Những ngày này, cách đây 45 năm (1975 - 2020), tại Khu rừng K84 (nay là Khu Di tích K9), cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 69 (tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay), cùng với chuyên gia Liên Xô (nay là Liên bang Nga), đang ngày đêm làm nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là nhiệm vụ tuyệt đối bí mật, cán bộ, chiến sĩ, không có một mối liên hệ nào với bên ngoài, kể cả với gia đình, người thân. Còn đối với các chuyên gia Liên Xô (nay là Liên bang Nga), ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về cõi vĩnh hằng, các bạn đã có mặt tại Việt Nam để giúp đỡ chúng ta giữ gìn lâu dài thi hài của Người. Trong 6 năm chiến tranh (1969-1975), lúc ở K84, hoặc khi sơ tán đến những nơi bí mật khác, trong điều kiện ăn ở, sinh hoạt có nhiều khó khăn, thiếu thốn, song ở đâu, lúc nào, các bạn đều “đồng cam, cộng khổ” và luôn vui vẻ, sẻ chia với chúng ta những khó khăn trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt… Sau này, khi nước nhà thống nhất, có dịp trao đổi, trò chuyện với các nhà khoa học y tế Liên Xô, chúng ta mới thấy hết sự hy sinh thầm lặng của bạn đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Giáo sư, Viện sĩ Iu.I.Đê-ni-xốp-ni-côn-xki, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và y sinh Liên bang Nga, người đã có gần 30 lần sang Việt Nam, tâm sự: “Những năm chiến tranh ác liệt, mỗi khi các bác sĩ của chúng tôi sang Việt Nam được xác định như đi ra mặt trận. Họ để lại gia đình, vợ con ở hậu phương, chấp nhận sự khó khăn vất vả, nhưng ai nấy đều sẵn sàng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Vào thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, Liên Xô đang trên đà phát triển, các nhà khoa học của bạn được quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần. Đối với các bạn, chiến tranh đã lùi xa 25 năm, giờ lại lên đường ra mặt trận, điều đó càng khẳng định tình cảm to lớn mà các chuyên gia nói riêng và nhân dân Liên Xô nói chung đã dành cho Việt Nam.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử của mùa Xuân năm 1975, tin thắng lợi của quân và dân ta từ các chiến trường dồn dập báo về. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 vô cùng phấn khởi, niềm vui lại được nhân lên gấp bội, sau thời gian làm việc, các chuyên gia lại đến thăm hỏi, động viên và liên tục đề nghị với các đồng chí chỉ huy đơn vị thông báo về tình hình chiến sự và nhất là những chiến thắng của quân và dân ta. Trong căn phòng làm việc của mình, tổ trưởng Tổ chuyên gia, bác sĩ V.L.Kô-zen-sép, đã lấy một tấm bản đồ Việt Nam treo lên tường, ông đã làm những cây cờ nhỏ, màu đỏ. Mỗi khi nghe tin miền Nam giải phóng đến tỉnh, thành phố nào, ông lại cắm một lá cờ vào tên của tỉnh, thành phố đó. Sau này, khi chúng tôi sang làm việc với bạn tại Mát-xcơ-va, lúc đó V.L.Kô-zen-sép, đã là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, ông đã tặng lại chúng tôi những tờ báo Nhân Dân và Quân đội nhân dân mà ông và các bạn đồng nghiệp đã lưu giữ từ ngày 01/5/1975, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Khuôn mặt ông rạng ngời cùng các bạn hồi tưởng lại những phút giây lịch sử tại khu rừng K84 khi nghe tin quân, dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ông tâm sự: “Vừa hay tin Sài Gòn giải phóng, tôi vội vã cắm lá cờ chiến thắng lên bản đồ có dòng chữ Sài Gòn; đồng thời chạy ra hành lang để thông báo cho đồng nghiệp. Vừa lúc đó, các bạn Việt Nam đã ùa ra, chúng tôi ôm nhau, công kênh nhau, cùng reo hò mừng chiến thắng”.

TC voi chuyen gia Nga 2
Số báo Nhân dân và Quân đội nhân dân ra ngày 01/5/1975 được
GS, TSKH. V.L.Kô-zen-sép trao tặng cho đơn vị tại Mát-xcơ-va, tháng 6 năm 2003

Thấm thoắt đã 45 năm trôi qua, hầu hết các chuyên gia Liên Xô thời kỳ đó sang Việt Nam giúp chúng ta giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nay đã trở về với thế giới người hiền. Trong không khí hân hoan, phấn khởi hướng về những ngày tháng Tư lịch sử và niềm vui bước đầu Việt Nam đã khống chế thành công được dịch Covid-19, tôi viết bài này như một nén hương thơm kính dâng lên các anh hùng, liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Xin được tri ân các chuyên gia Liên Xô, những người đồng chí anh em đã kề vai, sát cánh với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn nửa thế kỷ qua trong nhiệm vụ linh thiêng: Giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Tháng 4/2020

Trung tướng PGS, TS. Đặng Nam Điền

Nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết khác: