Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình (Cụm Di tích), nằm ở khu trung tâm chính trị, văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước, nơi mà từ mùa Thu Tháng Tám 1945 đã trở nên gần gũi và thiêng liêng ghi lại dấu ấn không thể phai mờ về sự bắt đầu một thời đại mới của dân tộc - thời đại độc lập - tự do - hạnh phúc - thời đại Hồ Chí Minh. Ngày hôm nay, Ba Đình đã trở thành nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, nơi hội tụ của đồng bào cả nước và cả bè bạn khắp năm châu.
Nơi đây, vào ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nơi đây Bác Hồ đã sống và làm việc từ ngày 19/12/1954 cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lúc 9 giờ 47 phút ngày 02/9/1969; nơi đây, Bác đang an nghỉ, an giấc ngàn thu ở trong Lăng; nơi đây, đang lưu giữ, trưng bày về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người. Với những công trình có giá trị di sản lịch sử - văn hóa đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụm Di tích đã trở thành biểu tượng về lòng biết ơn vô hạn của dân tộc Việt Nam đối với Bác Hồ - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, Người đời đời sống mãi với các thế hệ người Việt Nam. Nơi đây đang được các lực lượng trong Cụm Di tích tận tụy, tâm huyết ngày đêm bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị phục vụ đồng bào trong nước và khách quốc tế về tham quan, nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo một hành trình tham quan khép kín: Vào Lăng viếng Bác, tham quan Khu Di tích lưu niệm về Người tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Khắc phục những khó khăn như lượng khách đông, nhất là vào các dịp cuối tuần, ngày lễ, ngày Tết, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách cấp cao quốc tế đến thăm; cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và khách quốc tế về tham quan như chưa có bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan, công trình vệ sinh công cộng luôn luôn bị quá tải, vị trí tập kết chưa có, hành trình tham quan dài, thời gian chờ đợi lâu khiến nhiều khách phóng uế bừa bãi ra đường, gốc cây, bải cỏ, gây khó khăn cho công tác vệ sinh môi trường và công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực...; công tác phối hợp, đón tiếp, tuyên truyền phục vụ khách tham quan được Ban Chỉ đạo Cụm Di tích lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, nhưng có đôi lúc, đôi chỗ chưa thật nhịp nhàng nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên, các lực lượng trong Cụm Di tích luôn luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, đón tiếp và phục vụ theo đúng quy chế phối hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ.
Với vinh dự và tự hào được phục vụ tại Cụm Di tích, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích luôn nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong công việc, có sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt và phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, nhất là sự động viên, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn tuyệt đối trong khu vực Cụm Di tích, trong thời gian tổ chức đón tiếp và phục vụ đồng bào trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác, tham quan nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Từ đó đã để lại những tình cảm sâu đậm trong tâm trí của mỗi du khách, thể hiện ở những dòng cảm tưởng đầy xúc động lưu lại tại các cơ quan đơn vị trong Cụm Di tích.
Năm 2003, với Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới, có thể nói hầu hết các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn Hà Nội, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường v.v... đều chọn Cụm Di tích để triển khai Chỉ thị này. Đặc biệt từ khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 06; rồi Chỉ thị số 03 và hiện nay là Chỉ thị số 05 về: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích, ngoài việc giới thiệu trực tiếp cho khách tham quan, tổ chức nói chuyện chuyên đề về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại cơ quan và đi nói chuyện tại các cơ quan, đơn vị địa phương… đã thường xuyên tổ chức và phối hợp với các Đảng bộ, Chi bộ, cơ quan, đơn vị, Học viện, nhà trường, tổ chức đoàn thể quần chúng tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học, triển lãm, nhiều buổi sinh hoạt chính trị, truyền thống, lễ báo công, lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên, lễ phát động thi đua, sơ kết, tổng kết cuộc vận động học và làm theo Bác nhất vào các dịp: Ngày thành lập Đảng 03/2, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ngày thành lập Đoàn 26/3, Ngày sinh nhật Bác 19/5, ngày Quốc khánh 02/9… Có những lúc không đáp ứng được yêu cầu phục vụ của các đoàn, cơ quan đơn, vị do cơ sở và vật chất có giới hạn và xuống cấp, số lượng đoàn đông, trùng ngày, trùng giờ, chủ yếu tập trung vào thời gian từ 8h00 đến 10h00.
Hàng năm, các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích đã phối hợp tổ chức, đón tiếp và phục vụ tận tình, chu đáo an toàn các buổi lễ viếng cấp Nhà nước, các đoàn Nguyên thủ quốc gia, cao cấp quốc tế và trên 02 triệu lượt khách trong nước và nước ngoài về Lăng viếng Bác, tham quan nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Cụm Di tích. Cụ thể:
- Từ năm 1970 đến nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón hơn 80 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 15 triệu lượt khách.
- Từ năm 1975 đến nay, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón hơn 58 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 10 triệu lượt khách.
- Từ năm 1990 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón gần 35 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 06 triệu lượt khách.
Song, bên cạnh đó, công tác phối hợp, hiệp đồng, tổ chức, đón tiếp và phục vụ khách tham quan Cụm Di tích của các cơ quan, đơn vị trong Cụm có đôi lúc và có bộ phận chưa linh hoạt, tính chủ động chưa cao, thiếu sáng tạo, chưa thật chặt chẽ, nhịp nhàng, tinh thần ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ có lúc, có chỗ còn hạn chế, có đồng chí còn căng thẳng, thiếu bình tĩnh trong quan hệ và xử lý công việc khiến cho cán bộ, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị trong Cụm và khách tham quan hiểu sai về những người phục vụ tại đây, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các lực lượng, các cơ quan, đơn vị có vinh dự đang làm nhiệm vụ trong Cụm Di tích.
Từ thực tế công tác phối hợp, hiệp đồng, tổ chức, đón tiếp và phục vụ khách tham quan trong Cụm Di tích, chúng tôi thấy các tồn tại nói trên do các nguyên nhân chính sau đây:
- Đã có quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích nhưng chưa xây dựng quy định cụ thể, chi tiết để thực hiện. Vì vậy, một số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan đơn vị trong Cụm chưa rõ trong thực thi nhiệm vụ mình và cơ quan mình phải phối hợp như thế nào? Quy chế phối hợp, luật Cảnh vệ đã có nhưng chưa được phổ biến, quán triệt, nên chưa nắm được.
- Do một số cán bộ, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích chưa thật sự xác định được vị trí, vai trò, ý thức trách nhiệm và vinh dự của mình được làm việc, được phục vụ tại các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích. Do đó, tinh thần phối hợp với các đồng nghiệp, cơ quan trong Cụm chưa cao, thái độ ứng xử với đồng nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ và đối với đồng bào và khách tham quan chưa được văn minh, nhã nhặn, lịch sự, có lúc làm phức tạp tình hình, gây căng thẳng, bức xúc không đáng có đối với đồng nghiệp và khách tham quan.
- Do trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp công tác, một số cán bộ của các cơ quan, đơn vị trong Cụm chưa thực sự vì nhiệm vụ phục vụ nên còn chủ quan, thiếu sự phối hợp. Sự phân công, giao nhiệm vụ và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cho cán bộ, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, đơn vị mình chưa được cụ thể, rõ ràng và chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của Cụm.
- Do cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống giao thông, liên lạc, các trang thiết bị phục vụ còn hạn chế và lượng khách tại Cụm Di tích đông, có thời điểm quá tải, tạo nên những khó khăn, phức tạp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong khu vực, khó khăn về nơi để xe của khách tham quan và công tác đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực. Từ đó ảnh hưởng rất lớn và khó khăn trong việc đáp ứng được yêu cầu phục vụ của khách trong nước và quốc tế về tham quan Cụm Di tích. Ngoài ra, có đôi khi dẫn đến sự hiểu nhầm không chỉ của khách tham quan Cụm, nhân dân mà cả các đại biểu Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo.
Từ thực trạng, nguyên nhân nêu trên, chúng tôi xin đề xuất, kiến nghị một số vấn đề sau đây:
Một là, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích cần phối hợp, xây dựng quy định phối hợp cụ thể, chi tiết; phổ biến, quán triệt quy chế phối hợp, luật cảnh vệ và quy định phối hợp sau khi được xây dựng, quy định văn hóa công sở cho cán bộ, viên chức và người lao động trong Cụm. Hàng năm, luân phiên tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi trong thực hiện nhiệm vụ giữa các cơ quan đơn vị trong Cụm, nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm đối với công việc, vì công việc, vì đồng nghiệp và vì hình ảnh của người cán bộ, viên chức và người lao động của các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích.
Hai là, phải tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động các lực lượng trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đáp ứng yêu cầu, năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm nhiệm vụ được giao; đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ giỏi nghiệp vụ, có ý thức kỷ luật cao, tận tâm, tận tụy với công việc và hướng tới sự chuyên nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao, có đạo đức nghề nghiệp, thái độ lịch sự, văn minh, nhã nhặn, ân cần trong phục vụ khách tham quan, học tập tại Cụm Di tích.
Ba là, cần chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp, tổ chức, đón tiếp và phục vụ đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế về tham quan Cụm Di tích. Cụm Di tích cần thành lập Ban phối hợp, đón tiếp và phục vụ khách tham quan của các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích. Ban này hoạt động theo cơ chế: Hàng ngày trực tiếp phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao; hàng tháng họp 02 lần vào đầu tháng và giữa tháng để trao đổi, rút kinh nghiệm những vướng mắc, vấn đề mới nảy sinh để tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo Cụm Di tích trong công tác phối hợp đón tiếp và phục vụ khách tham quan Cụm Di tích.
Bốn là, tiếp tục chỉnh trang hệ thống cảnh quan môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ đồng bào trong nước và khách quốc tế về tham quan Cụm Di tích. Cụm Di tích cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng bãi đỗ xe ngầm và công trình vệ sinh ngầm phục vụ khách tham quan và tiếp tục hoàn thiện nâng cấp hệ thống sân, hè, đường, cây xanh, thảm cỏ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm tra, giám sát an ninh, hệ thống thông tin liên lạc v.v.. nhằm tạo một môi trường cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hợp lý, trang nghiêm mà thân thiện, ấn tượng đối với mỗi đồng bào và khách quốc tế khi có dịp về Lăng viếng Bác, tham quan nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc Cụm Di tích.
Năm là, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích cần tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách, đảm bảo các yếu tố văn hoá truyền thống, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của mình; xây dựng hệ thống biển báo chỉ dẫn, tờ giới thiệu nội dung, sơ đồ tham quan và hành trình tham quan thống nhất tại các điểm di tích trong Cụm; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, phối hơp, đón tiếp, tuyên truyền và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong khu vực; chủ động khai thác thế mạnh từng công trình, kết hợp chặt chẽ trong quy hoạch tổng thể để xây dựng Cụm Di tích xứng đáng là Cụm công trình chính trị, văn hóa đặc biệt về Bác Hồ tại trung tâm chính trị - văn hóa của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
Sáu là, các cơ quan, đơn vị trong Cụm Di tích cần làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, đổi mới nội dung, phương pháp giới thiệu, tạo sự lan tỏa về tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ kính yêu đến nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác phối hợp phục vụ, tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII. Các hình thức tuyên truyền cụ thể như: Thuyết minh trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên website, ki-ốt điện tử, đài phát thanh, truyền hình, sách, báo, tạp chí, đặc san, tổ chức sinh hoạt chính trị v.v.. tại các cơ quan, đơn vị trong Cụm.
Trên đây là một số vấn đề chúng tôi xin được trao đổi cùng với các đồng chí tại hội thảo hôm nay với hy vọng và mong muốn những vấn đề đó sẽ được cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, viên chức và người lao động Cụm Di tích có kế hoạch thực hiện tốt hơn nữa trong những năm tới, nhằm nâng cao chất lượng phối hợp, hiệp đồng trong công tác truyên truyền phục vụ nhân dân và khách quốc tế về tham quan Cụm Di tích. Qua đó góp phần tạo sức lan tỏa mạnh mẽ của Di sản Hồ Chí Minh tại Cụm Di tích đồng thời làm đẹp hơn hình ảnh của người cán bộ, viên chức và người lao động có vinh dự làm việc tại Cụm Di tích.
Nguyễn Văn Công
Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Trích tài liệu Hội thảo kỷ niệm 50 giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đón tiếp, tuyên truyền