Trong quá trình hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến và ở lại rất nhiều nơi trên thế giới cũng như trong nước. Mỗi nơi Người đến, mỗi địa danh Người sống và làm việc đều để lại những dấu ấn sâu đậm, những hình ảnh khó phai về vị lãnh tụ hết lòng vì nước, vì dân. Ngôi Nhà sàn trong Khu Di tích K9 (Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội), công trình do Bác trực tiếp chọn, chỉ đạo thiết kế, xây dựng là một trong những địa danh đó.

nha san
Nhà sàn tại Khu Di tích K9.

Nơi đây, tháng 5 năm 1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 tập mẫu chiến thuật, Bác đã dừng chân nghỉ ăn cơm trưa tại vị trí có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông xếp liền kề nhau. Thấy phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, lại hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này là nơi làm việc của Trung ương đề phòng khi có tình huống bất trắc xảy ra.

Sáng ngày 23 tháng 02 năm 1958, Bác Hồ đã lên xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông và quyết định chọn để xây dựng căn cứ của Trung ương. Cùng đi với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Ủy viên Trung ương Đảng, một số đồng chí của Phủ Chủ tịch và lãnh đạo tỉnh Sơn Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh chuẩn bị xây dựng một số ngôi nhà trong khu vực Đá Chông. Bước sang năm 1959, trước nguy cơ một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần được lệnh lên xây dựng khu căn cứ của Trung ương, Bộ đội Công binh xây dựng một số hệ thống công trình kiên cố tại Đá Chông (Mật danh là Công trường 5). Công trình được chuẩn bị từ tháng 6 năm 1959, đến tháng 9 năm 1959 tiến hành khởi công xây dựng. Theo gợi ý của Bác, căn cứ của Trung ương chia làm 3 khu: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí Trung ương nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.

Trong quá trình thi công, Bác Hồ đã nhiều lần lên thăm và kiểm tra. Ngày 20 tháng 6 năm 1959, nhân dịp đi thăm và nói chuyện với đồng bào huyện Quốc Oai đang làm việc trên công trường đê Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, Bác Hồ đã lên xem xét tình hình thi công tại Công trường 5.

Sáng ngày 28 tháng 01 năm 1960 (tức ngày mồng Một Tết năm Canh Tý), Bác Hồ lên Đá Chông thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân trên công trường. Biết một số anh em công nhân là người miền Nam rất nhớ nhà, Bác căn dặn: Các cô, các chú nhớ miền Nam thì phải làm việc bằng hai để góp phần xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 15 tháng 3 năm 1960, sau hơn 6 tháng xây dựng, ngôi nhà 2 tầng hay còn gọi là Nhà sàn được hoàn thành, Bác Hồ đã lên dự buổi lễ khánh thành. Sau đó, công trình được bàn giao lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch quản lý và lực lượng bảo vệ là cán bộ, chiến sĩ Đoàn Tân Trào (thuộc lực lượng Công an vũ trang). Công trường 5 được đổi tên thành K9.

Từ khi khánh thành đến năm 1969, ngôi Nhà sàn cùng với các công trình khác trong khu vực đã được nhiều lần Bác lên ở và làm việc. Tại nơi này Bác Hồ đã cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Trung ương Đảng họp và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt tại  đây, ngày 13 tháng 3 năm 1961, Bác Hồ đón tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu, Phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, cùng đồng chí Hà Vỹ, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, nhân dịp bà Đặng Dĩnh Siêu cùng Đoàn đại biểu Phụ nữ Trung Quốc sang dự Đại hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ III. Tại đây, bà Đặng Dĩnh Siêu đã cùng với Bác trồng cây và chụp ảnh lưu niệm. Buổi trưa hôm đó, Bác Hồ đã mời đoàn dùng cơm và nghỉ tại phòng khách ngôi nhà 2 tầng.

Ngày 24 tháng 01 năm 1962, Bác Hồ cùng Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô, do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu đi bằng máy bay trực thăng lên thăm khu vực Đá Chông. Bác và Anh hùng G.M Ti-tốp trồng 2 cây Vàng anh ở trước Nhà sàn. Buổi trưa, Người mời Đoàn dùng cơm và nghỉ tại nhà khách ở Đá Chông.

Sự kiện Bác Hồ tiếp hai vị khách quốc tế tại K9 có ý nghĩa rất lớn, đây là một cử chỉ rất thân tình của Bác đối với nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc. Hiện nay, những cây Bác cùng với các vị khách quốc tế trồng vẫn bốn mùa xanh tốt, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thủy chung của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Một điều trùng hợp kỳ diệu gắn với cuộc đời sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác, đó là năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng, để giữ gìn lâu dài bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt và xây dựng Lăng của Người, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định lựa chọn K9 là nơi chủ yếu để giữ gìn thi hài Bác. Từ năm 1969 đến năm 1975, cán bộ, nhân viên Đoàn 69 (Đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sát cánh cùng các chuyên gia y tế Liên Xô (nay là Liên bang Nga) vượt muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1975, Công trình Lăng hoàn thành. Ngày 18 tháng 7 năm 1975, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định đón Bác từ K9 về Ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử. K9 được giao lại cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý, làm căn cứ dự phòng khi cần thiết. Đầu năm 1995, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, sau khi báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã tổ chức đón tiếp, phục vụ các cơ quan đơn vị, đoàn thể Trung ương, địa phương trong cả nước đến tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Khu Di tích.

nha san 2
Đoàn học sinh nghe giới thiệu về ngôi Nhà sàn tại K9.

Thực hiện Kết luận số 328 ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ Chính trị, Đề án 2341 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”; Khu Di tích K9 tiếp tục được tôn tạo ngày càng khang trang sạnh đẹp để đón đồng bào và khách quốc tế đến tưởng niệm Bác và tham quan khu vực.

60 năm, kể từ ngày khánh thành ngôi Nhà sàn tại K9 (15/3/1960 - 15/3/2020), các công trình, hiện vật gắn liền với Chủ tich Hồ Chí Minh vẫn được cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giữ gìn nguyên vẹn. Khu Di tích K9  thực sự trở thành địa danh lịch sử, văn hóa để giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và phong cách giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

                                                                                           Hải Tiếp

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: