Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

 

Bia sach di tichIII. XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HOÁ CỦA KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI ĐÁ CHÔNG

1. Giá trị lịch sử của Khu di tích

Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời tận tuỵ hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Phẩm chất và đạo đức đó mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho cán bộ và nhân dân ta soi chung. Người cũng đã từng nói với Mác-ta Rô-bát (phóng viên báo Gramma - Cu Ba): "Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi".

Khi Hồ Chủ tịch qua đời, đồng bào và chiến sĩ ta vô cùng thương tiếc Người, bạn bè quốc tế cũng chia sẻ với chúng ta niềm đau thương vô hạn.

Đảng và nhân dân ta đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người tại Ba Đình. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" và thể hiện tình cảm kính yêu của nhân dân ta đối với con người vĩ đại đã sáng lập, rèn luyện Đảng ta, xây dựng Nhà nước ta, mang lại quyền làm người cho bao kiếp đời nô lệ lầm than. Trên khắp mọi miền đất nước, nhân dân đã bảo tồn, xây dựng các di tích, công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích Đá Chông - K84 là một Khu di tích đặc biệt trong hàng ngàn khu lưu niệm và công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giá trị lịch sử của Khu di tích Đá Chông được thể hiện:

Một là, khu căn cứ K9 là nơi Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã sống và làm việc.

Vào những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cách mạng nước ta đã bước vào một thời kỳ lịch sử vĩ đại. Miền Bắc sau những năm hàn gắn vết thương chiến tranh, bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với khí thế dời non lấp biển của "Sóng Duyên hải", "Gió Đại phong", "Cờ Ba nhất". Trong khi đó ở miền Nam, đồng bào ta đang rên xiết dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm. Với đạo luật phát-xít 10-59, bọn giặc đã gây ra những vụ tàn sát đẫm máu, hung hăng hô hào lấp sông Bến Hải, "Bắc tiến" tìm diệt cộng sản. Sau Hội nghị Trung ương 15 (tháng 1 năm 1959) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, xác định 2 nhiệm vụ chiến lược và vạch rõ con đường cách mạng của miền Nam. Phong trào cách mạng miền Nam đã chuyển biến với những bước thần kỳ. Miền Nam hướng về Trung ương Đảng và Bác Hồ với niềm tin son sắt, vững tin vào người chèo lái con thuyền cách mạng đang vượt qua ghềnh thác.

Theo ông Vũ Kỳ, K9 là một trong 2 khu căn cứ được gọi là Nhà khách Trung ương. Đây là nơi dành cho các Hội nghị của Bộ Chính trị. Khu nhà khách Trung ương ở Tam Đảo là nơi dành cho Hội nghị của Quân ủy Trung ương. K9 là nơi Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị, những người bạn chiến đấu gần gũi nhất, những người học trò xuất sắc nhất đã đến làm việc và nghỉ ngơi. Trong những buổi làm việc đó nhiều vấn đề trọng đại của đất nước đã được bàn và quyết định ở đây.

Tại tầng 1 của ngôi nhà sàn đã từng diễn ra Hội nghị Bộ Chính trị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần tới thăm Khu di tích vào năm 1998 đã bồi hồi xúc động chỉ cho mọi người biết chiếc ghế Bác đã từng ngồi chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị. Chiếc ghế lớn kê ở đầu bàn là nơi Bác ngồi. Phía tay phải Bác ngồi là đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và các đồng chí khác. Phía tay trái Bác là đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã ngồi vào chỗ ngồi trước đây và trầm ngâm nhớ tới Bác.

Hai là, Khu di tích Đá Chông, nơi thể hiện tình cảm cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bầu bạn quốc tế.

Ngôi nhà sàn là nơi Bác đã tiếp hai người bạn quý: Bà Đặng Dĩnh Siêu và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô G.M Ti-tốp.

Người khách nước ngoài thứ nhất Bác Hồ đã tiếp tại K9 đó là Bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc).

Trong những năm tháng hoạt động ở Quảng Đông, bà Đặng Dĩnh Siêu là người đã hoạt động cùng với Bác. Sau này bà Đặng Dĩnh Siêu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Với Bác, Thủ tướng Chu Ân Lai có mối quan hệ huynh đệ đặc biệt thân tình từ khi hai người cùng hoạt động trong Quốc tế cộng sản. Chu Ân Lai thường gọi Nguyễn ái Quốc là anh và xưng là em. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Thủ tướng Chu Ân Lai đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc cử làm Trưởng đoàn sang Việt Nam chia buồn và dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người khách thứ hai được Bác tiếp tại K9 là Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô G.M Ti-tốp. Đây là người đã lái con tàu vũ trụ Phương Đông 2 bay 17 vòng quanh trái đất, làm nên một điều kỳ diệu nhất trong lịch sử loài người. Đồng chí G.M Ti-tốp sang thăm mang theo tình đoàn kết của nhân dân Liên Xô, đồng thời cũng mang theo kinh nghiệm thi đua hoàn thành kế hoạch Nhà nước do Đảng, Chính phủ Liên Xô đề ra.

Bác và Trung ương đã đón đồng chí G.M Ti-tốp với nghi thức trọng thể, nồng nhiệt và thắm tình hữu nghị anh em. Thay mặt Đảng và Nhà nước ta, Hồ Chủ tịch đã trao tặng G.M Ti-tốp danh hiệu Anh hùng lao động. Người đã phát động phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch và đề ra phần thưởng: Đơn vị nào, xí nghiệp nào, hợp tác xã nào vượt mức kế hoạch tốt nhất thì được lấy tên Anh hùng G.M Ti-tốp.

Sau này đồng chí G.M Ti-tốp là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga và là người có nhiều đóng góp tích cực xây đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam và Liên Xô.

Sự kiện Bác Hồ tiếp hai đoàn khách quốc tế ở K9, ngoài nghi lễ ngoại giao, đây là một cử chỉ thể hiện tình cảm quốc tế cao cả và sự thân tình của Bác đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Liên Xô, Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt vào thời điểm mối quan hệ Liên Xô, Trung Quốc đang có sự bất hoà.

Ba là, Đá Chông là một địa danh lịch sử thiêng liêng, nơi đã bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt.

Sau những ngày tang lễ, thi hài Bác được giữ gìn ở 75A. Năm 1969, cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn đánh gãy xương sống Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ. Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã tăng cường viện trợ cho quân ngụy và tuyên bố sẵn sàng ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam.

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối thi hài Bác, Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng một công trình khác cũng như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó giữ gìn bảo đảm an toàn. Sau nhiều lần đi khảo sát địa hình, cân nhắc tính toán các mặt, K9 đã được chọn làm nơi giữ gìn thi hài Bác. Bộ đội Công binh đã được giao nhiệm vụ cải tạo và thi công hệ thống công trình phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Những năm chiến tranh ác liệt, để giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, sự giúp đỡ của chuyên gia y tế Liên Xô, Đoàn 69 đã tổ chức 5 cuộc hành quân di chuyển thi hài Bác. Trong những cuộc hành quân đó có 3 lần thi hài Người được chuyển về K84 và thời gian Bác yên nghỉ ở K84 là lâu nhất (4 năm rưỡi trên tổng số 6 năm chiến tranh) trước khi đón Bác về Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người.

Ngày nay, nơi Bác yên nghỉ trong những năm chiến tranh gian khổ đã trở thành một địa danh lịch sử thiêng liêng, in dấu những năm tháng không bao giờ quên của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 và tinh thần quốc tế trong sáng của các chuyên gia y tế Liên Xô.

Bốn là, Khu di tích lịch sử - văn hóa Đá Chông, nơi thể hiện tình cảm của nhân dân ta đối với Bác Hồ kính yêu.

Những Khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi Bác đã sống và hoạt động cách mạng được trân trọng giữ gìn ở nhiều địa phương trên đất nước ta và cả ở nước ngoài. Đó chính là thể hiện tình cảm kính yêu đời đời biết ơn và sự ngưỡng mộ, thành kính của đồng bào ta và bạn bè quốc tế đối với Bác Hồ. Tại những khu di tích đó, khi được trực tiếp tiếp xúc với những bằng chứng sát thực nhất thông qua cảnh quan môi trường và những hiện vật lịch sử, mọi người càng hiểu biết đầy đủ hơn về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thật cảm động khi chúng ta biết được vào những năm tháng Bác yên nghỉ ở Khu di tích Đá Chông, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, những người học trò xuất sắc của Người và cả những người con ưu tú của miền Nam đang chiến đấu đã đến đây kính cẩn viếng Người, nguyện thực hiện lời thề trước lúc vĩnh biệt Người.

Sau khi đón Bác về Lăng, cùng với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn Khu căn cứ K84. Cũng trong thời gian này, đáp ứng nguyện vọng của các đoàn cán bộ và nhân dân, được phép của cấp trên, đơn vị đã tổ chức đón tiếp một số đoàn đến thăm quan, nghiên cứu tại Khu căn cứ K84.

Khu di tích Đá Chông là một di tích lịch sử còn ở dạng nguyên khai. Những hiện vật ở đây đều là hiện vật gốc, được giữ gìn hầu như nguyên vẹn như khi Bác Hồ còn sống và làm việc tại đây. Cụm từ "Khu di tích lịch sử Đá Chông" mới chỉ được gọi gần đây. Vì vậy, chức năng tổ chức thăm quan tại Khu di tích một cách nền nếp cũng mới chỉ được thực hiện trong những năm gần đây.

Năm là, Khu di tích Đá Chông còn là một căn cứ dự phòng của công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những công trình tuyệt mật của quốc gia luôn đặt ra yêu cầu dự phòng cao về an ninh, kỹ thuật và phải có những địa điểm sơ tán để sẵn sàng di chuyển khi có tình huống đặt ra.

Trước đây, trong những năm chiến tranh, Bộ Chính trị đã giao Quân ủy Trung ương tìm một vị trí bí mật, xa Hà Nội và thuận tiện cho việc di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng. Các nhà chiến lược quân sự đã chọn K9 là nơi xây dựng một công trình cho việc bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác. Theo Thiếu tướng Trần Kinh Chi, sở dĩ K9 được chọn vì những lý do sau:

Thứ nhất, K9 nằm trong dải rừng nối liền với núi Ba Vì. Từ trên cao nhìn xuống, các công trình của K9 nằm trong một vệt rừng và cũng không có những đặc điểm địa hình khác biệt, dễ bị chú ý, nên có nhiều thuận lợi trong việc giữ bí mật.

Thứ hai, K9 không quá xa Thủ đô Hà Nội, di chuyển thi hài Bác tương đối thuận lợi, lại nối liền với các khu vực có địa hình rừng núi an toàn, có thể cơ động trong những tình huống đặc biệt.

Thứ ba, có một điều không được nói lên thành lời, nhưng trong tâm thức ai cũng biết: Nơi đây lúc sinh thời, Bác Hồ rất yêu thích.

Mặc dù nơi đây điều kiện còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng vẫn là nơi giữ gìn thi hài Bác Hồ chủ yếu trong những năm chiến tranh ác liệt.

2. Giá trị văn hóa của Khu di tích

Một là, Khu di tích Đá Chông - nơi tiếp nối mạch nguồn lịch sử - văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh.

Địa danh Đá Chông nằm ở nơi bắt nguồn, nơi tiếp nối của mạch nguồn lịch sử - văn hóa, bắt đầu từ thời đại Hùng Vương. Đứng trên núi tổ Ba Vì ta có thể thấy Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, phóng xa tầm mắt về phía Bắc là miền trung du đất tổ Vua Hùng, phía sau là đồng bằng Bắc Bộ, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Trên vùng đất địa linh nhân kiệt này có biết bao huyền thoại, tồn tại rất nhiều di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử - văn hóa. Chắc chắn vùng đất này chứa đựng những trầm tích lịch sử - văn hóa đặc biệt, mà một linh cảm đặc biệt đã phát hiện ra và để lại dấu ấn của mình.

Đây là một vùng đất cổ xưa gắn với những huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh của thời đại Hùng Vương. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định rằng thời đại Hùng Vương là thời đại có thật trong lịch sử Việt Nam, danh xưng này khởi đầu từ truyền thuyết và ghi chép có phần hoài nghi trong các bộ sử biên niên của nước ta thời trung đại. Nhưng, gần đây giới sử học Việt Nam đã làm sáng tỏ thời đại có thật bị huyền thoại hóa này bằng hàng trăm di chỉ khảo cổ học thuộc Bắc Bộ và Trung Bộ. Khởi đầu thời đại Hùng Vương theo ghi chép trong sách Việt Sử lược là khoảng vào năm 696-682 trước công nguyên, tương ứng với văn hóa khảo cổ học Gò Mun. Tiếp nối di chỉ khảo cổ học Phùng Nguyên có niên đại vào khoảng đầu thiên niên kỷ II trước công nguyên, với đỉnh cao của nghề gốm nguyên thủy nước ta, các hoa văn trên gốm đạt đến trình độ tuyệt diệu, phức tạp, đối xứng sinh động. Đặc biệt được phân bổ rộng khắp từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc đến Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh.

Một vài địa danh văn hóa quen thuộc tỉnh Hà Tây chúng tôi dẫn ra đây có thể chứng minh cho nhận định rằng Hà Tây là vùng đất huyền thoại, nơi cư trú của người Việt cổ.

Núi Tản sông Đà, rừng quốc gia Ba Vì, nơi có đền thờ Thánh Tản Viên, một trong bốn vị bất tử của nước ta. Núi Tản được gọi là "Núi Tổ của nước ta đó" (theo Dư địa chí). Năm 1999 đã xây dựng đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua (ở điểm cao 1.296m).

Ao Vua, thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây là một danh thắng, từng lưu giữ nhiều dấu vết Sơn Tinh. Những hiện vật được phát hiện cho thấy các dấu vết của quặng đồng, có thể ở đây có mỏ đồng hoặc nơi luyện đồng từ thời cổ.

Ấp Chông, thuộc xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũng phát hiện dụng cụ bằng đồng và hợp kim vào thiên niên kỷ I trước công nguyên.

Đồng Mô, thuộc xã Trầm Lộng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây là danh thắng, một điểm du lịch. Ở đây cũng phát hiện một thùng bằng đồng có hoa văn, hai quai hổ phù ngậm vòng.

Trống đồng, phát hiện ở Sơn Tây được lưu giữ ở Bảo tàng lịch sử, thuộc loại trống nhóm A. Tại đây, năm 1400 nhà Hồ đã chọn Sơn Tây xây chiến lũy thành cổ để chống giặc Minh.

Hai là, dấu ấn của một con người có đạo đức, phong cách sống cao đẹp, giản dị

Nói đến phong cách sống của Bác, Giáo sư Phan Ngọc đã có cách lý giải rất xác đáng. Giáo sư cho rằng phong cách sống là một kiểu lựa chọn cách sống. Một triết nhân phương Đông, kiểu lựa chọn này thể hiện đầu tiên ở phong cách sống cho chính mình. Sự nghiệp và cuộc đời một người gắn bó làm một, không có sự phân chia thành hai phần. Ở phương Tây, nhiều khi người ta xem xét thành hai phần, phần thứ nhất là những công việc họ làm, phần thứ hai là cuộc đời của chính họ. Một con người phương Đông muốn xây dựng một lý thuyết, trước hết chọn một cách sống và cố gắng chung thủy với sự lựa chọn ấy trong mọi hoàn cảnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa thế giới và trước tiên Người là nhà văn hóa phương Đông. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở tầm cao, chiều sâu của một thiên tài nhiều mặt, đồng thời được thể hiện nhuần nhuyễn, mẫu mực trong phong cách đạo đức sống của Người.

"Hồ Chủ tịch không có cái gì riêng, cái gì của nước, của dân là của Người. Quyền lợi tối cao của nước, lợi ích hàng ngày của dân, là sự lo lắng hàng ngày của Người" (Phạm Văn Đồng).

Chúng ta đã biết, sau hòa bình lập lại, khi chuyển đến Phủ Chủ tịch, Bác chọn một căn phòng của một người thợ điện (ngày trước gọi là phu phen trong Phủ toàn quyền). Bác đã ở căn phòng đó 4 năm từ năm 1954 đến năm 1958. Bây giờ căn phòng của người thợ điện ấy là một hiện vật quý trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Năm 1958, Bác đi thăm một số nước gần 2 tháng, nhân đấy mọi người mới làm một cái nhà sàn. Lúc về, Bác nhận cái nhà sàn gỗ ấy mới không ở căn buồng người thợ điện (theo đồng chí Việt Phương, Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Vậy khi Bác nhắm hướng, duyệt thiết kế và cho xây dựng ngôi nhà 2 tầng ở Đá Chông là Bác quyết định xây nhà cho Trung ương hội họp và nghỉ ngơi. Khi ta gọi một cách thân thuộc là nhà của Bác thì đã hiểu đó là nhà dành cho Trung ương Đảng.

Ngôi nhà hai tầng mái ngói đỏ có hàng cột tròn chạy xung quanh trông gần giống như ngôi nhà sàn trong Phủ Chủ tịch.

Con người Bác, cuộc sống của Bác thật giản dị, luôn chăm lo cho mọi người, Bác sống một cuộc sống của người bình thường giản dị, không bị chi phối bởi tiện nghi cầu kỳ. Việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác, người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng chỉ rõ: Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị long trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.

Ba là, hiện thân của nhà văn hóa Hồ Chí Minh với tư tưởng "con người sống hòa hợp với thiên nhiên"

Bác Hồ đến khu vực Đá Chông, từ tâm thức Người đã có ý nguyện riêng tạo ra một nơi sống và làm việc cho mọi người và bản thân mình, nơi cảnh quan đẹp hài hoà, hữu ích. Nơi này đã trở thành một nơi mang dấu ấn văn hóa của Người đã tạo ra nó. Hay nói như cách định nghĩa của M. Goóc-ki: Văn hóa là "thiên nhiên thứ hai".

Trước tiên, phải nói về ngôi nhà 2 tầng (nhà sàn). Gọi là "nhà sàn" nhưng nó mang dáng dấp của những ngôi nhà sàn nhỏ của Bác ở chiến khu Việt Bắc. Phần lớn các ngôi nhà sàn dựng lên bằng cọc trên những dòng suối để phòng tránh thú dữ, rắn rết. Những hàng cột xung quanh đã nâng đỡ ngôi nhà, tạo ra không gian thoáng rộng cho tầng dưới và dáng vẻ vững chắc của những hàng cột lại gợi cho ta liên tưởng đến những hàng cột trong các ngôi đền thờ cổ La Mã.

Qua sân nhà là con đường đi xuống bờ sông, từng bậc thang được trải đầy sỏi cuội. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: "Người thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá và thỉnh thoáng uống một ly rượu thuốc trong bữa ăn, tránh ăn no, không ngủ trưa và hoạt động thân thể, buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn, lúc cần đi vác củi cho đồng bào". Khi thi công con đường này, anh em muốn lát gạch hoặc láng bê tông cho phẳng, nhưng Bác đã yêu cầu đổ sỏi cuội cho mát và để khi đi bộ bàn chân sẽ tiếp xúc với sỏi cuội cho "chân cứng đá mềm", sức thêm bền bỉ.

Một nét đặc sắc nữa của Khu vực Đá Chông là cảnh quan môi trường cho thấy Người đã ứng xử với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên như thế nào?

Khi xây dựng các ngôi nhà, làm đường sá Người đã yêu cầu giữ lại tất cả các cây trồng lấy gỗ. Các ngôi nhà, đường sá đều được làm trên những khoảng trống không có cây trồng. Bác còn tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng các loại cây nhãn, quế, vải, bưởi, trồng rau xanh và trồng hoa. Hai loại cây được trồng ở những nơi thường xuyên Người có thể nhìn thấy được đó là cây vú sữa của miền Nam thân yêu và cây hoa râm bụt của quê hương. Cây vú sữa được trồng ngay trước cửa sổ bàn làm việc; cây hoa râm bụt trồng ở con đường bậc thang ngày ngày Bác vẫn đi dạo rèn luyện sức khỏe.

Có thể nói, với tư cách là chủ thể, Bác đã không chỉ giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ mà còn cải tạo, điểm tô cho thiên nhiên, mang thiên nhiên trở lại phục vụ con người, biến thiên nhiên trở thành đối tượng của cái đẹp dành cho con người thưởng thức, hưởng thụ.

Bài viết khác: