Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Cà Mau là một trong những địa điểm được chọn làm khu tập kết 200 ngày. Với nhiều con em của miền Tây Nam Bộ, những tưởng sau thời gian dài đằng đẵng đón 9 cái tết trong rừng tràm U Minh, xuân Ất Mùi này sẽ được vui vầy, sum họp cùng gia đình, vậy mà niềm mong ước đó đã không toại nguyện.

Dẫu biết rằng "đi vinh quang, ở lại cũng vinh quang", đi tập kết hay ở lại với Đất Mũi, tất cả đều trong tư thế của người chiến thắng, thế nhưng những người con của miền Tây Nam Bộ bước xuống tàu đi tập kết, ai cũng cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Những tháng ngày lưu luyến tạm biệt quê hương, chiến trường, bạn bè, đồng đội, người thân, họ đã hiểu được tâm trạng thầm kín lo âu của những đồng bào, đồng chí ở lại: Tình hình sắp tới rồi sẽ ra sao? Liệu kẻ địch có chịu thi hành Hiệp định? Hai năm có Tổng tuyển cử không? Bộ đội đi rồi dân sẽ biết dựa vào ai khi phải sống trong sự kiểm soát, kìm kẹp của kẻ thù?

Thế rồi những lo âu đó rồi cũng tạm ẩn vào trong lòng của người ra đi khi mà những chiếc tàu của Liên Xô, Ba Lan bỏ neo ngoài cửa sông Ông Đốc bắt đầu kéo những hồi còi chia tay Đất Mũi. Thay vào đó là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; là tình cảm sâu nặng đối với Bác Hồ kính yêu của người dân Đất Mũi gửi gắm ra Bắc.

Một ngày cuối tháng 12/1954, khi đoàn quân tập kết đang chuẩn bị lên ghe để "tăng bo" ra tàu Ki-lin-xki đang bỏ neo ngoài cửa sông Ông Đốc, có một nông dân trạc 60 tuổi ở Trí Phải (Thới Bình) bơi thuyền tìm đến và thiết tha mời bằng được các anh bộ đội về nhà để "liên hoan chia tay" chút đỉnh. Lúc bấy giờ, chuẩn bị lên tàu nên kỷ luật rất nghiêm ngặt. Nể trọng tấm lòng của ông lão nên mấy chiến sĩ đã nhận lời. Vừa mới uống được ngụm rượu với mấy quả mận xanh, ông lão đã kéo họ ra góc vườn chỉ vào một cây vú sữa cao chừng nửa mét và bảo: "Tía, má muốn gởi cây vú sữa này ra kính tặng Bác Hồ và đồng bào miền Bắc. Tụi bay có chuyển được không?". Những người có mặt hôm đó hoàn toàn bất ngờ và thực sự xúc động trước nghĩa cử của một ông lão nông dân nơi vùng đất tận cùng của Tổ quốc.

Dẫu biết mang cây vú sữa lên tàu sẽ rất khó khăn, nhưng những chiến sĩ đi tập kết vẫn nhận lời.

Ông lão đã chuẩn bị sẵn một chiếc hộp nhỏ và tự tay ông đào cây vú sữa cho vào hộp, chằng buộc cẩn thận. Trên đường từ bãi tập kết ra cửa sông Ông Đốc để lên tàu, anh em mang theo cây vú sữa không mấy khó khăn, nhưng quả thực những ngày tháng lênh đênh trên biển thì việc nâng niu, chăm sóc không đơn giản chút nào, nhất là trong điều kiện trên tàu khan hiếm nước ngọt, người đông, đồ đạc lỉnh kỉnh. Hôm tàu chuẩn bị nhổ neo, một người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi bơi ra cặp mạn tàu năm nỉ thuỷ thủ thả dây cho lên boong chốc lát để chia tay anh em. Vừa lên mặt boong, ông liền đi thẳng đến chỗ để tấm ảnh Bác Hồ quỳ xuống, rồi kính cẩn hôn hình ảnh vị Cha già dân tộc, oà lên khóc như một đứa trẻ. Cán bộ, chiến sĩ và các thuỷ thủ trên tàu Ki-lin-xki thực sự xúc động. Suốt cuộc hành trình trên biển, việc chăm sóc cây vú sữa không còn là của ba anh bộ đội nữa, mà là của tất cả những người có mặt trên tàu. Họ đã phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt để tưới, thường xuyên phải di chuyển vị trí cây vú sữa sao cho vừa tránh được gió biển lại vừa đón được ánh nắng mặt trời.

Càng gần Tết, mọi người càng mong cho tàu cập bến sớm để cùng với hoa đào Nhật Tân, cây vú sữa miền Nam sẽ góp thêm sắc xuân cho Thủ đô, kịp mang đến kính dâng lên bác Hồ kính yêu và đồng bào miền Bắc tình cảm nồng nàn và niềm tin son sắt của đồng bào miền Nam. Họ hình dung một cái Tết trên đất Bắc mang nhiều ý nghĩa sau 9 năm trường kỳ kháng chiến; nhất lại là trong không khí Trung ương Đảng và Chính phủ vừa từ căn cứ địa Việt Bắc trở về vui Tết hoà bình cùng nhân dân ở Thủ đô.

Đúng sáng mồng 1 Tết năm Ất Mùi (tức 24/1/1955), tàu Ki-lin-xki cập bến Sầm Sơn (Thanh Hoá). Trong đoàn, ai cũng muốn được ra ngay Hà Nội để gặp Bác, nhưng điều kiện không cho phép nên cuối cùng đoàn đành phải cử một người mang cây vú sữa cùng đồng chí Nguyên Văn Kỉnh - Uỷ viên Thường vụ Trung ương Cục đáp tàu hoả ra Thủ đô.

Sáng mồng 2 Tết năm đó, tại Phủ Chủ tịch, thay mặt đồng bào miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đã dâng tặng Bác Hồ cây vú sữa mà đoàn cán bộ tập kết đã nâng niu đưa ra từ vùng cực Nam Tổ quốc. Cây vú sữa đó đã được Bác tự tay trồng và chăm sóc ở ngay trong khuôn viên ngôi nhà sàn Bác ở Phủ Chủ tịch.

Hình ảnh Bác Hồ chăm sóc cây vú sữa mà đồng bào miền Nam gửi tặng đã đi vào thi ca, tranh ảnh và tạc vào lòng người dân Nam Bộ một tình cảm đặc biệt.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mặc dù cho đến lúc đi xa, Bác Hồ chưa kịp vào thăm đồng bào miền Nam, nhưng tình cảm của Bác dành cho đồng bào miền Nam còn mãi mãi như câu nói của Người: "Miền Nam trong trái tim tôi".

Việt Anh

Bài viết khác: