Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

 

Ngày 29 tháng 6 năm 2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học. Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng xin trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung phát biểu tham luận của đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm.


tam voc lich su 2
Hội thảo khoa học “50 năm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam có một vài bản di chúc của các danh nhân hiền tài có công với dân tộc, như: Di chúc của Vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn… Nhưng hiếm có một Di chúc nào được chuẩn bị công phu, tâm huyết, có giá trị to lớn về nhiều mặt như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


tam voc lich su 1
Đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969,
Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại Hội thảo

Nhận thức sâu sắc quy luật ngặt nghèo của sự sống, trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân cho đến khi giành được độc lập, tự do cho dân tộc (8/1945), nhưng độc lập của dân tộc chưa được trọn vẹn, đất nước còn bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc, điều đó làm cho Hồ Chí Minh luôn trăn trở, chưa lúc nào được yên lòng, Người đã hy sinh cả cuộc đời mình cống hiến cho Đảng, cho Nhân dân, đất nước, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…”1. Cùng với đó là do những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ, bị tra tấn, giải đi khắp các lao tù đã ảnh hưởng tới sức khỏe của Người. Đoán được thời khắc sẽ phải đi gặp cụ Các-mác; cụ Lê-nin và thế giới người hiền, vào tháng 5 năm 1965, khi Người tròn 75 tuổi, sau 5 năm nung nấu (1960-1965), đi khắp các địa phương, chiêm nghiệm thực tiễn, suy ngẫm về hành trình hoạt động cách mạng của mình, tình hình thế giới, tình hình cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh bắt đầu viết tài liệu tuyệt đối bí mật. Gọi là “tuyệt đối bí mật” ở đây không phải vì nội dung mà vì Bác không muốn để Đảng ta, đồng chí, đồng bào biết sức khỏe của Bác đang dần suy yếu mà sinh lo lắng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ, công việc của cách mạng. Tài liệu tuyệt đối bí mật đó chính là Di chúc của Bác, với ngôn ngữ giản dị, tình cảm nhưng khúc triết, chặt chẽ về bố cục, văn phong, chứa đựng những căn cốt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ cách đặt vấn đề, sắp đặt thứ tự nội dung đến kết thúc bản Di chúc. Với dung lượng nhỏ, nhưng lại chứa đựng một nội dung có giá trị lớn, chỉ hơn 1000 từ nhưng Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát nhiều nội dung to lớn, có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa sâu sắc, là tài sản vô giá của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta hôm nay và mãi mãi mai sau. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm nhiều giá trị lý luận, thực tiễn cách mạng quý báu, từ vấn đề đối nội, đến công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đất nước, chăm lo cho đời sống, hạnh phúc của nhân dân, chăm lo cho các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, thiếu niên nhi đồng. Như Giáo sư Hoàng Chí Bảo đánh giá, Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là “Quốc bảo” mà còn là “Pháp bảo”.

Di chúc của Bác là một sự tổng kết sâu sắc, toàn diện về tình hình thế giới, tình hình cách mạng Việt Nam, trên cơ sở đó chỉ ra những vấn đề chiến lược quan trọng cần thực hiện của Đảng ta, nhân dân ta cả trong hiện tại và tương lai. Đó chính là tình hình thế giới, nhất là phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế dù đang phát triển, lớn mạnh có ảnh hưởng thuận lợi tới các quốc gia dân tộc đang đấu tranh cho độc lập tự do và hòa bình cho Tổ quốc mình, trong đó có cách mạng Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước XHCN anh em và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Tuy nhiên trong nội tại của mình, phong trào cộng sản, công nhân quốc tế cũng đã bắt đầu xuất hiện sự rạn nứt, bất đồng, khoảng cách ngày càng sâu sắc, nhất là vấn đề tư tưởng, đường lối cách mạng, chủ nghĩa cơ hội, xét lại, vai trò của Liên Xô, Trung Quốc trong hệ thống XHCN… đã ảnh hưởng rất lớn đến cách mạng và phong trào cộng sản quốc tế, cũng như các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Tình hình trong nước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Đế quốc Mỹ tạo mọi cớ để can thiệp, xâm lược Việt Nam, liên tục đưa ra và thúc đẩy thực hiện nhiều kiểu chiến lược, đầu tư phương tiện chiến tranh hiện đại, ồ ạt đưa binh lính Mỹ và các nước chư hầu vào Việt Nam để nhanh chóng bình định miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “…Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Đây thực sự là một lời hiệu triệu, thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của đế quốc Mỹ với phương châm: đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông đất nước thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

Những ý chí nung nấu của Bác suốt cuộc đời được thể hiện trong Di chúc,  trước lúc đi xa Bác căn dặn lại chính là sự tổng kết thực tiễn, vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, khái quát thành tư tưởng chiến lược đối với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trừ phần nói về việc riêng, Di chúc khái quát năm nội dung chiến lược, lâu dài mà Đảng ta phải luôn quán triệt và thực hiện là: Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng, về đoàn viên thanh niên, về nhân dân lao động, những dự báo của Người về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc và nội dung Người đề cập về phong trào cộng sản thế giới.

Trước hết nói về Đảng, Bác đã khái quát chỉ ra và yêu cầu Đảng ta, Nhân dân ta phải nhận thức, quán triệt sâu sắc và thực hiện đến nơi đến chốn những vấn đề mang tính nguyên tắc “dĩ bất biến” trong xây dựng Đảng, đó là:

Phải “đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Đây vừa là một nguyên tắc, vừa là một nét đẹp truyền thống quý báu của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta từ ngàn đời nay, vì vậy bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, dù thuận lợi hay những lúc gặp khó khăn, Đảng ta phải luôn là một Đảng đoàn kết, thống nhất, cả chính trị, tư tưởng, tổ chức, phải luôn tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tôn chỉ mục đích của Đảng, với độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, sự hưng thịnh, phát triển của đất nước, sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, thống nhất là sự sống còn của Đảng, của chế độ XHCN, là nhân tố quyết định xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đem đến thành công trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chính vì vậy, trong các kỳ Đại hội của Đảng, khi xác định chủ đề Đại hội, Đảng ta luôn xác định sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong xã hội tạo thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết, thống nhất trước hết từ trong nội bộ đảng, được tổ chức chặt chẽ, thống nhất, thực sự trong sạch vững mạnh, từ Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đến các chi bộ; đoàn kết thống nhất các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi vùng miền trong cả nước. Đoàn kết thống nhất không chỉ trong Đảng, mà còn phải đoàn kết chặt chẽ ngoài đảng, toàn xã hội, trong công nhân, nông dân, trí thức, người công tác, làm việc và người nghỉ hưu, nghỉ chế độ, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó Đảng cộng sản Việt Nam phải là hạt nhân trung tâm đoàn kết, là nòng cốt lãnh đạo tổ chức; xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong cộng đồng quốc tế, trước hết là các đảng cộng sản, các phong trào công nhân, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, các dân tộc đang bị áp bức, bóc lột… tạo sự đồng tình ủng hộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng ta “phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Duy trì giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong Di chúc Bác căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi”. Đây là nguyên tắc cơ bản của Đảng, là mục tiêu, động lực để phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo nên sự đoàn kết, thống nhất, sức mạnh tổng lực trong Đảng cả tổ chức, ý chí, hành động, sức mạnh của cả dân tộc trong quá trình  thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, đối ngoại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tập trung dân chủ trong Đảng được thể hiện cả tư tưởng, chính trị, tổ chức, Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, Đảng phải có đường lối, cương lĩnh chính trị, điều lệ, mục tiêu cách mạng thống nhất để mọi tổ chức đảng, đảng viên tuân thủ và thực hiện. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh cho chúng ta thấy, ở đâu dân chủ được phát huy thì ở đó có sự đoàn kết, có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Ngược lại, ở đâu dân chủ không được chú trọng, không được phát huy, thậm chí bị vi phạm thì ở đó yếu kém, khó khăn, mất đoàn kết, không phát triển…

Về tổ chức cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc, giữa hai kỳ Đại hội là Ban Chấp hành Trung ương, ở các cấp cho đến chi bộ là đại hội nhiệm kỳ và giữa hai kỳ đại hội là Ban Chấp hành của đảng bộ cấp mình, với nguyên tắc thống nhất cả ý chí, hành động theo tôn chỉ, mục đích, kỷ luật của Đảng một cách tự giác, nghiêm minh, bắt buộc mọi tổ chức đảng, đảng viên phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng. Trước hết là Đại hội toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đến chi bộ, phải tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch là: cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cá nhân phải phục tùng tổ chức, thiểu số phải phục tùng đa số, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo đúng đường lối chủ trương của Đảng. Mỗi đảng viên đều có nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm bình đẳng như nhau, trực tiếp hoặc thông qua đại biểu của mình để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm trong mọi hoạt động của Đảng, thực hành dân chủ, bình đẳng, có chính kiến của mình trong Đảng, khi đã thành chủ trương, nghị quyết thì nhất nhất mọi tư duy, suy nghĩ, lời nói, phát ngôn, hành động, việc làm phải thống nhất theo đúng chủ trương đường lối, nghị quyết của Đảng. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng từ Trung ương đến chi bộ đều do dân chủ bầu cử lập ra, phải có nghĩa vụ, trách nhiệm trước Đảng về mọi hoạt động của Đảng, có thể bị kỷ luật, bị bãi nhiệm bất cứ lúc nào nếu vi phạm nguyên tắc, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ được giao.

 Thường xuyên nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Trong Di chúc Bác căn dặn: “Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Đây là một nguyên tắc, một quy luật phát triển, quyết định sự sống còn của Đảng, là chìa khóa góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là một việc làm thường xuyên của mỗi tổ chức đảng từ Trung ương đến chi bộ và ngược lại, là công việc của mỗi cán bộ, đảng viên như rửa mặt hàng ngày, nhằm mục tiêu phát huy ưu điểm, khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm, trên cơ sở đó nâng cao năng lực, sức chiến đấu, tăng cường, củng cố đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao uy tín của Đảng, của cán bộ đảng viên với quần chúng nhân dân. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, và tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”2. Tự phê bình là tự mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải tự kiểm điểm, nghiêm túc nêu rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình một cách trung thực, thẳng thắn, thật thà, công khai trước tập thể, trước Đảng với tinh thần cầu thị và có quyết tâm sửa chữa khắc phục khuyết điểm. Phê bình là quá trình tham gia đóng góp ý kiến một cách chân thành, thẳng thắn, khách quan, công tâm, trung thực, thấu tình đạt lý, làm cho tổ chức đảng, đảng viên nhận rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình, có phương hướng, quyết tâm phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm một cách tự giác, với tinh thần cầu thị nhất. Do vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu tự phê bình, phê bình phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, triệt để, đến nơi đến chốn, một cách dân chủ, khách quan, công tâm, trung thực, thẳng thắn trên tinh thần đồng chí, đồng đội, giúp nhau cùng tiến bộ, “cốt giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc tốt hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Trong tự phê bình và phê bình cũng cần kiên quyết chống các căn bệnh tự ti, tự cao tự đại, bệnh thành tích, cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, lợi dụng tự phê bình và phê bình để che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, thổi phồng khuyết điểm, hạ bệ, hạ uy tín của đồng đội, đồng chí, gây mất đoàn kết nội bộ Đảng, mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuấn đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây cũng là một nguyên tắc, một nội dung rất quan trọng, xuyên suốt từ khi Đảng ta mới ra đời đến nay, đó chính là bản chất cách mạng của Đảng ta, một đảng của giai cấp công nhân cầm quyền, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, Người dạy: “Đảng mạnh là do cán bộ mạnh, chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”. Do đó, mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải nhận thức và thấm nhuần bản chất của Đảng, để tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, giữ gìn phẩm chất đạo đức của mình để xây dựng Đảng ta thật trong sạch, thật vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Theo Hồ Chí Minh “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đó là một căn bệnh dễ thấy ở mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ đảng viên khi đã trở thành người cầm quyền, có quyền, có chức trong đảng, nếu không nhận thức rõ, rèn luyện tốt dễ lại mắc phải, dễ bị lóa mắt, suy thoái, biến chất, dẫn đến cửa quyền, quan liêu, hách dịch, tham ô, tham nhũng… làm ảnh hưởng, tổn hại đến uy tín của Đảng. Do vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự luôn luôn thấm nhuần đạo đức, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân, vì nhân dân.

Trên đây là những vấn đề căn bản, sống còn Bác căn dặn, nhắc nhở Đảng ta trước lúc đi xa phải thường xuyên ra sức thực hiện nghiêm túc. Nhìn lại lịch sử từ khi ra đời (1930) đến nay, nhất là sau 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, chúng ta đã trải qua không ít những giai đoạn khó khăn phức tạp, đầy cam go thử thách, nhưng Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vững tay lái đưa con tàu cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh bại hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, thống nhất đất nước, thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ổn định, phát triển bền vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, củng cố , bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên.

Để có được thành tựu đó, có thể khẳng định, Đảng ta đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là việc học tập làm theo những lời căn dặn sâu sắc trong Di chúc của Người trước lúc đi xa. Đặc biệt là lời căn dặn của Bác về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, thật sự là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân, là trung tâm, hạt nhân đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân; giữ vững duy trì nghiêm túc, chặt chẽ nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong xã hội.

Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn hiện nay về nhiều mặt, nhất là trong thời gian qua chúng ta còn nhiều tổ chức đảng, từ Trung ương đến cơ sở hàng chục cán bộ diện Trung ương quản lý vi phạm, bị thi hành kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị bị khởi tố, điều tra, xét xử với các mức án nghiêm khắc, trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn bản nhất đó là việc vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, vi phạm phẩm chất đạo đức cách mạng. Cùng với đó là sự chống phá của các thế lực thù địch với nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, chúng tăng cường lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của Đảng ta để khoét sâu nhằm kích động, chia rẽ, chuyển hóa nội bộ, gây mất đoàn kết nội bộ Đảng ta, nhân dân ta. Do vậy việc thực hiện Di chúc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay là một yêu cầu tất yếu khách quan, nhất là những lời căn dặn của Bác về xây dựng Đảng, đó là xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, xây dựng phẩm chất chính trị, đạo đức của Đảng, cán bộ, đảng viên là một yêu cầu bất biến trong tình hình hiện nay./.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy Đoàn 969,
Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chú thích:

1. Trích Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN, 2011, tập 5, tr301.

Bài viết khác: