Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa 2016 - 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân". 5 năm qua, trên tinh thần kế thừa và đổi mới, Chính phủ đã và đang chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ðây có thể coi là "kim chỉ nam" cho các quyết sách và hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong cả nhiệm kỳ. Với quyết tâm cao, Chính phủ luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp; tham khảo, vận dụng phù hợp kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật; tạo môi trường pháp lý công bằng, bình đẳng, thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển và mang tính cạnh tranh khu vực, quốc tế. Hằng năm, Chính phủ cho ý kiến khoảng từ 17 đến 24 dự án luật, pháp lệnh; đã ban hành gần 700 nghị định và hơn 200 quyết định quy phạm của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ về số lượng, mà chất lượng văn bản pháp luật ngày càng được nâng lên, thật sự đi vào thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã nỗ lực hành động quyết liệt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới. Ðến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893 trong số 6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776 trong số 9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, 30 trong số 120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Cùng với quyết sách đúng, quyết tâm hành động, Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả; tăng cường minh bạch, trách nhiệm thực thi, chủ động kiến thiết các cơ chế, chính sách để định hướng phát triển; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những gì Chính phủ làm được từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thể khẳng định một Chính phủ liêm chính, trong sạch, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; một Chính phủ phục vụ, nỗ lực gần dân hơn, sát dân hơn, quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, bức xúc, phát sinh liên quan cuộc sống của nhân dân. Ðặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, với vai trò người đứng đầu Chính phủ đã có nhiều quyết định, xử lý công việc theo đúng tinh thần phục vụ nhân dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
"Kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách", nhìn vào thực trạng về "những giấy phép con", "những cây đinh dưới tấm thảm đỏ", người đứng đầu Chính phủ đã trăn trở vấn đề "Chúng ta cần tự hỏi bộ máy của chúng ta đã phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp hay chưa?". Ðể phục vụ nhân dân tốt hơn, cần kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, có tiêu cực, nhũng nhiễu dân; làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, từng ngành, từng cá nhân, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết xử lý khi có vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, thông điệp nêu trên có sức lay động lớn và dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang đi vào những việc cụ thể nhất và hình ảnh về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ ngày càng đậm nét.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ tổ chức triển khai hệ thống tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ. Việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã và đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả rất tích cực. Ðã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin như cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành. Các cơ quan Nhà nước đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân như: Ðăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… Một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức. Ðược khai trương từ ngày 09/12/2019 đến nay, sau hơn chín tháng hoạt động, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có những kết quả tích cực. Ðã tích hợp, cung cấp 1.247 dịch vụ công trực tuyến với 6.842 thủ tục hành chính tại bốn cấp chính quyền. Chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp (tại thời điểm cung cấp một nghìn dịch vụ công) khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.722 tỷ đồng/năm và con số này sẽ tiếp tục tăng theo số lượng dịch vụ công được tích hợp.
Một trong những điểm sáng nổi bật thể hiện tinh thần Chính phủ hành động, đó là việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Tổ công tác đã hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm, đem lại hiệu quả tích cực, có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển động của toàn hệ thống hành chính nhà nước. Số nhiệm vụ quá hạn đã giảm 22,63% so với trước khi Tổ công tác được thành lập.
Nhìn lại chặng đường 05 năm vừa qua có thể khẳng định quyết tâm xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân" là một định hướng đúng đắn, hợp lòng dân; góp phần hiện thực hóa Cương lĩnh chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà quan trọng hơn là sự "tăng trưởng" niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với Ðảng, Nhà nước, bộ máy chính quyền, đây là yếu tố quyết định mọi thành công. Trong giai đoạn thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đất nước hiện nay, một lần nữa đã thể hiện Chính phủ chủ động vào cuộc, hành động kịp thời với tinh thần "chống dịch như chống giặc", được toàn dân ủng hộ. Một dấu ấn nổi bật nhất trong chống và chiến thắng đại dịch COVID-19 chính là củng cố niềm tin của nhân dân vào Ðảng, Nhà nước, Chính phủ.
Dự thảo Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng xác định: "Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực" là một trong ba khâu đột phá chiến lược của nhiệm kỳ.
Ðây là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Do vậy, việc xây dựng "Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân" vẫn là một định hướng lớn, một giải pháp quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Mai Tiến Dũng
Ủy viên Trung ương Ðảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Theo Báo Chính phủ điện tử
Tâm Trang (st)