Thứ ba, 07/01/2025

 Không biết có phải là một sự may mắn hay từ một cơ duyên nào đó mà tôi có nhiều lần được tiếp xúc, làm việc và trò chuyện với các tướng lĩnh "tiền bối" của bộ đội Phòng không - Không quân. Lần thì xin ý kiến vào đề cương tuyên truyền về truyền thống, lúc thì chuẩn bị kịch bản giao lưu, nhưng nhiều nhất có lẽ là các cuộc trao đổi, xin ý kiến sau khi đọc thẩm định các tác phẩm hồi ký, văn học, lịch sử hoặc chấp bút viết các bài phát biểu, tham luận khoa học cho các đồng chí lãnh đạo. Mỗi lần như vậy, những trang sử vẻ vang của những người lính bảo vệ bầu trời lại sáng dần, rõ dần trong tôi..

Đối với Thượng tướng Phùng Thế Tài, khi tôi được "diện kiến" cũng là lúc ông đã nghỉ hưu. Trong các câu chuyện ông kể thì những câu chuyện về Bác Hồ bao giờ cũng chứa đựng những tình cảm gần gũi nhất, thiêng liêng nhất và cũng là những điều ông tâm huyết nhất.

Ông kể, năm 1962 khi ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Phòng không, Bác đã gọi ông lên trực tiếp giao nhiệm vụ. Đang xúc động chưa biết thưa với Bác thế nào thì giọng của Bác nghiêm trang hẳn lên:

- Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?

Nghe Bác hỏi ông cứ ngớ ra, không ngờ Bác lại hỏi về loại máy bay này. Thực tình ông mới được học sơ sơ về loại máy bay B-52, hôm nay nghe Bác hỏi đột ngột nên ông không cất được lên lời.

Thấy ông lúng túng, Bác cười độ lượng:

- Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ ngày nay, là Tư lệnh bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này.

Nhớ lời dạy của Bác, ông tiếp tục cùng Bộ Tư lệnh dày công nghiên cứu về máy bay B-52 và luôn đau đáu tìm cách trừng trị chúng. Nghe các cơ quan báo cáo và nghiên cứu tài liệu có được, trước mắt ông hình dung ra một vật thể nặng đến hơn 200 tấn lướt trên đường băng, rồi cất cánh lên trời mà không thể tưởng tượng nổi tốc độ của nó lại nhanh đến thế. Thảo nào mà Mỹ gọi B-52 là "siêu pháo đài bay"...

Ngay từ hồi ấy, một câu hỏi luôn luôn bám chắc vào đầu ông, cả trong bữa ăn, trong giấc ngủ: "Liệu B-52 nó vào Hà Nội thì sẽ ra sao?". Ông nhẩm tính chỉ cần 10 chiếc B-52 lọt được vào Hà Nội thôi, cũng đã gây cho ta tổn thất nặng nề, không lường hết được!

1
Xác B-52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Ngày 18-6-1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay chiến lược B-52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (tây bắc Sài Gòn). Ngay sau đó một tháng, ngày 19-7-1965 Bác Hồ đến thăm Đoàn Pháo cao xạ Xung Kích và Đại đội 1, Đoàn Pháo cao xạ Tam Đảo, Bác đã nói: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52 hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đánh là nhất định thắng". Hôm đó cả ông và Chính ủy Đặng Tính vinh dự được đưa Bác đi thăm bộ đội, được nghe trực tiếp, trọn vẹn câu nói lịch sử của Bác về máy bay B-52, về quyết tâm không gì lay chuyển nổi của Bác, đó cũng chính là ý chí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, ông cảm thấy như được Người truyền cho sức mạnh.

Hòng ngăn chặn tuyến đường chi viện của ta, ngày 12-4-1966, Mỹ cho   B-52 ném bom khu vực đèo Mụ Giạ, rồi đánh thẳng vào Vĩnh Linh, Quảng Bình. Bác đã gọi đồng chí Đặng Tính lên Phủ Chủ tịch và chỉ thị: "B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân". Thực hiện chỉ thị của Bác, Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trương đưa tên lửa vào Vĩnh Linh nghiên cứu đánh B-52, Tư lệnh Phùng Thế Tài lên báo cáo với Bác, Bác trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi thong thả nói: "Đúng! Muốn bắt cọp thì phải vào tận hang. Chú cứ về suy nghĩ thêm đi và tranh thủ trao đổi với các đồng chí xung quanh". Chủ trương đó đã được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng nhất trí cao và được Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Quốc phòng chuẩn y nhanh chóng. Trung đoàn tên lửa 238 được chọn vào tuyến lửa Vĩnh Linh chiến đấu. Quá trình Trung đoàn 238 hành quân và chiến đấu tại Vĩnh Linh, Quân chủng đã theo dõi chặt chẽ và thường xuyên báo cáo với Bác. Bác thường xuyên hỏi thăm từ việc đánh phá của địch đến việc sinh hoạt, ăn ở của anh em ngoài mặt trận. Điều trăn trở nhất của Tư lệnh Phùng Thế Tài và Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân lúc đó là trong những ngày này chưa có tin chiến thắng bắn rơi B-52 để báo cáo với Bác.

Nhân dịp Quốc khánh 2-9-1967, theo thông lệ hàng năm, Tư lệnh Phùng Thế Tài lên thăm Bác, báo cáo với Bác về tình hình chiến đấu của bộ đội Phòng không - Không quân và chiến công ngày 19-5-1967 mừng thọ Bác trong những ngày Bác đi công tác vắng. Bác rất vui, khen ngợi chiến thắng của quân và dân Hà Nội, rồi Bác đột ngột hỏi:

- Thế còn B-52 đâu?

Câu hỏi của Bác làm ông rất khổ tâm. Ông cảm thấy mình chưa làm tròn nhiệm vụ Bác giao. Bộ đội Tên lửa vào Vĩnh Linh đã gần một năm, đã hy sinh biết bao xương máu, bị đánh hỏng nhiều bộ khí tài; nhân dân Vĩnh Linh không tiếc thứ gì để phục vụ bộ đội đánh B-52 mà B-52 vẫn chưa bị trừng trị? Sau khi họp bàn, quân chủng cử ngay một Đoàn cán bộ do đồng chí Hoàng Văn Khánh - Phó Tư lệnh Binh chủng Tên lửa dẫn đầu, tức tốc lên đường vào chiến trường với nhiệm vụ chỉ đạo Trung đoàn 238 bắn rơi bằng được B-52 và lập "hồ sơ" về "con quái vật" này.

Đoàn đã lên đường vào đầu tháng 8 thì sau đó hơn một tháng, vào một đêm tháng 9, Phó tư lệnh Binh chủng Tên lửa Hoàng Văn Khánh điện về báo tin tên lửa của ta đã bắn rơi B-52. Trong vòng 30 phút, Tiểu đoàn 84 đã đánh liên tiếp hai trận và đã tiêu diệt B-52. Khỏi phải nói ông và anh em ở Hà Nội sung sướng biết chừng nào!

Cầm trong tay bức điện báo tin chiến thắng đó, Tư lệnh Phùng Thế Tài nghĩ ngay tới Bác. Mặc dù đã nửa đêm, sau khi cân nhắc kỹ, ông mạnh dạn gọi điện cho Bác. Bác cầm ống nghe lên và hỏi luôn:

- Chú Tài đấy à, có chuyện gì thế? Bắn rơi B-52 rồi phải không?

Thật là kỳ diệu, gọi điện cho Bác, chưa kịp báo cáo gì mà Bác đã biết.

Cuối năm 1967, với cương vị là Phó Tổng Tham mưu, Thượng tướng Phùng Thế Tài được cử đến Hội nghị Bộ Chính trị để báo cáo về tình hình lực lượng Phòng không - Không quân; Hải quân; hệ thống phòng thủ của ta và địch. Mặc dù đã trực tiếp nghe báo cáo tại Hội nghị Bộ Chính trị nhưng tối hôm sau, Bác lại gọi Phó Tổng Tham mưu lên Phủ Chủ tịch để hỏi thêm tình hình. Ngay từ phút đầu tiên Bác đã hỏi về B-52. Nét mặt Bác trở nên đăm chiêu:

- Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước hết mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, mà chuẩn bị. Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua! - Bác nhìn ra cửa sổ, chỉ tay lên bầu trời nói tiếp: - Nhưng nó chỉ thua sau khi thua ở đây!

Đúng là lời tiên tri thần kỳ của bậc vĩ nhân. Những dự báo của Bác đã được quân và dân ta tích cực chuẩn bị, sẵn sàng chủ động đối phó với bước leo thang liều lĩnh mới của đế quốc Mỹ.

Trên cơ sở chỉ thị của Đảng và Bác Hồ, cùng với việc nghiên cứu kỹ cục diện cuộc chiến tranh, đầu năm 1968, Quân ủy Trung ương dự kiến Mỹ có thể dùng B-52 leo thang đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và giao nhiệm vụ cho bộ đội Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến, từ đó đến giữa năm 1972 tiếp tục đưa tên lửa và không quân vào chiến trường nam Quân khu 4. Thế là bốn trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MiG-21 được điều động vào chi viện cho chiến dịch Trị - Thiên và trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52. Tuy ta đã bắn rơi được B-52 từ năm 1967 nhưng B-52 chưa rơi tại chỗ và chưa bắt sống được giặc lái, Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục hoàn thiện phương án đánh B-52, nhất là trong điều kiện địch tấn công ồ ạt. Từ những nghiên cứu thực tế thu được trong nhiều năm, đánh đổi bằng bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu nữa, chúng ta đã có cơ sở để tháng 9 năm 1972 hoàn thiện cơ bản "Phương án đánh máy bay B-52".

Như vậy, về mặt chiến dịch ta đã chuẩn bị rất chu đáo. Và thực tế là đêm 18-12-1972 khi chiến dịch tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội bắt đầu, chúng ta đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ. Ngay đêm hôm đó Hà Nội đã trả lời bằng chiến công đầu xuất sắc, bắn rơi tại chỗ 2 chiếc B-52. Như vậy ta đã giáng cho không quân chiến lược và không quân chiến thuật Mỹ một đòn choáng váng. Để rồi sau 12 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng và vô cùng tài giỏi, quân và dân Hà Nội đã cùng quân dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B-52, 16 chiếc rơi tại chỗ, giành chiến thắng oanh liệt, làm nên trận "Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không" lẫy lừng.

Đang kể chuyện với giọng đều đều bỗng nhiên khi nhắc tới số máy bay bị tiêu diệt trong chiến dịch, Thượng tướng Phùng Thế Tài hào hứng hẳn lên:

- Bắn rơi máy bay địch, nhất lại là máy bay chiến lược B-52 dứt khoát là phải sờ được đuôi nó. Lần này không chỉ một chiếc mà tới gần hai chục chiếc B-52 bị ta bắn rơi tại chỗ, trong đó có mấy cái còn nằm chỏng gọng ngay nội thành Hà Nội. Chỉ có vậy thằng Mỹ nó mới chịu thua!

Quả là như vậy, chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" đã làm sụp đổ hoàn toàn thần tượng vô địch của không lực Hoa Kỳ; "con ngáo ộp" B-52 đã bị trừng trị đích đáng, không còn hù dọa thiên hạ và làm mưa làm gió trên bầu trời nữa...

Nguyễn Phương Diện
Theo http://qdnd.vn
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: