bai a ngoc
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cháu thiếu nhi (Ảnh chụp năm 1955).

Bác ơi tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người

Đó là Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta - Người đã dành trọn cuộc đời và tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Người tuy đã đi xa, nhưng hình ảnh, tấm gương, đạo đức của Người luôn sống mãi trong trái tim nhân loại, các thế hệ người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Cả cuộc đời của Người: “… Chỉ một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ngay từ thuở thiếu thời, sống trong chế độ thực dân phong kiến và chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, dân ta làm nô lệ cơ cực, tủi nhục; với lòng yêu nước thương dân nồng nàn, với mong muốn dân tộc được độc lập, tự do, kế tiếp những sỹ phu yêu nước trước đó Người đã chọn cho mình một con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi ách lầm than. Trên con đường cách mạng ấy, Người đã chấp nhận mọi sự hy sinh, gian khổ, bôn ba khắp các quốc gia trên thế giới để tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi, cuối cùng Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, một con đường cách mạng đúng đắn và chính Người là hạt nhân nòng cốt, tổ chức, xây dựng, sáng lập ra chính đảng đó là Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay. Người đã cùng với tổ chức đảng sáng suốt đề ra chính cương, sách lược, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân, tinh thần yêu nước, ý thức giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Và đúng như mong muốn của Người, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền và sau đó đã lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước đưa đất nước ta vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục đích dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

Nói về Bác Hồ, chúng ta phải khẳng định trong mọi hoàn cảnh, Người luôn tin tưởng tuyệt đối và hết lòng phục vụ nhân dân vì Người tin vào sức mạnh nhân dân và kính trọng nhân dân. Người khẳng định rằng: “Nước ta là nước dân chủ”, vì vậy: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra”. Từ nhận thức sâu sắc rằng, nếu nước nhà được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì, nên Người luôn chú trọng giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, có trách nhiệm với dân, phấn đấu chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Người luôn dạy đội ngũ cán bộ phải là “người đầy tớ trung thành” của nhân dân; luôn gần dân, hiểu tâm lý, yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thường xuyên lắng nghe ý kiến của dân, không được lên mặt “quan cách mạng”, cậy quyền, cậy thế, đè đầu, cưỡi cổ dân. Người cho rằng, Chủ tịch nước là công việc của “người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trận”. Bởi vậy, mặc dù bận trăm công, ngàn việc, nhưng mỗi khi nhận được thư, quà chúc mừng của nhân dân, Người đều tự tay viết thư trả lời, cám ơn một cách thân tình, chu đáo. Việc làm đó là tấm gương ứng xử văn hóa là bài học về sự khiêm nhường và kính trọng đối với nhân dân để các thế hệ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp học tập và noi theo. Cả cuộc đời Người là tấm gương thật độc đáo về đạo đức làm người, đạo đức cách mạng.

Bác Hồ còn là tấm gương trong cuộc sống công tác và trong đời sống sinh hoạt cá nhân hàng ngày, đó là sự thể hiện toàn vẹn đạo đức trong sáng: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Người luôn coi khinh mọi sự xa hoa, không ưa chuộng nghi thức trang trọng, luôn giữ nếp sống giản dị và đức khiêm tốn nhưng toát lên một cốt cách cao thượng, vĩ đại; không sùng bái cá nhân, mà luôn luôn nêu cao sự nghiệp anh hùng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Biết về Bác, thăm quê hương Bác, thăm ngôi nhà Bác đã từng sinh sống, qua các khu di tích được nghe kể về Bác, thấy được sự giản dị, nghe được tấm lòng vì dân, vì nước của Bác, chúng ta càng kính trọng Bác nhiều hơn và càng hiểu sâu sắc hơn vì sao trong mỗi gia đình, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đều treo ảnh và phụng thờ Bác nơi trang trọng nhất và gọi Bác với cái tên gần gũi nhất là Bác Hồ.

Trong quá trình phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dày dạn kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Đảng ta luôn xứng đáng là một đảng “đạo đức và văn minh”; mỗi đảng viên luôn có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gắn bó với nhân dân, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng.

Trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, Bác Hồ đã sớm đặt vấn đề mở rộng quan hệ của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Bác xác định việc thiết lập các mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với nhân dân lao động các nước trên thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Vì theo Người, các dân tộc thuộc địa phải thiết lập với nhau mới có khả năng để tiêu diệt kẻ đang nô dịch họ. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã nghĩ ngay đến việc hợp tác với các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ quốc tế. Người cho rằng, mọi thành tựu khoa học - kỹ thuật và mọi nguồn lực kinh tế - văn hóa được tạo ra đều là tài sản chung của toàn nhân loại. Chủ nghĩa xã hội có xây dựng thành công, trước hết, phải biết kế thừa và phát triển những thành tựu kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa của nhân loại. Cho nên, Người khẳng định: Chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” và “trong quan hệ đối với các nước khác, chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là rõ ràng và trong sáng”, đó là một chính sách hòa bình và quan hệ tốt.

Khi nói đến Việt Nam, bạn bè khắp năm châu đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói và nghĩ về Người bằng tấm lòng tôn trọng và khâm phục, hình ảnh của Bác trong họ là hiện thân của một dân tộc anh hùng, yêu chuộng hòa bình, không chịu khuất phục bất cứ một kẻ thù nào và luôn nỗ lực phấn đấu xây dựng, vun đắp cho một tương lai tươi sáng, mở rộng những mối quan hệ đối ngoại quốc tế sâu sắc. Nhân dân yêu chuộng hòa bình, các quốc gia trên thế giới biết đến Người với lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ sâu sắc, có rất nhiều quốc gia đã đặt đài tưởng niệm Hồ Chí Minh tại đất nước của mình như: Cu Ba, Nga, Trung Quốc…

Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, đã và đang được tiếp tục nghiên cứu, khai thác, nhằm phát hiện, tôn vinh những giá trị văn hóa, tư tưởng của Người để làm nền tảng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới hôm nay. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”, Người sẽ sống mãi và đồng hành cùng dân tộc trên con đường “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay tuy không được may mắn gặp Bác Hồ, nhưng khi được viếng thăm Bác, nghe kể về Bác càng nhận thức sâu sắc hơn về tấm gương, đạo đức của Bác và cảm nhận Bác thật gần gũi như chính người thân, máu thịt của mình. Cũng chính vì lẽ đó mà hôm nay thế hệ trẻ Việt Nam, những cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, những nhà khoa học,… những công dân của nước Việt đã và đang không ngừng phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; đang “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, nỗ lực học tập, lao động, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nhanh chóng tiếp thu những kiến thức khoa học, kinh nghiệm thực tiễn, kịp thời đổi mới, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm lao động theo mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang quyết tâm “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để xứng đáng là người dân nước Việt, xứng đáng với công đức của Bác Hồ và những hy sinh của các thế hệ đi trước cho nền hòa bình, độc lập ngày hôm nay.

Để tỏ lòng biết ơn và kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, 44 năm qua và đặc biệt trong những ngày tháng 5 lịch sử kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác, đồng bào ta ở khắp mọi miền của Tổ quốc cùng những vị khách nước ngoài đã tụ hội về Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, trang nghiêm và thành kính vào Lăng viếng Bác. Bác là Hồ Chí Minh, Bác sống mãi trong lòng chúng ta ./.

Thượng tá Nguyễn Quang Ngọc
Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 375

Bài viết khác: