Kỹ sư Vũ Xuân Đăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu,
Ứng dụng KHCN&MT báo cáo kết quả thực hiện đề tài
Ngày 11/12/2012 tại Khu Di tích K9, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Môi trường và Viện Khoa học Năng lượng đã tổ chức báo cáo kết quả lắp đặt mô hình trạm điện mặt trời tại Khu Di tích K9 thuộc Đề tài hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nghiên cứu giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng điện và nhiệt tại Khu Di tích K9”.
Tới dự Hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng Ban Quản lý Lăng và các đại biểu đại diện Văn phòng Ban Quản lý Lăng, Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đoàn 285, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Về phía Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có PGS, TS. Đỗ Trường Thiện, TS. NCVCC Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng và các chuyên gia nghiên cứu của Viện Khoa học Năng lượng, Viện Địa chất và các thành viên trong Tổ đề tài.
Khu Di tích K9 nơi gắn liền với nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời; nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm chiến tranh ác liệt (1969-1975); hiện nay là nơi dự phòng đối với công trình Lăng và là nơi tổ chức cho các tập thể và cá nhân đến thăm quan sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống. Do tính đặc thù riêng nên nhu cầu điện phục vụ khách thăm quan, du lịch, tuyên truyền, giáo dục, gìn giữ và bảo tồn di tích không lớn, nhưng yêu cầu cung cấp điện phải tin cậy và bền vững, đây chính là cơ sở cần khai thác các nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ, đồng thời có tác dụng tuyên truyền và bảo vệ môi trường.
Hội nghị đã tập trung báo cáo giải pháp khai thác năng lượng bức xạ mặt trời và mô hình trạm điện mặt trời cấp điện cho các phụ tải quy mô vừa và nhỏ phù hợp với đặc tính phụ tải tại Khu Di tích K9. Mô hình thử nghiệm Trạm điện mặt trời tại K9 có công suất 3600Wp, kết quả ban đầu cho thấy Trạm hoạt động tốt và ổn định, tính từ đầu tháng 11 năm 2012 đến ngày 10 tháng 12 năm 2012 đã cung cấp trên 300 KW vào điện lưới. Tính tiên tiến của mô hình là trạm điện chuyển năng lượng mặt trời thành điện năng, khối inverer nối lưới có khả năng thích nghi cao và khối nguồn acqui dự phòng trong trường hợp bị mất điện sẽ tự động chuyển sang cấp điện cho phụ tải ưu tiên. Cấu trúc của Trạm đơn giản, tự động cao, dễ lắp đặt và vận hành.
Hội nghị đã thăm quan mô hình Trạm điện mặt trời và trạm đo gió bức xạ mặt trời và các vị trí dự kiến khoan thăm dò, khảo sát, đánh giá nguồn năng lượng địa nhiệt nằm trong nhiệm vụ của đề tài hợp tác nghiên cứu. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và nhà quản lý định hướng cho việc tiếp tục triển khai đề tài và mở rộng mô hình sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường trong những năm tới theo hướng cơ bản và toàn diện cho Khu Di tích.
Mô hình trạm điện mặt trời tại Khu Di tích K9
Phát biểu kết luận Hội nghị Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn các nhà khoa học đã có những đóng góp tích cực vào các nội dung của đề tài và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm mở rộng mô hình sử dụng năng lượng tái tạo tin cậy, hiệu quả, có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng, đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục thay đổi nhận thức về tiến bộ khoa học công nghệ cho cán bộ, chiến sỹ tại khu vực và nhân dân tới thăm quan, học tập về tư tưởng đạo đức của Bác.
Thanh Liễu