Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người tượng trưng cho tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam, cho những giá trị cao đẹp nhất của tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng; là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ thân thiết gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân. "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”1.
Lịch sử mãi mãi ghi nhớ 9 giờ 47 phút sáng ngày mùng 02 tháng 9 năm 1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), ngày mà toàn Đảng, toàn nhân dân, toàn quân ta và bầu bạn trên khắp thế giới phải từ giã một con người vĩ đại nhất, con người mà ngay từ khi sinh ra đã thành huyền thoại, con người của tất cả mọi người; ngày mà đúng 24 năm trước (1945), Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công - nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Đó là Hồ Chí Minh.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đồng bào, chiến sĩ cả nước thương nhớ Người khôn xiết, bầu bạn quốc tế cũng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc với chúng ta. Nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là giữ gìn lâu dài thi hài Bác và sớm xây dựng Lăng của Người để tên tuổi, hình ảnh, sự nghiệp vĩ đại và công lao to lớn của Người mãi khắc ghi vào con tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt. Thể theo nguyện vọng thiết tha đó, ngày 29 tháng 11 năm 1969, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Quyết nghị:
“Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người. Cố gắng làm nhanh, làm tốt và sớm xây dựng xong Lăng để đồng bào ta có thể viếng và chiêm ngưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1971. Mọi công tác có liên quan đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thể hiện được sự trong sáng và đức tính giản dị, gần gũi quần chúng của Người. Cần thấu suốt, nắm vững và đáp ứng những yêu cầu sau đây trong công tác thiết kế Lăng: Bảo đảm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nguyên vẹn và lâu dài, chống được các biến động có hại của khí hậu, thời tiết; có kế hoạch giữ gìn an toàn phòng chiến tranh, phòng địch phá hoại; thể hiện được tính hiện đại mà vẫn giữ màu sắc dân tộc, trang nghiêm nhưng giản dị; bảo đảm được sự thuận tiện cho nhân dân, cán bộ và khách nước ngoài đến viếng đông và liên tục; bảo đảm sự kiên cố, bền vững của công trình; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ở khu Ba Đình lịch sử. Xúc tiến ký hiệp định chính thức với Liên Xô về việc Liên Xô giúp ta giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người”2.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Phó Chủ tịch nước làm việc với chuyên gia y tế Liên Xô sau khi Bác qua đời. Cùng làm việc có đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an.
Quyết nghị đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện tình cảm, lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó còn là quyết định phù hợp với truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn có truyền thống thờ phụng ông bà tổ tiên, xây dựng Lăng mộ để tưởng nhớ những người có công với dân, với nước. Quyết định đó còn đáp ứng nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam là được tận mắt trông thấy Người để thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn đối với Người, đặc biệt là tình cảm của đồng bào, chiến sỹ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù, chưa một lần được gặp Bác.
Việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người còn góp phần giữ gìn tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp cách mạng của Người, động viên cổ vũ các thế hệ người Việt Nam vững bước đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phù hợp với tình cảm của nhân dân toàn thế giới dành cho Người, bởi “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
Do vậy, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người không những là việc giữ gìn một di sản quý giá cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại, phù hợp với tình cảm của nhân dân toàn thế giới đối với Người.
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng duyệt phác thảo
xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quyết nghị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng của Người lúc đó thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với đồng bào miền Nam, đối với quân dân cả nước, biến đau thương thành sức mạnh, quyết “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giành toàn thắng để sớm được về Lăng gặp Bác. Những hoạt động diễn ra bên Lăng Bác Hồ trong những năm qua đã chứng minh quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người là đúng ý Đảng, hợp lòng dân, phù hợp với truyền thống đạo lý nhân nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Từ ngày mở cửa Lăng (ngày 29 tháng 8 tháng 1975 đến ngày 31/10/2019), Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn gần 60 triệu lượt người, trong đó gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phục vụ hơn 2.600 đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị tại Lăng; chiếu phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gần 33 nghìn đoàn; tặng Huy hiệu Bác Hồ cho 106.581 đại biểu. Tổ chức đón tiếp hơn 1 nghìn đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác. Trong những năm gần đây, lượng khách trong nước và nước ngoài vào Lăng viếng Bác ngày càng tăng. Vào những ngày này, trung bình có hàng trăm đoàn khách quốc tế cùng hàng chục ngàn đồng bào ta, đủ các lứa tuổi từ khắp mọi niềm đất nước ngày ngày lặng lẽ, thành kính xếp hàng dài vào Lăng viếng Bác. Thủ đô Hà Nội có cả ngàn năm lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh, nhưng không có danh thắng nào lại có được sức hấp dẫn như khu vực Lăng Bác, Nhiều cụ già ở các miền quê xa chưa một lần đặt chân đến Thủ đô đã nói với con cháu: “Ước gì ra Hà Nội để được vào Lăng viếng Bác”. Những người dân từ khắp mọi miền đến đây mỗi người đều có hoàn cảnh riêng, trăm người trăm số phận, mỗi người có cách thể hiện riêng nhưng có một nét chung là tất cả đều mang trong lòng tình cảm đối với Bác rất sâu xa, thánh thiện mà dân dã. Với khách nước ngoài thì nhiều người chung một ý kiến: Chưa đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì coi như chưa đến Hà Nội. Ngay cả những ngày Lăng Bác không mở cửa trong tuần theo thường lệ (thứ Hai, thứ Sáu và hai tháng tu bổ định kỳ 15/6 - 14/8), bà con ta, các cháu thiếu nhi, du khách nước ngoài cũng vẫn đi lại tấp nập trên những con đường trong khu vực Lăng Bác để hít thở không khí trong lành, ngắm cảnh quan, ghi hình chụp ảnh lưu niệm.
Cùng với hoạt động lớn đó, Lăng Bác còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt chính trị phong phú như: Lễ hứa quyết tâm của học viên các trường sỹ quan trong Quân đội, lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên, nhiều đoàn đại biểu của nhiều cơ quan, đơn vị báo công dâng lên Bác kính yêu những thành tích trong lao động, học tập, công tác đã sôi nổi diễn ra thường xuyên bên Lăng Người. Các hoạt động lớn trước những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước như giao lưu nghệ thuật, Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành quần chúng mừng Tết Độc lập (02/9) những năm chẵn cũng thường xuyên được tổ chức trước Lăng Bác. Ngọn lửa thiêng từ nơi đây được chuyển đi thắp sáng tinh thần thượng võ ở các đại hội thể thao toàn quốc, ở các địa phương. Nhiều đôi trai gái khi làm lễ thành hôn cũng đến trước Lăng bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn Người.
Lễ báo công dâng Bác kết quả thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội nhân dân Việt Nam (2014-2019)
Cùng với năm tháng, những dòng người ngày nối ngày lặng lẽ vào Lăng viếng Bác dài như vô tận để soi vào tấm gương trong sáng của Bác, để nâng cao lòng tin, xóa những ưu tư, xác nhận những chân giá trị cuộc sống trước bão tố cuộc đời, để yêu cái Người đã từng yêu, để được bồi đắp thêm sinh lực, đi tiếp con đường Người đã đi suốt cả cuộc đời. Chính vì vậy, Lăng Bác luôn là nơi tôn nghiêm nhất, đẹp nhất; nơi hội tụ niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả dân tộc ta vào độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, vì đây là nơi yên nghỉ đời đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là không gian thiêng liêng của dân tộc, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, chí anh hùng và các phẩm chất tốt đẹp nhất của các thế hệ Việt Nam./.
Đại tá Nguyễn Thanh Huống,
Phó Chủ nhiệm Chính trị
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chú thích:
1. Trích Điếu văn Chủ tịch Hồ Chí Minh của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
2. Nghị quyết Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 29 tháng 11 năm 1969. Lưu Bảo mật Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.