Để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả, kịp thời, trước tính chất phức tạp, nguy hiểm của dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra, ngày 02/02/2020, đồng chí Đại tá Bùi Hải Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) trong Bộ Tư lệnh. Theo Quyết định, đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Huân, Phó Tư lệnh làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo.
Để tìm hiểu về dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) và cách phòng chống dịch, Cơ quan Thường trực cung cấp một số thông tin về dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) và cách phòng chống dịch như sau:
Corona virus 2019 là gì?
Coronavirus 2019 (2019-nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Virus này được xác định trong một cuộc điều tra ổ dịch bắt nguồn từ khu chợ lớn chuyên bán hải sản và động vật ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. 2019-nCoV là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Ngoài chủng coronavirus mới phát hiện này, đã có 6 chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.
Nguồn gốc của virus Corona 2019 từ đâu?
Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của 2019-nCoV. Virus corona là một betacoronavirus, giống như MERS và SAR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Phân tích cây di truyền của virus này đang được tiếp tục để biết nguồn gốc cụ thể của virus. SARS, một loại coronavirus khác xuất hiện lây nhiễm cho người, bắt nguồn loài từ cầy hương, trong khi MERS, một loại coronavirus khác lây nhiễm cho người, bắt nguồn từ lạc đà.
Cơ chế 2019-nCoV lây lan như thế nào?
Virrus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.
Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Những triệu chứng và biến chứng 2019-nCoV có thể gây ra là gì?
Theo báo cáo ở bệnh nhân mắc 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu chứng: Sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Khuyến cáo của Bộ Y tế để chủ động phòng bệnh
Để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Những người khác đã tiếp xúc gần với người người nghi nhiễm hoặc đã xác nhận bị nhiễm 2019-nCoV; người nhà hoặc người đang chăm sóc người nghi nhiễm hoặc đã xác nhận bị nhiễm 2019-nCoV; những người được xác nhận bị nhiễm 2019-nCoV, không cần nhập viện và có thể được chăm sóc tại nhà; những người nghi nhiễm 2019-nCoV đang chờ kết quả xét nghiệm, không cần nhập viện và có thể được chăm sóc tại nhà cần thực hiện đúng hướng dẫn sau:
* Phòng ngừa cho người tiếp xúc gần
Nếu đã tiếp xúc gần với người nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm hoặc bị nhiễm 2019-nCoV, cần theo dõi sức khỏe bắt đầu từ ngày tiếp xúc gần lần đầu với người bệnh, liên tục trong 14 ngày kể từ lần tiếp xúc gần lần cuối. Theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng: Sốt, ho, khó thở; các triệu chứng ban đầu cần theo dõi là ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau họng, nhức đầu, tiêu chảy, buồn nôn/nôn và sổ mũi.
Nếu bị sốt hoặc bất kỳ triệu chứng nào trong số trên, cần gọi ngay cho cơ sở y tế. Trước khi đến gặp bác sĩ, cần đảm bảo đã nói với nhân viên y tế về việc mình đã tiếp xúc gần với người nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm hoặc bị nhiễm virus corona. Điều này sẽ giúp cơ sở y tế chuẩn bị trước nhằm tránh lây nhiễm cho người khác. Nếu không mắc bất kỳ triệu chứng nào kể trên, có thể tiếp tục các hoạt động bình thường.
* Phòng ngừa cho người nghi nhiễm đang chờ kết quả xét nghiệm hoặc bị nhiễm 2019-nCoV, không cần nhập viện và có thể được chăm sóc tại nhà:
Bác sĩ và nhân viên y tế sẽ đánh giá xem có thể được chăm sóc tại nhà hay không. Nếu thuộc diện cách ly tại nhà, nhân viên quân y sẽ theo dõi tình trạng sức khoẻ, cần làm theo các bước phòng ngừa dưới đây cho đến khi nhân viên quân y xác nhận bạn có thể trở lại các hoạt động bình thường: Ở nhà trừ khi phải đi khám chữa bệnh, chỉ nên hoạt động trong nhà, trừ khi đi khám chữa bệnh. Không nên đi làm, đi học, hoặc tới các khu vực công cộng, và không sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc taxi.
- Tránh tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình càng nhiều càng tốt, nên ở trong phòng riêng, tách biệt với những người khác trong gia đình. Ngoài ra, nên sử dụng một phòng tắm riêng nếu có thể.
- Gọi điện trước khi đi khám để thông báo rằng mình bị nhiễm hoặc nghi nhiễm 2019-nCoV. Điều này sẽ giúp cơ sở y tế chuẩn bị trước nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.
- Đeo khẩu trang: Cần đeo khẩu trang khi ở cùng phòng với người khác và khi đi khám chữa bệnh. Nếu vì một lý do bất khả kháng khiến không thể đeo khẩu trang, hãy đảm bảo rằng người nhà đeo khẩu trang khi ở cùng phòng với mình.
- Che miệng khi ho và hắt hơi: Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi. Vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác lót nilon và rửa tay ngay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.
- Rửa tay: Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, có thể sử dụng nước rửa tay chứa cồn với hàm lượng ít nhất 60%. Tránh dùng tay không rửa sạch để chạm vào mắt, mũi và miệng.
- Tránh dùng chung đồ gia dụng: Không được dùng chung bát đĩa, ly uống nước, cốc, dụng cụ ăn uống, khăn tắm, chăn, ga, gối, đệm hoặc các vật dụng khác với người khác trong nhà. Cần rửa kỹ bằng xà phòng và nước những vật dụng này sau khi sử dụng.
- Theo dõi các triệu chứng: Thông báo cho cơ sở y tế ngay lập tức nếu bệnh của bạn diễn biến xấu đi (khó thở). Trước khi đi khám, hãy gọi cho cơ sở ý tế để thông báo rằng mình bị nhiễm hoặc nghi nhiễm 2019-nCoV. Điều này sẽ giúp cơ sở y tế chuẩn bị trước nhằm tránh lây nhiễm cho người khác. Khi cảm thấy khó thở cần báo ngay cho cơ sở y tế để xử lý kịp thời
* Phòng ngừa cho người nhà hoặc người đang chăm sóc:
- Nếu đang sống cùng hoặc đang chăm sóc tại nhà cho nghi nhiễm hoặc đã xác nhận bị nhiễm 2019-nCoV (sau đây gọi chung là người bệnh), cần: Chắc chắn rằng mình hiểu và có thể giúp người bệnh tuân theo các hướng dẫn của nhân viên y tế. Cần giúp đỡ người bệnh các nhu cầu cơ bản trong nhà và hỗ trợ nhận hàng tạp hóa, đơn thuốc cũng như các nhu cầu cá nhân khác.
- Chỉ những người thật sự cần thiết cho việc chăm sóc người bệnh nên ở trong nhà. Các thành viên khác trong gia đình nên ở nơi khác. Nếu điều này là không thể, họ cần ở trong một phòng khác, hoặc tách biệt với người bệnh càng nhiều càng tốt.
- Sử dụng một phòng tắm riêng, nếu có. Hạn chế những khách không thực sự cần thiết tới nhà. Giữ người già và người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh mãn tính cách xa người bệnh. Đảm bảo thông khí tốt cho các không gian chung trong nhà, ví dụ bằng máy điều hòa không khí hoặc mở cửa sổ khi điều kiện thời tiết cho phép.
- Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng nước rửa tay chứa cồn với hàm lượng ít nhất 60%. Tránh dùng tay không rửa sạch để chạm vào mắt, mũi và miệng.
- Đeo khẩu trang, mặc áo choàng và đi găng tay dùng một lần khi bạn chạm hoặc tiếp xúc với một trong những nguyên liệu sau của người bệnh: Máu, dịch cơ thể hoặc dịch tiết, như mồ hôi, nước bọt, đờm, nước mũi, nôn, nước tiểu hoặc phân.
- Vứt bỏ khẩu trang, áo choàng và găng tay dùng một lần sau khi sử dụng, cấm tái sử dụng. Rửa tay ngay sau khi tháo khẩu trang, áo choàng và găng tay.
- Tránh dùng chung đồ gia dụng. Không được dùng chung bát đĩa, ly uống nước, cốc, dụng cụ ăn uống, khăn tắm, bộ đồ giường hoặc các vật dụng khác với người bệnh. Sau khi người bệnh sử dụng những vật dụng này, phải rửa/giặt chúng thật kỹ.
- Lau sạch tất cả các bề mặt hay sờ vào, như quầy tính tiền, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại, bàn phím, máy tính bảng và tủ đầu giường mỗi ngày. Ngoài ra, làm sạch bất kỳ bề mặt nào có thể có máu, dịch cơ thể hoặc dịch tiết hoặc bài tiết trên chúng. Đọc kỹ nhãn của sản phẩm tẩy rửa và làm theo các khuyến cáo trên nhãn sản phẩm. Nhãn ghi hướng dẫn về tính và hiệu quả của sản phẩm bao gồm các lưu ý khi sử dụng, ví dụ cần đeo găng tay hoặc tạp dề và đảm bảo thoáng khí tốt khi dùng. Sử dụng dung dịch thuốc tẩy pha loãng hoặc chất khử trùng trong gia đình có nhãn ghi rõ là được EPA chấp thuận. Để tạo ra dung dịch tẩy tại gia, cho 1 muỗng canh thuốc tẩy vào 1 lít (4 cốc) nước. Khi cần lượng lớn, có thể dùng tỷ lệ 1⁄4 chén thuốc tẩy vào 4 lít (16 cốc) nước.
- Giặt đồ thật kỹ: Ngay lập tức thu và giặt quần áo hoặc khăn trải giường có máu, dịch thể hoặc dịch tiết hoặc bài tiết trên chúng. Đi găng tay dùng một lần trong khi xử lý đồ bẩn. Rửa tay ngay sau khi tháo găng tay. Đọc và làm theo hướng dẫn ghi trên nhãn của bột giặt và chất tẩy quần áo. Nói chung, giặt và sấy khô với nhiệt độ cao nhất ghi trên nhãn quần áo.
- Đặt tất cả găng tay dùng một lần, áo choàng, khẩu trang và các vật dụng bẩn khác vào thùng chứa lót nilon trước khi xử lý chúng với chất thải gia đình khác. Rửa tay ngay sau khi làm việc này.
- Theo dõi triệu chứng người bệnh. Nếu người bệnh chuyển biến xấu hơn, hãy gọi cho cơ sở ý tế để thông báo rằng người bệnh bị nhiễm hoặc nghi nhiễm 2019-nCoV. Điều này sẽ giúp cơ sở y tế chuẩn bị trước nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.
- Những người chăm sóc và các thành viên trong gia đình không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc gần với nghi nhiễm hoặc bị nhiễm 2019-nCoV, được coi là “người tiếp xúc gần” và phải được theo dõi sức khỏe. Thực hiện theo các bước phòng ngừa cho người tiếp xúc gần dưới đây.
- Thảo luận về bất kỳ câu hỏi nào với cơ sở y tế có thẩm quyền.
Để phòng ngừa dịch viêm phổi cấp do nCoV, cơ quan, đơn vị cần triển khai ngay cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ những biện pháp như sau: Giữ ấm cơ thể; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc các loại nước rửa thay chứa cồn; súc miệng bằng nước sát khuẩn; ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ dinh dưỡng, đặc biệt là giữ cho cổ họng ấm, không để cổ họng bị khô (uống nước nhiều lần, bất cứ khi nào thấy cổ họng bị khô; nên uống ấm, từ 50-80cc/lần; bổ sung thêm vitamin C cho cơ thể để nâng cao sức đề kháng; tránh thực phẩm chiên hoặc cay; luyện tập thể dục thể thao hợp lý; tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho; đeo khẩu trang y tế khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, nhất là khi phải tiếp xúc với người bị sốt, ho; khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở cần liên lạc ngay với cơ quan quân y hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị; không nên chạm tay bẩn vào mắt, mũi, miêng./.
Đào Văn Lực