Sáng tháng 5 trời trong xanh quá
Bốn phương về tụ Ba Đình.
Hãy nhè nhẹ bàn chân, Bác chưa trọn giấc mơ.
... Những bước chân bồi hồi xao xuyến,
Cháu con trở về bên Người.
(Đăng Nước)
Như một dòng chảy thời gian không ngừng, ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình, nhân dân từ mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế khắp năm châu, bước tiếp bước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam là một nhu cầu tình cảm đậm đà phong tục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và niềm tin không thể thiếu trong cuộc sống. Mỗi người một tâm trạng, hoàn cảnh khác nhau nhưng khi về bên Bác, ai nấy đều thấy tâm hồn thanh thản, bình yên, thể hiện tấm lòng thành kính và xiết bao thương nhớ về Bác, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Người, niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản anh hùng ca, một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, về phẩm chất cộng sản, về trí tuệ uyên bác, đạo đức cách mạng trong sáng, và là sự cổ vũ lớn lao đối với các thế hệ người Việt Nam.
Kể từ khi khánh thành đến nay, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành công trình của "Ý Đảng - lòng dân”, là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu. Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình luôn là nơi được Đảng, Nhà nước lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như: Lễ mít tinh, lễ duyệt binh, lễ diễu binh, lễ diễu hành, các chương trình cầu truyền hình trực tiếp. Những hoạt động này đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, là dịp tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam.
Để tiếp tục phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên đổi mới hoạt động tuyên truyền bằng các hình thức thuyết minh, chiếu phim tư liệu, tổ chức Lễ báo công, lễ giao ước thi đua, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên; lễ tuyên thệ, lễ rước đuốc, lễ xuất quân, đặt hoa trong ngày cưới...
Đặc biệt, từ năm 1993, sau khi Phó Thủ tướng Phan Văn Khải có thư gửi các tỉnh, thành phố trong cả nước quan tâm tạo điều kiện cho các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, các thương binh... đi viếng Bác, Ban Quản lý Lăng đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các địa phương đón tiếp, phục vụ các đoàn Người có công với cách mạng ra thăm Thủ đô Hà Nội và về Lăng viếng Bác. Từ năm 2014, Ban Quản lý Lăng đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật thường xuyên tại tuyến phố đi bộ khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các buổi biểu diễn văn nghệ có nội dung, chất lượng nghệ thuật cao, phù hợp với đối tượng khách tham quan và các hoạt động trong khu vực. Những ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi quê hương đất nước, con người, ca ngợi Thủ đô ngàn năm văn hiến thông qua các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống của Việt Nam và tài năng biểu diễn của các nghệ sĩ đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn mới tại khu vực, góp phần đưa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè khắp nơi trên thế giới.
Đây là các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng, là biện pháp giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi tổ chức, con người bồi đắp thêm tình cảm, nhân cách, đạo đức Bác Hồ trong công tác và trong cuộc sống. Bên cạnh đó, từ ngày 19/5/2001, được phép của Thủ tướng Chính phủ, nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được diễn ra trọng thể, trang nghiêm. Nghi lễ này góp phần phát huy tốt tác dụng giáo dục lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tạo được hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và khách quốc tế.
Tại Khu Di tích K9, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trồng cây lưu niệm. Tổ chức đón tiếp nhân dân đến dâng hương tưởng niệm Bác và tham quan tận tình, chu đáo. Ngày 19/5/2016, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng đã chính thức mở rộng tham quan tổ chức đón tiếp, phục vụ toàn thể nhân dân trong nước và từ ngày 19/5/2017 tổ chức đón tiếp người nước ngoài đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích K9.
Từ khi mở cửa Lăng năm 1975 đến tháng 5/2019, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp trên 57 triệu lượt khách tham quan, trong đó gần 10 triệu lượt khách quốc tế; 114.224 người có công vào Lăng viếng Bác. Từ năm 1995 đến tháng 5/2019, tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã đón tiếp trên 300.000 lượt khách. Từ 1978 đến tháng 5/2019 có 2.573 đoàn sinh hoạt chính trị trước Lăng với khoảng gần 29.000 người tham gia.
19/5 là dịp nhiều nhà trường tổ chức cho các em học sinh tiêu biểu,
có thành tích xuất sắc về Lăng viếng Bác
Về Lăng viếng Bác và nghe những câu chuyện hoặc xem lại những thước phim về Bác, chúng ta lại càng xúc động khôn nguôi. Tình cảm dành cho Người luôn lắng đọng đâu đó trong trái tim những người con đất Việt, theo nhiều cách khác nhau, bình dị, sâu đậm, trong sáng… Những câu chuyện cảm động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất - Chủ tịch Hồ Chí Minh như là lời tâm tình, động viên nhắn nhủ tất cả chúng ta luôn phải bền lòng, quyết chí để hoàn thành tốt nhiệm vụ dù có khó khăn đến đâu tựa như “Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt thành công".
Những ngày này dòng người về Lăng viếng Bác nối tiếp nhau
như một "dòng sông thương nhớ" hướng về bên Người
Những dòng người nối dài vào Lăng viếng Bác như một "dòng sông thương nhớ" hướng về bên Người với tấm lòng tôn kính và niềm tin tất thắng - niềm tin Hồ Chí Minh qua tư tưởng, đạo đức, phong cách, đặc biệt là bản Di chúc bất hủ: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là mong muốn xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Đã gần 50 năm kể từ ngày Bác đi xa nhưng sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi với non sông đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Người và cũng là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng - một văn kiện lịch sử, một tài sản tinh thần vô giá, kết tinh toàn bộ tinh hoa tư tưởng, tâm hồn và đạo đức vô cùng trong sáng, đẹp đẽ của một lãnh tụ rất đời thường và rất vĩ đại, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân bằng một tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính vô hạn. Nguyện vững bước đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn./.
Tâm Trang