Thứ ba, 07/01/2025

Không chỉ trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật và những trước tác Người để lại, mà trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên nhiên và mùa Xuân đất nước luôn gắn bó mật thiết, rất gần gũi, thân quen và là đối tượng khơi nguồn cảm hứng, góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng trong tư tưởng và tình cảm của Người.

Thiên nhiên và mùa Xuân đất nước qua thơ văn của Bác

Tách mình ra khỏi tự nhiên nguyên khởi là một nỗ lực và là bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển của loài người, kể từ khi con người biết chế tác ra công cụ lao động và sử dụng ngôn ngữ như một phương tiện giao tiếp rất hữu hiệu. Điều này đã được F. Engel nói rất rõ trong tác phẩm nổi tiếng: “Biện chứng của tự nhiên”. Thế nhưng, chủ động hoà đồng trở lại với tự nhiên như một phẩm chất mang tính nhân văn sâu sắc lại chỉ có ở một số người với tư cách là nhà sáng lập ra các học thuyết tư tưởng, các nghệ sỹ lớn mà tác phẩm của họ có ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình phát triển của nhân loại. Trong tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dường như có cả hai phẩm chất đó: Nhà tư tưởng và nhà nghệ sỹ.

Có thể nói thiên nhiên dưới con mắt của Bác rất sống động, phong phú và đa dạng. Nó không chỉ là đối tượng để khai thác, miêu tả, là tác nhân nâng đà cho xúc cảm thẩm mỹ bay cao và vươn xa đối với quá trình sáng tạo thi ca, hơn thế nữa, nó còn tạo nên những giá trị thẩm mỹ tự nhiên cho tác phẩm nghệ thuật, tạo nên cốt cách của một thi sỹ- nhà hiền triết phương Đông Hồ Chí Minh rất độc đáo. Chính vì thế, thiên nhiên và mùa Xuân đất nước trong tình cảm của Bác không còn là “Cái Tự nhiên tự nó” mà đã trở thành “Cái Tự nhiên cho ta” (ý của Hegel).

Ngay từ những ngày ở trong lao tù của Tưởng Giới Thạch, thiên nhiên đã ùa vào tình cảm của Bác hay là chính Người đã tìm đến với thiên nhiên. Có lẽ là cả hai:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

(Ngắm trăng)

Hay là:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.

Cô em xóm núi xay ngôi tối

Xay hết, lò than đã rực hồng

(Chiều tối)

Hoặc:

Núi ấp ôm mây, mây ấp núi

Lòng sông gương sáng, bụi không mờ

Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh

Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa

(Mới ra tù tập leo núi)

Trở về nước sau một thời gian bôn ba ở hải ngoại, hình bóng quê hương, đất nước thân yêu như càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết đối với Bác. Người đã ôm hôn nắm đất quê hương khi mới đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng, nơi địa đầu của Tổ quốc. Và trong thời gian lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng xúc cảm về thiên nhiên và mùa Xuân đất nước vẫn không hề vơi cạn trong tâm tưởng của Người:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi.

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân.

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

(Rằm tháng Giêng)

3
Tố Hữu trong một lần tháp tùng Bác Hồ về thăm Pác Bó (năm 1961) (ảnh vnca.com.vn)


Và qua những việc làm cụ thể

Tuy nhiên, tình yêu thiên nhiên, đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở trong các tác phẩm thơ ca, như là những sáng tạo nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân, mà nó còn được thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Vì thế chúng ta có thể thấy những nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc đều là những địa danh vừa đảm bảo sự bí mật thiết yếu về mặt an ninh, quốc phòng, vừa gần gũi với thiên nhiên, đất nước. Những địa danh đó chính là suối Lê Nin, núi Các Mác ở Pắc Bó, Cao Bằng, lán Nà Lừa ở Tân Trào, Tuyên Quang, khu Đá Chông ở Ba Vì, Hà Tây (cũ) và ngôi Nhà sàn xung quanh có vườn cây, ao cá ở giữa Thủ đô Hà Nội.

Tình yêu thiên nhiên, đất nước ở Bác đã vượt lên trên việc ngắm cảnh hay ngâm vịnh, mà quan trọng hơn là tình yêu ấy đã được thể hiện thành những việc làm rất cụ thể, thiết thực trong việc bảo vệ, giữ gìn tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc.

Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, trong dịp nói chuyện với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, ngày 8/12/1961, Bác đã nói: “Trồng cây gây rừng là rất quan trọng. Bây giờ dân chưa thấy đâu. Có khi các chú cũng chưa thấy”. Có lần Bác đã giải thích một cách giản dị về tầm quan trọng của việc trồng cây gây rừng: “Nếu rừng cạn kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất mầu, gây ra lụt lội và hạn hán... Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công nhân  phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít thì rất tai hại... Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống”. Và Người xem việc phá rừng không có kế hoạch là hành vi “đem vàng đổ xuống biển”.

Trước tình trạng phá rừng thiếu ý thức của một số người dân và một bộ phận cán bộ, Bác thấy cần phải phát động một phong trào Trồng cây gây rừng vào mùa Xuân. Và phong trào do Bác khởi xướng trên khắp đất nước cho đến hôm nay và chắc là mãi về sau vẫn được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta duy trì, phát triển thành một phong trào rộng khắp trong mọi tầng lớp xã hội. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ mãi hai câu thơ của Người về Tết trồng cây:

Mùa Xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Có lẽ cho đến nay, ít có một lãnh tụ, một nguyên thủ quốc gia nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh có hành động độc đáo đến như vậy.

Trước khi đi xa, trong Di chúc, Bác có bày tỏ nguyện vọng của mình mong muốn rằng sau khi qua đời thi hài được hoả táng và an táng trên một ngọn đồi nào đó gần núi Tam Đảo hay Ba Vì. Người còn nhắc nhở Đảng và Nhà nước “nên có kế hoạch trồng cây trên và xung quanh đồi. Ai đến thăm cũng trồng thêm một cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

Như vậy có thể thấy cảnh vật thiên nhiên và hình bóng mùa Xuân đất nước luôn có mặt trong đời sống tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính thiên nhiên đã khơi nguồn cho nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng và góp phần nâng vị thế danh nhân văn hoá thế giới của Người lên một tầm cao mới. Nhưng điều cần thiết phải nhấn mạnh ở đây là từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây những kiệt tác văn chư­ơng về thiên nhiên và đất nước th­ường là sản phẩm vô giá của những nhà văn, nhà thơ lỗi lạc và đồng thời cũng là những ngư­ời có tư tư­ởng, tình cảm xuất chúng như­ Trương Kế, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Tagor, Puskin...

Còn đối với Bác những tư tưởng, tình cảm về thiên nhiên và mùa Xuân đất nước không chỉ dừng lại ở những điều chỉ giáo trong các văn bản hay tác phẩm nghệ thuật, mà hơn thế nó đã trở thành những hành động sống trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Sinh thời Bác đã từng cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà con nông dân và các cháu thiếu nhi tham gia Tết trồng cây ở một số địa phương miền Bắc như Hà Nội, Hà Tây (cũ)... mỗi khi Xuân về và hàng ngày Bác vẫn thường cho cá ăn và chăm sóc vườn cây quanh khu nhà ở Phủ Chủ tịch.

Những hành động ấy, ngoài ý nghĩa giáo dục, còn ẩn chứa bên trong Bác là một người yêu thiên nhiên và đất nước đến khôn cùng. Thiên nhiên và đất nước trong đời sống tinh thần của Bác không đơn giản chỉ là một thái độ ứng xử tích cực của con người đối với cuộc sống xung quanh, hơn thế sự quan tâm, bảo vệ và hoà đồng với thiên nhiên và đất nước đã trở thành một phần máu thịt, gắn quện với nhân sinh quan và thế giới quan của một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, thể hiện tầm độ nhận thức cực kỳ sâu sắc của Bác đối với thế giới tự nhiên và vai trò chủ động, tích cực của con người trong tiến trình biến “Cái Tự nhiên tự nó” thành “Cái Tự nhiên cho ta”. Đấy vừa là một tình cảm cao quí, vừa là một bài học lịch sử vô giá mà trước lúc đi xa Người muốn để lại cho con cháu mai sau.

Theo Đỗ Ngọc Yên/Báo Điện tử Tổ Quốc

Tâm Trang(st)

Bài viết khác: