NĂM 1922:
RỦI RO
CẢNH SINH HOẠT
CỦA THỢ THUYỀN AN NAM
Nóng bức! Một cái nóng bức mà chỉ chúng tôi, những người Nam Kỳ và những người hân hạnh được ông Utơrây bảo hộ, mới được đặc ân hưởng thụ. Mặt trời nắng đổ hột. Các bạn có biết mặt trời đổ hột là gì không? Trong phương ngữ của chúng tôi, điều đó có nghĩa là tác động của nóng bức dữ dội đến mức mà luôn luôn bạn thấy trước mắt có một cái gì rơi như mưa nhưng đáng lẽ là nước thì là những hạt lửa.
Các vách tường của nhà thờ Sài Gòn nóng bỏng lên như những mảng tường của địa ngục. Cột thiên lôi ánh lên như một lưỡi lê vấy máu và sẵn sàng xuyên thủng da trời bị nấu chín theo nghĩa đen của từ.
Từ sáng đến giờ chẳng có một người khách nào! Tôi đã đói và tôi uốn mình khó khăn trong khung hình chữ nhật hợp thành cái ách cho con vật - hình người là người kéo xe tay. Hai gọng của chiếc xe đè nặng lên cánh tay tôi và bánh xe thì kêu rên rỉ như thể chúng khát nước.
Tôi và chiếc xe của tôi tiếp tục kéo nhau về hướng Dinh Thống đốc. Những lá bàng rộng bản và lá cau làm thành những tấm gương phản chiếu tập trung toàn bộ sức mạnh của mặt trời đến người đi đường. Người ta cứ tưởng toàn bộ vũ trụ đã biến thành một lò hoả táng.
Hai hay ba người da trắng có mặt trên quảng trường; họ là những người da trắng duy nhất có cảm tình với người bản xứ, bởi vì họ là người bằng đồng; nhưng lại là những khách hàng tồi vì họ chẳng bao giờ đi xe kéo!
Tôi thấy một bóng người đi ra khỏi dinh. Tôi tự nhủ: "Một người ra khỏi nhà hộp này chắc phải là một người lịch sự, mà một người lịch sự thì không đi bộ dưới trời nắng thế này; ông ta sẽ đi xe; và ông ta sẽ là khách hàng của tôi. Khi tôi thấy áo đen của ông ta, tôi càng lạc quan vì tôi cho đó là một thầy thông (Một người thông ngôn An Nam). Tôi chạy đến đón ông ta. Đó là một cha đạo, một cha đạo đáng kính.
Tôi cúi người xuống chân ông ta để ông ta có thể lên xe dễ dàng hơn, đó là cách thanh lịch để đón khách. Đáng lẽ đặt chân lên bệ xe, con người thánh thiện lại muốn đặt chân lên mông tôi. Tôi hiểu ngay cử chỉ ấy, vì tôi đã quen với những người hiền như thế rồi; và tôi bỏ chạy với chiếc xe kéo của tôi; tôi vốn đã quen với những trò nhào lộn này rồi, nghề nghiệp buộc tôi như thế. Trong khi chạy ra xa, tôi còn nghe vị con của Chúa trời lẩm bẩm câu kinh ngẫu hứng: "Khốn kiếp! vị tông đồ nói - người ta không thể bước đi một bước mà không bị bọn xe kéo tồi tàn này quấy rầy!"
Sự cố này làm tôi quên cả mệt mỏi, cả đói khát, vì sau khi đạt được khoảng cách khá xa giữa "cha tôi" và tôi, tôi đùa cợt, nghĩ đến Chúa, đến hình ảnh con người, tức là đến người nọ và tôn giáo của anh ta. Khi tôi quay đầu lại thì thấy gậy tông đồ vẫn còn tiếp tục dứ dứ về phía tôi như một que rảy nước phép.
Tôi đi, hay đúng hơn, chúng tôi, chiếc xe và tôi, đi về bến đò.
Từ trong cái quán bé tẹo của bà Thị Hai1) toát lên một không khí hạnh phúc và sung túc. Gạo trắng như ngà, nước mắm toả ra một hương thơm ngào ngạt làm khoái mũi. Nước chè sôi sùng sục trên bếp. Thật là hấp dẫn. Tôi dừng lại, quyết định mua một bát cơm ngon, biết rằng bà Thị Hai tốt bụng không nỡ từ chối bán chịu cho một người thợ lương thiện.
Vừa mới ngồi lên chiếu, tôi thấy một người lính thuỷ đi ngoằn ngoèo trên bến tàu của hãng Sácgiơ Rêuyni. Buông đũa xuống, tôi nhảy ra xe và bằng hai bước chân, tôi đã đứng trước vị khách hàng thứ hai của tôi sáng nay. Đó là một người tốt bụng, anh ta chẳng hề mặc cả giá cả. Anh ta ném cho tôi địa chỉ nơi đến rồi lên xe và ngồi chễm chệ bên mạn phải, còn gói đồ đạc thì để bên tay trái. Tôi chạy những ba hải lý/giờ2), vì không muốn Thị Hai phải ngóng chờ.
Đến cảng, tên thuỷ thủ lão luyện lên bờ và bỏ đi, tỉnh bơ, chẳng hề có ý định trả thù lao cho tôi. Tôi yêu sách. Hắn chẳng thèm quay lại. Tôi chạy theo hắn và hét lên: "Trả tiền, ông ơi, trả tiền!"
Hắn chuyển gói đồ qua bên trái, tay phải thò vào túi và rút ra một... khẩu súng lục. Vũ khí của văn minh hùng hồn thét lên: Pan! Pan! "Lại một cú nữa xôi hỏng bỏng không!", tôi tự nhủ.
Tôi trở lại quán ăn, chè vẫn còn đang bốc khói.
CULIXE
Nguyễn Ái Quốc dịch
Báo LHumanité, ngày 18-3-1922.
=============================
ĐỘNG VẬT HỌC
"Càng học càng thấy mình dốt", đó là câu ngạn ngữ châu á, câu ngạn ngữ đó trái với thông thường, không phải là một trò Tàu, mà là một chân lý chung rộng.
Ví như ông Giôdép Caiô, cựu Thủ tướng, một nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Anhxtanh nói, sau khi đã cai trị 40 triệu dân Pháp, đã rỡn với hàng triệu, hàng tỷ bạc, đã viết sách viết vở, rồi một buổi sáng nọ, bỗng gãi điên cuồng - không phải là gãi tóc, vì ông ta không có tóc - mà là gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: châu Âu sẽ đi tới đâu đây? Nước Pháp sẽ đi tới đâu đây? Câu hỏi tuy có vẻ quá giản đơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải đáp. Và có thể còn phải chờ lâu mới giải đáp được, trừ phi...
Này, ngài Thủ tướng, xin ngài cho tôi biết chân của châu Âu và chân của nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói ngài hay châu Âu và nước Pháp đi tới đâu!
Đácuyn, nhà cực thông thái Đácuyn, từng biết rằng con ngươi của ếch xứ Ôvécnhơ tròn hơn con ngươi của ếch vùng Nốttinhham, và đuôi bồ câu Mêhicô có nhiều hơn đuôi bồ câu ở Thuỵ Điển ba cái lông tơ, nhưng ông lại hoàn toàn không biết gì đến một loài động vật rất đông đúc ngày nay được biết rất rõ ràng; cái loài động vật mà do số lượng, do chất lượng của nó, có thể liệt vào hàng đầu trong giới động vật. Vì hiện tượng này cũng khá thú vị, nên chúng tôi thử trình bày cùng bạn đọc báo Le Paria17.
Kết quả của những cuộc nghiên cứu kỹ, càng cho phép chúng tôi khẳng định rằng nguồn gốc loài động vật này cũng lâu đời như nguồn gốc loài người, nếu không phải là lâu đời hơn nữa. Cấu tạo thể chất của nó hết sức kỳ lạ: ở tất cả các loài động vật, sự sinh sản ra lông lá thường là ở đằng đuôi... ở loài động vật này... lại ở trên đầu. Chỉ ở trên đầu, chứ không ở cổ như bờm con ngựa. Lông lá này mịn như len và hung hung, hoặc cứng và đen, tuỳ theo khí hậu nơi nó sống. Khí hậu có ảnh hưởng rất nhiều đến nước da nó, màu da đó đi từ vàng đến đen, chứ ít khi trắng. Dù có những sự kỳ quặc đó, diện mạo của nó đôi khi cũng khá dễ thương. Nó đi hai chân. Nhưng, theo tài liệu quan sát được tại những vùng châu á, thì nhiều khi nó lại được coi như loài bốn chân*. Nói chung, có thể liệt nó vào loài hai tay. Điều làm cho loài động vật này rất đông đúc và có thể sống ở một địa bàn rất rộng trên trái đất, chính là ở chỗ nó rất dễ dàng thích nghi với nhiều thứ đồ ăn hết sức khác nhau. Nó ăn thịt, ăn cỏ, ăn gạo và ăn cả ngân sách nữa. Cần chú ý rằng khi có thể đã tiến đến trình độ ăn ngân sách thì thường bị coi là thoái hoá, vì nó đã mất hết đặc tính tinh thần của nòi giống nó rồi.
Óc bắt chước của nó rất phát triển và óc đó không phải nông cạn như ở loài khỉ hay loài vẹt, vì người ta nhận thấy rằng tài bắt chước của nó thường đạt tới chỗ tuyệt khéo và đôi khi còn hơn cả cái mà nó bắt chước nữa.
Một vài đức tính thực dụng của nó còn cao hơn cả những đức tính thực dụng của các loài gia súc của chúng ta nữa kia. Một khi thuần dưỡng rồi, thì nó tự để cho người ta hớt lông như con cừu, chất đồ lên lưng như con lừa, và đưa vào lò sát sinh như con bê. Nó rất dễ thôi miên. Nếu bắt ra một con, to nhất hay mạnh nhất trong bầy, và đeo vào cổ nó một vật gì lóng lánh, một đồng vàng hay một thập ác chẳng hạn, thì nó liền trở thành hoàn toàn ngoan ngoãn, lúc đó có thể sai nó làm bất cứ việc gì, bảo nó đi bất cứ đâu cũng được, và các con khác cứ việc theo nó một cách ngu đần như loài thú vật - nếu có thể nói như thế được.
Các nhà bác học của B.I.Z.A (British Imperial Zoological Association) vừa cho biết rằng loài thỏ trước bên bờ ấn Độ Dương và Bờ biển Libi vùng Biển Đỏ, bắt đầu tỏ ra có những tiến hoá rõ rệt: nó không chịu để người ta bắt một cách dễ dàng nữa và trốn tránh cảnh làm gia súc. Hiện tượng mới đó không khỏi gây lo ngại cho các giới công nghiệp - khoa học trên thế giới, và đặc biệt là cho những giới đó ở đô thị, vì tuy thịt loài vật này không ăn được vì không ướp lạnh được, nhưng máu và mồ hôi của nó lại đã trở thành những thứ không thể thiếu để làm béo những cái máy làm dồi thịt.
Để tóm tắt bản trình bày ngắn này, chúng tôi xin nói rằng tên chủng loại của cái giống vật dị kỳ đó là Dân bản xứ thuộc địa (Colonial Indigéna) nhưng tuỳ theo từng vùng mà nó có tên gọi khác nhau: người An Nam, người Mangát, người Angiêri, người ấn Độ, v.v..
NGUYỄN ÁI QUỐC
T.B. - Chúng tôi vừa nhận được của một đồng nghiệp của chúng tôi là nhà bác học về tự nhiên học Đờ Páctu1) một tiêu bản hiếm có của loài này, hình như cũng có họ hàng thân thuộc gì đó với loài mà chúng tôi vừa nghiên cứu. Loài đó, theo bạn đồng nghiệp của chúng tôi, thì tên nó là: Vô sản. Một ngày gần đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu giống với hiện tượng mới này: Vô sản Đờ Páctu.
Báo Le Paria, số 2, ngày 1-5-1922.
=============================
MẤY Ý NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ THUỘC ĐỊA
Từ khi Đảng Cộng sản Pháp đã thừa nhận 21 điều kiện của Mátxcơva18 và gia nhập Quốc tế thứ ba19, Đảng đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn trong số các nhiệm vụ khác: chính sách thuộc địa. Đảng không thể thoả mãn với những bản tuyên ngôn chỉ thuần là bằng tình cảm và không có kết quả gì như thời Quốc tế thứ nhất20 và Quốc tế thứ hai21 nữa, mà cần phải có một kế hoạch hoạt động chính xác, một chính sách có hiệu quả và thiết thực.
Trong vấn đề này, Đảng gặp nhiều khó khăn hơn mọi vấn đề khác, và đây là những khó khăn chủ yếu:
1. Diện tích các thuộc địa rất rộng. - Không kể những "khu vực uỷ trị" mới, lấy được từ sau chiến tranh, nước Pháp có:
ở châu á, 450.000 km2 ; ở châu Phi, 3.541.000km2 ; ở châu Mỹ,108.000 km2; ở châu Đại Dương, 21.600km2 . Tổng cộng: 4.120.000 km2 (gần gấp tám lần diện tích nước Pháp) với một dân số là 47.000.000 người. Số dân đó nói hơn 20 thứ tiếng khác nhau. Tình trạng có nhiều tiếng nói khác nhau như vậy làm khó khăn cho công tác tuyên truyền, bởi vì trừ mấy thuộc địa cũ ra, thì một tuyên truyền viên người Pháp chỉ có thể nói chuyện với quần chúng bản xứ qua người phiên dịch mà thôi. Mà phiên dịch thì khó nói lên được hết ý, vả lại trong những xứ bị cai trị một cách độc đoán ấy, thật khó mà tìm ra được một người phiên dịch những lời lẽ cách mạng.
Lại còn những trở ngại khác nữa. Tuy người dân bản xứ ở tất cả các thuộc địa đều là những người bị áp bức và bóc lột như nhau, nhưng trình độ văn hoá, kinh tế và chính trị giữa xứ này với xứ khác lại rất khác nhau. Giữa An Nam với Cônggô, Máctiních hay Tân Đảo, hoàn toàn không giống nhau chút nào, trừ sự cùng khổ.
2. Tình trạng thờ ơ của giai cấp vô sản chính quốc đối với các thuộc địa. - Trong những luận cương về vấn đề thuộc địa22, Lênin đã tuyên bố rõ rệt rằng "nhiệm vụ của công nhân ở các nước đi chiếm thuộc địa là phải giúp đỡ một cách tích cực nhất phong trào giải phóng của các nước phụ thuộc". Muốn thế, công nhân ở chính quốc cần phải biết rõ thuộc địa là cái gì, phải biết những việc gì đã xảy ra ở thuộc địa, biết rõ nỗi đau khổ - hàng nghìn lần đau khổ hơn công nhân ở chính quốc - những người anh em của họ, những người vô sản thuộc địa phải chịu đựng. Tóm lại là công nhân ở chính quốc phải quan tâm đến vấn đề thuộc địa.
Tiếc thay, một số đông chiến sĩ vẫn còn tưởng rằng, một thuộc địa chẳng qua chỉ là một xứ dưới đầy cát và trên là mặt trời, vài cây dừa xanh với mấy người khác màu da, thế thôi. Và họ hoàn toàn không để ý gì đến.
3. Tình trạng dốt nát của người dân bản xứ. - Trong tất cả các nước thuộc địa, ở cái xứ Đông Dương già cỗi kia cũng như ở xứ Đahômây trẻ trung này, người ta không hiểu đấu tranh giai cấp là gì, lực lượng giai cấp vô sản là gì cả, vì một lẽ đơn giản là ở đó không có nền kinh doanh lớn về thương nghiệp hay công nghiệp, cũng không có tổ chức công nhân. Trước con mắt người dân bản xứ, chủ nghĩa bônsêvích - danh từ này vì thường được giai cấp tư sản dùng đến luôn, nên đặc sắc hơn và mạnh nghĩa hơn - có nghĩa là: hoặc sự phá hoại tất cả, hoặc sự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất gán cho danh từ ấy làm cho quần chúng vô học và nhút nhát xa lánh chúng ta; nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả. Chỉ có một số ít người trong nhân dân hiểu được thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Nhưng số người thượng lưu ấy,- thuộc giai cấp tư sản bản xứ1) và là cột trụ của giai cấp tư sản thực dân, - cũng không thích thú gì việc chủ nghĩa cộng sản được người ta hiểu và được truyền bá rộng rãi cả. Trái lại, giống như con chó trong chuyện ngụ ngôn, họ lại thích đeo cái vòng cổ để kiếm miếng xương của chủ. Nói chung, quần chúng căn bản là có tinh thần nổi dậy, nhưng còn rất dốt nát. Họ muốn giải phóng, nhưng họ chưa biết làm cách nào để đạt được mục đích ấy.
4. Những thành kiến. - Vì giai cấp vô sản ở cả hai đằng đều không hiểu biết lẫn nhau, nên đã nảy ra những thành kiến. Đối với công nhân Pháp, thì người bản xứ là một hạng người thấp kém, không đáng kể, không có khả năng để hiểu biết được và lại càng không có khả năng hoạt động. Đối với người bản xứ, những người Pháp - mặc dầu họ là hạng người nào cũng đều là những kẻ bóc lột độc ác. Chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản không bỏ lỡ dịp lợi dụng sự nghi kỵ lẫn nhau đó và sự phân biệt đẳng hạng giả tạo về nòi giống đó để ngăn cản việc tuyên truyền và để chia rẽ những lực lượng đáng phải đoàn kết lại.
5. Đàn áp dã man. - Nếu bọn thực dân Pháp rất vụng về trong việc phát triển nền kinh tế ở thuộc địa, thì họ lại là những tay lão luyện trong nghề đàn áp dã man và trong việc chế tạo ra cái lòng trung thành bắt buộc. Những người như ông Găngđi và ông Đờ Valơra có lẽ đã lên thiên đàng từ lâu rồi nếu các ông ấy sinh ở một trong những thuộc địa của Pháp. Bị tất cả mọi thứ thủ đoạn thâm hiểm của các toà án quân sự và toà án đặc biệt vây xung quanh, một người chiến sĩ ở bản xứ khó lòng tiến hành việc giáo dục đồng bào bị áp bức và dốt nát của mình mà không sa vào nanh vuốt của các nhà đi khai hoá cho họ.
Trước những khó khăn ấy, Đảng phải làm gì?
Tăng cường công tác tuyên truyền của Đảng để khắc phục.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo LHumanité, ngày 25-5-1922.
=============================
DƯỚI CUỘC "KHAI HÓA CAO CẢ"
Ông Anbe Xarô đã tuyên bố với nhóm thuộc địa trong Hạ nghị viện rằng: "Trung thành với sứ mệnh cao cả đã làm rạng danh nước Pháp trên thế giới và lịch sử, nước Pháp đầy lòng bác ái đang theo đuổi tại hải ngoại một sự nghiệp tiến bộ, chính nghĩa, sự nghiệp dìu dắt các chủng tộc, sự nghiệp khai hoá cao cả; tính chất cao quý của sự nghiệp đó làm cho truyền thống rực rỡ lâu đời của nước Pháp ngày càng thêm phần rực rỡ".
Thế mà người ta đã đem thực hiện cái sự nghiệp tiến bộ, chính nghĩa, v. v. đó như thế này:
Mượn cớ bài trừ nạn du đãng, người ta thi hành một chế độ khổ sai với dân bản xứ ở Mađagátxca. Như là: trên mặt trái một tờ giấy trong thẻ căn cước của người bản xứ, có dành riêng vài ô nhỏ để người chủ ghi chú. Trong ô thứ nhất, có in những điều ghi chú chủ yếu, người chủ phải ký nhận ở dưới.
Làm thuê cho ông ...............................................................
Tại ......................................................................................
Từ ....................................... đến........................................
Người chủ:
Người bản xứ nào mà thẻ căn cước không hợp lệ như đã chỉ dẫn trên đây đều bị coi là du đãng, sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến một năm, và sau khi mãn hạn tù, có thể còn bị đày biệt xứ từ 5 đến 10 năm.
Bây giờ ta hãy xem các ông chủ đi khai hoá ấy đối xử với công nhân bản xứ như thế nào.
Có một bác cai đến hỏi tiền công cho một người thợ của mình, thì một ông chủ nọ đã viết giấy trả lời như sau: "Bảo cái con lợn ấy lấy c...1) mà ăn, chỉ có món ấy là hợp với nó thôi".
Một ông chủ khác, khi thấy nhà bị mất trộm 1.000 phrăng, liền lôi tám người bản xứ làm thuê cho mình ra tra điện để bắt họ thú nhận. Về sau, người ta tìm ra kẻ trộm chính là cậu ấm con ông chủ. Nhà khai hoá - con, đã ăn chơi thoả thích. Nhà khai hoá - bố, thì không bị lôi thôi gì cả. Và những người có phúc được nước Pháp bảo hộ thì còn nằm trong nhà thương ở Tananarivơ.
NGUYỄN ÁI QUỐC
Báo La Vie Ouvrière, ngày 29-5-1922.
=============================
PARI
(Trích "Những bức thư gửi cô em họ"
do tác giả dịch từ tiếng An Nam)
Ở Pari23 có một vùng, cô em họ thân mến của tôi ạ, tự một mình nó nó trình diễn ra được đủ bộ mặt và đủ tâm lý của cả Pari, cả nước Pháp, cả vũ trụ. Ai muốn nghiên cứu tình hình xã hội thời buổi ta ngày nay, thì chỉ cứ đi ngang vùng này mà thôi là đáng giá cả một pho sách lớn cỡ bách khoa toàn thư vậy.
Vùng gồm ba xóm chính, là Êtoan, Batinhon, Êpinét. Cô vốn có trí tưởng tượng phong phú, nên tôi chắc thế, chỉ cần đọc tên mấy xóm đó là cô đã đoán ra được thứ bậc xã hội của những nhóm này rồi. Tôi ở đây như đang nghe thấy cô tự thì thầm với mình: Êpinét, Êpinét - Những cái Gai con! cuộc sống ở đây hẳn phải chật vật lắm, gai góc lắm. Còn Êtoan - Ngôi sao, cái đó hẳn phải là nơi cư ngụ của những kẻ diễm phúc, có đặc quyền đặc lợi; một Bồng Lai tiên cảnh chứ gì nữa.
Vâng, cô em họ nhỏ của tôi ơi, cô đoán đã gần gần đúng thế đấy, ấy nhưng tôi vẫn cứ phải tả cho cô thấy cái sang trọng của bên này và cái đau khổ của phía kia, sang trọng ra sao, đau khổ ra sao thì cái đầu óc xinh xắn của cô chẳng thấy nổi nó mênh mang đến thế nào đâu. Xóm Êtoan thì bắt đầu với Khải hoàn môn. ấy là một đài kỷ niệm nguy nga dựng lên để ghi nhớ tài danh quân phiệt của Napôlêông. Bây giờ thì nó dùng làm mồ chôn một người lính không tên tuổi chết trong đại chiến.
Sự đời sao nó mỉa mai thế, cô nhỉ! Người ta đem thu lại để cùng một chỗ cả cái hư vinh của tác giả bao cuộc giết chóc kinh khủng ở châu Âu và cả nắm di hài của nạn nhân cuộc tàn sát thế giới!
Cái đài này là nơi lưu tồn tượng trưng những nguyên nhân của mọi cuộc chiến tranh trước kia và sau này; cũng như người lính không tên tuổi này là hiện thân tượng trưng của tất cả những ai bị giết hại để thoả mãn cái tham vọng và cái kiêu kỳ của bọn tướng lãnh. Bởi vì ai mà đã đọc tên những chiến trận đầy tràn lịch sử từ đầu đến cuối, ai mà đã đọc bấy nhiêu tên khắc lên riêng một đài kỷ niệm này thôi, thì phải kinh hoàng thấy, biết bao nhiêu là nông dân, bao nhiêu là công nhân đáng thương đã ngã xuống không tên tuổi, như kẻ đang nằm đây!
Để một chuyến thư sau, tôi sẽ kể cho cô nghe về anh lính tội nghiệp này, khi còn sống đã phải đương đầu với những tràng súng đại bác liên thanh như thế nào, nay vẫn phải đương đầu như thế nào với những tràng diễn văn ngoại giao và tỏ tình thân thiết vờ vịt của các vị sứ thần và của các cụ Phị2). Hôm nay, hãy trở lại câu chuyện vùng này đã.
Vậy, tôi đang nói với cô rằng Êtoan là xóm các phủ đệ thênh thang, các vườn cây hoa nở sum suê, các cỗ ngựa xe vương giả. Đó là một ổ xa hoa, tứ xứ, thừa thãi tràn trề và biếng lười loè loẹt. Đó là thiên đường bọn ăn bám đủ các cỡ và đủ các xứ. Sang trọng là sang trọng cho đến cả con vật. Chả nói làm gì đến cái giá ngông cuồng thả ra bao một con mèo hảo hạng hay một con ngựa loại khoái, nó đủ để nuôi sống toàn bộ dân cư một tỉnh nước ta, cứ cái con khuyển xóm này là cũng được sống lộng lẫy và tốn kém hơn người đi làm thợ nhiều.
Rời chính lộ Vagơram và đại lộ Cuốcxen, là vào xóm Batinhon. Xóm này là xóm kiểu con dơi, nghĩa là dân bản địa nơi này thuộc một giai cấp trung gian. Họ không giàu sụ để bay nhảy như bọn cừ khôi trong giới tư bản, mà cũng chẳng đủ nghèo để phải vất vả giống đám thợ thuyền. Phong vũ biểu đo mức giàu có của họ cứ là theo sự thăng trầm kinh tế hằng ngày mà lên xuống; họ có thể hôm nay thì thư thái trồng bắp cải, để rồi hôm sau là phải bán đứt vườn tược đi. Dân đây là tiểu thương, là ông xếp phòng giấy, là ông cò về hưu. Bà đi đâu là có một con chồn1) to quấn quanh cổ và một con chó con bồng trên tay. Ông thì bao giờ cũng có cái gì chểnh mảng cài khuyết ve áo, một củ kiệu Công huân Nông nghiệp hoặc là bông hoa tím của vị chức sắc Học chính. Bà canh cửa thì sáng sáng chăm chút tưới những chậu hoa thu hải đường cổ truyền của bà bày trên cửa sổ, sáng sáng giũ cái thảm trải cầu thang chính - tấm thảm này bướng bỉnh nhất định không chịu leo cao hơn tầng gác ba. Cứ suy quy luật vận hành của vạn vật thì dân cư xóm này có nhiều khả năng vô sản hoá hơn là sản sinh ra những đức ngài tư bản chủ nghĩa.
Xóm Êpinét là phía chân của cái thang. Nó là người bà con khốn khó, kẻ thừa kế bị gạt bỏ của hai xóm kia. Nó gần như là thuộc một giống người khác, ra vẻ bẽn lẽn, khiêm nhường, bị cái khốn cùng nó đè bẹp. Này cô, hãy xem ông bác mình ép mía lấy đường theo cái kiểu nghìn năm xưa cũ của dân ta, thì cô nghĩ ra được cái cảnh xã hội ở đây nó thế nào. Có bao nhiêu nước ép ngon ngọt thì cứ tuôn cả ra một bên cối, còn bên kia thì chỉ có bã, bẹt ra, quắt lại. Đây cũng thế. Một bên là giàu sang và nhàn rỗi, một bên là cần cù và thiếu thốn. Lôi thôi và gầy guộc như ngón tay khoằm khoằm của con mụ phù thuỷ già, ống lò sưởi ở Êpinét mùa hè thì um khói và mùa đông thì lại như tắt ngấm. Trông xa, nhà cửa khẳng khiu trong xóm giống y mặt người vậy, những bộ mặt người ngơ ngác mà cái bề mặt tiệm của một bác buôn giẻ rách hay của một hiệu thịt ướp lạnh thì làm ra dáng cái miệng móm, còn cửa sổ đã toác toạc thì dùng làm những con mắt nhẻm những dử lại cận thị. Xóm những con người làm lụng, sản xuất và đói meo. Xóm người làm thợ, xóm người nghèo, xóm người cùng khốn.
Giữa xóm, có một mẩu phố dài chừng dăm chục mét. Quanh phố thấy tề tựu một ngôi trường tiểu học, một nhà máy và một quán cháo bình dân. Có phải thế không nào, cô em họ thân mến, cả cái bộ sậu ấy thế là rất mực tiêu biểu? Khi còn bé, thì trẻ con đi học để mà biết tôn trọng quyền thiêng liêng của các ông chủ. Lớn lên, anh thợ rời nhà trường đi góp phần làm giàu cho giới chủ nhân ông mà mình đã được học tập sùng bái cái uy nghi. Già rồi yếu đi, thì ông lão được, vẫn giới chủ nhân ông đó, mà cụ đã làm giàu cho, tống cụ ra ngoài đường để nhờ chẩn bần mà sống nốt cuộc đời hay lam hay làm của mình!
Mỗi sáng, tôi phải đi ngang quán cháo bình dân để đến xưởng làm việc của tôi. Trời đẹp hay xấu, nắng ấm hay tuyết rơi, thì tôi cũng cứ thấy tụm lại trước cửa ngôi nhà công này lối ba chục các cụ. Các cụ ăn bận thật không tưởng tượng được. Người thì khoác cái chăn trên lưng, người thì lại mặc cái áo dài bó của hầu bàn trưởng - đầu đội cái mũ rơm đã vàng úa, người khác nữa tả tơi đụp vá muôn màu sắc. Giày các cụ, mõm há ra như hộp thư cả, cười nhạo với mọi khách qua đường. Trong lúc đợi cửa mở và để giết thời giờ, các cụ xem mấy mẩu báo Le Matin24 hay tờ Le Petit Parisien25 nhặt được chẳng biết ở đâu nữa. Trời có lạnh quá thì các cụ thổi thổi lên ngón tay hoặc là giở điệu nhất bộ ra nhảy để tự sưởi ấm. Một cụ nhìn tôi cả cười: "Chú xem, sưởi kiểu trung tâm của bọn này đấy!".
Dáng các cụ tồi tàn thế, nhưng ai nấy đều thật dễ thương, và các cụ trông thấy tôi mãi rồi, thì cuối cùng ấy cũng là có quen biết. Một thứ tình bằng hữu thế là nảy ra giữa chúng tôi và hai bên chào nhau khi đi qua.
Tôi đặc biệt để ý một cụ già trong số đó. Ông cụ sạch sẽ, tươm tất, và bộ dạng biểu lộ một nỗi buồn phiền được nén xuống, một niềm tự trọng chẳng chịu để ngã khuỵu, ngay trong cơn quẫn bách. Cụ có đeo một dải huy chương thưởng công cứu nạn. Cụ bao giờ cũng cứ đứng đằng sau người khác.
Một hôm, tôi đến bắt tay cụ và nói với cụ: "Cố ơi, cố có vui lòng cho phép được mời cùng dùng một bữa lót dạ, chủ nhật tới, được không?". Cụ đáp: "Ông tử tế quá, thưa ông, thế cho nên tôi từ chối thì hoá ra phụ lòng tốt của ông, vậy xin nhận".
Chúng tôi cùng đến một quán ăn nhỏ. Đặt xong món ăn, chúng tôi chuyện trò, và ông cụ bảo tôi: "Tôi không dám tự tiện ngỏ lời trước với ông, bởi vì trước hết ông là người nước ngoài, thế rồi tôi lại ngại làm phật lòng ông, thanh niên dễ tự ái thấy có người đến bắt chuyện lại như tôi, một lão già nghèo khổ, chẳng khác đứa ăn mày vậy. Nhưng mà cứ mỗi lần ông đi qua trước mặt tôi, là lòng tôi lại tràn ngập một niềm đau đớn khôn cùng, tôi chỉ muốn khóc. Tôi rất hiểu ông lấy thế làm lạ, nhưng ấy là tại thế này: thấy ông, là tôi lại nhớ thằng con thứ của tôi, tôi đã mất nó trong trận giặc. Nó cũng khoảng tuổi ông đấy. Chắc ông hăm nhăm, hăm sáu chứ gì? - Hăm sáu, cố ạ, tôi trả lời. - Đúng rồi, nó kém ông một tuổi. Ông không chán tai thì để tôi kể chuyện nó ông nghe, chuyện nó mà thật ra là chuyện tôi. - Xin mời cố, nghe chuyện cố sẽ thích thú lắm. - Thời tôi còn ít tuổi, ông bạn cùng bàn đáng kính của tôi kể, tôi làm nghề hàng hải đăng bạ. Tôi đã có đi vòng quanh thế giới nhiều lần. Tôi cũng có lần đến xứ ông, đến Sài Gòn, đến Hải Phòng. Sau tôi tằn tiện cưới một cô gái nông thôn hiền lành. Vợ chồng đến lập nghiệp ở vùng Bắc. Nhà tôi mở một cửa hàng nhỏ bán gia vị vặt vãnh, còn tôi thì vào làm một nhà máy. Vợ chồng tôi có hai trai, một gái, ba cháu thật là của trời cho ông ạ! Nhà tôi với tôi, bọn tôi chịu khó kham khổ cũng nhiều, nuôi được các cháu ăn học, nó giỏi giang lắm. Bà con lối xóm đều lấy làm thèm thuồng, vì các cháu nết na, thật là ngoan ngoãn, chăm làm, lại có học. Cháu Môrixơ là cháu lớn, làm nghề thợ vẽ. Cháu Anbe thì làm thợ máy. Em gái các cháu, là cháu Yvon, nó là một bông hoa xinh xinh mười tám cái xuân xanh- như ở xứ tôi người ta hay nói văn hoa thế - hoa làm si ngây lứa trai khắp vùng, cháu nó đánh máy chữ. Mỗi đứa kiếm được đồng tiền cũng kha khá, đủ cho mình và cho vợ chồng chúng tôi. Ban ngày thì các cháu đi làm, tối đến cả mấy cháu mải mê học hành. Chủ nhật nào cũng cả ngày bàn luận với nhau những cái học được trong tuần. Nói thật tình để ông hay, cứ nghe các cháu nó bàn nó nói là sướng lạ sướng lùng; ấy chính các cháu đã dạy chúng tôi, mẹ các cháu với tôi, biết được không biết bao nhiêu thứ. Vậy là vợ chồng chúng tôi thật là đôi bố mẹ sướng nhất trần đời.
"Chiến tranh bùng nổ. Cháu Môrixơ bị thương nặng từ đầu, ít lâu sau thì chết. Cháu Anbe thì bị ghi là mất tích, sau ba tháng chiến trận. Cứ thế là nhà tôi và cháu gái hoá điên lên, điên vì đau đớn. Làng tôi là cái đích cho pháo nã, đạn Pháp đến với chúng tôi cũng nhiều ngang đạn Đức; đạn nó không có quốc tịch, nên đạn bên này hay bên kia thì cũng đều phá phách đồ đạc, cũng đều giết hại người ta, dửng dưng như nhau, tàn khốc như nhau.
"Một hôm nọ, trong gian nhà chúng tôi ở đã đổ vỡ đến nửa, vợ tôi cùng cháu gái tôi đang nấu nướng, thì một cái nồi - chẳng phải loại nồi Na Uy nổi tiếng của Lui Phorextơ đâu, mà là cái loại nồi nó giập be giập bét tuốt - nó bổ xuống.
"Một tiếng nổ kinh hồn, rồi tất cả hất tung lên. Tôi thoát thân vì đang xuống tầng hầm lấy cái gì đó. Đến khi lại người, từ dưới hầm lên, thì lên hết cầu thang, tôi chẳng còn thấy nhà, thấy cửa, thấy vợ, thấy con đâu cả nữa, mà chỉ thấy một khoảng trống không, một khoảng trống không khủng khiếp, hãi hùng, một khoảng trống không nó lấp đặc không trung bằng cái não nuột, cái tận cùng, cái chết chóc, cái tan hoang. Tôi quá sững sờ để còn hoảng hốt... Nhưng hãy chờ đấy, đã hết đâu! Cái lúc ghê gớm nhất trong cả đời tôi, là lúc mà tôi nhận ra trong đống nhà cửa vụn nát, một cái bàn tay máu me của cháu Yvon tội nghiệp của tôi, rồi cách mấy bước, là một cái chân còn giày tất y nguyên của người vợ đáng thương của tôi. ấy bấy giờ, ấy bấy giờ...".
Đến đây, ông già tái nhợt. Tôi đọc thấy trong đôi mắt cụ, bỗng dại đi, một nỗi niềm đau xót và căm hờn không sao tả xiết. Một cơn co giật làm cụ toàn thân run rẩy. Cụ tỳ hai bàn tay đang quắp lại lên mép bàn. Hai chân cụ di di đều nhịp, như phát sốt, trên sàn nhà, mà căng gân cốt ra như vậy, thì là khi nào con người ta đang cố kìm lại một niềm xúc động đang muốn bùng ra. Tôi nhỏ nhẹ bảo cụ: "Thôi vừa rồi, cố ơi! Xin để hôm khác cố kể cho nghe. Cố xơi củ khoai rán, cố nhé!". Ông cụ như không nghe thấy tôi nói; cụ thở dài một hơi, nói tiếp: "Đấy ông xem, ông thân mến, chiến tranh, cuộc chiến tranh trời tru đất diệt này tôi có cái gì thì nó đã giết sạch cả, nào là hạnh phúc, nào là nhà cửa, nào người vợ quý, nào bầy con yêu. Còn tôi, thì bây giờ tôi nhờ thiên hạ bố thí để sống qua ngày, sau bấy nhiêu năm trời làm ăn, cực nhọc. Biết đâu, vâng, biết đâu chẳng phải chính cháu Anbe đáng thương của tôi là người bây giờ đây đang nằm đó dưới Khải hoàn môn!".
Cụ gạt một giọt nước mắt thật to, tay run run nâng cái cốc mà tôi vừa rót rượu vào, miệng nói: "Nào, chúc sức khoẻ ông!".
Báo LHumanité, ngày 30 và 31-5-1922.