Cách đây tròn 40 năm, ngày 27/1/1973 tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi cực kỳ to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp trên cả ba chiến trường ngoại giao, quân sự và chính trị dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, Hội nghị Paris (diễn ra từ 13/5/1968 đến 27/1/1973) là cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta, cụ thể là 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên bàn thương lượng đã giành được thắng lợi quan trọng, to lớn về nhiều mặt.
Trong cuộc chiến trường kỳ, gian khổ chống lại kẻ thù xâm lược, chiến thuật kết hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm” đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra và chỉ đạo thực hiện thường xuyên, sâu sát. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định rõ ràng trong Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13 (23-26 tháng Giêng 1967): “Ngoại giao ở Geneve thắng lợi vì Điện Biên Phủ thắng lợi. Bây giờ cũng thế, đánh thắng lớn thì ngoại giao thắng nhiều. Không cứ gì ở ta mà ở nước nào cũng vậy. Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng”.
Với thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 để lại cho kẻ địch những thất bại thảm hại, nặng nề, đế quốc Mỹ đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Kể từ tháng 5/1968, cuộc chiến Việt Nam bắt đầu tiến hành song song hai mặt trận: mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh họp với Bộ Chính trị chủ trương có thể tiếp xúc, nhưng trước hết cần ép Mỹ chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc rồi mới bàn các vấn đề khác.
Chính Bác cũng là người đã đề nghị cử đồng chí Lê Đức Thọ làm cố vấn và đã ký sắc lệnh cử đồng chí Xuân Thủy làm Bộ trưởng Chính phủ để làm Trưởng đoàn. Đồng thời, Người cũng căn dặn, phải cử cố vấn quân sự tham gia Đoàn để giúp Đoàn theo dõi tình hình chiến sự và để phối hợp đấu tranh trên bàn hội nghị. Ngày 5/5/1968, trong cuộc gặp với đồng chí Xuân Thủy, Bác dặn đàm phán với Mỹ phải thận trọng và kiên trì, vững vàng nhưng khôn khéo, phải theo dõi sát tình hình trong nước, nhất là tình hình chiến sự, tranh thủ dư luận nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ, nhân dân Pháp và Việt kiều. Điều này có thể thấy rõ tư tưởng của Bác trong việc phối hợp giữa sức mạnh quân sự và sức mạnh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Ngày 13/5/1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Mỹ họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên đại lộ Klébe, Pariss, chính thức mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”. Nhiệm vụ của đối ngoại giai đoạn này là dùng đàm phán để tiến công cô lập địch; vạch trần âm mưu của địch kéo dài chiến tranh, tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do Mỹ phát động; tranh thủ dư luận phục vụ cho cuộc đấu tranh quân sự, chính trị trên chiến trường; yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện miền Bắc Việt Nam.
Quang cảnh Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam
Khi một bên đang thắng thế trên chiến trường thì đàm phán thường bế tắc và điều đó đúng với Hội nghị Paris suốt thời kỳ từ 1968 đến 1972. Các bên dùng hội nghị như diễn đàn đấu tranh chính trị. Suốt từ năm 1968 đến đầu 1972, hàng loạt cuộc gặp gỡ đã diễn ra, nhưng hai bên - với Bộ trưởng Xuân Thủy cùng cố vấn Lê Đức Thọ đại diện VNDCCH và ông William Averell Harriman (sau đó là Henry Kissinger) đại diện Chính phủ Mỹ - đều bất đồng. Thời gian này, Chính phủ Nixonbắt đầu thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Đầu năm 1972, khi cuộc đấu trí căng thẳng Kissinger và Lê Đức Thọ tại Pháp chưa ngã ngũ, Hà Nội đánh giá: “Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhiệm vụ quân sự cần kíp là đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận, phát triển thế tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam… đánh bại chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ…”. Ngày 30/3/1972, bộ đội tổ chức tấn công quy mô vào Quảng Trị, Thừa Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Một tuần sau, ngày 6/4/1972, Mỹ phản hồi bằng cuộc không kích ác liệt (chiến dịch Linebacker I). Mùa hè đỏ lửa 1972 bắt đầu. Ngày 2/5/1972, trong khi tiếng súng chưa ngưng tại Việt Nam, ở Paris, cuộc họp giữa Kissinger và Bộ trưởng Xuân Thủy cùng cố vấn Lê Đức Thọ được tái lập.
Sau những cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt giữa các bên đàm phán, đặc biệt là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger, ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam đưa cho Mỹ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22/10/1972 phía Mỹ lật lọng viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Ngày 12/12/1972 khi quan điểm tiếp tục bất đồng và VNDCCH cương quyết không ngồi vào bàn thương lượng, cuộc đàm phán phải tạm dừng. Ngay sau đó, Tổng thống Nixon gửi tối hậu thư, yêu cầu Hà Nội trở lại đàm phán trong vòng 72 giờ để ký theo phương án Hoa Kỳ đề nghị. Hà Nội từ chối. Ngày 15/12/1972, cố vấn Lê Đức Thọ lên đường về nước, tạt qua Bắc Kinh và Moscow.
Ngày 17/12/1972, Tổng thống Nixonchính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc Việt Nam với tên gọi Chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II (Linebacker II)” chủ yếu bằng B.52, nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Đế quốc Mỹ đã phải “tung con chủ bài cuối cùng” - như cách nói của Henry Kissinger nhằm cố cứu vớt thể diện, xoay chuyển tình thế. Nixon đã nói với đô đốc Morơ, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân: “Điều may mắn của ông là được dùng một cách có hiệu quả sức mạnh quân sự của chúng ta để thắng cuộc chiến tranh này, nếu ông không làm được điều đó, tôi sẽ coi ông là người chịu trách nhiệm”. Nixon nhấn mạnh phải đánh, đánh ác liệt, nếu không coi như không làm gì cả. Dùng đòn mạnh nhất để thúc đẩy thương lượng. Và ngày 18/12/1972, ngay khi cố vấn Lê Đức Thọ về đến Việt Nam cũng là lúc những trận bom B52 bắt đầu dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và các mục tiêu khác.
Đúng như lời của Nixon, trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch. Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972. Những cuộc ném bom B52 sau đó đã diễn ra ác liệt và tàn khốc nhất chưa từng có. Cuộc tập kích tàn bạo chủ yếu bằng B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội đã vấp phải làn sóng đấu tranh, lên án phản đối kịch liệt của dư luận ở Việt Nam và cả trên thế giới. Ngay trên đất Mỹ, các tờ báo lớn ở đây đã phê phán cực kỳ mạnh mẽ: “Hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe tâm thần của Tổng thống họ”. Đây là một hành động “khủng bố vô đạo làm hoen ố uy danh nước Mỹ”. Các cuộc ném bom này là “ném bom khủng bố nhân danh hòa bình”… Trên bàn đàm phán, trong phiên 171 của hội nghị bốn bên ở Hội nghị Pa-ri tại Klê-be ngày 21-12-1972, vừa vào họp, trưởng đoàn VNDCCH tuyên bố: “Để biểu thị sự phản đối những cuộc ném bom cực kỳ dã man và thái độ đàm phán lật lọng của phía Mỹ, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự đồng ý của đoàn đại biểu Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam quyết định bỏ phiên họp lần thứ 171”. Cả 2 đoàn Việt Nam rời hội nghị bỏ ra về. Cuộc họp chỉ kéo dài 58 phút.
Âm mưu thâm độc và những thủ đoạn đê hèn, tàn bạo của đế quốc Mỹ đã hoàn toàn thất bại thảm hại. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là trận “Điện Biên Phủ trên không” giữa không quân Mỹ và nhân dân miền Bắc Việt Nam kết thúc bằng việc 81 máy bay các loại gồm 34 “pháo đài bay B52”, 5 chiếc F-111 và 42 máy bay chiến đấu khác của Mỹ đã bị nổ tung ngay trên bầu trời Hà Nội. Thất bại của Mỹ trong trận tập kích dẫn đến thất bại của Nixon về chính trị bội phần cay đắng hơn. Thắng lợi lịch sử của trận “Điện Biên Phủ trên không” là đòn quyết định nhất buộc Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh.
Chiến thắng “Trận Điện Biên Phủ trên không” là đòn quyết định nhất buộc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký vào Hiệp định Paris.
Ảnh Internet
Ngày 23/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27/1/1973 diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris. Với 9 chương, 23 điều và 4 Nghị định thư kèm theo, nội dung chủ yếu của Hiệp định Paris khẳng định: Mỹ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi Hiệp định Geneve; các bên thực hiện ngừng bắn, chấm dứt chiến sự không thời hạn; Mỹ chấm dứt mọi hoạt động chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ... thừa nhận sự hiện diện hợp pháp của Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền Nam, sự tồn tại và địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… Mỹ rút quân nhưng Việt Nam vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Hiệp định Pariss 27/1/1973 là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại, ngụy mất chỗ dựa và suy yếu, ta giữ nguyên lực lượng và lớn mạnh lên, xuất hiện cục diện mới, so sánh lực lượng mới ở miền Nam. Đây là điều kiện cơ bản rất thuận lợi cho ta trên con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày 23/1/1973, cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ông Henry Kissinger, cố vấn an ninh, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ ký tắt Hiệp định Paris. Ảnh Internet
Ngoại trưởng Mỹ William P. Rogers ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh Internet
Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh Internet
Tiếp đó, ngày 2/3/1973, đại diện 12 chính phủ, gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Việt Nam cộng hòa và 4 nước trong Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế đã họp tại Paris để ra Định ước ghi nhận và bảo đảm Hiệp định Pa-ri và các Nghị định thư về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được thi hành một cách nghiêm chỉnh và triệt để.
Hội nghị Paris giành được thắng lợi to lớn phải kể đến sự ủng hộ sâu rộng của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Trong suốt thời gian dài diễn ra cuộc đàm phán tại Paris, có thể nói không có tuần nào, tháng nào mà không có các cuộc mít tinh, biểu tình hay các hoạt động khác đoàn kết với Việt Nam diễn ra tại các nước châu Âu. Phong trào ủng hộ Việt Nam nở rộ và dâng cao với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Những “Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam”; những ngày, tuần, lễ, tháng hành động vì hòa bình ở Việt Nam, “Con tàu cho Việt Nam”… được tổ chức khắp nơi từ Pháp, Italy, Đức, Thụy Sĩ, Anh. Tại Mỹ, các cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Hãy đem chiến tranh về trong nước” diễn ra trên quy mô lớn, quy tụ mọi tầng lớn nhân dân tham gia, có lúc đã làm tê liệt cả bộ máy chính quyền và các hoạt động bình thường trong xã hội. Báo chí Mỹ mô tả: “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ, mà cũng chưa từng có trong lịch sử nhân loại”. Phong trào chống chiến tranh phát triển ngay trong Quốc hội Mỹ. Quốc hội Mỹ đã nhiều lần thông qua nghị quyết cắt giảm chi phí chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước. Chúng ta đã thành công trong việc tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”.
Phong trào phản chiến đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam của những người Mỹ yêu chuộng hòa bình. Ảnh Internet
Hiệp định Paris được ký kết, quân và dân ta đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chiến lược “Đánh cho Mỹ cút”, tiến lên “Đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đây thực sự là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung và của lịch sử ngành ngoại giao nói riêng.
Trong Hội nghị Paris, phía ta đã đạt được tầm cao và hiệu quả trong áp dụng phương pháp “vừa đánh vừa đàm”. Hoạt động ngoại giao đã góp phần tranh thủ dư luận thế giới, cô lập kẻ thù, hỗ trợ chiến trường và ngược lại, chiến thắng trên chiến trường đã hỗ trợ to lớn cho công tác vận động quốc tế trong các cuộc đàm phán, buộc địch xuống thang từng bước, làm thay đổi so sánh về tương quan lực lượng quân sự, thế trận trên chiến trường, khiến phía Mỹ từng bước xuống thang. Đàm phán giúp chiến trường giành chiến thắng, tiêu biểu như: Đánh bại kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, khiến Mỹ buộc phải rút quân về nước….
Thắng lợi vĩ đại của Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, đầy trí tuệ, rất bản lĩnh của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30/4/1975. 40 năm đã trôi qua, song ý nghĩa lịch sử của sự kiện ký kết Hiệp định Paris - đỉnh cao của mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Thu Hiền