp các cô, các chú, các cháu trong Nam ra, Bác cũng vô cùng sung sướng và thấy khoẻ ra"6.

Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà

Được vào miền Nam là nguyện vọng da diết trong những năm cuối đời của Bác. Nhiều lần, Bác đề nghị Bộ Chính trị bố trí để Bác được vào thăm đồng bào miền Nam. Những năm tháng trước khi Người đi xa, Bác vẫn đi bộ, tập leo dốc. Bác kiên trì rèn luyện để thực hiện ý định vào thăm đồng bào và chiến sỹ miền Nam. Có lúc Bác đã tự vạch ra phương án tỉ mỉ cho chuyến đi này. Bác còn viết thư cho đồng chí Lê Duẩn đề nghị sửa một chữ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị là để Bác vào miền Nam từ “sau” thành chữ trước ngày thắng lợi hoàn toàn... Nhưng nhận thấy sức khỏe của Bác không bảo đảm cho chuyến đi, nên Bộ Chính trị đã tìm mọi cách trì hoãn chuyến đi ấy và hứa sẽ cố gắng thu xếp để đồng bào miền Nam có thể sớm được gặp Bác. Bác đã rất buồn… miền Nam vẫn là niềm trăn trở, nhớ thương khôn nguôi trong tim Bác.

Còn nhớ buổi chiều hè ngày 10/5/1969, Bác lại nhắc lời đề nghị tha thiết của Bác từ mấy năm nay với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hãy cố gắng cùng các đồng chí Bộ Chính trị tổ chức cho Bác được vào thăm đồng bào trong Nam. Đầy xúc động, Bác nói:

- Chú Văn ạ, chưa vào thăm đồng bào yêu quý ở miền Nam được, sau đây nếu có chết đi, làm sao mà Bác có thể dễ dàng nhắm mắt?7

Yêu thương đồng bào và chiến sỹ miền Nam phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh trong cuộc kháng chiến nên Bác luôn luôn trăn trở vì mình chưa làm tròn trách nhiệm đối với miền Nam. Cho nên, Bác từ chối mọi phần thưởng cao quý mà Quốc hội nước ta và bè bạn quốc tế trao tặng. Năm 1963, Quốc hội Khóa II quyết định trao tặng Bác Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, nhưng Bác đề nghị: Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì dân ta sẽ sung sướng, vui mừng. Năm 1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười, Chính phủ Liên Xô quyết định trao tặng Bác Huân chương Lênin - Huân chương cao quý nhất của Liên Xô, Bác cũng đề nghị hoãn việc trao Huân chương, chờ đến ngày nhân dân Việt Nam đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam.

Những giờ phút cuối trước khi về cõi người hiền, Bác muốn được uống nước dừa miền Nam từ cây dừa do đồng bào miền Nam gửi ra biếu Bác, với nỗi niềm: “Bác quê ở Nam Đàn nhưng mẹ Bác mất chôn ở Huế, cha Bác mất chôn ở tận Cao Lãnh. Chưa một lần Bác được trở lại hai nơi đó…”8. Bác đã nhấp được một chút nước dừa để mang theo mình chút nước ngọt mát và ấm lành của miền Nam trước khi từ biệt thế giới này... Bác của chúng ta là vậy đó, vĩ đại mà giản dị, gần gũi đến lạ thường. Trong trái tim Người không lúc nào nguôi nỗi nhớ thương miền Nam. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, đồng bào miền Nam và Tổ quốc Việt Nam thiêng liêng vẫn mãi mãi còn lại trong trái tim vĩ đại của Người.

Miền Nam nhớ Bác nỗi mong Cha

Đền đáp lại tình cảm yêu thương của Bác, đồng bào và chiến sỹ miền Nam luôn luôn khắc sâu hình ảnh Người trong trái tim mình, hướng về Người với nỗi nhớ mong da diết, tâm niệm những lời Bác dạy, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn, khó khăn, anh dũng chiến đấu, quyết chiến quyết thắng xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc" Bác đã tặng cho nhân dân miền Nam, với tám chữ vàng "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" Người tặng phụ nữ miền Nam, sớm hoàn thành sự nghiệp cách mạng để được đón Bác vào thăm. Tình cảm đó thiêng liêng, sâu nặng như tình mẫu tử. Bác luôn hiện hữu thân thương, kề vai sát cánh với đồng bào miền Nam. Nói về tình cảm của đồng bào miền Nam dành cho mình, Bác đã từng chia sẻ: “… Tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ"9.

Nhưng tiếc thay đồng bào và chiến sỹ miền Nam đã không chờ đợi được ngày đón Bác kính yêu vào thăm. Bác qua đời khi cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn kháng chiến cam go, ác liệt. Sự ra đi của Người là một nỗi đau, một tổn thất vô cùng to lớn không gì bù đắp nổi. Nỗi đau ấy như càng da diết hơn, day dứt hơn với tất thảy đồng bào và chiến sỹ miền Nam, bởi ai cũng cảm thấy ân hận chưa làm xong sứ mệnh được Đảng giao phó - sứ mệnh giải phóng miền Nam, đón Bác vào thăm dải đất luôn luôn nhức nhối trong trái tim của Người.

Được tin Bác đã đi xa, cùng với đồng bào cả nước, đồng bào và chiến sỹ miền Nam đã cùng nhau để tang Người. Những bàn thờ, đền thờ, nhà thờ Bác được dựng lên rộng khắp, từ vùng giải phóng, các căn cứ cách mạng đến cả trong vùng địch kiểm soát bằng tất cả tấm lòng của đồng bào miền Nam để tưởng niệm Bác, bất chấp bom đạn của quân xâm lược, vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy. Thế mới thấy tấm lòng, tình cảm đặc biệt của người dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nén nỗi đau thương mất mát tột cùng vì Bác đã ra đi, với tinh thần quyết tâm biến đau thương thành sức mạnh, cả nước đã đồng lòng, đồng sức, từ nông thôn đến thành thị, miền ngược đến miền xuôi đều chung ý chí: Tất cả vì miền Nam ruột thịt!, với quyết tâm "Vì độc lập, vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để Bắc - Nam sum họp một nhà.

Ý chí, tinh thần tấn công đó đã góp phần quan trọng cho thắng lợi của chiến dịch mùa Xuân 1975 sau này. Chiến dịch lịch sử 30/4/1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện được lời thề trước Anh linh Bác trong lễ Quốc tang: “… xin thề: Giương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”10. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tự hào đã thực hiện được trọn vẹn Di chúc của Bác: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”11.

Thang 4 4
Nhân dân rước ảnh Bác Hồ mừng ngày thống nhất đất nước. Ảnh
http://laodongthudo.vn

Trong niềm hân hoan chiến thắng, đồng bào và chiến sỹ miền Nam càng tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khắc ghi công ơn trời biển của Người. Ngày miền Nam toàn thắng dù Bác không còn nữa, nhưng vẫn “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Bác mãi trường tồn trong trái tim đồng bào và chiến sỹ miền Nam, trong trái tim tất cả các thế hệ con cháu Việt Nam.

Bác ra đi và một cuộc đời mới của Bác lại được bắt đầu, được tái sinh trong lòng mỗi người dân, mỗi người lính. Việc xây dựng Lăng và giữ gìn thi hài Bác để thỏa lòng mong mỏi thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là đồng bào và chiến sỹ miền Nam mong sau ngày toàn thắng sẽ được đến viếng Bác, được tận mắt trông thấy Người, là tình cảm thiết tha nhất trong thời gian đó.

Trong lúc miền Bắc đang khẩn trương chuẩn bị nhân lực, vật tư  xây dựng Lăng Bác, ở miền Nam, dù bom đạn của Thiệu vẫn rất các liệt, thậm chí nay còn điên cuồng hơn, chúng đánh phá các cơ sở của ta, lấn chiến các vùng giải phóng dữ dội, quân dân ta đã quyết chiến đấu vừa đánh bại nốt tên hung ác này vừa dành thời gian để kiếm tìm và gửi ra gỗ quý, đá quý để góp phần xây "Ngôi nhà vĩnh hằng" của Bác Hồ. Đã có nơi nêu khẩu hiệu: "Tìm được gỗ hoặc đá quý gửi ra xây Lăng cũng coi diệt được giặc lập công dâng Bác".

Thang 4 3
Bộ đội và nhân dân khu căn cứ tỉnh vận chuyển gỗ ra miền Bắc xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1974. Ảnh tư liệu/
https://baogialai.com.vn

Thế là những chuyến hàng đặc biệt đã vượt ngàn dặm đường xa xôi, nguy hiểm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ miền Nam mang vật liệu quý ra Bắc để cùng cả nước xây dựng Lăng Bác. Những chuyến hàng gửi gắm cả niềm thương yêu của quân dân miền Nam đến Bác Hồ kính yêu và hậu phương lớn miền Bắc, mong sớm được gặp Người. Trong khói lửa mà tấm lòng của đồng bào miền Nam ruột thịt với Bác thật quý báu. Lăng Bác đã được xây dựng không phải chỉ bằng bàn tay, khối óc của những người trực tiếp tham gia xây dựng mà còn bằng cả trái tim và công sức đóng góp của toàn dân tộc. Đây thực sự là công trình “Ý Đảng, lòng dân”. Kể từ đó cho đến nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng tiếp tục nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, đóng góp của đồng bào cả nước, trong đó có đồng bào miền Nam để Lăng Bác ngày càng khang trang, sạch đẹp, là điểm đến hấp dẫn không thể thiếu mỗi khi về với Thủ đô Hà Nội. Trong không gian cảnh quan Lăng Bác, luôn hiện hữu hình ảnh của những cây hoa, cây cảnh của miền Nam cùng tụ hội về đây để khoe hương sắc dâng lên Bác kính yêu. Đó là sắc vàng rực rỡ của hoa Mai vàng - loài cây đặc trưng của miền Nam luôn tỏa sắc trong các dịp Tết Nguyên đán; đó là sắc xanh của những cây Dầu Nước của Thành phố Hồ Chí Minh, cây cà phê của Đắc Lắc, cây Sộp của Vĩnh Long, cây Hoa giấy thế của Lâm Đồng, cây Mai Chiếu thủy của Đồng Tháp… Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, thảm cỏ thiên nhiên màu xanh lục của những ô cỏ Gừng đưa từ miền Nam ra trồng, là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, tạo nên điểm nhấn đặc biệt của cảnh quan khu vực Lăng Bác.

Thang 4 5
Đoàn đại biểu Người có công với cách mạng tỉnh Trà Vinh kính cẩn dâng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ khi Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh khánh thành, những người con Việt Nam từ khắp mọi miền trên Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác với lòng thành kính nhất. Những dòng người vào Lăng viếng Bác ngày càng đông hơn, trong đó có rất nhiều đồng bào miền Nam thân yêu. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất đông đảo đồng bào đến với Bác kính yêu, Lăng Bác trở thành nơi hội tụ tình cảm và trái tim của cả nước. Mỗi người vào thăm đều có một tình cảm riêng, nhưng bao trùm lên hết thảy là tình thương mênh mông của những người con ở phương Nam với Bác. Bước chân lưu luyến không muốn về, chỉ muốn được ở bên Bác thật lâu: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác/ Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này!” (“Viếng Lăng Bác” - Viễn Phương).

Những ngày này, ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí minh, rất đông đồng bào, trong đó có nhiều người con miền Nam không quản ngại đường xá xa xôi, tụ hội về đây bên Bác kính yêu để dâng lên Người những đóa hoa tươi thắm từ những thành tích trong các phong trào thi đua, cùng hướng về Bác với tất cả tấm lòng thành kính nhất và thể hiện quyết tâm đoàn kết đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn./.

Thu Hiền (tổng hợp)

Chú thích

1. Sách “Giữ yên giấc ngủ của Người”, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.18.
2, 5. TS. Trần Viết Hoàn, “Đạo đức Bác Hồ tấm gương soi cho muôn đời”, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.321; 321-322
3, 9, 11. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.674; tr.675; tr.623
4. Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 7, tr.496
6. Trích Sách: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài hoa vĩnh cửu” (https://www.bqllang.gov.vn/tu-lieu/lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu/5975-lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu.html?start=1)
7. Trích Sách: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài hoa vĩnh cửu” (https://www.bqllang.gov.vn/tu-lieu/lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu/5975-lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu.html?start=1)
8. Trích Sách: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài hoa vĩnh cửu” (https://www.bqllang.gov.vn/tu-lieu/lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu/5975-lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu.html?start=2 )
10. Trích Sách: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài hoa vĩnh cửu” (https://www.bqllang.gov.vn/tu-lieu/lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu/5975-lang-chu-tich-ho-chi-minh-dai-hoa-vinh-cuu.html?start=3)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: