Làn điệu dân ca “… Làng quan họ quê tôi, những chiều bao thương nhớ/ Tiếng ca đầu ngọn gió, nón quai thao... người ơi/Nón quai thao nói gì người ơi…” vang lên làm rộn ràng, xao xuyến cả khu vực Quảng trường Ba Đình trong chiều đông giá lạnh.

Quan ho

Liền anh, liền chị trao nhau khúc hát Quan họ

 Dòng người tham quan khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình tấp nập hướng về ngã tư đường Hùng Vương - Chùa Một Cột để ngắm nhìn những “liền anh, liền chị” thướt tha trong tà áo tứ thân đang say sưa thể hiện những làn điệu dân ca Quan họ. Không lung linh ánh đèn và sân khấu, giữa một khoảng không gian rộng lớn, lời các bài hát: Làng Quan họ quê tôi, Song đào, Lý giao duyên, Hoa thơm bướm lượn, Cây trúc xinh, Những cô gái Quan họ… cứ tiếp nối nhau ngợi ca quê hương đất nước, thật mượt mà, đằm thắm, thiết tha, tạo cảm giác không gian như lắng lại, tình cảm giữa ca sỹ và khán giả như xích lại gần nhau, cùng sẻ chia, đồng cảm qua từng lời ca tiếng hát. Những làn điệu dân ca đã cuốn hút sự chăm chú dõi theo và trầm trồ khen ngợi của đông đảo đồng bào, chiến sỹ và cả những người bạn quốc tế. Mọi người đến để tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan, kiến trúc Công trình Lăng, nhưng chiều nay thật là ý nghĩa - được thưởng thức thêm những làn điệu dân ca Quan họ làm say đắm lòng người, ở nơi Quảng trường Ba Đình lịch sử...

Đó là chương trình phối hợp hoạt động văn hoá nghệ thuật giữa lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Theo như Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng Ban Quản lý Lăng, kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng cho biết: “Đơn vị chọn chương trình hát Quan họ để mở đầu cho các hoạt động văn hoá nghệ thuật ở các tuyến phố đi bộ quanh khu vực Lăng Bác, bởi Dân ca Quan họ Bắc Ninh có từ hàng nghìn năm nay, là một trong những làn điệu dân ca rất quen thuộc ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Đồng thời, dân ca Quan họ Bắc Ninh là một trong 6 Di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Hôm nay, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã thể hiện những tiết mục đặc sắc, phục vụ bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chính Người cũng đã được UNESCO vinh danh là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất”.

Quan ho 1

Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với Đoàn Nghệ thuật Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của đồng bào trong nước và bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu. Để phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Trong năm 2012, Ban Quản lý Lăng đã chủ động phối hợp với các lực lượng tổ chức nhiều hoạt động văn hoá mang ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc. Nổi bật là trong dịp 19/5/2012, kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triển khai 3 tuyến phố đi bộ ở phía Nam khu vực Lăng Bác, tạo không gian rộng, môi trường trong lành phục vụ mọi người về Lăng viếng Bác, tổ chức các sinh hoạt chính trị, văn hoá và tham quan khu vực rất thuận lợi. Tiếp theo đó, dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đơn vị đã tổ chức trang trí cây hoa, cây cảnh đủ các sắc màu lộng lẫy ở các tuyến phố đi bộ Nam Hùng Vương, Chùa Một Cột và Ông Ích Khiêm. Trong dịp tu bổ định kỳ tháng 10/2012, đơn vị đã tổ chức tiếp nhận ba khối đá quý do Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An trao tặng phục vụ việc tôn tạo cảnh quan, kiến trúc Công trình Lăng. Từ năm 2013, đơn vị chủ trương phối hợp với các đơn vị nghệ thuật, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ vào buổi chiều trong các dịp kỷ niệm các ngày lễ, Tết để phục vụ đồng bào, khách quốc tế tham quan tại khu vực Lăng.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh chiều ngày 30/12/2012 không chỉ có ý nghĩa phục vụ đồng bào, khách quốc tế đến tham quan khu vực Lăng Bác, mà còn phần nào toại nguyện được những ước mơ, nguyện vọng của các nhạc sỹ, ca sỹ, những “liền anh, liền chị” luôn dành tình cảm kính trọng, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Mạnh Thắng - Trưởng Đoàn Nghệ thuật 2 Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã nghẹn ngào xúc động chúng tôi là những nhạc sỹ, ca sỹ, mỗi khi nghe bài hát “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của Nhạc sỹ Trần Hoàn, thấy tình cảm của Bác dành cho dân ca Quan họ thật đặc biệt. Khi nghe đến đoạn “Lần thứ ba Bác vẫy gọi xung quanh. Bác muốn nghe một đôi làn Quan họ. Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ, bước vào, gần Bác. Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở, tái tê rằng: Người ơi, người ở đừng về... Bác nhìn em, rơm rớm hàng mi”, chúng tôi cũng cảm động rưng rưng nước mắt, và thật may mắn và hạnh phúc khi được về bên Lăng, hát cho Bác nghe những làn điệu dân ca mà Người hằng yêu thích”.

Đúng như vậy, những lời ca tiếng hát đã làm ấm lòng người, làm cho không gian ở khu vực Lăng Bác thêm phần sống động, tạo cho các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hoá ở khu vực Lăng Bác thêm phong phú, đa dạng, đáp ứng được tình cảm của đồng bào, khách quốc tế dành cho Bác Hồ kính yêu. Tạm dừng những làn điệu Quan họ, chia tay những “liền anh, liền chị” trong tình cảm lưu luyến, Thiếu tướng Đặng Nam Điền, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn: “Đơn vị sẽ có nhiều lần được đón tiếp Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh về Thủ đô Hà Nội, trực tiếp về Lăng viếng Bác và biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phục vụ nhân dân và khách quốc tế. Đồng thời chúng tôi cũng mong nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, Tết được đón tiếp nhiều đoàn nghệ thuật ở các cơ quan, đơn vị, các địa phương đến biểu diễn phục vụ đồng bào và khách quốc tế tham quan ở khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Mong muốn được thưởng thức những chương trình nghệ thuật ở khu vực Lăng Bác không chỉ là tình cảm của cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, mà còn là mong muốn, nguyện vọng của đông đảo nhân dân  và đồng bào, khách quốc tế mỗi khi có dịp được về Lăng viếng Bác và tham quan Thủ đô Hà Nội, bởi: “Lúc chia ly, lời di chúc đơn sơ, Bác muốn non sông đinh ninh lời hẹn thề: Rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết... những khúc hát dân ca"./.

Nguyễn Hữu Mạnh

Bài viết khác: