Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người tượng trưng cho tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, cho những giá trị cao đẹp nhất của tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam.

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Người mất đi là một tổn thất vô cùng lớn lao. Đồng bào và chiến sỹ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết, nhất là đồng bào, chiến sỹ miền Nam đang ngày đêm tranh đấu giành độc lập, tự do để mong sớm đón Bác vào thăm.

Thấu hiểu sâu sắc và thể theo nguyện vọng rất thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: "Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người".

Quyết định đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Quân đội mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đảm nhiệm.

50 năm đã qua, kể từ ngày Bác đi về với thế giới người hiền và hơn 44 năm khánh thành, mở cửa Lăng, đồng bào ta và khách quốc tế đến viếng Người mỗi ngày một nhiều hơn, điều đó đã khẳng định tình cảm thiêng liêng của mỗi người đối với Bác Hồ kính yêu.

50 nam TT Lap
Thiếu tướng Phạm Văn Lập, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
phát biểu tại Hội thảo kỷ niệm 50 giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đón tiếp, tuyên truyền

Chúng ta cũng nhận thức ngày càng sâu sắc hơn ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng công trình Lăng của Người là thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam; thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu.

Truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" xuất phát từ bản tính trọng ân nghĩa, luôn biết trọng điều phải, lẽ phải, trọng ân tình sau trước của dân tộc Việt. Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Mình là đạo lý, là tình cảm thiết tha của mỗi người dân Việt Nam đối với Bác, một con người vĩ đại đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc. Trọn cuộc đời Bác mưu cầu độc lập tự do, ấm no và hạnh phúc cho mọi người, còn bản thân mình sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị, bao dung...

Giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Mình và xây dựng công trình Lăng của Người là sự khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Trong diễn văn đọc tại Lễ Khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 29/8/1975, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính tri, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ:

"Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người vạch ra và kế tục sự nghiệp cách mạng của Người, xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Đây là tư tưởng lớn nhất, sâu sắc nhất, xuyên suốt nhất, làm nổi bật ý nghĩa chính trị tư tưởng của một công trình đặc biệt, và là tư tưởng chỉ đạo mọi hoạt động của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng công trình Lăng của Người nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần giáo dục, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mọi người dân đất Việt.

Giáo dục, tuyên truyền là chức năng chủ yếu của các công trình tưởng niệm và di tích lịch sử. Từ ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hóa của Công trình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nơi giáo dục hiệu quả nhất tư tưởng “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Bởi vì, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng tập trung nhất của ý chí chiến đấu quật cường vì độc lập dân tộc và chân lý sáng ngời - “Không có gì quý hơn độc lập, tự do ”.

Lăng Bác còn là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi nhân dân cả nước biểu dương lực lượng, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là công trình lịch sử, văn hóa đặc biệt của đất nước; một tổng thể kiến trúc xây dựng mang tính biểu tượng rất cao, kết hợp chặt chẽ giữa kiến trúc hiện đại và dân tộc, thể hiện tình cảm sâu nặng của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Nơi yên nghỉ của một vĩ nhân - danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình độc đáo được xây dựng bằng các vật liệu quý nhất, với chất lượng tốt nhất vào thời điểm đó. Tính chất đặc biệt của kiến trúc Lăng Bác không gây cảm giác lăng mộ. Việc kết hợp với lễ đài và không gian kiến trúc đã khiến Lăng trở thành một đài cách mạng ở giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi tổ chức những ngày hội lớn của đất nước và là biểu tượng đẹp đẽ nhất: Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.

Mục đích của việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, bảo vệ Công trình Lăng của Người là để “nhân dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác được đến chiêm ngưỡng, để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Người đã vạch ra và kế tục sự nghiệp cách mạng của Người”... Vì vậy, tổ chức đón tiếp được đông đảo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác chính là sự phản ảnh kết quả cuối cùng, tất yếu của tất cả các nhiệm vụ chính trị mà đơn vị được giao; đồng thời phát huy vai trò giáo dục tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác một cách sâu sắc và trực tiếp tới mọi tầng lớp nhân dân và bầu bạn quốc tế.

Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, sinh hoạt chính trị, văn hóa diễn ra tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9 có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là hoạt động giáo dục thực tiễn sinh động để mỗi tổ chức, cá nhân bồi đắp tình cảm, nhân cách, đạo đức theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Những hình thức khác nhau được tổ chức trước Lăng Bác như: Tổ chức Lễ viếng cấp Nhà nước nhân các ngày lễ trọng đại; tổ chức đón các đoàn Nguyên thủ Quốc gia; Lễ báo công, Lễ kết nạp đảng viên, Lễ ký kết giao ước thi đua, Lễ tuyên thệ, Lễ rước đuốc, Lễ xuất quân, Lễ khai giảng năm học mới, gặp mặt truyền thống, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, đồng diễn thể dục, Lễ đặt hoa trước ngày cưới...  Đặc biệt, từ năm 2001 việc tổ chức thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng có ý nghĩa thiêng liêng, gắn kết hình ảnh Tổ quốc với lãnh tụ, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9 đã góp phần to lớn tuyên truyền sâu rộng về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến với nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác chống các quan điểm sai trái thù địch xuyên tạc nhằm bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa và hình ảnh lãnh tụ.

*

*      *

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của  Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự phối hợp, ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, với ý thức trách nhiệm chính trị, chủ động, sáng tạo của cán bộ, nhân viên, chiến sỹ, Ban Quản lý Lăng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, dâng hương tưởng niệm Bác tại Khu Di tích K9. Đến nay, các hoạt động tuyên truyền, văn hóa, sinh hoạt chính trị đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình. Lăng Bác đã thực sự là công trình của “Ý Đảng - Lòng dân”.

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ráo riết tiến hành cuộc tiến công vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, thực hiện âm mưu chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chống phá ta về mọi mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa.

 Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới. Đất nước bước vào thời kỳ phát triển, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao cả vật chất và tinh thần, tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhân dân được về Thủ đô Hà Nội viếng Bác, tham quan Lăng; nhiều sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trong khu vực. Lăng Bác là điểm đến, nơi hội tụ niềm tin, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước, do đó là nơi nhạy cảm về chính trị, nơi địch tập trung phá hoại, một trọng điểm cần được tập trung bảo vệ.

Kế thừa những kết quả đạt được trong 50 năm qua, đơn vị tập trung triển khai thực hiện có chất lượng và hiệu quả Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới”; đã được Thủ tướng phê duyệt (Đề án 2341).

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị văn hoá của công trình Lăng, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9, gắn với  thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị về đây mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Lăng đã xác định phương hướng, mục tiêu và hệ thống 8 giải pháp đồng bộ, đó là: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, quy trình nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền nhằm phục vụ tốt nhất nhân dân, khách quốc tế về Lăng viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tham quan Khu Di tích K9; tuyển chọn, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng, văn hóa công vụ, thái độ đón tiếp cho lực lượng đón tiếp, tuyên truyền, hướng đến việc phục vụ chuyên nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát huy hiệu quả tuyên truyền trên các báo, đài Trung ương và địa phương, mở rộng công tác tuyên truyền ra nước ngoài... Đó là những nội dung vừa cấp bách vừa cơ bản, lâu dài.

Tôi xin đóng góp một số ý kiến phân tích làm rõ thêm và bổ sungvề nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Một là, tổ chức Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nghi lễ, nghi thức đảm bảo trang nghiêm, mẫu mực,chu đáo và tuyệt đối an toàn là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Hình thức đón tiếp, tuyên truyền vừa phải thực hiện trang trọng các nghi thức, nghi lễ theo quy định hiện hành, đồng thời tích cực nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng Bác, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới.

Thường xuyên làm tốt công tác đón tiếp, tuyên truyền phục vụ tận tình, chu đáo đồng bào trong nước và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, tham quan Khu Di tích K9. Cải tiến phương pháp và nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhất là việc đón tiếp, hướng dẫn, giúp đỡ các cụ già, thương binh nặng, trẻ em, người khuyết tật.

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đón tiếp các đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng; người có công, thương binh, bệnh binh và đối tượng chính sách trong cả nước nhất là vùng sâu, vùng xa về viếng Bác nhằm giảm thiểu khó khăn và tạo thuận lợi cho đối tượng này. Hiệp đồng chặt chẽ để tiếp nhận, hướng dẫn đón tiếp, phục vụ chu đáo các đoàn đến sinh hoạt chính trị, văn hóa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9.

Hai là, đổi mới, sáng tạo, đa dạng các hình thức tuyên truyền, văn hóa, sinh hoạt chính trị nhằm phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9.

Duy trì các hình thức sinh hoạt chính tri đã làm tốt như: Lễ báo công dâng Bác, lễ kết nạp Đảng, lễ kết nạp Đoàn, lễ ra quân, lễ thắp lửa truyền thống, lễ trao bằng tốt nghiệp... đồng thời phối hợp tuyên truyền, giới thiệu những hoạt động đó trên các phương tiện thông tin đại chúng và Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng để quảng bá rộng rãi cho mọi đối tượng, mọi vùng miền.

Tập trung tuyên truyền về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình Lăng của Người, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Giới thiệu về hoạt động tại Lăng Bác, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích K9, gắn với Đảng và các Anh hùng liệt sỹ.

Không ngừng nâng cao chất lượng, trang bị phương tiện phục vụ đón tiếp tuyên tryền bảo đảm chất lượng phục vụ, tính trang nghiêm nhất là hệ thống loa, panô, biển bảng… phục vụ sinh hoạt chính trị trước Lăng Bác, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích K9.

Chú trọng việc đấu tranh phản bác lại luận điệu sai trái, thâm độc của các thế lực phản động thù địch. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh mạng, kịp thời đấu tranh dập tắt những luận điệu thù địch lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến việc bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ và các luận điệu xuyên tạc ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng.

Tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp cấp thông tin, tư liệu, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, mở rộng công tác tuyên truyền  ra nước ngoài.

Tổ chức và phối hợp tổ chức xuất bản các ấn phẩm văn hóa có giá trị, chất lượng cao về Công trình Lăng, về Khu Di tích K9, về Bác Hồ, về Lãnh tụ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa tại Lăng Bác. Phối hợp tổ chức sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài Lăng Bác. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng các ki-ốt phục vụ văn hóa phẩm tại khu vực Lăng, Khu Di tích K9 coi đây là một mặt trận tuyên truyền hiệu quả; không trưng bày và bán các sản phẩm kém chất lượng, không có giá trị tuyên truyền và không vì lợi nhuận đơn thuần.

Nghiên cứu xây dựng Phòng trưng bày về quá trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoạt động tại Lăng. Quan tâm chỉ đạo, xây dựng đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên, nâng cao chất lượng Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng.

Ba là, giải pháp về yếu tố con người

Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền cả vể năng lực, trách nhiệm, kỹ năng và hình thể.

Nâng cao chất lượng, tổ chức các lớp bồi dưỡng đón tiếp, tuyên truyền, coi đây là hình thức cập nhật kỹ năng đón tiếp, tuyên truyền, kết hợp tham quan hoạt động thực tiễn, xây dựng lòng say mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền.

Thống nhất đề cương giới thiệu cho từng khu vực, từng nhiệm vụ và cho mọi người làm nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền đều trung thành với nội dung tuyên truyền. Tránh xa vào những nội dung vụn vặt, không đúng trọng tâm, hoặc nội dung chưa được thẩm định tính chính xác trong tuyên truyền (tại Lăng Bác, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích K9).

Bốn là, đoàn kết gắn bó, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Ban Chỉ đạo Cụm Di tích lịch sử  - văn hóa Ba Đình và các cơ quan, đơn vị có liên quan đón tiếp, phục vụ đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và các lễ hội lớn diễn ra trên khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình bảo đảm chu đáo, tuyệt đối an toàn.

Năm là, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền, tạo sự đồng bộ và thống nhất.

 Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và thành phố Hà Nội sớm nghiên cứu, đề xuất khu vực bãi xe ngầm, hoặc kết hợp các bãi xe ngầm của nhà Quốc hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tạo sự thông thoáng, không gây ùn tắc giao thông trong khu vực nhất là các ngày lễ, Tết và các sự kiện của đất nước.

Tăng cường trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền. Xây dựng phòng đón tiếp khách, trang thiết bị phục vụ tại khu vực K9 và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

Hoàn thiện tuyến đường viếng phục vụ trong những ngày lễ lớn từ Công viên Bách Thảo đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, đến Khu tập kết nhân dân tại 17 Ngọc Hà, vào Lăng viếng Bác. Lắp đặt hệ thống loa tuyên truyền chất lượng cao dọc theo đường viếng vừa tuyên truyền quy định viếng, vừa phát các bài hát về Bác Hồ.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi hội tụ niềm tin, nơi hội tụ của những tấm lòng kính yêu, ngưỡng mộ Người, ngày càng khang trang, đẹp đẽ. Đồng bào, chiến sỹ ta đến viếng Bác để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, nguyện đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Bạn bè khắp năm châu đến viếng Người, được chiêm ngưỡng Người - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn thân thiết của các dân tộc bị áp bức đấu tranh vì tiến bộ, hòa bình, công lý.

Làm tốt nhiệm vụ đón tiếp, tuyên truyền tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu Di tích K9 chính là đón tiếp khách của Người, góp phần thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Lăng Bác trường tồn cùng non sông đất nước Việt Nam./.

Thiếu tướng Phạm Văn Lập,
Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trích tài liệu Hội thảo kỷ niệm 50 giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đón tiếp, tuyên truyền

 

 

Bài viết khác: