Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất; Người tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho những giá trị cao đẹp nhất của tâm hồn, ý chí, nhân cách Việt Nam. Với truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và thể theo tình cảm, nguyện vọng tha thiết của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm đối mặt với quân thù, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Công trình Lăng của Người, để các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế được đến viếng thăm, chiêm ngưỡng.
Đoàn đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
dâng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đồng bào và chiến sĩ cả nước đều mong muốn sớm xây dựng Lăng Bác, để lại được gặp Người và bày tỏ với Người ý chí, quyết tâm của cả dân tộc, nguyện đi tiếp con đường mà Đảng và Bác đã vạch ra.Ngày 29-11-1969, thể theo nguyện vọng tha thiết của toàn dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định: “...Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người...”.
Quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được lan truyền rất nhanh đến mọi tầng lớp nhân dân qua các phương tiện thông tin. Một đợt sáng tác mẫu thiết kế Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát động. Từ tháng 5 đến tháng 8-1970, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 phương án thiết kế của 16 đơn vị, ngành và nhiều cá nhân gửi tới. Hội đồng sơ tuyển đã chọn được 24 phương án có nhiều ưu điểm nhất để triển lãm lấy ý kiến nhân dân từ tháng 9 đến tháng 11-1970.
Ngày 2-9-1973, Lễ khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Chủ trì buổi lễ là các đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Đỗ Mười, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ xây dựng.
Với tấm lòng biết ơn và kính yêu vô hạn Hồ Chủ tịch, toàn dân và toàn quân đã đem hết trí tuệ và tinh thần tập trung cao độ để xây dựng ngôi nhà vĩnh cửu của Người. Công trình được thi công khẩn trương liên tục, với khí thế thi đua chia lửa với miền Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên các lực lượng xây dựng Lăng đã không quản ngày đêm hoàn thành tốt các hạng mục công việc. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, công việc xây dựng Lăng cũng bước vào giai đoạn hoàn thành.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghi mà giản dị. Từ Quảng trường nhìn lên, Lăng gồm 3 phần: Mái - cột - nền. Mái Lăng xếp tam cấp, bốn góc chếch đầu đao, có dáng dấp như mái chùa cổ kính tôn nghiêm và quen thuộc. Dưới mái là những hàng cột gợi nhớ đến ngôi nhà 5 gian truyền thống của dân tộc. Phía trong hàng cột là cốt Lăng, nơi đặt thi hài Bác được ốp bằng đá hoa cương mầu đỏ sẫm. Nền Lăng cấu trúc tam cấp được ốp bằng đá hoa cương màu xám đen. Trên mặt thành mái Lăng phía trước có hàng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng đá ngọc bích. Các bậc cầu thang lát bằng đá hoa cương. Tất cả các tường và cột phía trước đều được ốp bằng đá cẩm thạch. Tiền sảnh ốp đá hoa cương vân đỏ hồng tươi làm nền cho dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chữ ký của Bác.
Đúng 16 giờ, ngày 18-7-1975, Đoàn xe chở thi hài Bác được lệnh xuất phát từ K84 (Khu Di tích K9). 20 giờ ngày 18-7-1975, đoàn xe về tới Quảng trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chờ sẵn đón Bác vào Lăng. Giờ phút ấy thật trang nghiêm, xúc động.
Sáng 29-8-1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Đoàn đại biểu Liên Xô, Đoàn Chuyên gia y tế, kiến trúc, xây dựng, kỹ thuật Liên Xô, đoàn ngoại giao, đại biểu các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành; đại biểu các cơ quan, đơn vị tham gia xây dựng Lăng Bác và Quảng trường, cùng hàng nghìn nhân dân Thủ đô đã tham dự buổi lễ trọng thể này.
Tại buổi Lễ khánh thành Lăng, đồng chí Trường Chinh phát biểu: “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc có ý nghĩa chính trị và tư tưởng to lớn, thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Đây là nơi nhân dân Việt Nam, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ đến chiêm ngưỡng để tỏ lòng biết ơn Hồ Chủ tịch, quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Người”.
Đón Bác về Lăng, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác chuyển sang một giai đoạn mới. Thi hài Bác được bảo vệ và giữ gìn trong Lăng, hàng ngày có hàng nghìn lượt người đến thăm viếng. Bên cạnh nhiệm vụ y tế, kỹ thuật phải tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh khu vực, tổ chức gác tiêu binh danh dự và đón tiếp khách đến viếng Bác. Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Ban Chỉ đạo đã báo cáo Quân ủy Trung ương (QUTƯ) thành lập Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng). Ngày 28-12-1975, Thường vụ QUTƯ ra Quyết định số 279/VP-QU, thành lập Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng (lấy phiên hiệu Bộ tư lệnh 969), có nhiệm vụ: Trực tiếp chăm lo giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quản lý, vận hành, bảo quản hệ thống thiết bị Công trình Lăng và các công trình liên quan; Tổ chức gác danh dự và bảo vệ an ninh Khu vực Lăng; Hướng dẫn các đoàn khách và nhân dân vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 8-1991, chế độ chính trị ở Liên Xô sụp đổ, Hiệp định viện trợ không hoàn lại của Liên Xô dành cho Việt Nam trong đó có Công trình Lăng đã hết hiệu lực; chuyên gia kỹ thuật không sang; còn chuyên gia y tế sang trực tiếp làm thuốc giữ gìn thi hài Bác thường xuyên bị gián đoạn. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, với những nỗ lực vượt bậc và trí thông minh sáng tạo, đơn vị đã vượt qua thử thách, hợp tác cùng các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Matxcơva (Liên bang Nga), từng bước vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn Lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 328-TB/TW ngày 19-4-2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 22-12-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2341/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”; ngày 08-3-2012, Thường vụ Quân uỷ Trung ương ban hành Nghị quyết số 122/NQ-QUTƯ về “Lãnh đạo nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Đây là những vấn đề rất cơ bản trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, quyết định kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trong giai đoạn mới.
Thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, tuyệt đối an toàn nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trển khai chặt chẽ, thận trọng việc đánh giá thi hài Bác sau 50 năm giữ gìn (1969-2019), Hội đồng Khoa học y tế cấp Nhà nước về kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện thấy sự thay đổi nào so với các báo cáo đánh giá trước đây”. Phối hợp với Trung tâm nghiên cứu y sinh Matxcơva trong thực hiện nhiệm vụ y tế và hợp tác nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt. Tổ chức thành công việc pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam và hoàn thành dự án VN01, tạo bước ngoặt quan trọng, khẳng định sự vươn lên làm chủ vững chắc từng bước, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Trong quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật, đơn vị triển khai Cuộc vận động: “Giữ tốt dùng bền, an toàn, tiết kiệm”, tăng cường công tác bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo nâng cấp, quản lý chặt chẽ, vận hành hợp lý, hiệu quả thiết bị hiện có, vừa ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật để kéo dài thời gian khai thác, sử dụng các thiết bị, vừa đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội nghiên cứu, thử nghiệm thay thế dần các thiết bị cũ bằng những thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và từng bước đáp ứng yêu cầu tự động hoá.
Cùng với đó, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ trong tình hình mới được các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng đặc biệt quan tâm. Từ ngày 19-5-2001, tổ chức thực hiện trang trọng nghi lễ chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện nghi lễ đón các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nguyên thủ quốc gia khi vào Lăng viếng Bác theo nghi thức mới. Từ ngày mở cửa Lăng 29-8-1975 đến ngày 29-7-2020, đơn vị đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn gần 60 triệu lượt người, trong đó có hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phục vụ hơn 2.686 đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị tại Lăng; chiếu phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ 33.549 đoàn; tặng Huy hiệu Bác Hồ 108.524 đại biểu. Tổ chức đón tiếp 1.080 Đoàn người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác. Duy tu tôn tạo cảnh quan, môi trường Khu vực Lăng, Quảng trường Ba Đình ngày càng khang trang, sạch đẹp. Tại Khu Di tích K9 từ năm 1998 đến nay, đã đón tiếp 50.581 đoàn/tổng số 3.257.298 lượt người đến tưởng niệm Bác Hồ và thăm quan Khu Di tích.
Kết quả qua hơn 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, 45 năm khánh thành, mở cửa Lăng đón đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác và 45 năm xây dựng, trưởng thành, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1980), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2018), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (năm 2015), Huân chương Quân công hạng Ba (năm 1983, 2019), Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 1984), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2000). Đặc biệt năm 2004, đơn vị được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỳ đài lịch sử của thế kỷ 20, là công trình của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga ngày nay; công trình của “Lòng dân - ý Đảng”; của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị và thời đại sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam. Đồng thời là cầu nối về văn hóa và tình hữu nghị giữa dân tộc ta và bạn bè quốc tế.
Với lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVTND trong thời kỳ đổi mới, bước vào giai đoạn mới, cán bộ, nhân viên, chiến sỹ Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, xây dựng đảng bộ thực sự trong sạch vững mạnh, tiêu biểu trong Đảng bộ Quân đội, không ngừng phấn đấu vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt: Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, để Lăng Bác mãi mãi là nơi tôn nghiêm nhất, không gian thiêng liêng, nơi góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng TS. Bùi Hải Sơn
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh