Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh của những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc và thời đại. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/1990), Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (gọi tắt là UNESCO) đã công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Nghị quyết của UNESCO khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền, phát biểu tham luận tại
Hội thảo kỷ niệm 50 giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đón tiếp, tuyên truyền
Với công lao to lớn của Người, với tư tưởng đạo đức cách mạng và nhân cách trong sáng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi xứng đáng là một con người vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tấm gương hy sinh cả một đời vì nước, vì dân; tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn cổ vũ, động viên các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Người đã lựa chọn. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử đã khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non song đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Sau khi Người qua đời, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.
Thấm thoắt đã tròn 50 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta và 44 năm Lăng Bác được khánh thành đón nhân dân và bầu bạn quốc tế vào Lăng viếng Người. Ngày nối ngày, trên Quảng trường Ba Đình, nhân dân trong nước và khách quốc tế tiếp tục trở về thăm, viếng Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ung dung, giản dị như vừa chợp mắt sau một ngày làm việc. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người vẫn luôn tỏa sáng và Người vẫn luôn dõi theo từng bước đi lên của đất nước. Về Lăng viếng Bác, đối với mỗi người dân Việt Nam hiện nay, như một nhu cầu tình cảm, một phong tục tập quán mới, một sinh hoạt truyền thống biết ơn cội nguồn, hướng về gốc rễ trước mỗi bước đi lên. Từ cụ già, đến các cháu thiếu nhi; từ người dân bình thường, đến cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; từ người miền ngược đến miền xuôi; tuy mỗi người có một tâm trạng khác nhau, nhưng khi về bên Bác, đều thấy sự thanh thản, bình yên. Về thăm, viếng Bác như tâm sự, giãi bày với Người được những điều sâu kín nhất của bản thân, gia đình, cơ quan, đoàn thể… để rồi, ngày mai khi trở về từng cương vị công tác, mỗi người tự thấy lòng mình trong sáng hơn, học tập và công tác hăng say hơn. Điều đó, khẳng định rất rõ ràng, công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm qua đã đạt được mục đích, ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc. Từ khi mở cửa Lăng đến tháng 6/2019 đã có hơn 58 triệu lượt người về Lăng viếng Bác, trong đó có gần 10 triệu khách quốc tế của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế đã đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; số lượng này, nhất định trong những năm tới còn tăng cao hơn; bởi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước có sự ổn định và phát triển, cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông đi lại thuận tiện hơn; người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống, đi du lịch ngày càng nhiều hơn… Tất cả những điều đó đặt ra cho công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cần tiếp tục đổi mới nhằm nâng cao chất lượng ngày một tốt hơn. Qua nghiên cứu tình hình và xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn của công tác đón tiếp, tuyên truyền trong những năm qua, xin đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tới như sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để thu hút đông đảo nhân dân và khách quốc tế về Lăng viếng Bác; tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, để Lăng Bác thực sự là trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và của cả nước.
Những năm qua, Ban Quản lý Lăng đã có nhiều cố gắng để tuyên truyền sâu rộng Quy định Tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền và sinh hoạt chính trị, văn hóa ở khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình; tuy nhiên so với nhu cầu của đông đảo quần chúng nhân dân và khách quốc tế thì việc tuyên truyền chưa đáp ứng được. Trong những năm sắp tới, cần kết hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí; nhất là các cơ quan phát thanh, truyền hình nhằm tuyên truyền, quảng bá nhiều hơn nữa về hoạt động của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình và Khu Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (Khu Di tích K9) để mọi người biết và thực hiện. Để thực hiện tốt việc quảng bá về các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cần xây dựng các tour du lịch gắn với các di tích lưu niệm về Bác Hồ, xây dựng website liên kết giữa các điểm di tích để cung cấp thông tin cho khách đến tham quan, đồng thời chú trọng xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với nội dung của mỗi di tích và nét đặc trưng độc đáo, đặc thù của từng địa phương nơi có di tích như: Quà tặng, và các dịch vụ khác... để thu hút khách du lịch đến tham quan.
Hai là, nghiên cứu cải tiến, đổi mới nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền; ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và người nước ngoài, người Việt Nam ở xa Tổ quốc được về thăm, viếng Bác.
Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đón tiếp, tuyên truyền đã và đang đặt ra nhiều nội dung mới. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), nhân dân và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác; tham quan Khu Di tích K9 đã được sử dụng Wifi miễn phí, đây là việc làm rất có ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến viếng Bác có điều kiện tìm hiểu thêm về hoạt động của công trình Lăng, các nội dung, hình thức đón tiếp, tuyên truyền. Những năm tới, phát huy thế mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền thông qua mạng internet như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công trình Lăng, các Khu Di tích, lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; phát hành, quảng bá các sản phẩm văn hóa với nhiều ngôn ngữ khác nhau (Nga, Trung, Anh, Pháp…), qua đó giúp mọi người dù ở trong nước hay nước ngoài vẫn có thể biết rõ được hoạt động đón tiếp, tuyên truyền và các quy định về thăm, viếng Bác.
Ba là, tổ chức kết nối công tác tuyên truyền Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Khu Di tích, lưu niệm về Người ở trong nước và quốc tế nhằm nâng cao sự hiểu biết của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong hệ thống các Khu di tích, lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước, mỗi một di tích đều có vai trò, vị trí, ý nghĩa lịch sử phản ánh những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nghệ An có di tích về quê hương, gia đình nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra và trải qua những năm tháng ấu thơ; Huế có những di tích về hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia đình ở Huế, nơi ghi dấu những năm tháng tuổi học trò và hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Người; Dục Thanh Phan Thiết - Bình Thuận nơi ghi dấu những hoạt động đầu tiên của Nguyễn Tất Thành trên đường vào Nam chuẩn bị cuộc hành trình tìm đường cứu nước; cảng Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh nơi chứng kiến giờ phút người thanh niên Văn Ba rời đất nước thân yêu ra đi tìm đường cứu nước; Pắc Bó (Cao Bằng) mảnh đất ghi dấu nơi Bác trở về quê hương sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển; ATK Định Hóa (Thái Nguyên) thủ đô kháng chiến; Phủ Chủ tịch (Hà Nội) là nơi Người ở và làm việc trong 15 năm cuối cùng và cũng là nơi Người đi xa... Bên cạnh đó, nét đặc thù hấp dẫn khách đối với các Khu di tích, lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nội dung lịch sử chứa đựng trong mỗi di tích, gắn liền với người con vĩ đại của dân tộc, mà còn ở những nét đặc trưng văn hóa độc đáo và không gian văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực của các vùng miền trên cả nước, nơi gắn liền với di tích về Bác Hồ nằm trên nhiều địa phương khác nhau. Việc xây dựng nội dung và hình ảnh điểm đến, gắn với việc quảng bá về các di tích lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thu hút nhân dân và khách quốc tế đến với các Khu Di tích, tưởng niệm về Người; đồng thời qua đó góp phần giáo dục, tuyên truyền cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân và dân tộc. Đây cũng là nội dung quan trọng nhằm góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.
Mặt khác, Ban Quản lý Lăng cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tuyên truyền, quảng bá các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay tượng và tượng đài tưởng niệm Bác đã có mặt tại khoảng 20 nước trên thế giới, ở cả Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi. Chỉ riêng trong sáu năm (2009 - 2015), Việt Nam đã phối hợp với các nước khánh thành được 10 tượng và tượng đài Bác Hồ ở các nước Chile, Cộng hòa Dominicana, Mexico, Argentina, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Lào và Thái Lan (không tính Phòng tưởng niệm Bác trong khuôn viên các tòa Đại sứ Việt Nam ở các nước). Kết nối được các khu tưởng niệm Bác ở nước ngoài với các di tích, tưởng niệm và Công trình Lăng Bác ở trong nước, sẽ giúp nhân dân trong nước và khách quốc tế có đầy đủ hơn về tình cảm của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Bốn là, chú trọng xây dựng điển hình của tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc tổ chức tốt các hoạt động đón tiếp, tuyên truyền và sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình và Khu Di tích K9.
Sinh thời, khi Bác Phạm Văn Đồng làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc với Ban Quản lý Lăng, Bác đã đặt câu hỏi: “Các đồng chí có nắm được bao nhiêu cơ quan, đơn vị và bao nhiêu người sau khi viếng Bác ra về, đã có sự chuyển biến mới trong tư tưởng, tình cảm và trách nhiệm đối với công việc chưa”?
Thời gian đó, có nhiều tập thể thường xuyên tổ chức tốt cho cán bộ, nhân viên của cơ quan, đơn vị về Lăng viếng Bác và báo công với Người. Tiêu biểu là: Tổng Công ty Sông Đà, Xí nghiệp may 10 (nay là Tổng Công ty may 10), Trung đoàn Công binh 19-5 (Quân chủng Phòng không - Không quân)… Tổng Công ty may 10, Đảng ủy đã ra Nghị quyết lấy ngày 08/01/1959, ngày Bác về thăm Xí nghiệp may 10 (tiền thân của Tổng Công ty), là Ngày truyền thống và năm nào đơn vị hoàn thành kế hoạch thì tổ chức báo công dâng Bác. Từ đó đến nay, các thế hệ của May 10 vẫn luôn ghi nhớ và làm tốt lời Bác dạy. Hàng năm, khi hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra, May 10 lại tổ chức vào thăm Bác, báo cáo với Bác những kết quả đạt được trong năm qua, đồng thời hứa với Bác thực hiện tốt những mục tiêu trong năm mới. Những hình ảnh, tác phong và những lời dặn dò của Bác, đã trở thành Nghị quyết lâu dài để các thế hệ cán bộ công nhân viên May 10 phấn đấu làm theo, luôn khắc ghi và vận dụng sáng tạo những lời dạy của Bác trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình và lấy đó làm "kim chỉ nam" dẫn đường đến những thành công của May 10, một trong những đơn vị dẫn đầu ngành Dệt may Việt Nam nhiều năm qua. Liên tục trong những năm qua, kết quả kinh doanh của Tổng Công ty May 10 đều vượt kế hoạch, xứng đáng với phần thưởng Lá cờ “Đơn vị thi đua khá nhất” do Bác Hồ trao tặng khi Người về thăm đơn vị.
Ví dụ về việc làm của Tổng Công ty May 10 trong những năm qua, tuy không phải là cá biệt, vì cũng có nhiều tập thể làm được như May 10, nhưng đây là một đơn vị điển hình về học tập và làm theo lời Bác căn dặn một cách thường xuyên, liên tục, đã thấm vào máu và trở thành công việc thường nhật của mỗi cán bộ, công nhân viên May 10. Những năm tới, Ban Quản lý Lăng cần tiếp tục phát huy và nhân rộng các điển hình như May 10.
Năm là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh, Xã hội và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, quan tâm, tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, nhất là các địa phương phía Nam, miền núi, nơi điều kiện đi lại khó khăn được về Lăng viếng Bác.
Sở dĩ đặt vấn đề tiếp tục, vì từ năm 2003, Ban Quản lý Lăng đã chủ động đề xuất và được Bộ Giao thông vận tải và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệt tình ủng hộ. Hàng năm các tỉnh, thành phố có đường sắt Bắc - Nam đã được ngành Đường sắt tạo điều kiện cho các đoàn chính sách bao gồm: Thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng được giảm giá khi đi tàu thống nhất để về Lăng viếng Bác và tham quan Thủ đô Hà Nội (riêng Mẹ Việt Nam Anh hùng được giảm 90% giá vé, chỉ giữ lại 10% để làm bảo hiểm cho các Mẹ). Việc làm đó có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo điều kiện để mỗi người dân Việt nam, đặc biệt là đồng bào ở các tỉnh phía Nam, vùng sâu, vùng xa được thỏa nỗi ước mong: “Cả đời chỉ mong được về Lăng viếng Bác một lần”…
Trong những năm tới, Ban Quản lý Lăng và các bên liên quan cần tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm những việc làm được và những mặt hạn chế cần khắc phục để công tác đón tiếp nhân dân về viếng Bác được thuận lợi hơn. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền
Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trích tài liệu Hội thảo kỷ niệm 50 giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đón tiếp, tuyên truyền