Nhìn dòng người vào Lăng viếng Bác, bất giác trong tôi nhớ tới bài thơ “Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương “… Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng/ Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ/ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa Xuân…”.
Một ngày bình thường như những ngày bình thường, tôi hòa cùng dòng người vào Lăng viếng Bác. Dẫu đã bao lần vào viếng Người nhưng lần nào tôi cũng thấy trong lòng bồi hồi, xúc động. Nghe tiếng xào xạc của những khóm tre bên Lăng, tiếng rì rào nhè nhẹ của những chùm hoa dâm bụt đu đưa bên lối vào nhà sàn, tôi thấy như đâu đây dáng hình của làng quê Việt Nam với tiếng ru hời luôn ở bên cạnh Người. Trong dòng người về viếng Bác, tôi bắt gặp những cụ già, em bé, các cựu chiến binh, thương, bệnh binh và người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là bè bạn quốc tế từ các châu lục đến rất đông. Trong số họ, có những người đã vào Lăng viếng Bác một đôi lần, thậm chí rất nhiều lần, nhưng cũng có những người chỉ mới đến lần đầu. Song, tất cả đều có một điểm chung là ai cũng thành kính và xúc động. Nhiều người khi nhẹ bước qua nơi Bác nằm nghỉ, cứ muốn dừng chân lại ngắm thật lâu, dường như con mắt của ai cũng đỏ hoe. Người nằm đó, gương mặt hồng hào như vừa trải qua một ngày làm việc, giờ đang yên giấc ngủ. Người vẫn mặc bộ ka ki quen thuộc. Với bè bạn quốc tế, họ muốn được ngắm nhìn kỹ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và cao hơn cả, đó là người bạn gần gũi của tất cả các dân tộc đã và đang đấu tranh vì độc lập tự do, hòa bình, dân chủ, bình đẳng cho nhân loại mà tên tuổi của Người đã lan tỏa khắp năm châu.
Trong những cuốn sổ ghi cảm tưởng ở Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ, nhiều cuốn đã ngả màu theo năm tháng, có những cuốn dường như còn thơm mùi mực vừa mới ghi. Những người phục vụ ở đây kể rằng, có những người từ miền Nam lần đầu ra viếng Bác, khi viết những dòng cảm tưởng, vừa viết, mắt vừa rưng rưng lệ, họ sụt sùi mãi mới viết xong. Có những cựu chiến binh cứ cắn bút ngồi mãi, tay run run chỉ viết được đôi dòng rồi nức nở khóc không viết được nữa vì sự xúc động trào dâng; có má ở Nam Bộ không biết chữ, nhờ con cháu viết giùm, má bảo, được ra thấy Người là má toại nguyện về với tổ tiên rồi… Đọc những dòng ghi cảm tưởng của mọi người từ mọi miền quê đất nước về viếng Bác, tôi nhận thấy họ không chỉ là ghi lại những cảm nhận, sự xúc động và tôn kính Bác mà ở đây còn có cả những tâm huyết được sống, chiến đấu, lao động và học tập theo tấm gương của Người.
Ông Võ Minh Bình, một cựu tù của Hội tù yêu nước thành phố Đà Nẵng viết: “Chúng con xin thắp nén hương lòng thành kính dâng lên Bác kính yêu. Chúng con nguyện sống xứng đáng và làm theo lời Người dạy, ra sức cống hiến sức mình góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giầu mạnh để thỏa lòng Bác trước lúc Người đi xa…”. Một cựu tù Phú Quốc khác là ông Đỗ Cao Khoát, quê ở Bắc Ninh đã ngoài 70 tuổi, ông cho biết: “Làm sao tôi có thể quên được những hình ảnh cao đẹp của Người, những lời dạy ân tình, nặng nghĩa sâu sắc; những việc làm gương mẫu của Người sẽ đọng lại trong suốt cuộc đời tôi. Tôi nguyện theo lý tưởng của Bác Hồ, giữ gìn phẩm hạnh của mình luôn trong sáng, góp phần vào xây dựng một xã hội ấm no, hạnh phúc, bình đẳng và văn minh…”. Được biết, thời gian bị địch bắt giam cầm ở Phú Quốc là những năm tháng ông và các đồng đội của mình sống dưới địa ngục trần gian bởi những đòn thù cực hình tàn khốc. Tra khảo mãi không được chúng lại giở quẻ mua chuộc, dụ dỗ; dùng những thủ đoạn hèn hạ hòng dập tắt ý chí bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. Những lúc tưởng như không thể vượt qua ấy, họ lại nhớ đến Bác và sức mạnh kỳ diệu như được nhân lên, họ vượt qua tất cả những đói khát, đòn roi và năm tháng tù đày cho đến ngày toàn thắng.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Thanh Xuân ở huyện Củ Chi, tâm sự: “Được về viếng Bác, chúng con thật là sung sướng. Bác ơi! Những đứa con từ ngục tù, từ chiến trận trở về đây, nhiều người ngã xuống nhưng chưa từng gặp Bác, thậm chí có người chưa được ngắm nhìn ảnh của Bác. Chúng con xin hứa với Bác nguyện suốt đời làm theo lời Người dạy, tiếp tục đem công sức, trí tuệ của mình phục vụ đất nước, đi theo con đường mà Bác đã vạch ra cho dân tộc…”. Đại diện Đoàn người có công tiêu biểu tỉnh Cao Bằng về viếng Bác, tự hào là quê hương được thay mặt cả nước đón Người sau mấy chục năm bôn ba đi tìm đường cứu nước trở về, đã viết lại những dòng cảm tưởng bằng thơ: “Cao Bằng có suối Lê Nin/ Có núi Các Mác dựng nên cơ đồ/ Pác Bó được đón Bác Hồ (1941)/ Lãnh đạo kháng chiến bây giờ thành công… Cao Bằng nhớ Bác khôn nguôi/ Nhớ Người năm ấy ở nơi cội nguồn… Điện về khí hóa nông thôn/ Là nhờ ơn Đảng, nhờ ơn Bác Hồ”. Ông Võ Như Hùng, một Việt kiều ở Pháp về viếng Bác, “Phong cách hòa đồng, giản dị; những câu chuyện Bác đi thăm bà con trong thời gian Người ở Pháp… vẫn được bà con kiều bào thường xuyên kể lại với nhau trong các cuộc gặp mặt, đến nỗi bọn trẻ chúng tôi ngày đó đứa nào cũng thuộc lòng nội dung câu chuyện” - ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Đã 45 năm trôi qua, kể từ ngày Lăng Bác chính thức mở cửa cho đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế vào viếng Người, đến nay (4-2020) đã đón tiếp gần 60 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế về Lăng viếng Bác và tham quan. Nhiều đơn vị bộ đội trước ngày lên đường làm nhiệm vụ, nhiều buổi lễ tuyên thệ của những đoàn viên, thanh niên; nhiều doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan, trường học, địa phương trong cả nước đã hội tụ về đây, báo cáo với Bác về những việc đã làm được và nhận thiếu sót với Người những việc còn chưa thấu đáo của mình. Nhiều đôi trai gái trước ngày tổ chức lễ kết hôn đã đến trước Lăng Người bày tỏ lòng biết ơn và xin hứa sẽ làm tốt trách nhiệm, bổn phận của họ đối với gia đình và xã hội. Hàng trăm đoàn quốc tế đến thăm Việt Nam, trước khi làm việc với Đảng và Nhà nước ta đã bồi hồi, xúc động và thành kính đến đặt vòng hoa trước Lăng viếng Người.
Ngày nối ngày, những dòng người lặng lẽ đến trước Lăng Bác để nhận ở đó một niềm tin, một phẩm giá trong sáng của người chiến sĩ cách mạng, để yêu cái mà Người đã từng yêu, để mong cái mà Người đã từng mong, để đi trọn con đường mà Người đã từng đi suốt cả cuộc đời. Người vẫn luôn có mặt trong từng niềm vui của đất nước và đau đáu một nỗi niềm mong mỏi “Đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”.
Lê Quý Hoàng