Trong quá trình công tác tại đơn vị, tôi có dịp về quê hương Gia Hòa, xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, cùng với các nhà làm phim tư liệu ghi lại hình ảnh của cha con người thợ mộc tài hoa đã có vinh dự được lựa chọn về xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1974. Người cha là cụ Nguyễn Ngọc Ao (nay đã mất) và người con là ông Nguyễn Minh Thiêm, khi cùng cha về Hà Nội xây dựng Lăng Bác, ông vừa tròn 17 tuổi và ông trở thành người thợ mộc trẻ tuổi nhất tham gia xây dựng Lăng Bác.

cha con nguoi tho moc
Ban phụ trách xây dựng Lăng Bác đón nhận gỗ quý của nhân dân miền Nam
gửi tặng xây dựng Lăng Bác

Nhớ lại thời gian khởi công xây dựng Công trình Lăng Bác, Trung ương  đã cho lựa chọn những người thợ tài hoa từ những vùng nổi tiếng về nghề thợ mộc như: Gia Hòa (Nam Định), Cao Đà (Hà Nam), Thái Yên (Hà Tĩnh) và Yên Thế (Bắc Giang)… về thi công những chi tiết bằng gỗ trong Lăng. Cụ Nguyễn Ngọc Ao, khi đó là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã mộc Sơn Lâm, xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Hà cũ, kiêm Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật, là người nức tiếng giỏi nghề. Hai cha con cụ đã được hợp tác xã bỏ phiếu tín nhiệm là những người có đạo đức, sức khỏe và lành nghề nhất để đi kiểm tra tay nghề “vòng sơ loại” của tỉnh Nam Hà.

Cha con cụ Nguyễn Ngọc Ao đã vượt qua tất cả các vòng tuyển lựa và được biên chế làm thành viên của đoàn thợ tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam). Cụ Nguyễn Ngọc Ao, khi đó đã 55 tuổi. Tuy tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng xuất thân trong một gia đình có nghề mộc truyền thống và nổi tiếng cả vùng cùng với người con trai tuy tuổi trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm làm nghề, những vốn thông minh, lại được ông nội và cha kèm cặp, truyền nghề ngay từ nhỏ nên hai cha con cụ Nguyễn Ngọc Ao, ngay từ đầu đã được cán bộ phụ trách và anh em đồng nghiệp yêu kính. Đặc biệt, khi làm các bộ cửa của Công trình Lăng, các nghệ nhân đã trổ tài trong một cuộc thi để chắt lọc những tinh hoa của ngành Mộc cổ truyền dân tộc, làm nên một kiểu mộng cửa chắc nhất, bền nhất, đẹp nhất để kính dâng lên Bác. Đề tài “thi” làm một kiểu mộng cửa bằng gỗ trắc. Yêu cầu kiểu mộng này kết cấu từ bên trong, không có ke, không có chốt, đủ sức giữ thăng bằng tấm cửa nặng khi mỗi lần đóng, mở. Nếu mộng không chặt, không khỏe, cửa sẽ bị méo, vênh, khó di chuyển. Ba mươi lăm nghệ nhân “dự thi”, đã làm ra rất nhiều kiểu mộng, đại diện cho văn hóa của từng vùng, miền trong cả nước. Song kiểu mộng được nhiều người khen nhất, là kiểu mộng được cha con cụ Nguyễn Ngọc Ao sáng tạo. Đây là kiểu mộng mòi, trông bề ngoài có hình xiên góc như khung kính treo ảnh, nhưng kết cấu mộng bên trong, vừa lồng ngang, vừa thắt dọc; mộng đã vào là như khóa chặt trụ câu. Những đường vân, thớ gỗ ở hai bên má mộng vẫn có bước chuyển nối nhau, trông như một phiến gỗ, không nhìn thấy một khớp nối nào. Ban Phụ trách xây dựng Lăng đã phê duyệt kiểu mộng mòi do cha con cụ Nguyễn Ngọc Ao sáng tạo làm kiểu mộng chung cho tất cả cửa gỗ trong Công trình Lăng Bác. Khi bước vào thi công, cụ Nguyễn Ngọc Ao được bầu làm thợ cả, trực tiếp hướng dẫn, giám sát anh em thi công. Ông Nguyễn Minh Thiêm thành thạo cách làm mộng của cha, được giao đóng cửa chính. Những người thợ tài hoa đều ý thức được rằng phải sử dụng nguyên liệu gỗ một cách có ý nghĩa nhất, bởi đó đều là những loại gỗ quý như trắc, nụ, muồng, mun, đinh hương do đồng bào, chiến sĩ Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5, Bình - Trị - Thiên khai thác đã vượt qua hàng nghìn cây số và cao hơn nữa đó chính là tấm lòng, tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác Hồ kính yêu.

Sau hơn một năm miệt mài, dưới bàn tay của những người thợ mộc tài hoa, những bộ cánh cửa, bàn ghế, tay vịn cầu thang cùng trang thiết bị nội thất Công trình Lăng Bác đã được hoàn thành, bảo đảm yêu cầu về cấu trúc, thẩm mỹ theo đúng thiết kế. Đóng góp của các nghệ nhân nghề mộc, trong đó có cha con cụ Nguyễn Ngọc Ao và ông Nguyễn Minh Thiêm đã góp phần đảm bảo để Công trình Lăng Bác hoàn thành đúng thời gian, kịp khánh thành vào dịp Quốc khánh 02-9-1975.

Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Lăng Bác, cụ Nguyễn Ngọc Ao đã vinh dự được Phó Thủ tướng Đỗ Mười, Trưởng ban Ban Phụ trách xây dựng Lăng Bác tặng Bằng khen. Tấm Bằng khen ghi nhận thành tích của cụ vẫn được gia đình treo tại vị trí trân trọng nhất của phòng khách, cùng với Huân, Huy chương và các phần thưởng cao quý khác mà cụ đã được các cấp khen thưởng trong quá trình công tác.

Năm 2020, kỷ niệm 45 năm Ngày khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi viết lại những kỷ niệm về tấm gương của cha con cụ Nguyễn Ngọc Ao nói riêng và những nghệ nhân tài hoa trong nghề mộc của đất nước đã đóng góp trí tuệ, tài năng để cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân xây dựng lên Ngôi nhà vĩnh cửu của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của đồng bào, đồng chí và nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và quyết tâm to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc xây Lăng Chủ tịch Hồ chí Minh.

Xin kính cẩn nghiêng mình và tri ân công lao của các cụ, các ông những người thợ tài hoa của đất nước.

Trung tướng, PGS, TS. Đặng Nam Điền,
nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

         

Bài viết khác: