Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Thiếu tướng Lương Soạn (1923-1987), tên khai sinh là Lương Ngoan, bí danh Nguyễn Hùng, sinh tháng 02-1923, tại làng Diêm Trường, phủ Tam Kỳ, nay thuộc thôn Hòa An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Tháng 10 năm 1943, vừa tròn 20 tuổi, ông đã thoát ly gia đình tham gia hoạt động trong Đội du kích Vũ Hùng (tiền thân của lực lượng vũ trang Quảng Nam) trưởng thành lên Đội phó, chỉ huy Đội tham gia nhiều trận đánh. Tháng 8 năm 1945, ông trực tiếp chỉ huy Đội tham gia giành chính quyền tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đến tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp trở lại chiếm miền Nam, ông tình nguyện nhập ngũ. Tháng 7 năm 1946, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trong suốt 9 năm kháng chiến, ông liên tục chiến đấu ở chiến trường Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, tham gia hầu hết những trận đánh, chiến dịch lớn ở đây. Sau Hiệp định Giơnevơ, ông tập kết ra Bắc, công tác ở Bộ Tư lệnh Công binh. Sau khi được cử đi học tại Liên Xô với kết quả xuất sắc, ông về Việt Nam và làm Trưởng phòng Công trình, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh.

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, xuất phát từ nguyện vọng thiết tha của đồng bào, chiến sỹ cả nước, đặc biệt là đồng bào, chiến sỹ miền Nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử - nơi mà 24 năm về trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Một vinh dự lớn đối với ông, người con của miền Nam được Bộ Tư lệnh Công binh phân công tham gia chuẩn bị xây dựng Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là niềm vinh dự, niềm tự hào đối với người con của Thành đồng Tổ quốc được giao nhiệm vụ xây Lăng Bác Hồ từ những ngày đầu tiên. Ông cũng là một trong 4 cán bộ quân đội tham gia phái đoàn của Việt Nam làm việc với phái đoàn của Liên Xô nhằm soạn thảo “Dự thảo nhiệm vụ thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” từ ngày 09 đến 23-01-1970 tại Hà Nội; làm Phó Trưởng ban Chỉ huy công trình xây dựng Lăng (lấy phiên hiệu công trường 75808) do Phó Thủ tướng Đỗ Mười ký quyết định thành lập ngày 03-11-1971; Phó Trưởng đoàn của Việt Nam góp ý kiến bổ sung bản thiết kế kỹ thuật của Lăng do phía Liên Xô sang làm việc từ ngày 03-11 đến 03-12-1971. Trong quá trình thi công Công trình Lăng, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Công binh làm nòng cốt tổ chức lực lượng thi công, phối hợp với các cơ quan Bộ tuyển chọn cán bộ, chiến sỹ, công nhân kỹ thuật ưu tú ở các quân chủng, binh chủng trong toàn quân. Từ tháng 9-1973, mô hình tổ chức của lực lượng bộ đội lắp các thiết bị của Lăng đã ổn định và hoạt động có hiệu lực, ông được Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Công binh cử tham gia “Bộ chỉ huy lắp máy”; đồng thời được cử phụ trách cơ quan đặc trách vừa giúp việc cho Bộ chỉ huy lắp máy, vừa giúp việc cho Ban Phụ trách và Ban chỉ huy công trường. Cơ quan đặc trách ở lúc cao điểm được tăng cường tới 90 cán bộ, đồng thời tham gia Ban cán sự Đảng thay mặt cho Đảng ủy Bộ Tư lệnh lãnh đạo toàn diện các mặt công tác của bộ đội tại Lăng Bác. Thời gian tham gia xây dựng Công trình Lăng, ông đã đem hết tâm trí, lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần đưa Công trình Lăng khánh thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 30 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02-9 (1945-1975). Với những đóng góp trên, sau khi công trình Lăng được khánh thành, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập, ông được điều động về Bộ Tư lệnh; năm 1980, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1982, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.

bac luong soan 1
Thiếu tướng Lương Soạn dẫn Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 7 năm 1977). Ảnh tư liệu

Từ năm 1980 đến năm 1987, trên cương vị Tư lệnh, kiêm Phó Trưởng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã cùng với tập thể cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp xây dựng được hệ thống quy chế, quy định phục vụ cho yêu cầu nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị. Đặc biệt đối với nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, ông luôn dành thời gian để đón tiếp các đoàn đại biểu từ miền Nam ra thăm Thủ đô Hà Nội, vào Lăng viếng Bác. Những lần tiếp xúc với bà con, cô bác miền Nam, ông luôn xúc động kể về những câu chuyện lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm đến đồng bào, chiến sỹ miền Nam. Những lần được nghe đồng chí Tư lệnh Lương Soạn nói chuyện, ai cũng mong được vào gặp Bác Hồ để được nói một lời tri ân với Bác, để được ngắm nhìn Bác cho thỏa nỗi nhớ mong…

bac luong soan 2
Thiếu tướng Lương Soạn gắn Huy hiệu Bác Hồ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1980).
Ảnh tư liệu

Với biết bao công việc còn dang dở, tháng 6/1987, ông đã đột ngột từ trần. Hơn 60 năm tuổi đời, 44 năm phục vụ trong quân đội, cả cuộc đời ông đã hiến dâng cho cách mạng, cho quân đội và đơn vị đến giây phút cuối cùng. Những ai từng có thời gian bên ông đều cảm nhận ở con người này một phong cách sôi nổi, nhiệt tình, chất phác, tình cảm và dễ gần. Đó cũng là đức tính mà ông đã học và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với trọng trách của người đứng đầu Bộ Tư lệnh.

Kỷ niệm 50 năm bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi, những thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin được bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ đến ông - vị tướng đức độ, tài năng, người con của miền Nam giữ trọng trách Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đất nước có nhiều khó khăn, thử thách.

Xin được kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Thiếu tướng Lương Soạn./.

Trung tướng PGS, TS. Đặng Nam Điền
Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: