"CHỦ NGHĨA VIĐA"

CÒN ĐANG TIẾP DIỄN

Hàng nghìn dân bản xứ bị cưỡng bức đẩy vào quân đội để bảo vệ những két bạc cho những kẻ bóc lột mình.

Chúng ta nhớ rằng, để buộc những người châu Phi thực hiện "nghĩa vụ của mình", người ta đã đốt nhà cướp của của họ và sau đó, những nạn nhân ấy bị bắt đi lính cho đội quân tiên phong của nền văn minh.

"Việc dạy dỗ" người bản xứ bằng những cú đá đít và đánh đập đã trở thành thói quen của những vị trứ danh của chúng ta.

Anh Nahông bất hạnh, "người bị giết hai lần" - lần đầu do đại uý Viđa và sau đó, là do bác sĩ, người được lệnh mổ xác và xác định nguyên nhân cái chết của anh, người đã không ngần ngại đánh cắp và giấu di hài của người chết đó để lấp liếm cho kẻ giết người, - than ôi, không phải là nạn nhân đầu tiên của chủ nghĩa quân phiệt thực dân! Một bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở thuộc địa cho biết về một trường hợp bi thảm khác.

"Lần này, - anh ấy nói, - sự việc xảy ra ở Medông Carê, trong trung đoàn bộ binh thứ 5. Nạn nhân là một người lính trẻ tên là Terie, sinh quán ở Tênét, bị gọi ra lính năm 1921. Cái chết của anh ta thật là đặc biệt bi đát. Ngày mồng 5 tháng 8, Terie đến quân y trung đoàn xin thuốc tẩy. Anh nhận thuốc, hay nói cho đúng hơn, anh đã nhận cái mà anh cho là thuốc tẩy. Người lính uống thuốc và sau vài giờ thì chết một cách đau đớn khủng khiếp. Ông Terie, cha của anh ấy nhận được một bức điện ngắn ngủi về cái chết của con trai báo rằng lễ an táng sẽ được tổ chức vào ngày hôm sau. Điên dại vì đau đớn, người cha đáng thương vội vã đến Angiê, đến trung đoàn bộ binh thứ 5 đóng ở Medông Carê, và tại đây, ông biết xác đứa con trai duy nhất của ông đang ở trong quân y viện Maiô. Làm thế nào mà nó lại rơi vào đấy? Tại sao người ta lại đưa nó về Maiô? Phải chăng là vì cần phải tìm ra nguyên nhân thực sự của cái chết và mô tả nó như một cái chết đột ngột trên đường hành quân?

Tại quân y viện, khi người cha bất hạnh đề nghị được phép nhìn xác con trai thì người ta bảo ông ta hãy đợi. Sau đó, một vị thiếu tá xuất hiện và nói rằng việc phẫu nghiệm đã được tiến hành, nhưng nguyên nhân của cái chết không rõ và ông ta không thể cho phép người cha nhìn thấy xác người con trai của ông.

Theo những tin tức cuối cùng thì người ta biết rằng khi ông Terie yêu cầu viên chỉ huy trung đoàn bộ binh thứ 5 giải thích, ông ta được trả lời như sau: "Con trai của ông chết vì bị ngộ độc".

NGUYỄN ÁI QUỐC

=============================

PHÒNG KIỂM DUYỆT Ở ĐÔNG DƯƠNG

Báo LHumanité, số ra ngày 13 tháng 9 có cho biết ở Mađagátxca vẫn còn chế độ kiểm duyệt thư từ nghiêm khắc, mặc dù bốn năm đã qua sau "cuộc chiến tranh vì công lý".

Đông Dương dưới quyền cai trị của viên toàn quyền Lông cũng chẳng khác gì Mađagátxca dưới sự thống trị của viên toàn quyền Gácbi: cũng những bất công, những việc lộng quyền, những vụ tai tiếng, những điều ô nhục như thế.

Chúng tôi được biết ở Sở Bưu chính và Sở Mật thám Đông Dương được lệnh giữ những gói và thư gửi cho báo Le Paria, xuất bản ở Pari, cũng như những thư tín do báo này gửi về Đông Dương.

Không phải là ngẫu nhiên mà hành vi lạm quyền này lại xảy ra đúng lúc viên quan cai trị xảo trá Bôđoanh và người trợ lý xuất sắc của hắn, con rể viên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anbe Xarô, đến Sài Gòn.

Ngoài ra, chúng ta vấp phải luật xâm phạm quyền bất khả xâm phạm thư riêng, và các viên cai trị tiếp tục giữ và lục soát thư riêng.

Như thế là người bản xứ bị giết chóc, cướp phá và không được hưởng những quyền sơ đẳng nhất: cả đến quyền thư tín! Sự vi phạm tự do cá nhân này chứng minh thêm chính sách đê tiện của bọn mật thám và chính sách lạm quyền đang thống trị ở những thuộc địa chúng ta.

Nguyễn Ái Quốc

Báo LHumanité, ngày 28-9-1922.

=============================

ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ

- Đi chợ nào đấy, anh Hai?

- Đi chợ Đông. Thế còn anh, anh Ba?

- Tôi cũng vậy. Thế có món hàng gì quý trong đôi thúng bảnh ấy thế?

- Vàng mã cúng ông vải ạ. Còn anh, anh có cái gì hay hay cho khách hàng nào?

- Trầu non để làm thơm và để nhuộm hồng miệng xinh của các chị chàng đẹp đấy.

Thế rồi hai anh bán hàng bặt im. Mặt trời đứng bóng chiếu ướt đẫm những bắp tay bắp chân lực lưỡng gần như để trần của hai anh. Bốn chiếc thúng nặng nề đung đưa ở đầu hai đòn gánh tre đặt ngang trên vai cháy nắng. Bụi cuốn lên quanh bước chân thoăn thoắt thành một thứ màn sương, làm cho mọi cử động của hai anh mờ ảo và nhìn xa lại còn có vẻ mỹ thuật là khác.

- Nghe này, người anh em! - Ba nói.

- Tai tôi đang lắng nghe lời anh dạy - Hai đáp.

- Hai ta cùng đi một chợ này, theo cùng một con đường này, lại có cùng một mục đích - là bán hết hàng, cùng một chí hướng - là làm ăn lương thiện kiếm miếng cơm. Phải thế không nào?

- Anh nói muôn nghìn lần đúng.

- Thế có muốn hai ta kết làm anh em không ? Có muốn hai ta cùng nhau giao ước thắt tình hữu ái, và, ngay từ hôm nay, khuyên bảo lẫn nhau, thấy đây làm gì thì đó làm theo, mà đó đã bảo gì thì đây cũng làm y, nói tóm lại, là giữa hai ta có sự đồng tâm nhất trí.

- Anh dạy thật là chí lý, xin vâng theo.

- Thế thì, nào! chú mày, đường còn xa, chúng ta hãy thay phiên nhau hát, cho đôi cánh bổng trầm nén cơn mệt mỏi nhé!

- Ông anh hát trước đi!

Kon-mèo trèo lên cây cau

Hỏi thăm Kon - chuột đi đâu vắng nhà?

Thưa rằng đi chợ đường xa

Mua đồ vật liệu giỗ cha Kon - mèo(1).

- Khôn ngoan hơn cường bạo, kẻ yếu thì chỉ có cách đó để tự vệ. Hai nói ra vẻ hiền triết lắm. Rồi, giọng u sầu, anh ngân nga:

Trông lên hòn núi Thiên thai

Thấy bầy chim quạ ăn xoài chín cây (2)

- Bài chú hát sao nghe buồn quá! Nhưng mà sự thật là thế.

Dẫu ta cũng cứ thấy cái giống chim chóc(3) biếng lười, nó chẳng chịu làm lụng gì cả, chuyên bòn của người khác làm ra mà ăn. Mà ơ này! Dòng sông có cát mịn, có làn nước trong veo, đây rồi! Nhớ nhúng đôi thúng xuống cho hàng thêm tươi tốt lúc qua sông.

Một lời đã hứa, Hai, anh bán đồ giấy, làm theo không chối cãi.

Qua khỏi con sông, anh bảo Ba:

- ánh sáng là mẹ của mọi sự tốt lành, mà mặt trời thì lại là cha của ánh sáng. Vậy, anh à! ta hãy phơi hàng một lát dưới ánh mặt trời tốt lành cho hàng lên màu, khách mua thêm hài lòng, ta bán được giá hời. Vừa nói, Hai vừa bày chỗ hàng bằng giấy bồi của mình lên ven đường nóng bỏng, rồi đến nghỉ dưới bóng cây.

Một lời đã hứa, Ba, anh bán trầu không, làm theo không chối cãi.

Nguyễn Ái Quốc

Báo LHumanité, ngày 29-9-1922.

1) và 2) Nguyên bản tiếng Pháp có trình bày những bài hát dân gian này bằng tiếng Việt, kèm theo bản dịch sang tiếng Pháp, bản thân cách dịch đã ít nhiều giải thích ý nghĩa hàm ở trong. Dịch sát nghĩa và thoát, nhưng có thêm thắt đôi chữ giúp độc giả phương Tây lĩnh hội được dễ dàng và chính xác hơn ý tứ của những bài hát: Seigneur, Chat, vilains corbeaux, v.v. (gọi mèo bằng chúa, chỉ quạ là xấu xa, v.v..).

Tác giả lại còn nhân dịp giới thiệu nhẹ nhàng cả vài đặc điểm hình thức của thơ ca Việt, như viết bằng chữ cái cho nổi lên những vần bộ ba ở chân và ở lưng những câu lục bát đã sử dụng, v.v..

Tác giả thường dùng chữ K thay chữ C, với dụng ý cải tiến chữ quốc ngữ. Riêng ở đây, tác giả còn ý nhị muốn tránh mọi liên tưởng bất tiện trong tiếng Pháp, khi dùng có dụng ý chữ K để viết con, đồng thời dùng gạch nối giữa hai chữ "con mèo", "con chuột", để chỉ rõ con ở đây không có nghĩa riêng (con có nghĩa tục trong tiếng Pháp).

3) Trong tiếng Pháp, con chim (oiseau), đặc biệt con chim xấu xa (vilain oiseau), thường dùng để chỉ hạng người bỉ ổi.

=============================

NHÂN ĐẠO THỰC DÂN

Chuyện xảy ra ở Đông Dương và cũng chưa lâu hơn cái hồi có cuộc chiến tranh nhờ trời ban cho vì công lý và nhân quyền. Chính bằng những cách ấy mà "chính quyền Pháp đã có thể du nhập vào đầu óc nhân dân các nước cái khái niệm có một nền văn minh khác với nền văn minh Trung Quốc đã ngưng trệ từ mấy thế kỷ nay rồi". Chính bằng những cách ấy mà các toà án quân sự "đàn áp những phong trào nổi dậy để nêu gương nghiêm trị". Sau khi ca ngợi những cuộc đàn áp đẫm máu bằng những lời lẽ như vậy, bạn đồng nghiệp chúng tôi, tờ Sciences et Voyages đã thật thà thú nhận "ở bên đó thì cũng như ở trên đất Pháp, bọn bất lương vẫn còn quá đông, pháp lý vẫn cần phải nghiêm trị".

Ấy vậy mà chúng tôi cho đến bây giờ, vẫn ngây thơ tin rằng ở Pháp, chỉ có rặt những con người được khai hoá mà hễ ra khỏi nhà là tức khắc trở thành những con người đi khai hoá! Thêm nữa, theo cái lôgích đơn giản nhất, người ta không thể, cũng không nên cho người khác cái mà mình không có, nhất lại là cái văn minh.

Để xí xoá cái thói hèn mạt giết người ta để dạy cho họ "biết cách sống", bạn đồng nghiệp lớn của chúng tôi còn nói rằng, cần phải đánh vào dư luận cho nó giật mình kinh sợ...

Do vậy, thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện cái kiểu hình pháp đặc biệt là các uỷ ban ngoại lệ hay toà án quân sự, mà bộ máy bi thảm và quyết đoán như vậy là cần thiết. Không có gì là hà khắc, là tàn bạo cả. Đúng thế. Chặt đầu người ta hoặc đem ra bắn thì có gì là hà khắc, là tàn bạo. Là hoàn toàn nhân từ mà. Nhưng nếu tụi "bôsơ" cũng ban bố những cách đối xử "nhân từ" như thế với anh em Andátxơ và Loren(1) của chúng ta, thì bạn sẽ nói sao nào, hỡi đồng nghiệp thân mến? Vốn thông thạo nhiều điều lý thú, bạn đồng nghiệp cho chúng ta biết nhiều việc, chẳng hạn cái thứ bậc lễ nghi và phức tạp trong các vụ giết người hợp pháp này: "lệ đóng cọc(2) và bắn 12 viên của tiểu đội hành hình chỉ dành riêng cho tội nhân là quân nhân hay kẻ cướp bị bắt có vũ khí trong tay. Khi ấy hầu như bao giờ cũng hành hình nhiều người một lúc và không hiếm trường hợp có bốn, sáu, thậm chí mười người gục xuống cùng một lúc dưới cùng một loạt đạn. Những tiểu đội hành hình có lính hỗn hợp, nghĩa là có sáu lính bản xứ dàn ở hàng đầu và sáu lính hoặc hiến binh người Pháp ở hàng sau". à, phải nhấn điểm cuối cùng này nữa là người ta đã dạy cho người bản xứ biết thế nào là Bác ái, cái đức quý đó vốn là nền tảng của mọi chế độ cộng hoà, được khắc bằng chữ lớn trên khắp các công trình kỷ niệm và trên tất cả các cửa ... nhà lao. Còn về cái định nghĩa thế nào là ăn cướp và những cuộc hành quyết tập thể thì xin xem mấy dòng sau của một sĩ quan thuộc địa, ông F.B., ông này về "học thức" có thể kém, nhưng chắc chắn nhiều chân tình và vô tư hơn: với cách giả định giống y như người Anh coi những người Bôe(3) kiên quyết kháng chiến là những tên phản loạn, ngoài vòng pháp luật, chúng ta coi những nhà ái quốc An Nam là những tên cướp.

"Người ta đã làm tất cả để vũ trang cho người An Nam giết hại nhau và xúi giục họ phản bội. Người ta tuyên bố các thôn xã phải chịu trách nhiệm về những chuyện rối ren xảy ra trong địa hạt mình. Họ phải dẫn đường cho quân đội ta, phải nộp mạng những người nổi dậy. Ai không tuân lệnh thì bị coi là kẻ phạm tội . Làng nào dung nạp một người yêu nước là bị xử án. Muốn điều tra, có một cách, bao giờ cũng cứ dùng mãi một cách đơn giản, là: chất vấn lý trưởng và hào mục. Ai không nói lập tức bị hành quyết. Một đám binh lính bảo an trong vòng hai tuần lễ, đã cho hành quyết 75 hào mục. Không một lúc nào người ta chịu phân biệt những nhà ái quốc chiến đấu tuyệt vọng cho độc lập của đất nước với bọn cặn bã chốn đô thành".

Nguyễn Ái Quốc

Báo Le Paria, số 6 - 7, ngày 1-9 và 1-10-1922.

1) Alsace, Lorraine: Hai tỉnh ở đông bắc nước Pháp, năm 1870 khi Pháp thua trận, bị tách khỏi nước Pháp, nhập vào nước Đức. Năm 1918, Pháp thắng trận đã thu hồi lại.

2) Cọc đóng để trói người bị xử bắn.

3) Boers. Tiếng Hà Lan là nông dân. Tên chỉ những người Hà Lan ở châu Phi cùng với những người Đức - Pháp và các nước ở bán đảo Xcăngđinavơ di cư đến. Họ hình thành đa số dân da trắng ở Nam Phi, trong giao tiếp, coi tiếng Hà Lan và tiếng Anh ngang nhau. Trong những năm 1899-1902, người Boers nổi dậy chống chính quyền của Anh.

=============================

CHẾ ĐỘ NÔ LỆ "HIỆN ĐẠI HÓA"

Ở đồn điền của một chủ điền nọ, 6 người bản xứ đã bị bắt vì không nạp thuế.

Ra toà, những người bị cáo tuyên bố rằng, viên công sứ Đơla Rôsơ khi thuê họ, đã hứa:

1. Trả một phần thuế cho họ,

2. Miễn công dịch cho họ, và

3. Trả cho họ 10 phrăng 30 ngày công.

Cần phải chú ý rằng, tên chủ đồn điền ấy đã thoả thuận với những người bản xứ: họ sẽ chỉ làm việc cho hắn mỗi tuần một ngày thôi. Và người bản xứ đã ký giao kèo làm trong 30 tuần. Như thế nghĩa là bảy tháng rưỡi mới làm được 10 phrăng! Để kiếm kế sinh nhai, người bản xứ buộc phải làm thuê cho những người Mangát bên cạnh. Hơn nữa, viên công sứ Đơla Rôsơ không những không nộp thuế cho họ như hắn đã hứa, và còn chiếm mất số tiền mà những người bản xứ này chuyển cho hắn để nộp thuế.

Nhà chức trách địa phương mở một cuộc điều tra. Nhưng Nghiệp đoàn nhà nông ở Makhanôrô (có thể là Đơla Rôsơ là hội viên Nghiệp đoàn này) biết việc ấy, đã đánh điện cho viên toàn quyền phản đối cảnh binh không kịp thời đến đồn điền của công sứ Đơla Rôsơ, và đã yêu cầu trừng phạt trưởng đồn cảnh binh về tội đã vạch trần hành vi phi pháp của người Pháp.

Để ỉm "câu chuyện" ấy đi, viên toàn quyền đã nhanh chóng dập tắt dư luận.

Những người lao động ở thuộc địa được bảo hộ như thế đấy và chính sách hợp tác được thực hiện như thế đấy.

Nguyễn Ái Quốc

Báo LHumanité, ngày 26-10-1922. In trong sách: Hồ Chí Minh, Những bài viết và nói chọn lọc, tiếng Nga, Nxb. Chính trị quốc gia, Mátxcơva, 1959, tr.31.

=============================

VỤ HÀNH HẠ AMĐUNI

VÀ BEN BENKHIA

Trong cuộc chiến tranh vì công lý28 để bảo vệ chính nghĩa, văn minh, v.v., người ta đã động viên 10 vạn người Tuynidi đi lính, và 60% trong số đó đã không trở về nữa. Thời đó, người Tuynidi được vuốt ve và trìu mến. Người ta đã ca ngợi rất là thắm thiết tình anh em ruột thịt giữa Pháp và Tuynidi, "mối tình ruột thịt đã đời đời gắn chặt vào trong xương máu và quang vinh". Người ta đã thực hành cả một chế độ kiểm duyệt để cấm báo chí dù thế nào cũng không được làm phật ý người bản xứ.

Ngày nay, tình anh em đó đã thay hình đổi dạng. Nó không phải chỉ thể hiện bằng những cái vuốt ve hoặc những cử chỉ trìu mến mà thôi, nó còn thể hiện một cách hùng hồn hơn bằng những phát súng lục hoặc những trận roi da kia. Bằng chứng là những việc sau đây. Khi trông thấy ba người bản xứ cho cừu vào ăn cỏ ở vườn cây ôliu của mình, một vị thực dân Pháp liền bảo vợ đi lấy súng và đạn ra. Khi vợ mang súng đạn ra, thì vị đi khai hoá của chúng ta nấp vào một bụi cây, rồi đoàng! đoàng! đoàng! Ba phát bắn ra, thế là ba người bản xứ ngã xuống, bị thương gần chết.

Một vị thực dân Pháp khác có hai anh công nhân bản xứ giúp việc, tên là Amđuni và Ben Benkhia; hai anh này hình như đã có lấy trộm vài chùm nho. Vị thực dân kia liền cho gọi hai người bản xứ đến, rồi dùng roi gân bò mà vụt họ lia lịa cho đến lúc họ chết ngất. Khi hai người này tỉnh lại, quan lớn bảo hộ của chúng ta liền sai trói giật cánh khuỷu lại và treo họ lên. Dù hai người khốn khổ kia đã bất tỉnh nhân sự, thế mà cuộc hành hạ bỉ ổi đó vẫn cứ kéo dài đến bốn tiếng đồng hồ, mãi đến khi có một người ở cạnh nhà phản đối mới thôi.

Hai người đáng thương đó được khiêng đến nhà thương và mỗi người bị cắt mất một bàn tay, còn bàn tay nữa chẳng biết có thể cứu khỏi được không.

Tình r...u...ột thịt như thế đấy!

Chả là ông Luyxiêng Xanh đáng tôn kính, vì đã quá bận về việc trục xuất những người cộng sản và các nhà báo, nên không có thì giờ nghĩ đến đời sống của người bản xứ "được bảo hộ" của ông đấy mà.

Nguyễn Ái Quốc

Báo Le Paria, số 8, ngày 1-11-1922.

=============================

SỰ CHĂM SÓC ÂN CẦN

Đây là một câu chuyện cũ, nó cũng cũ như chiến tranh. Trong khi hứa hẹn phẩm hàm cho những người Đông Dương tình nguyện(?) còn sống và vàng mã cho những người chết "vì mẫu quốc", viên Toàn quyền Đông Dương đã thốt ra những lời cảm động như sau:

Các anh gia nhập quân đội hàng loạt, không do dự rời quê cha đất tổ, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Là lính trận, các anh đi tòng quân để hy sinh xương máu của mình; là lính thợ, các anh cống hiến hai bàn tay của mình" (1919).

Lịch sử chép như vậy đó!

Nếu người An Nam tỏ ra vui mừng khi người ta bắt họ đi lính thì tại sao người ta lại xích tay họ lùa đến các địa điểm tập trung? Tạo sao trong khi chờ đợi đưa xuống tàu, người ta lại nhốt họ trong Trường trung học Sài Gòn, bên ngoài là lính cảnh vệ Pháp gác, lưỡi lê ở đầu súng, đạn đã lên nòng? Phải chăng những cuộc biểu tình đẫm máu ở Cao Miên, những cuộc nổi dậy ở Sài Gòn, Biên Hoà và ở nhiều địa phương khác là những cuộc biểu tình của "đám người" nôn nóng, muốn tòng quân "không do dự"?

Người ta ra sức đàn áp dã man các cuộc đảo ngũ (và có chừng 50% lính dự bị đảo ngũ). Do đó, các cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, nhưng bị bọn thực dân dìm trong bể máu. Những người An Nam ấy cũng bị chết trong thời chiến. Song người ta sẽ không cúng tế họ "sau khi chết", còn những người sống sót thì cũng chẳng được quan Toàn quyền khen thưởng.

Phải, quan Toàn quyền nói thêm rằng, dĩ nhiên muốn xứng đáng được hưởng "ân huệ" và "sự hậu đãi" của nhà nước thì các anh (những người lính Đông Dương) "phải có hạnh kiểm tốt, không mảy may tỏ ra thiếu thiện chí".

Hiện nay, khi họ dùng rượu và thuốc phiện do chính bàn tay chính phủ bán thì có thể nào họ lại không phải là những người "dễ bảo"?

Nguyễn Ái Quốc

Báo LHumanité, ngày 2-11-1922.

=============================

VỀ CÂU CHUYỆN XIKI

Từ khi có chủ nghĩa thực dân, nhiều người da trắng đã được thuê tiền để đấm vỡ m... những người da đen. Có một lần, một người da đen lại cũng đã được thuê tiền để làm như vậy đối với một người da trắng. Là người chống lại mọi thứ bạo lực, chúng ta không tán thành cả hai lối đó. Nhưng sự việc vẫn cứ sờ sờ ra đó, thì chúng ta hãy nhận xét xem sao. Đây, như thế này:

Bằng một quả đấm - nếu không phải là đã đấm một cách khoa học thì ít ra cũng là một quả đấm bằng trời giáng - Xiki đã hạ bệ Cácpăngchiê để rồi đích thân mình trèo lên.

Chức vô địch quyền Anh đã chuyển sang tay khác, nhưng vinh quang của dân tộc về mặt thể thao thì không hề bị tổn thương, vì rằng Xiki là người con của xứ Xênêgan, do đó là con của nước Pháp, tức là người Pháp vậy.

Mặc dù thế, mỗi lần Cácpăngchiê thắng thì dĩ nhiên là do sự khéo léo và khoa học của anh. Nhưng lần nào anh bị bại thì cũng đều là do sức lực thô bạo của một anh như Đenxây hoặc do cái chân chơi ác của một anh như Xiki. Vì thế trong trận đấu ở Buýpphalô, người ta đã muốn tuyên bố - và người ta cũng đã tuyên bố - rằng Xiki mặc dù thắng đấy, nhưng "cũng vẫn" là bại. Nhưng công chúng, loại công chúng tốt, không muốn nghe như vậy. Và công lý của nhân dân đã thắng: Xiki được tuyên bố là vô địch hoàn cầu và nước Pháp.

Sau khi bị một người da đen hạ đo ván, Cácpăngchiê đã bình thản đi thăm nước Nga, đất nước của những người Đỏ. Chúng ta ngợi khen Xiki về thắng lợi của anh. Chúng ta cũng ngợi khen Cácpăngchiê về lòng vô tư của anh.

*

* *

S.D.N. (xin đọc là xagiét đê naxiông(1), chứ không phải xôxiêtê đê naxiông(2)) nói rằng Thần Tài chỉ cười duyên với một người giàu có. Rơnê Marăng và Xiki đã làm chảy nhiều mực đen. Hơn nữa, Xiki còn làm chảy cả máu đỏ. Người ta làm như cả hai người anh em châu Phi của chúng ta còn cần đến nhiều mực nữa. Sau ngòi bút châm biếm của Marăng, đôi găng của Xiki đã làm rung động đến cả chính giới. Và ông Lukê, hội viên Hội đồng quận Xen, đã lập tức đưa ra một kiến nghị định cấm cuộc đấu quyền Anh ! Xin phép ông Lukê cho chúng tôi kính cẩn thưa với ông rằng, như vậy là ông đã làm một việc không yêu nước. Chúng tôi xin giải thích: Về phương diện chính trị quốc tế của chúng ta, một nhà vô địch quyền Anh hạng lông cũng tuyên truyền cho ảnh hưởng tinh thần của chúng ta ra nước ngoài như là một người bất tử, một người quang vinh, một ca sĩ hoặc mười đạo quân (ông hãy giở báo chí ra mà xem). Về phương diện quốc gia cũng cần thiết phải có một võ sĩ có tài để nêu gương và khuyến khích cái đẹp về thể lực cho thế hệ trẻ. Về phương diện thuộc địa, một trận đấu Cácpăngchiê - Xiki có giá trị hơn mười vạn bài diễn văn của những nhà cai trị nhằm chứng tỏ cho những con dân và những người được bảo hộ của chúng ta rằng, chúng ta muốn áp dụng triệt để nguyên tắc bình đẳng về chủng tộc.

Có nên hy sinh ba điều lợi đó cho một cái chủ nghĩa nhân đạo mơ hồ nào đó không? Không ! Có phải không, ông Xarô?

*

* *

Theo tin các báo thì người ta vừa ra lệnh treo giò Xiki trong chín tháng, không cho dự tất cả các võ đài nước Pháp (Như vậy không hề có nghĩa là người ta sẽ đem treo Xiki đáng thương của chúng ta trong chín tháng đồng thời trên tất cả võ đài của nước Pháp đâu. - Xin nhắn với các bạn của chúng tôi ở Xênêgan như vậy). Lý do: đã lăng mạ ông Quyni.

Sao thế nhỉ? Trước đây người ta đã tuyên dương Xiki vì anh đã đánh sưng mũi ông Cácpăngchiê cơ mà. Ngày nay, Xiki chưa hề đụng đến chân lông Quyni, mà sao người ta đã tuyên bố hạ anh xuống như vậy? Người ta cũng không hề định làm cho chúng ta tưởng rằng cái... mặt của Quyni mảnh dẻ và quý báu hơn là mặt ông Cácpăngchiê, và rằng... Chả phải thế. Thật chẳng hiểu ra sao. Chúng tôi đoán có lẽ là thế này: người ta không bao giờ tha thứ cho Xiki là một người da đen đã thắng Cácpăngchiê là một người da trắng; và tuy Cácpăngchiê không có lòng hằn thù, nhưng chủ nghĩa vị chủng của những người khác thì lại đem lòng hằn thù. Và cái lý do kia chỉ là một cái lý do... vin lấy cho có lý do mà thôi.

Cũng theo các báo đó, chúng ta được biết rằng Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh đã cấm cuộc đấu dự định từ trước giữa Giôê Bếchkết và Xiki ở Luân Đôn. Việc này không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Vì Cụ lớn nước Anh đã không thể tiêu hoá nổi món bánh hình lưỡi liềm1) của Kêman cũng như món sôcôla2) của Găngđi cho nên Ngài muốn bátlinh(3) Xiki phải nuốt liều thuốc tẩy của Ngài, mặc dù Xiki là một người Pháp. Các bạn đã hiểu chưa?(4).

Nguyễn Ái Quốc

Báo Le Paria, số 9, ngày 1-12-1922.

1) Sagesse des nations: Đạo lý cuộc sống.

2) Société des Nations: Hội quốc liên.

1) Croissant: ý nói hình mặt trăng lưỡi liềm trên lá cờ của nước Thổ Nhĩ Kỳ.

2) Sôcôla: ý nói tới màu da của phần lớn người ấn Độ.

3) Battling: tên dịch ra từ tiếng Anh có nghĩa là đấu sĩ.

4) Nguyên văn viết bằng tiếng Anh: Understand.

=============================

NHỮNG QUAN TÒA THUỘC ĐỊA TỐT BỤNG CỦA CHÚNG TA

Bằng chỉ thị ngày 10 tháng 10 năm 1922, chính phủ đã thi hành nghị định về bổ nhiệm người vào chức quan toà thuộc địa. Trong số những người đó, chúng ta thấy tên các ông Luycaxơ và ông Oabrăng.

Cần nhắc lại sơ lược lai lịch của hai vị quan toà này.

Ông Luycaxơ là cựu chưởng lý ở Tây Phi thuộc Pháp, đã được nói tới nhân vụ rắc rối vừa rồi ở Tôgô. Trong thông cáo báo chí, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã buộc phải tuyên bố: "Cuộc điều tra đã xác định ông Luycaxơ có tham dự vào vụ việc, và điều đó đặt trách nhiệm rất nặng nề lên tổ chức quan toà".

Có lẽ để thưởng công về việc tham gia vụ bê bối, ông Luycaxơ đã được bổ nhiệm làm chủ toạ toà thượng thẩm ở châu Phi xích đạo thuộc Pháp.

Còn về Oabrăng thì lai lịch của ông ta đơn giản hơn và ít nổi tiếng hơn. Năm 1920, một người Pháp họ là Đuyếcgri, nhân viên hãng Pâyruýtxắc ở Căngcan (Ghinê) đi săn. Ông ta bắn một con chim rơi xuống sông. Một em bé chạy ngang qua. Đuyếcgri túm em bé vứt xuống sông và ra lệnh tìm bằng được con chim. Sông sâu, nước chảy xiết, em bé không biết bơi, đã chết chìm. Cha mẹ nạn nhân kiện lên nhà đương cục. Đuyếcgri bị viên chỉ huy khu gọi đến. Y đồng ý trả 100 phrăng cho gia đình đau khổ để ỉm vụ này.

Người cha mẹ bất hạnh từ chối cách dàn xếp đê tiện ấy. Viên chỉ huy giận dữ đứng về phía người đồng bào giết người của mình và doạ bỏ tù hai vợ chồng nếu họ khăng khăng đòi trừng trị kẻ giết người, sau đó, nói chung đã ỉm vụ ấy đi.

Song có một bức thư nặc danh báo chuyện này cho tổng công tố viên ở Đắcca. Toà án tối cao giao cho công tố viên sở tại Oabrăng điều tra tại chỗ. Ông Oabrăng đến Căngcan, ngủ tối tại nhà ông trưởng ga. Ngày hôm sau, ông ở nhà Đơ Lavalie, trợ lý của viên chỉ huy khu, sau đó, đi về, thậm chí chưa hề bắt tay vào việc điều tra. Điều đó không ngăn cản ông Oabrăng kết luận rằng bức thư mang tính chất vu khống. Hội Liên hiệp thuộc địa báo sự việc này cho Hội Nhân quyền và Dân quyền (ngày 22 tháng 12 năm 1921), nhưng có lẽ Hội coi sự việc không lấy gì làm giật gân lắm, nên chẳng thèm quan tâm đến.

Sau chuyến viếng thăm Căngcan, ông Oabrăng trong khi chờ nâng cấp, vẫn yên ổn ở lại cương vị của mình, nhận những con gà mái tơ và những bao tải khoai tây từ người bạn của ông là ông Cudanh đơ Lavalie gửi biếu.

Như các bạn thấy đấy, ông Oabrăng quả là xứng đáng với... phần thưởng chính đáng của chính phủ nước mình - được bổ nhiệm vào cương vị Tổng công tố viên của nước cộng hoà ở Đắcca.

Với sự có mặt của những Đáclơ, những Bôđoanh, những Oabrăng và những Luycaxơ, có thể nói rằng vận mệnh của nền văn minh tối cao, cũng như số phận của dân bản xứ ở các thuộc địa đều nằm trong những bàn tay đáng tin cậy.

Nguyễn Ái Quốc

Báo LHumanité, ngày 4-12-1922.

=============================

SỰ THỊNH VƯỢNG CỦA ĐÔNG DƯƠNG DƯỚI TRIỀU ĐẠI M. LÔNG

Ngài A. Xarô, vị Bộ trưởng thuộc địa vĩ đại của chúng ta, không bao giờ bỏ sót một dịp nào để say sưa tán tụng về sự thịnh vượng của xứ Đông Dương, xứ Đông Dương "của Ngài", và về những sự nghiệp vĩ đại mà ngài cùng bộ hạ của ngài đã làm hoặc đang làm tại đấy. Để chứng minh rằng ngài chỉ nói đúng sự thật, chỉ nói độc có sự thật thôi, chúng tôi cần đưa ra cho ngài và cho các bạn chúng ta đọc những đoạn sau đây, trích ở một bức thư của đại tá Bécna gửi cho báo La République Franỗaise29, ngày 6-12-1922 và, thưa ngài Bộ trưởng, xin ngài cứ yên tâm, đại tá đó không phải là một người cộng sản đâu. Bức thư nói như sau:

"Số hàng xuất khẩu của Đông Dương hiện đang cầm chừng hay còn giảm xuống nữa. Năm 1914, Đông Dương đã xuất khẩu 45.000kg tơ lụa; 99.000 tấn ngô; 400 tấn chè; năm ngoái chỉ xuất khẩu có 15.000 kg tơ lụa; 32.000 tấn ngô; 156 tấn chè.

"Người ta cũng tưởng rằng hiện nay chính phủ Đông Dương đang tích cực tiến hành những công trình lớn cần thiết cho việc khai thác thuộc địa này. Thế nhưng, từ năm 1914 đến nay, người ta không hề đặt thêm được một kilômét đường sắt nào, cũng không khai thác thêm được một hécta ruộng đất nào. Cách đây mười năm, ông Xarô có đưa thông qua một chương trình kiến thiết bao gồm việc xây dựng con đường sắt từ Vinh đến Đông Hà và bốn hệ thống đại thuỷ nông; tất cả những công trình đó đều đã ngừng từ hơn năm năm nay, lấy cớ là không có kinh phí. Nhưng cũng trong thời gian đó, xứ Đông Dương đã dành ra 65 triệu đồng, 450 triệu phrăng để xây dựng đường sá và dinh thự. Mời ông Phagiê hãy suy nghĩ về những con số đó xem! Gần một nửa tỷ đã chi phí để xây dựng những đường ôtô chạy mà trên đó không hề lưu thông được lấy một tấn hàng hoá nào; để dựng những dinh thự và công sở cho hằng hà sa số công chức đang sinh sôi nảy nở như cây cối sum xuê vùng nhiệt đới; trong khi ấy thì những công trình đã được thừa nhận là tối cần thiết và đã được Nghị viện thông qua rồi, lại bị bỏ rơi.

"Nhưng xin đừng tưởng rằng người ta có ý muốn thay đổi phương pháp ở Đông Dương đâu. Để hoàn thành chương trình 1912, Ông Lông đã xin phép Nghị viện được phát hành công trái. Hiện nay, ông ta lại còn xin phép phát hành một công trái thứ hai nữa. Những kẻ hiện nay đang lãnh đạo việc khai thác xứ Đông Dương xem chừng đã định tâm không muốn làm cái gì thật sự có ích lợi cả, nếu trước hết người ta không cho phép họ được vay nợ. Còn đối với ngân quỹ, đối với những dự trữ gom góp được trong và sau thời kỳ chiến tranh, thì họ sẵn sàng vung tay ném qua cửa sổ, nếu Nghị viện không đưa họ vào nền nếp".

Nguyễn Ái Quốc

Báo La Vie Ouvrière, ngày 22-12-1922

Bài viết khác: