Thiếu tướng Trần Kinh Chi (1927-2018), nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội; nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; một vị tướng trưởng thành từ rất trẻ. Người giữ cương vị Tư lệnh, kiêm Trưởng ban Quản lý Lăng đầu tiên của đơn vị.
Thiếu tướng Trần Kinh Chi đón Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Lễ khánh thành Lăng ngày 29/8/1975.
Ảnh Tư liệu
Thiếu tướng Trần Kinh Chi quê ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), trong một gia đình nông dân nghèo khó. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 16 tuổi, trong khi các bạn đồng trang lứa còn bay nhảy thì ông đã là một cán bộ lãnh đạo Việt Minh, tham gia cách mạng với khát vọng cùng nhân dân đập tan ách thống trị thực dân phong kiến, đem lại cuộc sống tươi đẹp cho những người bần cùng, bất hạnh. Từ đó tới năm 1945, ông hăng hái tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương, trở thành cán bộ hoạt động chuyên nghiệp của Tỉnh ủy Sơn Tây, có sứ mệnh võ trang tuyên truyền, tham gia đội trừ gian, và vận chuyển vũ khí từ miền Bắc và miền Trung. Tiếng súng khởi nghĩa nổ ra, ông có mặt trong Ban Chỉ huy khởi nghĩa Quốc Oai - huyện đầu tiên của Sơn Tây giành chính quyền. Dẫu rất trẻ, nhưng uy tín của những năm hoạt động đã đưa ông trở thành Bí thư Huyện ủy Tùng Thiện, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Quảng Oai rồi Cảnh sát trưởng thị xã Sơn Tây. Năm 21 tuổi, ông đã là Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây, Hưng Yên và Hải Dương. Năm 1949, tại chiến khu Việt Bắc, do yêu cầu cách mạng, ông được Trung ương Đảng cử sang làm công tác Đảng ở Nha Công an Trung ương (NCATƯ). Sau chiến dịch biên giới, ông tham gia đoàn công tác của NCATƯ sang quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch (BVCD), do ông Lê Giản làm Trưởng ban. Từ đó, suốt hơn 30 năm, ông gắn bó với công việc bảo vệ an ninh đất nước cho đến khi về hưu với chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã gắn bó một đời với sự nghiệp bảo vệ an ninh đất nước. Ông vinh dự được nhiều lần bảo vệ tiếp cận Hồ Chủ tịch, ngay từ thời cách mạng còn trứng nước, cho đến khi Chủ tịch về cõi vĩnh hằng... Người ta gọi ông là "vị tướng cận vệ". Đối với nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có niềm vinh dự đặc biệt. Trong những ngày Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, với trọng trách là Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo và Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, ông đã phải nén chặt nỗi đau thương vô hạn, dồn hết tâm trí, sức lực để phục vụ thật tận tình, chu đáo đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế về Ba Đình lịch sử viếng Bác, dự Lễ truy điệu Bác và sau đó tổ chức đón Bác về Công trình 75A an toàn. Khi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chủ trương tìm nơi sơ tán để giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong chiến tranh, chính ông là một trong những người đầu tiên đề xuất chọn Khu căn cứ K9 (Ba Vì, Sơn Tây), nơi đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn từ năm 1957 là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Bác và các đồng chí Trung ương để làm nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt. Từ đó trở đi, trên cương vị là Ủy viên Ban chỉ đạo Quốc gia về bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã có nhiều công lao và sáng kiến trong chỉ đạo, chỉ huy các cuộc hành quân di chuyển thi hài Bác; đề xuất phương án ở lại hay di chuyển Bác đi đến nơi sơ tán khi có tình huống xảy ra. Trong những năm 1969 - 1975, ông đã giúp Ban Chỉ đạo tổ chức di chuyển thi hài Bác 6 lần, vượt đường xa, kể cả vượt sông, vượt suối, đến những nơi bí mật, hiểm trở đều bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Một niềm vinh dự lớn đến với ông, năm 1974, Đại tá Trần Kinh Chi được phong quân hàm Thiếu tướng.
Ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành và đi vào hoạt động, Thiếu tướng Trần Kinh Chi được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tín nhiệm giao nhiệm vụ làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách làm Trưởng ban Ban phụ trách quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (nay là Ban Quản lý Lăng) trực thuộc Chính phủ. Để đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước và Quân đội, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã dày công nghiên cứu mô hình tổ chức, cách thức hoạt động của Lăng Lênin để vận dụng phù hợp, sáng tạo các hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm 1975 - 1980, trên cương vị người đứng đầu đơn vị, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã cùng với tập thể Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và lãnh đạo Ban Quản lý Lăng lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết bị kỹ thuật, tổ chức gác danh dự, bảo đảm an ninh và đón tiếp khách về Lăng viếng Bác tận tình, chu đáo. Đặc biệt trong công tác bảo đảm an ninh, ông đã chủ động đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt những phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho thi hài Bác và công trình Lăng của Người trong những giai đoạn khó khăn của cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Những kinh nghiệm quý báu đó luôn là bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc cho các thế hệ cán bộ hôm nay và mai sau.
Năm 1980, do yêu cầu nhiệm vụ, Thiếu tướng Trần Kinh Chi chuyển ngành sang đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho đến khi nghỉ hưu (năm 1992). Sau này, mặc dù tuổi cao, sức yếu, song Thiếu tướng Trần Kinh Chi luôn dành thời gian, tình cảm để truyền thụ những kinh nghiệm quý báu và tham gia nhiều ý kiến bổ ích đối với nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng
Thiếu tướng Trần Kinh Chi là một tấm gương sáng về tinh thần tận tụy, sáng tạo, hết lòng vì công việc. Ông còn sống mãi trong lòng cán bộ, nhân viên, chiến sỹ các lực lượng làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Trung tướng, PGS, TS. Đặng nam Điền
Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh