Vừa qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Lớp Tập huấn công tác đón tiếp tuyên truyền năm 2012 nhằm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị và nghiệp vụ đón tiếp, tuyển truyền cho cán bộ, nhân viên của đơn vị, làm cơ sở nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, hướng dẫn đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, tham quan Khu Di tích K9 trong thời gian tới.

Tại Hội trường Bộ tư lệnh, gần 200 đồng chí, gồm các đồng chí Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng và các đồng chí cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác đón tiếp tuyên truyền trong Ban Quản lý Lăng đã được nghe PGS.TS Phan Văn Rân, Phó Viện trưởng Viện quốc tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi về Chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.  

Tiếp đó, Đoàn cán bộ gồm 32 đồng chí là những đồng chí trực tiếp làm công tác đón tiếp, tuyên truyền và một số đồng chí thành viên trong Tổ công tác “Thực hiện nhiệm vụ mở rộng tham quan Khu Di tích K9” đã đi tham quan, học tập thực tế tại Khu Di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Mục đích của chuyến tham quan, học tập thực tế lần này  nhằm giúp cho các thành viên trong Đoàn được đến thăm, tìm hiểu đầy đủ hơn những di tích tiêu biểu gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ kính yêu; đồng thời trao đổi với Ban Quản lý Khu Di tích, tìm hiểu về nhiệm vụ, mô hình tổ chức, biên chế, tổ chức các nghi lễ và trao đổi kinh nghiệm trong công tác tổ chức đón tiếp, hướng dẫn, tuyên truyền tại Khu Di tích.

Các thành viên trong Đoàn rất cảm động khi được đồng chí Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu Di tích cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc và anh, chị em trong Khu Di tích đón tiếp chu đáo, với tình cảm gia đình thật ấm áp, nồng hậu.

don tiep que ngoai
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại quê ngoại Bác

Khu Di tích Kim Liên là địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê ngoại là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; nơi Bác Hồ đã sống những năm 1901 - 1906 ở quê nội tại làng Kim Liên; khu mộ Cụ Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh); núi Chung và nhiều di  tích khác đã gắn liền với tuổi thơ của Người, đã được Nhà nước công nhận là Di tích đặc biệt quốc gia.  Khu Di tích Kim Liên lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình Người. Toàn bộ Khu Di tích bao gồm nhà tranh nhỏ của Cụ Nguyễn Sinh Sắc và Bà Hoàng Thị Loan; ngôi nhà của ông bà ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thờ chi họ Hoàng Xuân (thuộc cụm di tích Hoàng Trù); nhà Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; giếng Cốc; lò rèn Cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy học khai tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà Cụ Nguyễn Sinh Nhậm - ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích cây đa, sân vận động Làng Sen; khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thuộc cụm di tích Làng Sen); phần mộ Cụ Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy Đại Huệ và cụm di tích Núi Chung. Toàn khu di tích rộng trên 205 ha, các điểm và cụm di tích cách nhau khoảng từ 2 - 10km, được Nhà nước, Đảng bộ, nhân dân Nghệ An đặc biệt chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua. Hằng năm, Khu Di tích đón tiếp hàng triệu khách tham quan trong và ngoài nước tới viếng thăm.

Don tiep que noi
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại quê nội Bác Hồ.

Làng Kim Liên (tên Nôm là làng Sen), quê nội của Hồ Chí Minh, cách thành phố Vinh khoảng 12.5km về phía Tây. Làng nằm ở gần núi Chung, cách núi Đại Huê khoảng 3 km.

Mộ Cụ Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huê là nơi an táng Cụ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịchChủ tịch Hồ Chí Minh. Mộ Cụ được đặt trên lưng chừng dãy núi Đại Huệ thuộc  Nam Giang, huyện Nam Đàn, có độ cao chừng 100m so với mực nước biển. Nhìn tổng quát, ngôi mộ có hình một khung cửi khổng lồ, hiện nay đã được đầu tư xây dựng thành một khu tưởng niệm khang trang, liên kết với Khu di tích Kim Liên. Từ ngày khánh thành đến nay, đã có hàng chục triệu lượt du khách trong và ngoài nước về đây thăm viếng tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn Cụ Hoàng Thị Loan.

Cụm di tích Hoàng Trù nằm trọn trong làng Hoàng Trù (thường gọi là làng Chùa), quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Diện tích của cụm Di tích này khoảng 3.500m².

Ngôi nhà Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là ngôi nhà lá 5 gian được dân làng Sen, quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh dựng lên từ quỹ công của dân làng để mừng Cụ Nguyễn Sinh Sắc, khi Cụ đỗ Phó bảng khoa thi Hội năm 1901. Trong ngôi nhà này, Cụ Sắc dành hai gian để đặt bàn thờ Cụ Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của Cụ Sắc với bộ phản gỗ kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi Cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi vào các buổi tối Cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước trà xanh. Các kỷ vật trong ngôi nhà hiện còn được giữ lại hầu như nguyên vẹn: Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của Cụ Phó bảng và hai con trai, chiếc giường là của Bà Thanh con gái Cụ, chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen.

Đoàn chúng tôi được hướng dẫn đến đặt hoa, dâng hương tưởng niệm Cụ Hà Thị Hy (Bà nội của Bác), Cụ Hoàng Thị Loan và em trai của Người – Ông Nguyễn Sinh Xin, rồi về thăm quê ngoại, quê nội của Bác. Với chất giọng Nghệ An truyền cảm, các chị hướng dẫn viên đã để lại cho Đoàn chúng tôi những cảm xúc thật đặc biệt. Chúng tôi như thấy hiện lên trước mắt hình ảnh Người tần ngần lần theo từng kỷ vật thiêng liêng sau bao năm xa cách! Trong chúng tôi trào dâng nỗi nhớ thương Bác vô cùng khi chị Thao kể lại những kỷ niệm khi Người về thăm quê.

  don tiep tuong niem
Đoàn đặt hoa tưởng niệm Bác

Sau khi đặt hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm, Đoàn chúng tôi được đồng chí Nguyễn Bá Hòe cùng  Ban Giám đốc và các đồng chí cán bộ trong Khu Di tích trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm tổ chức đón tiếp, hướng dẫn, tuyên truyền và thực hiện các nghi lễ tại Khu Di tích. Thay mặt Đoàn, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng, đã bày tỏ sự khâm phục trước những cố gắng, nỗ lực và kết quả đã đạt được của tập thể cán bộ, nhân viên Khu Di tích;  thông báo kết quả giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Người trong thời gian qua của Ban Quản lý Lăng; cảm ơn và hứa sẽ tiếp thu, học tập những kinh nghiệm quý báu mà các đồng chí trong Khu Di tích đã trao đổi, chia sẻ.

don tiep trao doi kn
Đồng chí Nguyễn Bá Hoè trao đổi kinh nghiệm với Đoàn

Lưu luyến chia tay trong niềm vui trước những đổi thay, phát triển trên quê hương Bác và tình cảm ấm áp của các đồng chí trong Ban Giám đốc và các anh chị trong Khu Di tích Kim Liên, mỗi chúng tôi thầm hứa phải cố gắng học tập, tu dưỡng và công tác tốt hơn nữa để góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà đơn vị đã được toàn Đảng, toàn dân giao cho.

                                                     Hải Yến

 

Bài viết khác: