Xuân Kỷ Hợi 2019, ngày đầu tiên của năm mới, ngày Mùng một tháng Giêng, tiết trời se se lạnh, mưa bụi bay bay như rắc phấn trên bầu trời Hà Nội. Đã thành một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, gia đình tôi và bao gia đình cán bộ khác của Bộ Tư lệnh lại hòa vào dòng người vào Lăng viếng Bác, thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người mà cách đây nửa thế kỷ, trước lúc đi xa đã để lại bản Di chúc thiêng liêng với khát vọng cháy bỏng về một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và phát triển hùng cường có thể sánh vai với cường quốc năm châu.

boi hoi nho lai 2
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
ngày 29/8/1975 - ngày khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bồi hồi nhớ lại 45 năm trước (tháng 8/1974), tôi xung phong lên đường nhập ngũ và vinh dự được lựa chọn vào làm chiến sỹ cận vệ bên Lăng Bác. Đêm trước ngày nhập ngũ, mẹ tôi - một cán bộ lão thành cách mạng - nguyên là Chủ tịch huyện, Chủ tịch Hội đồng Tuyển quân một huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn đã căn dặn: Bố con là bộ đội, mai con nhập ngũ thành “Bộ đội Cụ Hồ” phải phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, nhớ giữ gìn sức khỏe, cố gắng rèn luyện để theo kịp cho bằng anh, bằng em; đói cho sạch, rách cho thơm con ạ”. Mẹ tôi trầm ngâm nhìn tôi một lúc, rồi dặn thêm tôi: Con vào bộ đội là phải chịu nhiều gian khổ đấy, nhưng hãy luôn nhớ “Đã mang cái nghiệp vào thân/Xin đừng có trách trời gần, trời xa/Thiện căn bởi tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Mẹ tôi mới học hết lớp 7, lại là người dân tộc thiểu số, nhưng Bà thuộc rất nhiều thơ, ca, hò vè, truyện Kiều và thơ cách mạng. Những câu Kiều ấy đã cùng với tôi đi hết cả cuộc đời quân ngũ. Sau gần 40 năm vinh dự phục vụ bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, về với đời thường, hôm nay đứng im lặng trước thi hài Bác, tôi tự hào cũng đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người; dẫu rằng có những lúc, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã có những giây phút phân tâm, so sánh thiệt, hơn, được, mất.

boi hoi nho lai
Đại tá Nguyễn Phúc Trị - người vác súng hàng đầu

Là lớp chiến sỹ Tiêu binh danh dự đầu tiên và cũng nguyên là Đội trưởng Đội Tiêu binh danh dự, Đoàn trưởng Đoàn Bảo vệ an ninh và nghi lễ; nguyên là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh, trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ an ninh và nghi lễ, nhưng hôm nay, được ngắm nhìn các chiến sỹ tiêu binh danh dự trong đội hình 34 chiến sĩ thực hiện nghi lễ chào cờ, ngắm nhìn lá Quốc kỳ tung bay trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, tôi xúc động, bồi hồi nhớ lại quãng thời gian và những công việc mà tôi và các đồng chí đồng đội nghiên cứu, chuẩn bị và tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nhớ lại hai mươi năm trước, năm 1999, cũng vào một buổi sáng mùa xuân, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Tư lệnh, kiêm Trưởng ban, Ban Quản lý Lăng xuống phòng tôi trao đổi: “Mình vừa đi công tác nước ngoài về, được xem nước bạn tổ chức nghi lễ chào cờ rất trang trọng và ý nghĩa. Cậu nghiên cứu nếu đơn vị mình tổ chức được nghi lễ đó tại Cột cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình thì rất có ý nghĩa”. Tôi hỏi: “Vậy Tư lệnh có chụp ảnh hay quay video nghi lễ đó không ạ?”. Tư lệnh Nguyễn Quang Tấn nói: “Cậu sang hỏi đồng chí Lập, Phó Chánh Văn phòng cùng đi với Đoàn, tôi đã giao đồng chí Lập chụp ảnh và tìm hiểu về lễ chào cờ đó”. Tôi sang gặp anh Phạm Văn Lập tại phòng làm việc (đồng chí Phạm Văn Lập sau là Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh) và hỏi về kết quả ghi hình của Đoàn như thế nào. Anh Lập trả lời: “Vì đứng tham quan ở xa quá, lại là máy ảnh du lịch nên tôi không chụp ảnh, quay video được”. “Thế bạn tổ chức nghi lễ như thế nào?”- tôi lại hỏi. Anh Lập giới thiệu sơ qua cho tôi: “Lễ chào cờ của bạn được tiến hành hàng ngày, treo cờ vào buổi sáng khi mặt trời mọc và hạ cờ khi mặt trời lặn. Khi thực hiện thì có một đội hình nghi lễ đi đều, rồi chuyển thành đi nghiêm ra làm lễ thượng cờ” (vì nguyên là Phó Đội trưởng về Chính trị Đội 2, Đoàn 275 nên anh Lập nắm tương đối chắc về các nghi lễ và Điều lệnh đội ngũ), đó là tất cả thông tin về lễ chào cờ mà anh Lập cung cấp. Vào thời kỳ bùng nổ internet như hiện nay thì mọi việc quá đơn giản, nhưng vào thời điểm cách đây hai mươi năm trước thì khó khăn vô cùng.

Mấy ngày sau, trong buổi sinh hoạt chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo hàng tháng, trong phát biểu của mình, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn đặt vấn đề về ý tưởng đổi mới, hoàn thiện các nghi lễ tại Lăng (Tư lệnh là đảng viên sinh hoạt trong Chi bộ Ban Tác huấn). Sau ý kiến của Tư lệnh, tôi đã phát biểu: “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh và nghi lễ là một trong bốn nhiệm vụ chính trị cơ bản, quan trọng của Bộ Tư lệnh. Do vậy, tôi đề nghị chúng ta đưa vào nghị quyết là phấn đấu thực hiện tốt công tác nghiên cứu tham mưu giúp Ban Thường vụ, Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh và nghi lễ”.

Có một sự kiện diễn ra đã lâu làm tôi liên tưởng tới ý tưởng của Tư lệnh. Nhớ lại vào khoảng tháng Bảy năm 1985, lúc này tôi đang là Đội trưởng Đội 1 - Đội Tiêu binh danh dự Đoàn 275, được anh Trương Điện Biên, Trưởng ban Đón tiếp của Văn phòng Ban Quản lý Lăng (sau này anh là Tùy viên quốc phòng Việt Nam tại Mỹ, Canada và Singapore) gọi điện thoại yêu cầu tôi lên Nhà khách Quốc tế, số 8 Hùng Vương để Tư lệnh giao nhiệm vụ. Lên tới nơi tôi thấy Tư lệnh, Thiếu tướng Lương Soạn đang tiếp hai vị khách nước ngoài. Tư lệnh giới thiệu với tôi đây là hai phóng viên người nước ngoài và đồng thời giới thiệu tôi với các phóng viên “Đây là Đại úy Nguyễn Phúc Trị, Đội trưởng Đội Tiêu binh danh dự của Bộ Tư lệnh, Đại úy sẽ trả lời các yêu cầu của các bạn”. Một phóng viên nói: “Tôi là phóng viên của hãng truyền hình nước ngoài đề nghị được ghi hình Lễ chào cờ trước Lăng Hồ Chí Minh, để tuyên truyền chuẩn bị cho kỷ niệm bốn mươi năm Quốc khánh của Việt Nam”. Nghe yêu cầu của họ như vậy, tuy bất ngờ nhưng tôi cũng bình tĩnh trả lời: “Thưa các ngài, ngày 02 tháng 9 năm 1945, bài hát "Tiến quân ca" đã vang lên cùng Cờ đỏ sao vàng trong ngày Lãnh tụ Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, trước toàn thể quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1975 khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã làm lễ treo lá cờ Tổ quốc lên Cột cờ trước Lăng trên Quảng trường Ba Đình và chưa bao giờ hạ xuống. Chúng tôi không làm lễ hạ cờ, xin các ngài thông cảm”. Các phóng viên cười và nói “Cảm ơn Đại úy chúng tôi đã đi nhiều nước, ghi hình rất nhiều các nghi lễ kéo quốc kỳ của các nước trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, Trung Quốc … và ngay cả khi thua trận họ vẫn làm lễ hạ cờ về nước”.

Từ khi khánh thành và mở của đón đồng bào và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình đã trở thành nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam. Cho nên, việc quan tâm đến sự kiện treo, hạ cờ của các nhà báo quốc tế cũng là việc hết sức tự nhiên. Do vậy, từ ý tưởng của đồng chí Tư lệnh và câu chuyện với hai nhà báo nước ngoài, tôi có thêm niềm tin và động lực để thực hiện điều ấp ủ của mình là nghiên cứu, tham mưu cho Thường vụ, Đảng ủy Đoàn 969, Bộ Tư lệnh báo cáo cấp trên xây dựng một hình thức nghi lễ mới: Nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Bác.

Thực hiện ý định đó, lần tìm lại các mối quan hệ anh em, bạn bè có thể giúp đỡ tôi thực hiện được nhiệm vụ này, tôi nhớ đến anh Nguyễn Văn Nhân, một cán bộ Công đoàn của Bộ Ngoại giao. Tôi tìm gặp anh Nhân và nêu ý định của mình, nhờ anh giúp đỡ. Hôm đó lại đúng dịp diễn ra Hội nghị cán bộ thường niên của Bộ Ngoại giao, các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài về họp đông đủ. Anh Nhân giới thiệu tôi với anh Lý, là lái xe cho Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại nước bạn. Sau khi nghe tôi trình bày ý tưởng và nhờ anh giúp quay video toàn bộ hoạt động nghi lễ thượng cờ của nước bạn, anh Lý nhận lời, hứa sẽ giúp tôi. Đúng một tháng sau, tôi nhận được băng ghi hình lễ chào cờ. Để làm được việc nay, tôi được biết anh Lý phải dậy từ 03 giờ sáng trong cái lạnh 10C, đi ra quảng trường chuẩn bị các thiết bị, chọn góc quay để ghi hình. Sau khi có được băng ghi hình về lễ thượng cờ của nước bạn, tôi đã xem đi, xem lại rất nhiều lần. Trên cơ sở Điều lệnh đội ngũ và nghi lễ của Quân đội ta, vận dụng vào thực tế địa hình trên Quảng trường Ba Đình, sau mấy đêm thức trắng nghiên cứu, trong đầu tôi đã dần hình thành phương án tổ chức một nghi lễ mới: Nghi lễ chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói thêm một chút về lịch sử và ý nghĩa Quốc kỳ của Việt Nam. Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, thời kỳ đầu, trong các cuộc đấu tranh đã xuất hiện lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh nhưng được lồng trên hình búa liềm. Năm 1940, Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam kỳ họp quyết định khởi nghĩa, đã thực hiện di huấn của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ khởi nghĩa với ước muốn là sau khi đánh đổ đế quốc Pháp sẽ thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và quốc kỳ Việt Nam sẽ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh. Tháng 5/1941 tại Khuổi Nậm, Cao Bằng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Trung ương VIII, quyết định thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập đồng minh. Trong đoạn mở đầu chương trình Việt Minh ghi rõ: "Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm Quốc kỳ". Đây là văn bản đầu tiên, chính thức quy định Quốc kỳ của nước Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Tuyên Quang đã quyết định Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có một sao vàng năm cánh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã ghi vào Hiến pháp: "Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh". Sau ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam đã liền một dải. Từ ngày 24/6 đến 03/7/1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp tại Thủ đô Hà Nội, đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó công nhận Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Nền đỏ tượng trưng cho màu nhiệt huyết cách mạng, màu chiến đấu và chiến thắng; màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho sự sáng ngời của linh hồn dân tộc Việt Nam; năm cánh sao là sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp đồng bào chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Quốc kỳ Việt Nam được tung bay trên khắp các công sở, trường học, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các cửa khẩu, các buổi mít tinh, lễ đón tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài; Quốc kỳ Việt Nam cũng được tung bay cùng với Quốc kỳ của các nước trên thế giới khi các đoàn cấp cao của chúng ta đến thăm và làm việc với các nước. Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam cũng được tung bay trên từng nóc nhà của mỗi một gia đình người Việt Nam vào những ngày lễ lớn, Tết cổ truyền, lễ hội của quốc gia dân tộc. Chính vì vậy, Lễ Thượng cờ trên Quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một nghi thức rất quan trọng, khẳng định vị thế của một quốc gia, dân tộc, thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu, xây dựng xong phương án, tôi trực tiếp báo cáo với Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn và được Tư lệnh đồng ý, giao cho tôi tiếp tục hoàn thiện phương án để báo cáo chi tiết với Ban Thường vụ, Đảng ủy Đoàn 969. Tiếp thu ý kiến của Tư lệnh, tôi đã bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện phương án và báo cáo trong Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969. Sau khi nghe tôi trình bày, các đồng chí trong Thường vụ đã sôi nổi thảo luận và nhất trí thông qua, giao cho Phòng Tham mưu, Đoàn 275, các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổ chức luyện tập thuần thục và ấn định thời gian bắt đầu tổ chức thực hiện vào thời điểm có ý nghĩa trọng đại - 0h ngày 01/01/2000 - đó thời khắc bước sang thiên niên kỷ mới./.          

                                                Đại tá Nguyễn Phúc Trị
Nguyên Phó Tham mưu trưởng
 Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Còn nữa) 

Bài viết khác: